Dòng kênh chảy giữa đôi bờ phố

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình trước khi đổ ra sông Sài Gòn. Nhìn từ trên cao, con kênh như một dải lụa mềm len lỏi qua những tuyến đường huyên náo và một loạt kiến trúc kinh điển mang âm hưởng Sài Gòn xưa.

Trong bức tranh nhiều gam màu sáng tối của câu chuyện quy hoạch tại Thành phố Hồ Chí Minh, công trình “xanh hóa” kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có thể xem là điểm sáng lớn nhất cần được ghi nhận. Không chỉ đơn thuần là “hồi sinh” một dòng kênh tưởng chừng đã chết, công trình còn thể hiện tầm nhìn và sự nỗ lực của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố trong việc cải thiện môi sinh, môi trường nhằm xây dựng một thành phố giàu đẹp và văn minh.

Dòng kênh chảy giữa đôi bờ phố - 1

Một góc dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhìn từ trên cao.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình trước khi đổ ra sông Sài Gòn. Nhìn từ trên cao, con kênh như một dải lụa mềm len lỏi qua những tuyến đường huyên náo và một loạt kiến trúc kinh điển mang âm hưởng Sài Gòn xưa. Giữa mặt đường và mặt nước, những bãi cỏ rộng rãi cùng cây cối tỏa bóng mát bên trên những hàng băng ghế công cộng, thiết bị tập thể dục và lối đi vỉa hè, mang đến nét thi vị cho nhịp sống hối hả chốn thị thành. 

Dòng kênh chảy giữa đôi bờ phố - 2

Sài Gòn hai mùa nắng - mưa, trong mỗi mùa, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại có nét thu hút riêng.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gắn liền với chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Dòng kênh được chia thành hai phần, đoạn từ cầu Thị Nghè (cũ) trở lên đầu nguồn gọi là “Nhiêu Lộc” và đoạn còn lại, khúc hợp lưu đổ ra sông Sài Gòn, gọi là “Thị Nghè”. 

Vào thời Chúa Nguyễn, Khâm Sai Đại Thần Nguyễn Cửu Vân được lệnh đến đây giúp dân khai phá vùng đất này, con gái của ông là Nguyễn Thị Khánh có chồng là ông Nghè (tức người đỗ tiến sĩ trong xã hội phong kiến), nên người dân quen gọi cô là “bà Nghè”. Do có công lao trong việc giúp đỡ người dân khẩn hoang đất đai, lập chợ, xây cầu nên để nhớ ơn bà Nguyễn Thị Khánh, người dân đã gọi cây cầu do bà cho xây cất là cầu Bà Nghè và đặt tên cho dòng kênh có cây cầu bắc qua là kênh Bà Nghè. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của học giả Vương Hồng Sển, cách gọi này không được các quan lại thời đó sử dụng, thay vào đó, họ lại gọi là “Thị Nghè”. 

“Gọi cầu và sông Bà Nghè nhưng các quan không chịu xưng hô như vậy và đổi lại là cầu và sông hay rạch Thị Nghè...” - trích trong cuốn “Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển.

Riêng về phần tên gọi “Nhiêu Lộc”, theo điển tích dân gian, xưa kia có người tên là Đặng Lộc giữ chức Nhiêu học đã bỏ công sức, tiền của ra sửa sang lại kênh rạch nhằm phục vụ giao thông, giúp dân chúng đi lại dễ dàng, từ đó người dân gọi con kênh nơi đây là Nhiêu Lộc để tưởng nhớ đến ông. 

Dòng kênh chảy giữa đôi bờ phố - 3

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gắn liền với lịch sử phát triển của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Đường thủy được khơi thông đã giúp đời sống người dân lúc bấy giờ trở nên sung túc hơn. Các nhánh sông ở Sài Gòn - Gia Định tạo thành tuyến giao thông đường thủy vô cùng thuận lợi, với sông Sài Gòn ở phía Đông, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở phía Bắc, rạch Bến Nghé ở phía Nam, giúp phát triển buôn bán qua những phiên chợ trên bến dưới thuyền, tạo nên một mạng lưới giao lưu thương mại và văn hóa trù phú bậc nhất miền Nam. 

Bên cạnh đó, trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không chỉ đóng vai trò là kênh thoát nước tưới tiêu mà còn là một phòng tuyến quân sự mang tính chiến lược, một vành đai bảo vệ Sài Gòn - Gia Định trước những cuộc tấn công của quân Xiêm La hoặc thực dân Pháp về sau.

Cũng trong thời kỳ này, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hãy còn “trong xanh, hiền hòa” như chính những con người nơi đây.

Trong bài Phú Gia Định có đoạn miêu tả con kênh này như sau: “Coi ngoài rạch Bà Nghè/Dòng trắng hây hây tờ quyến trải/Ngó lên Giồng Ông Tố/Cây xanh mù mịt lá chàm rai”.

Nước kênh trong vắt, có thể thấy nhiều loại cá tôm bơi thành bầy, người dân hai bên bờ thường xuống kênh hái rau muống và câu cá. Ghe thuyền cũng thường xuyên qua lại để đánh bắt tôm cá, cảnh sinh hoạt êm đềm như một vùng thôn quê.

Dòng kênh chảy giữa đôi bờ phố - 4

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiền hòa chảy giữa đôi bờ phố.

Bắt đầu từ năm 1960, cùng với những biến cố lịch sử, những cuộc di dân ồ ạt, người dân các vùng khác vì bom đạn chiến tranh, vì cuộc mưu sinh đã chạy đến dòng kênh này che tạm mái lá trốn mưa tránh nắng, gầy dựng lại cuộc đời. Biết bao trang viết, tiểu thuyết, phim ảnh… đã dựng lại lịch sử của dòng kênh thông qua những phận người tha phương đầy đau xót.

Nếu đã từng xem qua bộ phim truyền hình dài tập “Xóm nước đen” của đạo diễn Đỗ Phú Hải, hẳn bạn cũng như tôi, luôn nhớ dáng hình của những mảnh đời tạm bợ, chen chúc nhau bên dưới một mái nhà chật chội, lam lũ và tả tơi được cất tạm trên kênh. Chuyện phim như đời thực, con kênh ô nhiễm nặng nề khi mọi thứ rác thải sinh hoạt đều bị đổ xuống dòng nước.

“Dòng nước đen hững hờ trôi, nhìn đâu ánh sáng cuộc đời trong xóm nghèo lao động xơ xác” - trích lời bài hát “Người cha bến tàu” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

Cũng từ đây, dòng kênh “chết” Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã sản sinh ra những nghề có một không hai trong lịch sử thành phố, như nghề bắt trùn chỉ, nghề nhặt ve chai... Sự ô nhiễm của dòng kênh cũng tạo điều kiện cho những mầm bệnh phát sinh như sốt xuất huyết hay tiêu chảy, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân sinh. Ấy là còn chưa nói đến những tệ nạn xã hội xảy ra bên trong những khu xóm nước đen.

Dòng kênh chảy giữa đôi bờ phố - 5

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã từng được gọi là kênh "chết" bởi tình trạng ô nhiễm nặng nề trước khi được "xanh hóa" như hôm nay.

Từ năm 1985, Thành ủy Thành phố đã lên chương trình khơi thông kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đến năm 1988, ban hành Nghị quyết về chương trình cải tạo, chỉnh trang tuyến kênh này, nhưng do thiếu kinh phí nên chỉ làm thí điểm một đoạn 50m rồi ngưng.

Mãi đến năm 1993, dự án mới được tái khởi động với kế hoạch đầu tư cải tạo và xây dựng hai tuyến đường ven kênh, tổng mức vốn gần 8.600 tỷ đồng. Khi dự án cải tạo triển khai, hàng nghìn căn nhà lụp xụp được giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân. Con kênh được nạo vét gần 1,1 triệu m3 đất, lắp đặt gần 16km bờ kè, thi công 9km tuyến cống bao, gia cố cầu, đặt máy bơm công suất lớn, làm đường hai bên...

Chính quyền cũng đầu tư hơn 554 tỷ đồng cho dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa chạy dọc ven kênh, tạo cảnh quan giúp hai con đường thêm đẹp mắt. Đến tháng 8/2012, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn tất cải tạo trong niềm hân hoan của người dân.

Kể từ khi hoàn thành, dòng kênh đã trở lại trong xanh, hai bên bờ cũng được chăm chút, tôn tạo thêm những khoảng không gian xanh và nhiều tiện ích công cộng phục vụ đời sống người dân trong khu vực. Cứ mỗi buổi chiều, bà Lại Thị Lộc, một người dân sinh sống gần đó, lại được con gái đẩy xe lăn đi dạo ven kênh đoạn đường Trường Sa.

“Tôi nhớ khoảng những năm 80 là lúc ô nhiễm nặng nhất, nước đen kịt, hôi thối, nhà ổ chuột san sát. Giờ thì kênh sạch đẹp quá, không khí mát rượi cả ngày” - cụ bà tuổi ngoài 80 chia sẻ.

Từ chỗ là dòng kênh “chết”, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nay đã hồi sinh và nhanh chóng trở thành “nàng thơ” trong mắt nhiều bạn trẻ. Cứ vào mùa hoa kèn hồng hay mùa cây xanh thay “áo mới”, các bạn trẻ mê chụp ảnh lại tìm đến những mảng xanh dọc bờ kè kênh để tìm cho mình vài bức ảnh ưng ý. Sự thoáng mát, tươi mới của dòng kênh cũng từng thu hút sự chú ý của Thủ tướng Canada Justin Trudeau và cận vệ trong một buổi chạy việt dã vào tối ngày 7/11/2017 nhân lúc sang thăm và làm việc tại Thành phố. 

Trong tầm nhìn phát triển du lịch thành phố, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là cảm hứng khởi nguồn cho ý niệm “Venice giữa lòng Sài Gòn” để các nhà quản lý và chuyên gia đầu ngành triển khai tuyến du lịch đường thủy nội đô đầu tiên vào tháng 9/2015. Khách tham quan được phục vụ nước uống, nghe thuyết minh về lịch sử Sài Gòn, âm nhạc đờn ca tài tử và các trò chơi dân gian. Tuyến du lịch này nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh của thành phố và là động lực để Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và phát triển các tour du lịch đường sông khác.

Dòng kênh chảy giữa đôi bờ phố - 6

Hình ảnh bến thuyền đón khách tham quan tour du lịch đường thủy nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Dòng kênh chảy giữa đôi bờ phố - 7

Đoàn du khách ngồi thuyền ngắm nhìn vẻ đẹp của thành phố từ dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố cho biết hiện thành phố có 20 tour tuyến du lịch đang được khai thác trên sông, và tour Nhiêu Lộc - Thị Nghè là tuyến du lịch đường sông tầm ngắn. Hiện khách quốc tế chiếm tới hơn 50%. Thời gian tới, Sở Du lịch Thành phố và công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc sẽ phối hợp đón thêm nhiều đoàn khách quốc tế, đẩy mạnh sản phẩm tour đường sông nội đô này.

(Bài viết có sử dụng một số hình ảnh minh họa của tác giả Văn Trung và từ Shutterstock.)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!