Ngày xuân quyến luyến với món ‘rồng đất’
Hình thù của “rồng đất” khá giống giun. Nhìn thôi cũng đủ khiến bao cô nàng nổi da gà, bỏ chạy mất dép. Ấy vậy mà “tinh hoa của đất” càng trở lên khan hiếm khi dân nhậu các nơi đổ về săn lùng.
Rươi kho niêu đất
Tết đến xuân về, khi đã quá ngán với các món giò chả, bánh trái truyền thống… thì cùng nhau đổi món với món ‘rồng đất’ khác lạ cho bữa cơm thêm sinh động.
Rươi (sâm đất, rồng đất) bổ dưỡng, không kém gì bất cứ món cao lương mỹ vị nào. Trong mâm cơm ngày Tết nếu đã có món rươi thì những thứ khác chỉ là “thường thôi”.
Rươi sống vùng nước lợ có rất nhiều ở các tỉnh có cửa sông đổ ra biển như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Trung Bộ…Nhưng có lẽ rươi ngon và nổi tiếng nhất là vùng sông nước lợ (Kinh Môn, Tứ Kỳ) Hải Dương, Hải Phòng nơi dòng nước đặc quánh phù sa, nhiều dinh dưỡng.
Mong được thưởng thức
Rươi giống như giun đất, màu đỏ giàu protein (chất đam), giờ là đặc sản hiếm có. Mùa rươi nổi lên mặt nước để người dân đua nhau ra vớt là cuối thu, đầu đông (từ tháng 9-12 dương lịch), khi gió heo may đã về, vườn cam quýt bên các bờ sông đã mọng nước. Người người mang lưới mang rổ đi hớt rươi nổi lên vui như trẩy hội.
Nem rươi
Dân gian có một số câu ca dao để nói về thời điểm rươi xuất hiện trong năm. Ví dụ như "tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm", ý chỉ rươi nổi nhiều, tập trung nhiều nhất trong ngày 20 tháng 9 đến ngày 5 tháng 10 âm lịch mỗi năm. Hoặc câu "tháng chín ăn rươi, tháng mười ăn nhộng", "bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy", đều ngấm ngầm nhắc nhở mọi người về thời gian chín mùi để thu hoạch và chế biến các món ăn từ rươi.
Nhắc đến giun thì chắc chắn mọi người đã có thể mường tượng được hình thù của rươi. Rươi không khác như vậy mà mấy, thậm chí còn gây sợ hãi mạnh hơn với những người yếu tim bởi hình thù ngoằn ngoèo uốn lượn và màu sắc khá "sinh động" đặc trưng của chúng. Chưa kể, một con thì đã đành, đằng này khi đến mùa, rươi xuất hiện thành từng đàn nhung nhúc. Chỉ trông thấy thôi là đủ khiến bao cô nàng nổi da gà, bỏ chạy mất dép.
Rươi cách đây hơn 10 năm rất nhiều, nhưng do biến đổi khí hậu lại ô nhiễm, triều cường thất thường nên ngày càng ít đi. Tinh hoa của đất càng trở lên hiếm khi các dân nhậu các nơi đổ về săn lùng. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng thậm chí Sài Gòn rất nhiều quán nhậu kín người muốn thưởng thức rươi. Vào những ngày chính vụ, nhiều đoàn xe “rồng rắn” xếp hàng tại các quán rươi Hà Nội.
Món đồng quê kiêu sa
Đúng vụ rươi, từ trong lòng đất mẹ, sinh vật họ giun nhiều vô kể. Ngày này, rươi nổi lên mặt sông để giao phối, sinh sản, giao du với nắng vàng mùa thu. Nhiều khúc sông, nước trắng đục như sữa, đó là hợp chất của tinh trùng và trứng rươi quện nhau.
Lũ rươi khi vào chậu vẫn còn quấn quýt với nhau tạo nên một hợp nhất đặc quánh. Rươi là loại côn trùng đặc biệt, ngày thường rươi trú ở những chiếc hang ở sâu dưới mặt đất hàng mét, mình dài đuột, nhỏ teo như một sợi chỉ đỏ. Những người đi đào bãi ngoài sông, đắp đê thường gặp những con rươi đang ẩn sâu dưới lòng đất.
Thơm lừng món chả rươi
Khi tới nhà hàng chờ đợi thưởng thức đặc sản, ngửi mùi phảng phất từ các đầu bếp chế biến đã kích thích cái vị giác khiến nhiều người chảy nước miếng. Chả rươi thơm lừng béo ngậy trong thời tiết se lạnh. Chả rươi là món bắt mắt, quyến rũ dân sành nhậu. Với món này, rươi là vật liệu chính, kèm theo một ít trứng gà, ít thịt nạc xay. Hai món phụ kia chỉ một ít thôi để chả rươi có độ nhuyễn, nếu cho nhiều sẽ ảnh hưởng đến vị đặc biệt của rươi. Lý tưởng nhất là rươi cộng thêm đôi quả trứng gà ta, thêm ít vỏ quýt tươi thái mỏng, cùng với lá lốt, mùi ta. Tất cả những nguyên liệu đó đánh nhuyễn với nhau. Nhưng để cho người ta biết rằng mình đang ăn rươi, đánh xong hợp chất kia rồi cần trộn thêm một ít rươi nguyên con. Khi ăn miếng chả, thỉnh thoảng thấy những con rươi còn nguyên vẹn mới thật khoái thú.
Canh rươi vị ngọt, sần sật, còn rươi kho với lá gấc tươi ngậy ngậy, mềm mềm khiến người ta đong thêm được đôi lưng cơm, vài chén rượu.
Các đầu bếp còn làm rươi nấu chua, rươi kho, mắm rươi, nem rươi. Làm mắm rươi khá đơn giản, rươi đánh nhuyễn trộn đều, cứ 10 bát rươi cho 2 bát muối, 1 chén rượu, 1 chén cơm cho vào lọ đậy kín, đem phơi nắng độ nửa tháng. Sau đó để trong nhà nơi thoáng, độ 100 ngày sau là ăn được. Mắm rươi vàng sậm, thơm ngậy ăn kèm với ruốc bông, rau cần, cải cúc, rau thơm, lạc rang giã nhỏ, hành hoa, gừng, rau xà lách, thịt luộc ba chỉ.
Rươi trước khi chế biến
Tại Hải Dương giờ rất nhiều hộ nuôi và chế biến rươi. Rươi được ướp lạnh xuất đi khắp nước và cả nước ngoài. Nhiều người giờ đã nghiện món ăn của đất, ai đó thưởng thức món ăn đồng quê kiêu sa này một lần thì khó thể quên. Mâm cơm tết có món sâm đất này dù là ướp lạnh thì cũng quyến rũ biết bao.