Đầu năm, nói chuyện du lịch nông nghiệp tại TP.HCM
Du lịch nông nghiệp được xác định là một trong những sản phẩm quan trọng của ngành du lịch TP.HCM trong giai đoạn tới để có thể khai thác hết các tiềm năng, đưa TP.HCM trở thành trung tâm du lịch của khu vực.
Vai trò của ngành nông nghiệp đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp là rất lớn. Nhân dịp đầu năm, Tạp chí Du lịch TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM về phát triển du lịch nông nghiệp tại TP.HCM.
Diêm dân ở ấp đảo Thiềng Liềng kết hợp nghề làm muối với du lịch cộng đồng. Ảnh: Phạm Nguyễn
6 lợi thế du lịch nông nghiệp TP.HCM
Các huyện ngoại thành TP.HCM năm qua tích cực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ông đánh giá như thế nào về lợi thế của các huyện khi triển khai du lịch nông thôn?
Các huyện ngoại thành TP.HCM có nhiều lợi thế để gắn kết với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, nông thôn tại thành phố.
Thứ nhất, TP.HCM có một số làng nghề, làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển có thể gắn kết phát triển du lịch như làng muối xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Đây là những làng nghề truyền thống đã hình thành và phát triển hơn 100 năm. Hoặc làng nghề mới hình thành và phát triển như làng nghề mai vàng xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, làng nghề nuôi chim yến xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ,… Đây đều là những làng nghề có khả năng gắn kết hoạt động sản xuất với phát triển du lịch.
Thứ hai, TP.HCM có nhiều mô hình là tổ chức, đơn vị, cơ sở nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn từ các mô hình này như Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM (AHTP) - đây là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, còn có trung tâm Công nghệ sinh học, trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản, mô hình trồng trồng rau thủy canh tại TP.Thủ Đức, mô hình nuôi tôm theo công nghệ Biotech tại huyện Cần Giờ… Du khách hoàn toàn có thể đến tham quan, thực hành, trải nghiệm làm thử sản phẩm tại chỗ.
Thứ ba, TP.HCM đã và đang triển khai thực hiện Chương trình OCOP, theo hướng tập trung phát triển sản phẩm OCOP chất lượng cao, sản phẩm OCOP với tính sáng tạo. Sản phẩm OCOP được đánh giá trong thời gian qua như mật dừa nước của huyện Cần Giờ; bột rau má của huyện Củ Chi; cà phê hương đậu xanh, khoai môn, matcha của huyện Hóc Môn… đều là những sản phẩm mang đặc trưng riêng của thành phố, mà du khách có thể trực tiếp tham quan và trải nghiệm quy trình sản xuất đối với từng sản phẩm.
Thứ tư, cơ sở hạ tầng vùng thôn thành phố được chú trọng đầu tư xây dựng theo chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2009 đến nay, tạo điều kiện cho việc giao thương hàng hóa và hỗ trợ phát triển hoạt động du lịch vùng nông thôn thành phố.
Thứ năm, xu hướng khám phá, trải nghiệm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp tại khu vực nông thôn ngày càng tăng cao đối với người dân thành phố. Với hơn 9 triệu dân sinh sống, lượt khách quốc tế đến Thành phố bình quân đạt 7-8 triệu lượt du khách, lượt khách nội địa khoảng 29-32 triệu lượt người, rất thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu tour du lịch sinh thái.
Thứ sáu, vùng nông thôn thành phố với những tuyến, tour du lịch hiện có (tour tham quan địa đạo Củ Chi, tour tham quan biển Cần Giờ,…) hoàn toàn có thể gắn kết với những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, để trở thành các tuyến, tour du lịch mới.
Cánh đồng hoa ở huyện Hóc Môn. Ảnh: Hải An
Gắn du lịch nông nghiệp với OCOP, nông thôn mới
Chương trình OCOP - nơi các đặc sản được tìm thấy, là chương trình lớn của cả nước, được xác định phát triển không tách rời du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hiện Sở cũng như TP.HCM đang gắn kết OCOP với du lịch như thế nào, thưa ông?
Thành phố triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ năm 2019 đến nay đã có 130 sản phẩm được đánh giá sản phẩm 3-4 sao và 1 sản phẩm đã trình trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Du lịch nông thôn có vai trò quan trọng góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP. Đây là cơ hội vừa giới thiệu sản phẩm vừa hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn tại các huyện nông thôn mới ở TP.HCM.
Hiện Sở cũng như các sở ngành khác của thành phố đang được gắn kết OCOP với du lịch thông qua việc trình UBND TP xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển du lịch gắn kết với phát triển sản phẩm OCOP.
Cụ thể, Sở Du lịch là cơ quan được chủ trì, được UBND thành phố giao nhiệm vụ tham mưu triển khai thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, Sở Du lịch đang tham mưu UBND Thành phố ban hành và thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030”, với nhiều đề án về hỗ trỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có đề án phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (phát triển du lịch gắn với phát triển sản phẩm OCOP).
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM
Đặc biệt, thời gian qua nhiều chương trình du lịch lớn của thành phố như Ngày hội Du lịch TP.HCM, Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM và các chương trình quảng bá du lịch tại các tỉnh thành… đều có sự xuất hiện của các sản phẩm OCOP.
Hội Nông dân thành phố đang triển khai thực hiện “Đề án Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn TP.HCM”, theo đó cũng chú trọng hỗ trợ các chủ thể OCOP gắn kết hoạt động sản xuất với hoạt động du lịch.
Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2025 (theo Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8/6/2022), theo đó đã xác định rõ những giải giải pháp cần triển khai thực hiện để phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch.
Mô hình du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng (Cần Giờ) đã tạo được tiếng vang lớn trong năm 2023. Ảnh: Phạm Nguyễn
Ngành nông nghiệp TP.HCM trong năm 2024 và các năm tiếp theo sẽ làm gì để phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn, thưa ông?
Trong thời gian tới, Sở NNPTNT (cơ quan thường trực về Chương trình xây dựng NTM của thành phố) sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành kết hoạch chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung chỉ đạo 5 huyện xây dựng nông thôn mới tập trung chỉ đạo triển khai các hoạt động quảng bá các điểm du lịch nông thôn hiện có tại địa phương, xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động chính bản thân người dân địa phương cùng tham gia quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch nông thôn tại địa phương mình.
Sở cũng sẽ phát động phong trào khởi nghiệp du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm tại nông thôn để người dân địa phương có thể học tập và nhân rộng.
Để phát triển đồng bộ và khai thác hết tiềm năng, tại 5 huyện nông thôn mới, TP.HCM sẽ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch, gắn kết tour, tuyến du lịch hiện có với các địa điểm sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Khi không gian ngập tràn mùi hương và màu sắc rực rỡ của những loài hoa, ta biết Chúa Xuân đã chạm bước tới hiên nhà.