Những món cơm nổi tiếng từ Bắc vào Nam
Người dân Tây Nguyên có món cơm lam, gà nướng nổi tiếng gần xa, trong khi người miền Nam chuộng món cơm tấm "sà, bì, chưởng".
Cơm cháy là đặc sản nổi tiếng ở Ninh Bình. Người nấu chọn loại gạo dẻo, nhất là gạo tám thơm Hải Hậu (Nam Định) nấu trong những chiếc nồi gang đáy dày. Cơm lấy từ nồi được làm khô và bảo quản vệ sinh, tránh ẩm mốc, lúc gần ăn mới chiên giòn. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn và vẫn dẻo, thường ăn cùng các loại nước sốt nhất là nước sốt thịt dê. Du khách có thể thưởng thức món ăn này tại TP Ninh Bình, huyện Hoa Lư, Tam Điệp hay các khu du lịch đều có phục vụ. Ảnh: chopsticks_journey/Instagram
Cơm hến là món ăn dân dã, gắn liền với xứ Huế. Hến dùng làm cơm ngon nhất là loại hến bắt ở cồn Hến nổi trên sông Hương, thuộc địa phận làng Cồn, phường Vĩ Dạ. Hến được luộc chín xong phải rửa kỹ, nhặt sạch vỏ rồi mới bắc lên bếp xào và nêm nếm vừa miệng.
Khi đã sẵn sàng, các mệ bán cơm hến lấy một cái tô sạch cỡ vừa cho rau sống gồm bắp chuối, dọc mùng, dứa, khế và rau thơm, ớt xào, xới cơm nguội, rồi xúc hến đổ lên gần kín cơm, lần lượt xếp các nguyên liệu khác như bánh tráng, bì heo, lạc giã, vừng rang, tóp mỡ lên trên và rưới một thìa mắm ruốc. Vị chát, chua, tê, hăng, mát của rau sống cùng các nguyên liệu hòa vào nhau làm hương vị của bát cơm hến thêm nồng nàn. Ảnh: Ngân Dương
Cơm lam, gà nướng là một trong những đặc sản núi rừng nổi tiếng của người đồng bào Tây Nguyên. Cơm lam được nấu trong ống tre non và bịt đầu lại bằng lá rừng, cơm chín mềm dẻo và đượm hương. Món cơm ngon phải có gà ngon, chúng được ướp sả, mật ong, hành tím, tỏi giã nhuyễn, ngũ vị hương... đem kẹp que tre và nướng vàng, tỏa hương thơm lừng.
Khi thưởng thức, bạn tách vỏ tre bên ngoài để thấy phần cơm bên trong, chấm cơm với muối lạc, làm từ lạc (đậu phộng) rang, muối và chút đường. Gà chín nóng hổi để nguyên con, khi ăn xé nhỏ chấm với muối lá é cay nồng, muối tiêu hay nước tương tùy thích và không thể thiếu dĩa rau sống xanh mướt. Ảnh: Di Vỹ
Cơm gà nổi tiếng ở các địa phương như Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam), núi Nhạn (Phú Yên) có đặc trưng là hạt cơm khô, rời, không bị bở. Nước luộc gà dùng để nấu cơm nên hạt cơm ánh vàng tự nhiên, căng mịn và ngọt đượm vị gà. Gà luộc chín tới, lọc lấy thịt, xé phay và bóp gỏi cùng hành tây, hành phi, muối, chanh, rau răm. Chén canh cải nấu với gừng tươi là thành phần hỗ trợ tuyệt vời làm tôn thêm hương vị đĩa cơm gà. Ảnh: Di Vỹ
Cơm tấm Sài Gòn là món ăn quen thuộc có mặt ở khắp nơi tại Sài Gòn, có thể dùng làm điểm tâm, cơm trưa, bữa tối đều được. Đĩa cơm "sà, bì, chưởng" đúng điệu được nấu bằng loại gạo tấm, hạt cơm nhỏ, tơi, xốp không nhão, thêm đồ chua như rau muống, củ cải trắng, dưa leo, bên trên là miếng sườn nướng, bì, chả thơm phức.
Người thích ăn trứng có thể gọi thêm miếng trứng ốp la chiên phồng. Thịt sườn nướng được ướp mật ong nên không bị khô, chả mềm và đậm vị, bì được phủ lớp thính thơm và chan mỡ hành béo, khi ăn rưới thêm miếng nước mắm pha hơi sánh là đã có bữa cơm ngon miệng. Ảnh: Shutterstock
Cơm tấm Long Xuyên khác với dĩa cơm tấm Sài Gòn ở chỗ thay vì dùng miếng sườn nướng to thì mọi nguyên liệu trong đĩa cơm đều được thái mỏng đẹp mắt, vừa không tạo cảm giác ngấy cho người ăn. Đĩa cơm cũng có thịt sườn nướng, thịt khìa, đồ chua và thêm miếng trứng kho được cắt mỏng thành từng miếng nhỏ.
Cơm tấm Long Xuyên dùng loại tấm mẳn, hột cơm mịn chứ không rõ mồn một như hạt cơm thông thường, khi nấu xong, cơm có mùi thơm, vị ngọt lại bổ dưỡng. Chỉ cần quết mỡ hành trên mặt và chấm nước mắm pha khéo, miếng cơm tấm đã đủ thấy ngon. Ảnh: utcung2108/Instagram
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới WHO, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, duy trì một lối sống...