Đồng Văn ngày mới…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trước đây, nhắc tới huyện Đồng Văn là hình dung ngay đến sự khó khăn, gian khổ, khắc nghiệt, nghèo nàn, lạc hậu của một huyện vùng cao tỉnh Hà Giang. Vậy nhưng, lên với Đồng Văn hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ của địa phương nơi phên dậu Tổ quốc.

Đến với Đồng Văn, không ít người thắc mắc: Đồng bào các dân tộc ở Đồng Văn làm gì để sống khi bao quanh họ là địa hình núi đá, đất sản xuất hạn hẹp, nước sinh hoạt thường xuyên thiếu, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn… Không chỉ hội tụ những khó khăn của thiên nhiên, trình độ nhận thức của người dân ở Đồng Văn cũng không đồng đều, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn duy trì nên đời sống của người dân khá cực khổ...

Đồng Văn ngày mới… - 1Chợ phiên Đồng Văn

Khó khăn, đói kém đúng là có thật đối với huyện biên giới Đồng Văn – tuy nhiên đó là câu chuyện của rất nhiều năm trước. Nhận thấy rõ những hạn chế của địa phương, thực hiện lời căn dặn của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Giang, những năm qua Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn đã từng bước ổn định cuộc sống cho nhân dân thông qua việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tiến hành khai hoang, phục hóa ruộng nương, mở rộng diện tích đất sản xuất, ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch…

Đồng Văn ngày mới… - 2Thu hoạch lê – một loại cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân ở huyện Đồng Văn

Giờ đây, nhắc tới Đồng Văn không thể không kể đến Mô hình kinh tế gia đình hộ (10 cây ăn quả (lê, mận), cây tam thất 400 mầm, đương quy, tam quy 400 mầm, đỗ trọng 100 cây, chăn nuôi 3 đõ ong mật, 5 con dê, 1,5 con bò, 2 con lợn, 10 con gia cầm, 30 cây sa mộc) và Mô hình kinh tế hợp tác xã (trồng ngô, đậu, cây ăn quả, cây dược liệu, cây lấy gỗ sa mộc, chăn nuôi; phát triển nghề thủ công, mỗi hợp tác xã một lò ngói, một lò rèn hoặc đúc)... đã được triển khai rộng khắp ở xác xã, thôn của Đồng Văn từ cuối những năm 80 của thế kỉ trước.

Tiếp đó là Chương trình phát triển “3 cây, 4 con” và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được chính quyền và nhân dân Đồng Văn phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Nhờ các chương trình này, đến nay Đồng Văn đã trồng mới 160 ha cây lê, nâng diện tích cây lê tập trung lên 195 ha, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha. Đối với cây tam giác mạch, hàng năm huyện bố trí kinh phí hỗ trợ trồng từ 300 - 500 ha cây tam giác mạch, nâng tổng diện tích đạt 1.742 ha. Cùng với đó, cây dược liệu được Đồng Văn khuyến khích đồng bào trồng ở các khu vực có điều kiện, tập trung vào các cây trồng như: Đỗ trọng, đương quy, ấu tẩu, đẳng sâm, bạch truật, xuyên khung, tam thất, thảo quả...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đến nay, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện đã được vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi, xây dựng các gia trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ - hiện toàn huyện có 114 gia trại. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2017 - 2020, Đồng Văn đã có 14 sản phẩm, bộ sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và 3 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao theo chương trình OCOP của tỉnh.

Từ phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp, Đồng Văn đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao như: mô hình chăn nuôi bò vỗ béo thôn Sà Lủng, xã Lũng Táo; mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản ở thôn Sà Phìn B, xã Sà Phìn; mô hình trồng lê cho thu hoạch trên 100 triệu đồng/năm ở thôn Xín Mần Kha, xã Lũng Cú; nuôi ong mật quy mô lớn ở thị trấn Đồng Văn, xã Sà Phìn, xã Vần Chải; mô hình chăn nuôi tổng hợp và xay xát đá đóng gạch bi cho thu nhập 130 triệu đồng/năm ở thôn Tà Lá, xã Sính Lủng...

Đồng Văn ngày mới… - 3Lô Lô Chải - ngôi làng xinh đẹp, điểm đến lý tưởng khi đi du lịch ở Đồng Văn

Với vị trí trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Đảng bộ huyện Đồng Văn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/HU về bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển du lịch - dịch vụ. Từ việc thực hiện Nghị quyết số 05, Đến nay, toàn huyện Đồng Văn có 53% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa; 70% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Đặc biệt, để phát triển du lịch vãn cảnh, huyện Đồng Văn đã chú trọng việc bảo vệ, bảo tồn khai thác các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích tâm linh và đã có 15 di tích, di sản được công nhận - trong đó, Lễ hội xuống đồng của dân tộc Pu Péo đã được công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Song song với việc nâng cao chất lượng du lịch, các hoạt động văn hóa - thể thao như: Lễ hội Khèn Mông Đồng Văn, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Lễ hội Hoa tam giác mạch, giải chạy Marathon... được Đồng Văn tổ chức thành công đã góp phần đưa hình ảnh các điểm đến ấn tượng như: Cột cờ Lũng Cú, Đèo Mã Pì Lèng, Phố cổ Đồng Văn, Dinh thự Vua Mèo… đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài nước.

Ngay giữa những vách đá xám lạnh của Đồng Văn, đã xuất hiện 3 làng văn hoá du lịch - điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách. Mùa nối mùa, hoa tam giác mạch, hoa cải lại bừng nở bên những ngôi nhà tường vững chãi. Hủ tục, đói nghèo đang lùi dần, thay vào đó là những bữa cơm no, những lớp học đông đủ học trò ngay cả những ngày đông giá. Dưới ánh điện lưới Quốc gia, người Mông, người Dao, người Lô Lô… ở Đồng Văn đã biết bàn chuyện nuôi con gì, trồng cây gì để làm giàu…

Sau những gian nan, Đồng Văn đã thực sự bước sang trang mới – một trang mới cần nhiều nỗ lực nhưng cũng đầy ắp niềm tin, hi vọng.

Nghệ sĩ xóm lò gạch
Nghệ sĩ xóm lò gạch

Từ khi cải lương miền Nam hết thời, số nghệ sỹ nghèo quanh năm gắn liền theo ghe hát từ đời này sang đời khác ngơ ngác...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng Mai (Báo Công Thương)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!