Chuyến đi không có vé khứ hồi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tôi đã đứng thật lâu ở bên cây cầu Tân Đệ khi bà mất. Khi ấy tôi nghĩ, linh hồn bà như một áng mây nhẹ vương trên bầu trời, đang vắt ngang hướng về miền quê nơi ấy. Kí ức của tôi lại như một thước phim quay chậm để được trở về với…

Cuộc đời là những chuyến đi. Có những chuyến đưa ta đến những miền đất mới, gặp gỡ những con người mới, trải nghiệm những cảm xúc mới. Có những chuyến lại đưa ta trở về với nơi chốn thân quen và những con người cũ. Hành trình vạn dặm đôi khi lại bắt đầu từ những đôi chân nhỏ bé… Và đó là lý do, mỗi khi bắt đầu một cuộc hành trình, trong kí ức tôi lại hiện về những chuyến về quê cùng bà ngày thơ bé.

Bà sống cùng chúng tôi ở thành phố Nam Định nhỏ bé vì theo bố mẹ tôi sang định cư, quê bà ở Tiền Hải – vùng quê lúa Thái Bình.

Chuyến đi không có vé khứ hồi - 1

Thường chỉ đợi đến hè, khi lũ cháu được nghỉ, bà mới khấp khởi thu xếp về thăm quê một chuyến trong năm. Trước mỗi chuyến đi ấy, bao giờ bà tôi cũng mất ngủ cả tuần, phần vì háo hức, phần vì lo chuẩn bị quà nọ, quà kia cho họ hàng, láng giềng. Rồi cả những thứ đồ quần áo, thuốc men lặt vặt phòng nhỡ cháu có ốm sốt… Tôi vẫn nhớ tiếng đài bà hay bật xè xè lúc 21 giờ hằng đêm có chương trình ca vọng cổ hay ngâm thơ. Những đêm ấy, nằm cạnh bà, tôi nghe tiếng thở dài trở mình trằn trọc…

Hè năm ấy, khi vừa được huấn luyện và lấy bằng lái xe máy thì bố giao nhiệm vụ: tự chở bà về quê. Quãng đường từ thành phố Nam Định về quê khoảng 40 cây số, đi qua phà Tân Đệ. Trong hình dung của con bé gầy còm là tôi, nó như một phép thử ghê gớm lắm.

Buổi sáng, trời xầm xì như muốn mưa. Bà tôi chạy ra chạy vào lo lắng, gập mảnh áo mưa xanh cũ kĩ cho vào tay nải. Rồi khi hai bà cháu đến phà thì mưa rầm rập, trắng xóa, gió thổi như muốn tạt bay người. Đứng co ro đợi phà, vì mưa to gió lớn, sông cuộn sóng nên phà từ bên bờ Thái Bình chòng chành đợi khách cả tiếng đồng hồ mới sang. Những trận gió tạt nước mưa cùng những trận sóng chồm lên phà như muốn nuốt chửng người dân trên chuyến phà mưa bão. Bà co ro trong mảnh áo mưa cộc, bám chặt cánh tay tôi… Lúc ấy tôi ước mình có hình dáng của một chàng trai để che chắn cho bà.

Chuyến đi không có vé khứ hồi - 2

Phà cập bến sang đất Thái Bình xong thì mưa ngớt. Đi qua đoạn đường nhựa ở thị xã Thái Bình khi ấy thì phía trước tay lái chiếc xe cup của tôi là những con đường đất nhão nhoẹt bùn sau mưa. Đất bùn bám dính gần quá nửa bánh xe, đôi tay tôi cầm lái như cứng đờ vì chỉ chệch ra khỏi vết đường mòn thì cả hai bà cháu sẽ ngã.

Trong lúc căng thẳng tột độ ấy, những giọt nước mưa khiến mắt tôi cay xè, bà nhỏ thó ngồi sau xe chỉ dám bám nhẹ vào gấu áo vì lo cháu ngã. Tiếng bà thẽ thọt đằng sau: “Hay bà xuống đi bộ cho con đỡ nặng…” Bằng tất cả bình sinh tôi chỉ cố trấn an bà giữa quãng đường ngổn ngang bùn đất, vắng tanh xe cộ: “Bà cứ ngồi yên, con đi được qua chỗ khó nhất rồi.” Đi qua con đường lầy lội với một tay lái mới, cả hai bà cháu mới thở phào nhẹ nhõm khi những cánh đồng lúa vàng miên man của vùng quê trải ra trước mắt. Con đường nhỏ men vào làng, cái cổng làng quen thuộc rồi đến cái giếng đầu làng trong xóm Vân Trường, hai bà cháu dừng chân để lau chùi những vết bùn lấm lem, cười rổn rảng như vừa vượt qua thử thách khắc nghiệt.

Mỗi chuyến về quê ấy, trong trí nhớ, tôi được nằm với bà trên chiếc võng ở chái nhà cũ, bà đu đưa chiếc võng giữa tiếng rì rào của gió sông Đào mát rượi. Tôi hít thật sâu mùi hương của lúa chín, mùi rơm rạ ngai ngái thỉnh thoảng lẫn tiếng trâu bò. Tôi rúc vào người bà ngủ, thứ mùi thân thuộc của mấy chị em tôi từ nhỏ đến lớn, khi bố mẹ đi làm từ sáng đến tối, chỉ có mình bà lui cui chăm đàn cháu.

Chuyến đi không có vé khứ hồi - 3

Đêm đó, người tôi nóng ran, do ngấm lạnh kèm những cơn ho dài sặc sụa. Trong trận sốt miên man ấy, tôi vẫn thấy dáng lưng còng của bà ngồi bên, bà đắp khăn mát lên trán, lục cái làn nhựa đỏ đựng tay nải, mang sẵn một lọ siro bổ phế Nam Hà, đút từng thìa nhẫn nại cho tôi như đứa trẻ lên ba.

Cho đến sau này, khi lấy chồng rồi sinh con cái, mỗi khi con ốm, tôi lại luôn nhớ đến giây phút ấy. Bà ngồi cạnh nắm tay tôi, lau trán, lau người bằng khăn cho tôi bằng tất cả dịu dàng của người bà. Và cũng như một thói quen của kỉ niệm, sau này khi chăm những đứa trẻ của tôi khi ốm, tôi vẫn mua những lọ bổ phế chai nâu thân thuộc ấy…

Giờ chúng tôi không còn bà nữa. Câu chuyện về bà, về những chuyến đi ngày hè ấy thỉnh thoảng lại được chị em tôi cay cay khóe mắt nhắc lại… Đứa kể về quê sợ vì mất điện, trời tối om, lẽo đẽo đi theo bà giữa con đường ruộng gập gềnh, đứa nhớ cây chay góc ao ở ngôi nhà cũ ở quê, quả ngọt và thơm lừng, ngon bá cháy. Đứa nhớ đĩa bánh cuốn quê rất đặc biệt, cuộn thật chặt tay chấm với nước mắm cốt…

Kỉ niệm về bà, về miền quê ấy luôn được ghi dấu trong trí nhớ của chị em tôi. Và sau này, trong những câu chuyện với con, không bao giờ thiếu chuyện về chuyến đi đáng nhớ ấy… Bởi đó là những chuyến đi của tình yêu, như chuyến tàu một chiều mà không bao giờ có thể mua vé khứ hồi.

BỔ PHẾ NAM HÀ – THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị đồng hành tổ chức cuộc thi “Check in cùng Bổ Phế Nam Hà – Xoa dịu cơn ho, tự do khám phá”

Bổ Phế Nam Hà là thuốc ho thảo dược được tin dùng bởi nhiều thế hệ gia đình, từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc chăm sóc sức khỏe hô hấp người Việt.

Công dụng: Điều trị hiệu quả các trường hợp ho do cảm mạo, ho gió, ho khan, ho có đờm, ho do dị ứng thời tiết, ho lâu ngày không khỏi, đau rát họng, khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.

Nhà sản xuất: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM NAM HÀ

415 Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Số XNQC: 1e/2023/XNQC/YDCT; 3e/2023/XNQC/YDCT; 4e/2023/XNQC/YDCT

Liên hệ tới tổng đài 1800 1155 (miễn cước) hoặc truy cập vào website: https://bophenamha.vn/ nếu cần hỗ trợ thêm thông tin chi tiết về bộ sản phẩm Bổ phế Nam Hà.

Hà Giang – Miền cổ tích
Hà Giang – Miền cổ tích

Bị ấn tượng bởi những bức ảnh về bản làng cheo leo trên đỉnh núi chìm trong mây phủ, những cây đào mọc chơ vơ trên...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Thị Thu Hiền