NHÀ BÁO UÔNG THÁI BIỂU VỚI “MÙA LỮ HÀNH”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

NHÀ BÁO UÔNG THÁI BIỂU VỚI “MÙA LỮ HÀNH” - 1

 

 

 

 

 

Một ngày đầu tháng 4.2011, gặp tôi giữa đường, Nhà báo Uông Thái Biểu rút từ trong ba lô của mình ra một cuốn sách. Ký tặng cho tôi xong, anh đi ngay. Dáng đi của Uông Thái Biểu không tất tả mà đầy chiêm nghiệm. Dáng đi ấy như gánh cả “Nhịp đều hơi thở phồn sinh của mùa” (một câu của Uông Thái Biểu trong một tác phẩm) mà anh với nghiệp viết đã tự nguyện dấn thân…

Nhà báo Uông Thái Biểu và tôi có hơn hai mươi năm sống và làm việc cùng nhau trên mảnh đất Nam Tây Nguyên màu mỡ “trầm tích” cần đến sự khai khẩn, khám phá của những người dám dấn thân vào “Mùa lữ hành” như Uông Thái Biểu. Thế nhưng, khi đọc xong “Mùa lữ hành” của anh, tôi chợt nhận ra rằng hơn hai mươi năm “sống chung” ấy đã không giúp gì được nhiều cho tôi trong việc chịu khó hiểu về dấu chân “lữ hành” của kẻ lang bạt này hơn những gì mà tôi đã hiểu về anh một cách khá hời hợt. “Mùa lữ hành” của Uông Thái Biểu (do Nhà Xuất bản Trẻ TP.HCM vừa ấn hành) gồm hai phần: Phần ghi chép với những: “Tìm Đào nương ở đất Ca trù”, “Ký ức sông Cầu”, “Phố xưa, người cũ”, “Mùa hoa bần đã qua”, “Hoài niệm những chuyến tàu”… và phần đối thoại và nhân vật với những: “Giới trẻ không quay lưng với Quốc sử”, “Người lưu giữ ký ức dân tộc”, “Một thoáng Nguyễn Cường”, “Đêm Đà Lạt tâm tình với nhạc sỹ Phạm Tuyên”, “Người đoạt giải Khôi nguyên La Mã”, “Người bạn xứ Phù Tang”…

Hơn hai mươi năm sống và làm việc trên cùng một vùng đất nhưng tôi vẫn khó mà hình dung chất báo trong con người vốn không mấy ầm ào này lại…dữ dội đến nhường kia, sau khi đọc xong “Mùa lữ hành”. Hay nói như nhà báo, nhà văn, dịch giả Phan Quang (nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) rằng: “Uông Thái Biểu đi nhiều, gặp nhiều, viết nhiều. Đi với tấm lòng rộng mở đón nhận cái mới, cái đẹp, cái hay, anh chịu khó hỏi han, ghi chép…Qua các chuyến đi, anh để lại nhiều trang gợi cảm. Báo chí là thời sự. Báo viết về những con người và sự kiện tức thời, phục vụ tức thời. Thời gian như nước chảy qua cầu, nếu bài báo còn lưu lại chút cảm hoài trong lòng bạn đọc, thế đã là quá quý”. Rõ ràng là như thế. Tuy nhiên, những trang viết “phục vụ tức thời” trong “Mùa lữ hành” của nhà báo Uông Thái Biểu hoàn toàn có lý do chính đáng để “lưu lại chút cảm hoài trong lòng bạn đọc”! Bởi lẽ, nói như anh: “Tây Nguyên, những tháng gió. Những cơn gió trở mình không vật vã, không bùng lên thành những trận cuồng phong, không làm tơi tả cỏ cây… Mùa gió là mùa đi. Mùa của những kẻ phiêu bồng trong những chuyến lữ hành vô định”. Vì thế, tôi nghĩ, với thời gian, tuổi tác và sức lực, dấu chân lữ hành trong “Mùa lữ hành” của nhà báo Uông Thái Biểu chỉ mới là một chặng đường trong “những chuyến lữ hành vô định” mà anh đã xác định dấn thân mà thôi.

Chỉ mới là “một chặng” trong “những chuyến lữ hành vô định” mà thôi nhưng dấu chân cùng với tấm lòng rộng mở ấy của Uông Thái Biểu đã lưu lại ở hầu hết các miền đất nước: “Sinh ra trên vùng đất có nhiều cánh rừng nước mặn giữa đầm lầy ngằn ngặt lá xanh, triền miên hoa tím đất Lam Hồng, anh lặn lội vào miền Nam, lên cao nguyên nghe âm thanh những ngọn đuốc Mọ Cọ nổ lép bép và rực sáng trong đêm. Anh đến rừng núi Hương Khê, Hà Tĩnh tìm gặp những lão nông bao năm chắt chiu gìn giữ di vật nhà vua yêu nước Hàm Nghi. Anh trò chuyện với những người sục sạo kho báu đồn là của người của người xưa cất giấu tại Lâm Đồng, Bình Thuận. Anh thả hồn chơi vơi theo dòng Thu Bồn, anh lắng nghe tiếng hát sông Cầu, anh hành hương về Đất Tổ, anh thưởng ngoạn Núi Cốc sông Công và thăm Tây Phương chùa cổ. Anh lên xứ Lạng rồi trở lại Đà Lạt, Lâm Viên, lội rừng “Tây Nguyên miền đất huyền ảo” (Phan Quang). Và, tôi xin được nói thêm, dấu chân lữ hành của một con người có máu xê dịch là Uông Thái Biểu cho dù đi đâu hay về đâu thì anh vẫn dành “một góc” đáng kể cho mảnh đất Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên - nơi anh đang sống. Uông Thái Biểu phát biểu: “Mỗi lần trên những nẻo rừng Tây Nguyên, tôi lại rơi vào cảm xúc “trở về”. Trở về với những hình ảnh xa xưa đang được lưu giữ trong không gian văn hóa đầy bản sắc, trong tiềm thức của các tộc người ngàn năm trên núi đỏ, rừng xanh…”. Hoặc như, vẫn là lời của nhà báo Uông Thái Biểu: “Hai mươi năm làm báo ở Tây Nguyên, bước chân của tôi đã từng rảo qua biết bao buôn làng. Con của đồng bằng lên sống với núi rừng, ngày càng thấy yêu rừng, yêu những người bạn rừng tha thiết. Những tên đất, tên buôn mang đặc trưng Tây Nguyên. Những ngọn núi, những triền đá cao, những dòng sông xiết chảy phía thượng nguồn. Không gian hoang dã và thẳm sâu ấy, hút hồn khi đến, nao lòng khi phải rời xa…”. Bởi vậy, thật có lý khi trong cuốn sách dày hơn 270 trang này, nhà báo Uông Thái Biểu đã dành một phần đáng kể cho mảnh đất và con người nơi mình đang sống – Tây Nguyên!

Và, trước khi giới thiệu “Mùa lữ hành” của nhà báo Uông Thái Biểu với bạn đọc, tôi xin được phép mượn lời của nhà báo, nhà văn, dịch giả Phan Quang để kết thúc bài viết này: “Uông Thái Biểu không tự bằng lòng với cái nhìn thấy trước mắt. Anh cố tìm cái hồn văn hóa dân tộc lẩn khuất đâu đây. Những điều chưa tường tận hay muốn tường tận hơn, với tư cách nhà báo, anh cậy lời các học giả, các văn nghệ sỹ qua những cuộc trao đổi. Văn hóa là sức hấp dẫn, mà cũng là cái đền đáp công sức những chuyến đi, những lần gặp gỡ của Uông Thái Biểu”.

KD


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT