Một Do Thái nhỏ giữa lòng Sài Gòn rộng lớn
Ngay giữa TP.HCM có một không gian văn hóa - tôn giáo ấn tượng của người Do Thái. Hãy thử đến đây để chiêm nghiệm về một nền văn minh tuy xa lạ nhưng rất đặc sắc.
Người Do Thái được xem là một trong những dân tộc thông minh nhất trên thế giới, tuy nhiên đối với người Việt Nam thì con người và văn hóa Do Thái còn quá đỗi xa lạ. Để xa hóa gần, mời bạn đến thăm một không gian văn hóa - tôn giáo Do Thái nhỏ giữa lòng thành phố rộng lớn, là trái tim của người Do Thái đang định cư trên đất Việt, cũng là điểm đến mới lạ mà hầu như chưa được biết đến rộng rãi.
Các bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu về Giáo đường Do Thái giáo ở TP.HCM.
Tọa lạc tại số 5a (Villa) trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, Giáo đường Do Thái giáo Sài Gòn hay còn được cộng đồng người Do Thái TP.HCM gọi là Chabad of Vietnam (Saigon) rất khó để có thể nhận ra nếu chỉ đi vội qua.
Giáo đường được xây dựng bên trong một căn nhà ở đối diện với công ty Cát Tiên Sa, có tầng trệt được sử dụng làm một nhà hàng bán thức ăn dành cho người Do Thái gọi là “Kosher”, vì người Do Thái có một hệ thống luật lệ quy định về việc tiêu thụ thực phẩm rất chặt chẽ cho nên họ chỉ có thể sử dụng được những thức ăn được chứng nhận là “Kosher”.
Hòm Luật Pháp bên trong Giáo đường.
Phía trên của căn nhà chính là trái tim của cộng đồng người Do Thái sinh sống tại TP.HCM, là Giáo đường chính mà vào mỗi ngày lễ Sabbath hằng tuần họ đến cầu nguyện cùng Đấng Tối Cao. Do Thái giáo là một tôn giáo vô cùng đặt biệt, một tôn giáo xưa cổ mang trong mình những dấu ấn văn hóa được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Với người Do Thái, Giáo đường không chỉ là một nơi linh thiêng mà còn chính là nguồn mạch và sợi dây liên kết để gắn chặt cộng đồng với nhau.
Giáo đường được phân thành hai bên tả - hữu, một bên dành cho nam giới và một bên dành cho nữ giới. Phần chính của Giáo đường thuộc về bên nam giới với các tủ sách, kinh nguyện được bày trí ngay ngắn.
Các loại kinh sách khác nhau được xếp ngay ngắn trên tủ.
Thùng Dâng Hiến để mọi tín hữu Do Thái giáo đóng góp vào được đặt bên phải Giáo đường.
Phần trung tâm của Giáo đường là bục cầu nguyện Bimah, đây là bục được nâng cao lên bên trong mọi Giáo đường Do Thái, phía trước nó là một tòa giảng mà tại đó người chủ tế (bar) sẽ tuyên đọc Kinh Torah và hướng dẫn các tín đồ trong một buổi lễ cầu nguyện.
Phía trước của bục cầu nguyện Bimah và tòa giảng là phần trọng yếu cũng như thiêng liêng nhất của mọi Giáo đường: Hòm Luật Pháp, mà trong nguyên ngữ Do Thái gọi là “aron ha-qodesh”. Tất cả mọi Giáo đường Do Thái giáo trên thế giới đều có một cái tủ được thiết kế rất đặc biệt luôn đi kèm với một tấm rèm che phủ trên hai cánh cửa tủ.
Đây cũng chính là nơi lưu giữ các cuộn Kinh Torah được chép bằng tay một cách cẩn thận và tỉ mỉ. Trên tấm rèm che ấy có thêu một họa tiết mang ý nghĩa biểu trưng vô cùng quan trọng trong văn hóa Do Thái, đó chính là hai tấm bảng luật pháp của Moses tương truyền được đích thân Đấng Tối Cao ban cho trên đỉnh núi thánh Sinai. Biểu tượng này nhằm nhắc nhở người Do Thái về 10 điều răn của Thượng Đế, đây là những quy tắc cốt lõi nhất trong hệ thống luật lệ của Do Thái giáo.
Bục Bimah cùng tỏa giảng, phía trước là Hòm Luật Pháp.
Bảng 10 điều răn.
Rabbi (Thầy) Menachem Hartman và Cuộn Kinh Torah bên trong Hòm Luật Pháp.
Phía trên Hòm Luật Pháp là Vĩnh Cửu Đăng, trong tiếng Do Thái gọi là “ner tamid”. Nó là một ngọn đèn luôn phải được thắp sáng treo trước Hòm Luật Pháp bên trong mọi Giáo đường và không được để ngọn đèn tắt, “ánh sáng bất diệt” phát ra từ ngọn đèn này được xem là biểu trưng cho Đấng Toàn Năng vĩnh cửu và sự diện diện của Ngài bên trong một Giáo đường.
Ngọn đèn vĩnh cửu “ner tamid”.
Phần dành cho các tín đồ đến tham dự lễ cầu nguyện bài trí đơn giản với những bộ bàn ghế được thiết kế sang trọng có chức năng tương tự các bàn đọc sách trong một thư viện để người Do Thái tại TP.HCM có thể tới lui suy ngẫm, trau dồi kiến thức về tôn giáo của chính họ.
Với nhiều đầu sách phong phú được mang từ Israel sang, các quyển kinh nguyện siddur, bản dịch kinh Torah với nhiều thứ ngôn ngữ,… nhằm phục vụ cho cộng đồng người theo đạo tại đây và cả những ai muốn tìm hiểu về tôn giáo này. Tất cả những điều ấy làm cho khách tham quan dường như lạc vào một thế giới khác, một thế giới cổ xưa với vô vàn giá trị được lưu giữ xuyên suốt trong hơn 4.000 năm lịch sử của người Do Thái.
Tủ sách được phân loại chỉn chu nhằm dễ tra cứu.
Quyển Kinh Torah dùng để chủ tế tuyên đọc trong mỗi buổi lễ nguyện.
Giáo đường mở của từ 9 giờ đến 21 giờ các ngày trong tuần, nhưng riêng vào ngày thứ 7 Sabbath thì Giáo đường hạn chế tiếp khách tham quan không phải là người Do Thái, trước khi đến thăm quan thì chúng ta tốt nhất nên liên hệ sớm với Rabbi (Thầy) phụ trách để có được sự hướng dẫn cụ thể, ngoài ra cần một lưu ý nhỏ là nên tránh đến vào lúc 12 giờ trưa vì đó là khi người Do Thái bắt đầu chuẩn bị cho buổi lễ ngày nguyện thứ hai của mình trong một ngày.
Giáo đường Do Thái giáo Sài Gòn là một điểm đến tâm linh đặc biệt, mới lạ với nhiều người. Đến với nơi đây, du khách tham quan sẽ có dịp đắm mình vào dòng sông văn hóa của dân tộc Do Thái, được thấy và được nghe những câu chuyện thân tình của một cộng đồng bé nhỏ rời quê cha đất tổ và chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai của mình. Giáo đường này chính là nơi bảo lưu văn hóa và tôn giáo của người Do Thái tại TP.HCM, là trái tim Do Thái nhỏ giữa một thành phố rộng lớn nhưng đầy bao dung với những con người dường như xa lạ.
Bảo tàng Áo dài (chi nhánh Áo dài Exhibition, Q.1) vừa diễn ra lễ tiếp nhận áo dài Batik của Indonesia.