Bắt xu hướng du lịch để phục hồi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhu cầu thực tế do dịch Covid-19 đã dẫn đến những xu hướng mới mà du lịch Việt Nam cần nắm bắt.

Kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19

Có nhiều bài học từ đại dịch Covid-19 mà Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đưa ra như: hỗ trợ của chính phủ là nền tảng để quản trị khủng hoảng và phục hồi, các hệ thống linh hoạt có xu hướng chống chịu tốt hơn, chuyển đổi số có thể áp dụng với quy mô lớn...

Tuy nhiên, với bối cảnh Việt Nam, có những bài học cần lưu tâm hơn.

Bắt xu hướng du lịch để phục hồi - 1

Check-in khách sạn theo xu hướng du lịch không chạm, khách làm thủ tục nhận và trả phòng trên máy, không cần lễ tân.

Bài học đầu tiên là cần trang bị các kiến thức về quản trị khủng hoảng và xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng. Đây rõ ràng là lĩnh vực xưa nay chúng ta chưa chú trọng nhiều, nên khi đại dịch xảy ra, chúng ta còn có nhiều lúng túng trong việc quản trị khủng hoảng hay như còn thiếu nguồn ngân quỹ cho xử lý đại dịch.

Bài học tiếp theo là tránh bị phụ thuộc vào một thị trường hoặc sản phẩm. Trước đây, chúng ta làm du lịch thường chỉ chú trọng nhiều vào một số thị trường hoặc một sản phẩm. Người khổng lồ cũng phải “đi bằng hai chân”. Nếu chúng ta vẫn cứ đi bằng một chân thì khi gặp khó khăn như dịch bệnh thì chúng ta không thể chuyển đổi được một mô hình nào mới lập tức.

Ủy ban Văn hóa - Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức Hội thảo “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” vào ngày 25.12 tại TX.Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, đồng thời kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước, trong đó có các địa phương trọng điểm về du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang…

Khoảng 300 đại biểu là các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước đã đăng ký tham dự hội thảo. Hiện hội thảo cũng nhận được gần 100 tham luận với nội dung phong phú và chuyên sâu, tập trung vào các vấn đề: Đánh giá thực trạng du lịch VN dưới tác động của tình hình Covid-19 và nhận diện thời cơ, thách thức sau khi dịch bệnh kết thúc; Đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi du lịch; Đề xuất, kiến nghị các giải pháp dài hạn phát triển du lịch bền vững.

Đại dịch cũng cho chúng ta thấy cần phải liên kết và hợp tác trong khủng hoảng. Khi sức tàn phá kinh tế từ Covid-19 không bỏ qua cho bất cứ một điểm đến và doanh nghiệp nào, ngành du lịch mới nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hợp tác đa phương để cùng nhau phục hồi và phát triển trở lại một cách bền vững hơn.

Xu hướng phát triển du lịch trong và hậu đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 mở ra nhiều xu hướng du lịch đến từ nhu cầu thực tế của du khách.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, các chính sách phòng, chống dịch bệnh và hạn chế đi lại, nhập cảnh ở nhiều quốc gia buộc ngành du lịch phải chuyển hướng và tập trung phát triển du lịch nội địa. Thuật ngữ du lịch tại chỗ (Staycation) xuất hiện ngày càng nhiều trong các dự đoán về xu hướng du lịch trong năm 2021 kể từ sau đại dịch Covid-19 diễn ra. Xu hướng này hướng đến các tour du lịch khám phá địa phương thiết kế cho chính người dân địa phương.

Xu hướng du lịch biệt lập, du lịch xanh gắn với địa điểm thiên nhiên biệt lập và văn hóa bản địa cũng sẽ phát triển. Những trải nghiệm “tắm rừng”, thiên nhiên và cuộc sống đời thường của cư dân bản địa mang đến những phút giây chậm rãi tuyệt vời.

Một xu hướng nữa sẽ phát triển là du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Năm 2019, Việt Nam được coi là điểm đến mới nổi của xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Xu hướng du lịch không chạm, du lịch thông minh và tiếp cận chuyển đổi số trong tiêu dùng du lịch. Không chạm khi đi du lịch trong và sau Coivd-19 không chỉ là hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa người với vật dụng mà còn là trải nghiệm du lịch với thiết bị tự động hóa. Tự động hóa trong các thủ tục, giấy tờ trong kiểm soát an ninh, an toàn sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại các sân bay, nhà ga, quầy lễ tân khách sạn…

Các nước cũng sẽ theo xu hướng mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, hợp tác giữa các nước nhằm thúc đẩy việc mở cửa phục hồi du lịch quốc tế sẽ được thực hiện ở Việt Nam và các nước ASEAN vào quý 1/2022.

Ý kiến

Thẻ thông hành xanh trên cả nước có thể tháo nút thắt cho nhiều ngành từ du lịch đến thương mại, vận tải, hàng không, dịch vụ… để dần phục hồi các hoạt động kinh tế nước nhà. Tại nhiều quốc gia trong Liên minh EU, Philippines... luật về thẻ thông hành xanh hoặc gần như vậy còn được Quốc hội thông qua nhằm ưu tiên giải quyết tính pháp lý. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm đó.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty du lịch Vietravel)

Các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp du lịch để cùng thỏa thuận về chính sách bán hàng, đảm bảo không phá giá thị trường và cạnh tranh công bằng, chính sách giá bán cho phép hủy hoặc không cho phép hủy dịch vụ. Các đợt bùng phát dịch Covid-19 thường dẫn đến những phản ứng đột ngột hoãn, hủy dịch vụ du lịch của du khách. Các doanh nghiệp cần đưa ra thỏa thuận chung để giải quyết tình huống hoãn, hủy các dịch vụ du lịch vì lý do bất khả kháng. Cũng cần phối hợp với nhau để đưa ra chính sách thay đổi lịch trình, hoặc hoàn trả du khách bằng voucher trong thời hạn ngắn.

Ông Hoàng Nhân Chính (Hội đồng Tư vấn du lịch)

Trinh Nguyễn thực hiện

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

PGS.TS. Phạm Hồng Long (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) (Báo Thanh Niên)