Chuyển đổi số trong ngành du lịch không chỉ là những con số, mà đằng sau nó, nghệ thuật hóa và thi vị hóa những chuyến hành trình cũng là chuyển đổi số ở tầng giá trị thêm vào. Tạp chí Du lịch TP.HCM trân trọng giới thiệu bài viết khá thú vị của TS Nguyễn Thanh Hòa - Trưởng phòng Thông tin Điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM về vấn đề này.
Một bữa cơm bình thường chỉ có dưa cà, mắm ớt, ở một khung cảnh đồng quê vàng ươm cũng làm lòng người xao xuyến. Một bữa cơm thịnh soạn ở khách sạn năm sao, có ánh nến, có hoa hồng trên nền nhạc du dương cũng chăm sóc từng trải nghiệm khách hàng. Một đoạn đường đèo quanh co uốn lượn với vài nóc nhà đang nhả khói lam chiều cũng đủ đong đầy ống kính lữ khách. Cả ba cung bậc vừa nêu, đều có thể tìm thấy trong những khoảnh khắc của ngành du lịch. Nay lúc gió xuân đang về, mưa xuân lành lạnh, nhắc chuyện du lịch càng thấy lòng muốn chia sẻ vài mong mỏi cho chuyện chuyển đổi số du lịch đang diễn ra sôi động ngoài kia.
Ngành du lịch trong kỷ nguyên số
Bài viết này không đi sâu phân tích số liệu mà đi thẳng vào phần ý nghĩa đằng sau những con số để thấy nghệ thuật hóa, thi vị hóa những chuyến hành trình cũng là chuyển đổi số ở tầng giá trị thêm vào. Vài câu, dăm chữ như thế, tạm gọi mở đề.
Nền tảng văn hóa của du lịch
Nói đến nghệ thuật hóa, là nói đến nền tảng văn hóa. Ngành du lịch khai thác giá trị văn hóa trong mối tương liên giữa cảnh sắc, lòng người và sự rộng mở tiếp nhận những giá trị mới. Một chuyến đi không làm du khách lớn lên trong tâm hồn, không khai mở những mối liên kết, không đọng lại hình ảnh của đất, của người là chuyến đi thất bại.
Truyền thông bước vào du lịch như một phần của sự trình diễn hoang sơ của đất trời, sự bộc bạch của trái tim và sự gắn kết của những giá trị văn hóa, nhân sinh. Và đặc biệt hơn, truyền thông số lại có vai trò sứ mệnh lớn hơn cả ý nghĩa ban đầu của nó, khi thương mại điện tử, livestream bán hàng, nhật ký du lịch, dữ liệu khách hàng, liên kết kích cầu đều đan xen xung quanh du lịch như là một ngành kinh tế tổng hợp.
Ngành du lịch khai thác giá trị văn hóa trong mối tương liên giữa cảnh sắc, lòng người và sự rộng mở tiếp nhận những giá trị mới
Trên mặt đất lấp lánh hoa cương này, đi qua, nhìn lại thì có đến bốn phương, tám hướng. Ngành truyền thông giúp cho lữ khách phân vân đi về hướng nào diệu hợp nhất với mong đợi, ước muốn trong lòng. Chuyển đổi số du lịch, chính vì vậy đang được thúc đẩy bởi chuyển đổi số ở ngành công nghệ thông tin và truyền thông, cùng lúc với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và kinh tế nền tảng đang ngày một sôi động.
Giá trị của sản phẩm du lịch
Trước tiên, sản phẩm du lịch là sự hội tụ của những yếu tố tinh túy của đất trời như hoa nở, trái chín, quang cảnh đầy màu sắc. Lớp ý nghĩa thứ hai bao gồm các yếu tố thuận lợi do con người tạo ra như nơi ăn, chốn ở, chương trình đi lại, sự kiện, nghệ thuật dẫn chuyện, các tiện ích kèm theo. Lớp thứ ba là sự ngạc nhiên, bùng vỡ tại những khoảnh khắc mà lòng người, thông qua các giác quan, tiếp xúc với môi trường trải nghiệm.
Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa những hành trình, trải nghiệm, biến dữ liệu thành mô hình kinh doanh phù hợp nhất, thuận theo tiết khí, mùa màng và những khúc quanh của năm tháng, đời người. Bởi vậy, cho nên, chữ thời (thời gian) trải đều qua những biến dịch và trong mối tương quan giữa lòng người và ngoại cảnh xung quanh.
Lấy một ví dụ để dễ hình dung: một chuyến tàu chở khách du lịch trên sông. Ngành du lịch lo cho du khách từ lúc xuất phát, lúc nghỉ ngơi thưởng thức trên tàu cho đến lúc tàu cập bến. Chiếc tàu ấy thuộc về ngành giao thông, nhà bếp thuộc về ngành thương mại. Và dòng sông ấy chính là ngành truyền thông với nhiều phụ lưu, chi lưu và nhiều cảnh quan hiển bày ra trước mắt du khách. Ngoài truyền thông chính thống, nay ta lại có truyền thông xã hội, có vũ trụ ảo, có thực tế ảo tăng cường; tất cả đều nhằm tăng lên trải nghiệm khách hàng.
Chuyển đổi số trong ngành du lịch nhằm mục tiêu tăng trải nghiệm cho khách hàng
Để thi vị hóa, nghệ thuật hóa chuyến đi trên con sông ấy, khắc ghi hình ảnh bến sông lóng lánh thơ mộng ấy, dữ liệu số bước vào những mô hình tính toán tối ưu. Làm sao để biết, đúng 4 phút 30 giây thì hướng dẫn viên nên ngừng nói để du khách lắng lòng thưởng thức bầu trời đầy sao bên trên dạ cầu lấp lánh. Làm sao để biết món tráng miệng kia vừa xong thì tàu cũng vừa cập bến. Làm sao để khoảnh khắc thú vị của chuyến đi này sẽ dẫn đến điểm đến tiếp theo theo lời khuyên rất chân thật và đầy thú vị của hướng dẫn viên đêm nay? Những câu hỏi ấy cần được trả lời bằng những con số và lời giải hay nhất.
Trình diễn truyền thông và du lịch
Trên nền tảng văn hóa, chúng ta thấy những sự kiện văn hóa, những giá trị truyền thống, di sản. Ngành du lịch, thông qua chuyển đổi số, khai thác những sự kiện ấy để tạo ra những trải nghiệm đặc sắc, riêng biệt. Ngành truyền thông số nắm bắt xu thế (trend) để khơi thông những luồng chảy, tối ưu hóa việc khai thác nhằm không tàn phá môi trường và cảnh quan. Ngành thương mại, nhờ chuyển đổi số, sẽ tối ưu hóa việc chi tiêu của khách hàng, gợi mở thêm những hướng đi và trải nghiệm mới.
Dòng chảy sự kiện văn hóa chảy quanh bốn mùa với những điểm nhấn đặc biệt vùng miền. Ảnh: Huy Thoại
Trong bản tổng phổ của một cuộc trình diễn truyền thông ngoạn mục, luôn đòi hỏi những nghệ sĩ điêu luyện, có tài. Với sự phát triển của công nghệ truyền thông số hôm nay, từng bước đi, từng trải nghiệm khách hàng cũng cần những hướng dẫn viên biết sử dụng thành thạo công cụ truyền thông, có ý thức rất rõ về những giá trị mà truyền thông có thể mang lại cho từng chặng hành trình. Đến phiên mình, ngành du lịch lại cung cấp ngược lại cho ngành truyền thông sự phản chiếu của cảm nhận khách hàng, của xúc cảm tương liên của thời khắc, cảnh vật và lòng người.
Một năm có 12 tháng. Dòng chảy sự kiện văn hóa chảy quanh bốn mùa với những điểm nhấn đặc biệt vùng miền. Ngành du lịch nên chăng bỏ một để thêm một để có sự tròn đầy sáng tạo. Đó là bỏ bớt “sự tự phát” của điểm đến và thêm vào “sự hoạch định vĩ mô” của của ngành. Khi những con số được thu thập và trải dài trên trang tính, đâu có khó gì nhìn thấy những mẫu số chung.
Điểm mới đáng quan tâm
Báo cáo e-conomy SEA năm 2023 cho thấy, du lịch trực tuyến Việt Nam đạt giá trị 5 tỷ đô la Mỹ, ước đạt 7 tỷ đô la năm 2025 và 10 tỷ đô la năm 2030. Cuối năm 2020, Bộ Văn hóa Thể thao phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố đã phê duyệt Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020-2030. Những chính sách và chỉ dấu nêu trên đang tích hợp với dòng chảy chuyển đổi số, tạo ra dư địa rất lớn cho ngành du lịch nếu như chúng ta thực thi chính sách một cách hiệu quả.
Hiện tại, những nỗ lực địa phương cùng với sự năng động, sáng tạo của từng doanh nghiệp du lịch cũng mới chỉ tạo ra những điểm nhấn riêng lẻ, thiếu liên kết. Việc liên kết vùng trong du lịch sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm, khai thác sâu tiềm năng, lợi thế và đặc biệt là tránh dẫm chân lên nhau trên hành trình chinh phục trái tim khách hàng.
Tuy nhiên, cũng cần phải quan tâm đến sự mất cân xứng giữa du lịch nội địa và du lịch ra nước ngoài. Cần khắc phục tình trạng sai số trong thống kê và đặc biệt là dựa vào lượng hơn chất. Điều đáng lưu ý, khu vực châu Á và Thái Bình Dương có dấu hiệu đang hụt hơi trong cuộc đua thu hút khách. Vậy thì chúng ta nên kỳ vọng gì và có thể làm gì lúc này?
Thay lời kết
Đúng là chúng ta có những kỳ vọng, một trong số đó là du lịch văn hóa dự kiến đóng góp 20-25% trong tổng số khoảng 130 tỷ đô la tổng thu từ khách du lịch đến năm 2030. Chỉ riêng năm 2023, ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh có đóng góp doanh thu hơn 160 ngàn tỷ đồng. Để đạt được những con số hơn mức kỳ vọng đó, chúng ta cần phải làm rất nhiều việc, và việc quan trọng nhất là đón đầu con sóng chuyển đổi số cho năm 2024.
Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn chủ đề năm 2024 là: “Đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố”. Nói một cách nào đó, ngành du lịch thành phố đứng trước một yêu cầu quản lý sự thay đổi. Vì chuyển đổi số là một sự thay đổi rất lớn về mô hình kinh doanh và kể cả triết lý kinh doanh. Trong chuyển đổi số, không có chuyện chỉ khu biệt ở một nền tảng, một ứng dụng hay một cơ quan nhất định, mà hãy nhìn vào bốn trụ cột quan trọng: nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ và dữ liệu. Thiếu một trong bốn, việc chuyển đổi số khó thành.
Chợ hoa Bến Bình Đông. Ảnh: Huy Thoại
Trở lại với bữa cơm truyền thống ngày xuân đã nói ở trên. Giờ thì các bà, các cô nội trợ không phải từng bước đi chợ, mua từng món hàng để nấu nướng như xưa nữa. Chợ Tết có thể đến tận nhà thông qua các ứng dụng số. Tuy vậy, ước muốn trải nghiệm không khí họp chợ và sức sống của đô thị mới vẫn còn đó. Chuyển đổi số cũng cần cảm giác thi vị và đẹp mắt cho cuộc sống thường hằng.
Thế nên, ngành du lịch cần bước vào mùa Xuân với tâm thế sáng tạo, đổi mới dựa trên dữ liệu lớn. Trí tuệ nhân tạo, bán hàng thông qua livestream là những lựa chọn sẵn có và đang ngày một phong phú thêm. Hãy đặt ra những câu hỏi hay nhất, ngành công thương và thông tin và truyền thông, với những giải pháp chuyển đổi số đã và đang triển khai, sẽ có câu trả lời tương ứng.