Đêm 'Hòn ngọc Viễn Đông', nghe phố trở mình
Những khi có dịp đi đâu về khuya, chạy xe trên những con đường sáng choang ánh đèn đủ màu sắc, tôi chợt nhận ra Sài Gòn cũng có những lúc yên ắng lạ thường, để có thể nghe được tiếng phố trở mình…
Sống ở Sài Gòn này ngót nghét mười lăm năm, tôi đã vài lần rời xa thành phố đến một nơi khác để làm việc. Nhưng rồi số phận đẩy đưa, hay chính sự lựa chọn của bản thân khiến tôi cuối cùng rồi cũng quay trở lại thành phố hoa lệ náo nhiệt này.
Những lần xa thành phố, tôi nhớ rất nhiều chuyện với nơi mà mình từng gắn bó một thời gian đủ để gọi là dài, nhớ những lần ngồi cà phê bệt ở công viên 30 Tháng 4, những khi lang thang đi bộ ở quận 1 chụp ảnh phố phường, hay lúc ngắm đợi hoàng hôn ven sông khu Bình Triệu,… Vậy mà thứ làm tôi ấn tượng mãi, lại là mớ ký ức hỗn độn và chắp vá từ những buổi đêm bắt gặp một Sài Gòn yên ắng, khác lạ.
Sài Gòn đêm rực rỡ với muôn vàn ánh đèn
Ấy là thời sinh viên thức khuya học bài hay mê mải trò chuyện với bạn cùng phòng. Cho tới lúc đói bụng thì chợt nghe những tiếng rao đêm vang vọng trong con hẻm vắng: tiếng gõ lách cách của hai thanh gỗ cho biết một quầy mì gõ, hủ tiếu gõ đang ở gần đó, tiếng rao ê a kéo dài của một chị giọng Bắc bán bánh giò, rồi tiếng gọi mời trầm đục của chú bán bánh mì nóng giòn,…
Ấy là giai đoạn làm phục vụ nhà hàng, hết ca là đúng 12g đêm, phải chạy về nhà thiệt nhanh qua những con đường đèn điện còn sáng choang nhưng xe đã thưa, người đã vắng.
Và rồi tôi chợt nhận ra rằng mình không hề đơn độc, mà trái lại còn thấy đồng cảm và được an ủi bởi những con người lao động miệt mài buổi đêm gặp trên đường: anh bảo vệ le te chạy xe đạp về nhà, chị lao công mải miết với cây chổi quét đường, người vô gia cư cặm cụi nhặt đồ đồng nát từ thùng rác,…
Một góc phố Sài Gòn về đêm
Có vài lần tôi lượn lờ ở khu phố Nhật qua các con đường Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn, Thi Sách,… để chụp ảnh đường phố Sài Gòn. Khu phố đã mở ra một cuộc sống khác, tách biệt với vẻ bình thường vào ban ngày và so với khu vực xung quanh.
Khi ánh đèn lên, những cửa hàng, quán ăn, spa – massage trở nên náo nhiệt và ồn ào. Là những con hẻm nhỏ dọc ngang đầy các dịch vụ sôi động dành cho du khách. Nhưng trước những cửa hàng ấy, các cô gái tiếp tân ăn vận sành điệu, gợi cảm, trong lúc vắng khách đã ngồi túm tụm chuyện trò rôm rả, tranh thủ ăn vặt, thiệt vô tư và vui vẻ.
Một buổi đêm khi tôi bon bon chạy xe về nhà, lướt qua những con đường Nguyễn Du, Võ Văn Tần, Trần Hưng Đạo,… với hàng cây me, cây chò nâu cao lớn hai bên đường, bỗng thấy thành phố này lặng lẽ và bình yên làm sao! Hít một hơi dài không khí đã lắng dịu đi cái oi nồng ban ngày, cảm giác thư thái như đang ở quê nhà.
Sài Gòn có những lúc thật lặng lẽ và bình yên
Sài Gòn có những đêm mưa buồn da diết. Nó khiến con người ta suy ngẫm và gợi nhớ những kỷ niệm xa xưa. Với tay chiếc điện thoại bật lên một bài hát cho hợp tâm trạng, rồi thả lòng mình trôi theo dòng ký ức cũ kỹ. Tiếng mưa ở ngoài kia vẫn rơi đều đều. Mùi đất ẩm ướt hoai nồng theo gió lẫn vào trong không khí.
Nhưng đâu đó ngoài con hẻm nhỏ, hay trên những con đường sáng “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ”, là những phận đời đang chật vật với cuộc mưu sinh, lo lắng tìm một nơi trú ẩn ấm áp, đợi lúc tạnh mưa, trời sáng.
“Sài Gòn chưa xa đã nhớ/ Đường vui đôi chân sớm trưa/ Tình yêu chưa xa đã nhớ/ Lời yêu tan trong tiếng mưa…” (“Tình ca phố” – Sáng tác: Quốc Bảo).
Sài Gòn về đêm khoác lên màu áo sặc sỡ, đây bưu điện thành phố, đường sách Nguyễn Văn Bình, phố đi bộ Nguyễn Huệ sáng rực và sầm uất, đây trung tâm thương mại Diamond Plaza, Takashimaya,… rộn ràng người qua lại. Nhưng cách đó không xa là những người bán hàng rong lấy vỉa hè làm hàng quán, lấy đường phố làm nhà. Và họ vẫn đang sống, vẫn ngày ngày vô tình lắp những mảnh ghép nhỏ cho bức tranh Sài Gòn hoàn thiện và đa sắc màu.
Người dân vui chơi trước bưu điện thành phố
Có một lúc nào đó đi trên đường phố Sài Gòn về đêm, bạn thử đi chậm lại, nhìn ngắm thật khẽ, thật yên, sẽ thấy một Sài Gòn khác lạ. Khi thành phố trở mình, sẽ không còn chiếc áo hoa mỹ, hào nhoáng. Thay vào đó là một Sài Gòn chân phương, rất thật, và rất đời.
Rồi tôi quen dần cái mùi (vị) Sài Gòn (mệt mỏi, thiếu, đói, tuyệt vọng, hy vọng, niềm vui, nỗi buồn…) khi có bảy năm...