Vị nhớ Sài thành
Nhắc đến Hà Nội thì có bún chả, nhắc đến Huế thì có bùn bò, Mỹ Tho thì trứ danh hủ tiếu, An Giang thì có mắm, Cà Mau có cua. Sài thành này có gì?
Một năm nào đó khi tôi mười lăm tuổi, chạy tọt về nhà hỏi ngoại thành phố mình có gì đặc trưng, đó là bài tập của môn địa lý. Ngoại lẩn thẩn bên hiên nhà nhìn đám bông hoa đương độ xuân thì bừng sắc thắm. Ngoại nói từ trên cao nhìn xuống thành phố như tàu lá. Đầu lá là chót miệt Củ Chi. Cuống lá nằm tận Cần Giờ. Ngoặt cong ra biển Đông. Một chiếc lá khổng lồ ôm trọn thành phố với những gân lá là chi chít các con đường, các đại lộ lẫn những hẻm nhỏ dọc ngang thị thành này. Cái đặc trưng của Sài thành kì thực nếu cho ngoại chọn đó là lá.
Ngoại sinh thời Pháp, sống thời Mỹ, học Petrus Ký, những lần xuống đường bị bố ráp cũng núp vào những hàng cây xanh rì màu lá mà trốn. Những lần hành quân cũng đắp lá ngụy trang để băng rừng lên tận Tây Nguyên hay ngược về biên giới Tây Nam. Khoảng đời của ngoại gắn liền với thảo thơm hoa lá từ rừng đến phố. Lá cũng là thuốc, lá cũng có thể ăn, lá che mình và lá để thành phố thở. Tôi chỉ mới là cậu học trò trung học chưa hiểu những sâu thẳm trong tiếng thở dài đắng đót của ngoại.
Nhưng, ông nội chẳng chịu. Kì thực, mảnh đất phương Nam thuộc quẻ Ly, hành Hỏa, là quẻ có tượng khí văn minh, cho nên nơi đây kẻ sĩ thì chuộng điều nghĩa, quý việc học hành, người dân thì siêng năng trồng trọt chăn nuôi, làm nghề thủ công và buôn bán. Tuy nhiên, địa cực phương Nam chịu ảnh hưởng của sao Dương châu, dương tức phát dương, chỉ tánh khí nóng nảy, bồng bột, nông nổi nhưng lại hào sảng, trượng nghĩa. Vậy nên, kí ức xưa xa cũ càng của nội, Sài thành nhuốm vị “lâm vố”.
Ông cố làm ở Bason, khu ăn uống của đám lính Pháp luôn dư đồ ăn thừa, mấy người Việt ham rẻ mua lại rồi xào nấu thành nóng hổi thơm phức bán lại cho đám công nhân. Cứ vậy mà chiều tan ca, ông cố lại hay mang về một ít cho đám con. Ăn riết quen mùi, quen riết thì thành ra nhớ. Nếu luận cái đặc trưng của Sài thành phải đi từ cơm “lâm vố” của thời Pháp, qua cơm “xà bần” của dân gốc Hoa Chợ Lớn rồi mới tới cơm “kinh tế” theo kiểu tiết kiệm của những năm 40, rồi dần dà có cơm xã hội những năm 50 được trợ cấp của các cơ quan từ thiện. Sau này mới bắt đầu có cơm bình dân cho người lao động nghèo nhan nhản khắp Sài thành.
Quán hủ tiếu gõ ở Sài Gòn
Dần dà từ miệt Cửu Long xứ gạo mới du nhập loại cơm tấm mà mãi cho đến bây giờ thành món định danh của Sài thành với những thương hiệu nức tiếng như Thuận Kiều, Trần Quý Cáp… Bài giảng dông dài của ông nội cũng chẳng khiến tôi hiểu gì bởi tôi chỉ là một trong muôn triệu những đứa trẻ thuộc thế hệ 198X chưa đi qua thăng trầm biến thiên dâu bể của thị thành 300 năm tuổi này để hiểu rõ nguồn cơn của mùi vị đặc trưng Sài thành.
Mãi sau này lớn lên, khi đã bôn ba với phố phường đô hội ngót chừng 30 chục tuổi đời, tôi thấy thành phố này dang rộng vòng tay đón bốn phương tám hướng tựu tề về để sinh sống và làm ăn. Bắc, Trung, Nam, hay cả những người ngoại quốc đều hòa hợp sống chung trong một đại đô thị rực rỡ xanh đỏ đèn màu. Chừng ấy con người tha phương đến đây thì cũng mang theo những món quê vị xứ đặng lúc lòng nhớ thao thiết quê hương cũng có cái mà ăn cho đỡ nhớ.
Có lần, giữa trời đông tuyết trắng nước Nhật, tôi lang thang trên phố để đi tìm một quán Việt Nam. Chạy xe hơn 2 tiếng mới thấy một quán nhỏ sáng đèn có cắm lá cờ đỏ sao vàng làm hiệu. Cảm giác thắt nghẹn khi được gấp đôi đũa, húp miếng nước lèo của món phở. Dẫu chẳng đậm vị như những tiệm trứ danh ở Sài Gòn mà tôi hay ăn, nhưng nỗi nhớ quê thèm vị luôn là thứ đầu tiên trỗi dậy cồn cào và thôi thúc con người ta nhất. Tôi nhớ lần đó trở về từ chuyến công tác 8 tháng, từ sân bay tôi đón chiếc taxi nhất quyết ghé ngay tiệm phở Dậu trứ danh Sài thành để ăn cho thỏa thê nỗi thèm.
Phở Dậu
Có một đoạn đời tao loạn ông nội gởi ba về An Giang nên mãi sau này thứ ba hay tìm ăn nhiều nhất khi sống trên đất Sài thành là mắm. Đời ba thắm đẵm vị mắm của xứ đồng tứ giác Long Xuyên. Dù giờ đã 80 tuổi, nhưng hỏi ba mấy quán bán bún mắm ở đất này ba thuộc làu làu.
Trong cuốn nhật kí ố vàng mà chúng tôi phải kì công ép nhựa từng trang có đoạn ghi nụ hồn đầu đời của ba má vương trên môi là những lá me rơi một đêm Sài Gòn trở gió. Phải chăng vì vậy mà má thích ăn chua. Me nấu canh cá lóc, hay ngâm me sống thành hũ, rồi ngào me thành mứt. Ba đùa nếu mở quán ăn khéo má còn làm được thành “Me bảy món” như “Bò bảy món”. Vậy nên, khi những tòa cao ốc mọc lên, hàng me các con đường Võ Văn Tần, Lê Quí Đôn, Phùng Khắc Khoan bị đốn xuống, má tiếc xao xác cả một quãng thanh tân đời mình. Giờ me của má chỉ còn trong kí ức và câu hát thoảng khi má hay ru cháu ngoại mình: “Gió đưa mười tám lá me/ Mặt rỗ hoa hòe, ăn nói dễ thương”.
Tôi có những người bạn ngoại quốc ghé đến Sài thành một quãng thời gian ngắn cho chuyến công tác. Tôi dẫn người bạn Pháp đi ăn bánh mì, uống cà phê vỉa hè. Tôi dẫn người bạn Hàn Quốc đi ăn hủ tiếu, uống trà đá. Tôi nói Sài thành trong tôi là những hàng quán lê la như thế. Mấy người bạn khi chào tạm biệt để về nước thường hỏi tôi đâu là đặc sản của đất này. Tôi cũng chẳng biết nói sao. Nhắc đến Hà Nội thì có bún chả, nhắc đến Huế thì có bùn bò, Mỹ Tho thì trứ danh hủ tiếu, An Giang thì có mắm, Cà Mau có cua. Sài thành này có gì?
Người bạn Pháp bảo chở bạn ghé đến cái hẻm có xe bánh mì, có quán cà phê vợt ngồi lại lần cuối. Hỏi sao bạn nhớ, bạn nhắc chuyện hôm chúng tôi ngồi có vụ quẹt xe, người trong hẻm liền túa ra đỡ người bị té đứng dậy, rồi xức thuốc đỏ, rồi dán băng cá nhân. Người bạn Hàn Quốc bảo tôi chở về cái xóm chợ có quán hủ tiếu cha truyền con nối hơn 40 năm trên mảnh đất này. Hỏi sao bạn nhớ, bạn chỉ cười lặng lẽ. Bạn gói một bịch quần áo sạch sẽ tinh tươm bỏ vào chiếc thùng đặt bên ngoài quán hủ tiếu có ghi chữ “Nhận quần áo cũ cho từ thiện”.
Một xe bánh mì ở lề đường
Những ngày này, Sài thành hươm nắng vàng, xuân căng tràn qua từng nẻo đường. Tôi chạy ngang chợ ông Tạ thấy người ta bày bán lá để gói bánh chợt nhớ lời ông ngoại. Sáng chạy qua tiệm cơm tấm trên đường Nguyễn Đình Chiểu chợt nhớ bài giảng của ông nội. Tối thả lòng theo gió ngang qua con đường Võ Văn Tần nhớ trang nhật kí ghi nụ hôn đượm mùi me của má.
Dù chánh gốc thị thành hay lưu dân tứ chiếng, dẫu quá giang một phần đời hay gá luôn phận mình ở thị thành này, tôi tin ai cũng có cho riêng mình một vị Sài thành, như ngoại, như nội, như ba má, như những người bạn ngoại quốc, và cả chính tôi. Nếu đường về nhà là trong tim ta thì vị Sài thành là trong nỗi nhớ. Mỗi người một nỗi nhớ mùi thèm vị. Nhiều nỗi nhớ như vậy mới tạo thành một bản đồ ẩm thực đa dạng và phong phú mà khắp dải đất hình chữ S này, chẳng nơi nào có được như đất này.
Những vị xứ cát cứ hồn phố thị làm nên vị Sài thành.