Mứt dừa Tết – Sợi thương sợi nhớ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khi nào đó, bạn gặp lại món mứt dừa sợi xanh sợi đỏ mà thấy lòng rưng rưng, là khi đó Tết đã trọn vẹn và tươi nguyên ngự trị trong bạn rồi.

Mứt dừa Tết – Sợi thương sợi nhớ - 1

Tôi làm lại món mứt dừa để thấy Tết vẫn nguyên lành trong trái tim mình…Ảnh: T.H.T

Là tôi, rong đời mình qua bao cái Tết, bỗng thương trào nước mắt khi chạm phải món mứt dừa sợi xanh sợi đỏ trong những ngày giáp Tết nơi đất Sài Thành.

Những cái Tết trong ấu thơ tôi không phải ngập tràn trong thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, không được nhiều quần áo mới lụa là tung tăng đi chúc Tết kiếm lì xì như chúng bạn.

Tết trong ấu thơ tôi bắt đầu từ hôm má ngó nghiêng buồng dừa bị tuốt trên cao rồi kêu ba leo lên gõ vỏ từng trái, coi dừa đã rám cơm chưa. Buồng nào trái đã rám là vỏ sẽ trầy xước ít nhiều trong quá trình lớn lên, màu xanh cũng ngả sang vàng, lấy tay gõ lớp vỏ sẽ nghe ra tiếng rõ ràng, rành mạch chứ không lí nhí khó nghe như vỏ dừa non. Một buồng dừa chừng hơn chục trái rám là đủ cho cả nhà ăn Tết: trái kho thịt, trái nạo cơm vắt nước cốt nấu xôi, trái thì bửa đôi tách cơm bào sợi làm mứt. Mà trong mấy món đó, con nít con nôi tụi tôi hảo nhất món mứt dừa sợi má làm. Giống dừa bị, một loại dừa trái lớn, cơm dừa rất dày nên những sợi dừa bào ra bản lớn đẹp mắt.

Mỗi lần má giao việc bào cơm dừa, chị em tôi thường hào sảng bào xung quanh miếng cơm dừa thành một dây thật dài, mềm mại láng mịn như một dải lụa. Má không rầy la cái nết lí lắc ưa nghịch phá của đám con. Là bởi má còn bao nhiêu việc “đăng đăng đê đê”. Tay má múa từ sáng tinh sương tới tối mịt mà chưa hết việc bán buôn hàng ngày, nay còn kèm thêm việc của mấy ngày Tết nhứt. Hơi đâu mà má la cho mệt. Thêm nữa, má như “đi trong bụng” tụi tôi, biết thế nào mấy cái dây dừa dài thòng đó sẽ biến thành mấy bông hoa sến rện trong khay mứt. Nhưng nhờ mấy bông hoa dừa xanh đỏ đó mà cái bàn tiếp khách của ba má ngày Tết bớt u hoài hơn, bên cạnh cái ấm tích vỏ dừa khô “già hơn ông cố ông sơ” mà ba quyết níu giữ bên mình.

Mứt dừa Tết – Sợi thương sợi nhớ - 2

Dừa bánh tẻ cho ra những sợi dừa làm mứt Tết rất ngon – Ảnh: T.H.T

Cái “nết già” – lời má – là luôn giữ rịt bên mình những thương yêu chắt chiu từ ngày cũ. Cái tình thương dành cho gia đình, lúc nào ba cũng để “sẵn trong túi” như mớ thuốc rê, mỗi lần nhớ là móc túi ra hít hà cho đỡ nhớ. Còn má thì dĩ nhiên cũng bỏ đầy túi áo bà ba. Hồi đó, nghe ba má nói vậy, tụi tôi thấy ba má mình “trừu tượng” quá. Lớn rồi, đi qua bao giông bão đời mình, mới thấy ông bà có lí.

Tôi nhớ cái dáng ba leo thoăn thoắt lên cây hái dừa cho má. Tôi nhớ cái dáng má lui cui chụm lửa, loay hoay bên cái chảo gang to đùng, với cặp đũa khuấy đảo không ngưng tay khi những sợi cơm dừa đang “lại đường” nặng trịch, quyện chặt vào nhau.

Má sên dừa “nghề” lắm, những sợi dừa không bao giờ nát, màu má ướp dừa từ lá dứa, lá cẩm cũng lên đều tăm tắp. Đổi lại, tay má lần nào sên dừa cũng in thêm vài vết phỏng nhỏ do lớp đường đặc kẹo trong chảo mứt theo đôi đũa cả văng vài giọt lên da thịt. Má cười xòa, “nhằm nhò gì”. Là bởi tay má đã sẵn những đốm đồi mồi, thêm vài vết phỏng cũng không đến nỗi, miễn tụi con có mớ mứt dừa ăn Tết với người ta. Những sợi mứt dừa của má sau khi sên ráo, tơi hết đường, giũ một phát là trồi mặt lên, khoe hết vẻ đẹp mướt mắt, thoảng mùi thơm nhẹ của lá dứa, vani, sữa đặc…mới thật sự quyến rũ, mê dụ làm sao!

Mứt dừa Tết – Sợi thương sợi nhớ - 3

Mứt dừa Tết truyền thống – sợi nhớ sợi thương của người đã đi qua miền thơ ấu xa xôi…Ảnh: T.H.T

Cái mâm mứt dừa vừa ráo tới của má chừng như bị che khuất bởi những mái đầu trẻ con xúm xít. Đứa nào cũng xin má cho ăn thử một miếng, hai miếng, rồi nhiều miếng. Sợi mứt dừa béo bùi, thơm ngọt ngon lành đó thể nào đến tối cũng hiển hiện trong giấc mơ trẻ con. Vì tụi tôi chỉ được ăn thử, còn thòm thèm lắm, bàn nhau mai canh lúc má lo rọc lá chuối phơi để gói bánh tét, tụi tôi sẽ ăn lén. Má biết hết, chỉ giả bộ nhíu mày: “Mèn ơi, mứt dừa nay cũng bị bốc hơi dữ hen!”.

Tôi nhớ những sợi mứt dừa của má cũng nhanh chóng bốc hơi hết trơn ngay ngày mùng một. Là vì khách ghé chúc Tết thích mứt dừa má làm, ngọt vừa, không ngọt hỗn như mứt chợ. Thay vì ướp dừa với lượng đường bằng với nhiều lò mứt hay làm, má luôn luôn “giựt” lại mớ đường, canh sao cho vừa đủ để dừa có thể bong đường, ráo nước là được. Sợi mứt dừa không ăn đường nhiều thì sẽ mềm chứ không sạm hay khô cứng, màu mứt lên cũng không chói chang mà đằm thắm nhẹ nhàng.

Những năm gần đây, món mứt dừa sợi truyền thống như mứt má làm gần như biến mất khỏi thành phố lớn, họa may chỉ còn trong những chợ quê. Người thành phố chuộng mứt dừa làm từ cơm dừa non hơn, vì nó mềm dẻo, ngon hơn mứt từ dừa già. Dẫu vậy, với những người đã từng gắn mình với cái Tết quê thuở ấu thơ như tôi, mứt dừa sợi mới là đúng là mứt Tết. Tôi nhớ mình từng ngẩn ngơ trước những hộp đựng mứt dừa sợi xanh đỏ được xếp thành bông hoa khéo léo bày bán trong chợ quê. Tôi ngó dòng chữ “Chúc mừng năm mới” đỏ lòe loẹt bên cạnh hình hoa mai vàng rực mà rộn lên bao nỗi bồi hồi.

Tết về, tôi mày mò học lại cách làm mứt truyền thống. Ba phần vui bảy phần chực khóc khi tẩn mẩn bào những sợi cơm dừa mua từ chợ. Ba đâu còn để leo cây “hái Tết” xuống cho má với tụi tôi. Má cũng bước qua thất thập, tóc đã trắng như mây, răng long chỉ còn một cái, sao có thể ăn miếng mứt ngon lành từ tay tôi làm được nữa.

Nhưng tôi biết rằng Tết vẫn nguyên lành trong trái tim mấy chị em tôi, dẫu miền thơ ấu đã vĩnh viễn xa mờ. Và dẫu chúng tôi đi đâu, ở đâu, vẫn gom những sợi thương sợi nhớ đó gói chặt, giữ kỹ trong trái tim mình.

Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp

Quê nhà một góc nhớ mênh mông…

(Thơ Trịnh Bửu Hoài)

Mứt dừa Tết – Sợi thương sợi nhớ - 4

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trần Huyền Trang

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.