Hương vị thân thương bánh tét xứ Quảng

Dù Tết ngày nay có nhiều món ngon, món mới nhưng không thể thiếu bánh tét - một hương vị Tết thân thương nơi quê nhà.​​​​​​​

Thời gian thấm thoát thoi đưa, những người con xứ Quảng trưởng thành nhưng trong ký ức vẫn thổn thức khi nhớ lại niềm hạnh phúc chờ đợi bánh tét chín. Dù Tết ngày nay có nhiều món ngon, món mới nhưng không thể thiếu bánh tét - một hương vị Tết thân thương nơi quê nhà.

huong vi than thuong banh tet xu quang - 1

huong vi than thuong banh tet xu quang - 2

Để có được những đòn bánh tét thơm ngon, dẻo mềm mang hương vị Tết cổ truyền cần có nhiều công đoạn, nhiều thời gian chuẩn bị từ khâu nguyên liệu đến gói bánh và nấu bánh. Thông thường, lá chuối sẽ được người gói bánh tự tay chọn ngay trong vườn nhà.

Lá được chọn là lá to, không rách… rồi hơ lửa cho dịu lại, cắt và lau sạch bụi. Dây gói bánh thường tước từ thân cây chuối hoặc từ phần cuống sau khi rọc lá đi. Muốn gói bánh chặt hơn, người gói bánh sẽ thay thế dây gói bằng lạt tre (dây lạt chẻ ra từ tre).

Nếp gói bánh phải vo sạch, ngâm nước ấm khoảng 3 - 6 tiếng, giúp nếp mềm dẻo hơn. Đậu xanh cũng ngâm với nước ấm để vỏ dễ bóc ra, vo sạch để ráo nước, khi nào gói thì thêm chút muối, chút tiêu cho hương vị đậm đà. Có người sẽ gói thêm thịt heo cho “đẹp mắt”, nhưng thường gói bánh có thịt heo không dùng được lâu, dễ bị thiu.huong vi than thuong banh tet xu quang - 3Khi nguyên liệu đã được chuẩn bị xong sẽ bày hết lên nia để dễ gói. Người gói bánh xếp 2 – 4 miếng lá chuối lên nhau (tùy miếng lớn, nhỏ cho vừa vặn). Gạo nếp đổ lên lá chuối, dàn đều ra, rồi cho nhân dọc theo chiều dài của bánh, sao cho nhân đậu xanh được nếp phủ toàn bộ. Công đoạn khéo léo sau cùng là túm hai mép lá chuối và dựng bánh lên, bẻ lá ở đầu và đuôi bánh, gói lại, cột dây…

Giai đoạn cố định hình dáng bánh khá quan trọng, nó quyết định bánh đẹp và chặt sau khi nấu, nên phải buộc lạt thật chắc tay.huong vi than thuong banh tet xu quang - 4huong vi than thuong banh tet xu quang - 5Mỗi gia đình người Quảng thường gói bánh tét với số lượng nhiều, tầm 8 - 15 đòn bánh, không chỉ để cúng ông bà, ăn Tết mà còn để biếu khách.

Đặc biệt, bánh tét là món quà ý nghĩa cho nhưng người con xa quê. Vì thế, mỗi đòn bánh tét là tình yêu, tâm tư của người gói bánh, của người mẹ, người bà dành cho con, cháu của mình.huong vi than thuong banh tet xu quang - 6Số lượng bánh nhiều nên được xếp gọn gàng vào nồi to, đổ nước ngập bánh và canh lửa đều nhiều giờ. Nếu lửa tắt mà không được châm ngay thì bánh sẽ hôi mùi khói, khó ăn. Nồi cạn nước thì bánh cháy, khét… nên việc canh lửa, canh nước lúc nấu bánh cũng là phần quan trọng quyết định bánh tét có ngon hay không.

Ngồi canh nồi bánh tét trên ngọn lửa hồng là những ký ức vui vẻ, không thể quên của bọn trẻ con, là giây phút ấm cúng trong mỗi gia đình.huong vi than thuong banh tet xu quang - 7Những ngày cận Tết, tiếng nước sôi sùng sục cùng mùi hương lá chuối của nồi bánh tét thoang thoảng góc căn bếp nhỏ. Tranh thủ trời se lạnh, những đứa trẻ trong xóm tụ lại cùng hơ tay quanh lửa bếp rồi xoa xoa vào nhau cho ấm hơn.

Thời gian nấu bánh lâu, thường nấu qua đêm mới chín đều, nên phải canh thời gian gói và nấu sao cho kịp đón giao thừa. Người già, trẻ nhỏ… cùng nhau chuyện trò, cười đùa đợi bánh chín. Ai nấy cặm cụi canh bếp, thêm từng que củi vào để lửa cháy đều. Bọn trẻ cũng tranh nhau trổ tài xem ai thổi lửa to hơn, mặt ai nấy lấm lem tro nhưng luôn cười tít mắt.

Nôn nao chờ bánh chín, lâu lâu lũ trẻ lại mở nắp vung ra nhìn xem. Rồi quay sang hỏi mẹ, hỏi bà “Khi nào bánh chín?”. Có đứa ngồi chờ chiếc bánh nhỏ xíu mà nó tự gói được, rồi ngủ gục trên tay bà từ khi nào không hay!

Khi nào bánh gần chín sẽ lấy bớt củi ra để lửa nhỏ dần, rồi vớt bánh ra cho ráo. Trẻ con trong nhà được nhường thưởng thức đòn bánh tét đầu tiên. Miếng bánh nóng hổi, thơm lừng, cùng độ dẻo mềm của nếp, vị bùi của đậu xanh… là hương vị đặc trưng của Tết, của quê hương.huong vi than thuong banh tet xu quang - 8Cắt bánh tét thành khoanh sao cho đẹp cũng phải biết cách, để nhân bánh còn nguyên, lát bánh đều nhau, không bị nát. Người thì dùng sợi chỉ, dây gói bánh kéo vào nhau để cắt, người thì dùng dao thoa 1 lớp dầu ăn mỏng rồi cắt… Nhiều bí quyết cắt bánh để có những khoanh bánh đều, tròn thật hấp dẫn.

huong vi than thuong banh tet xu quang - 9huong vi than thuong banh tet xu quang - 10

Bánh tét thường được ăn kèm với dưa món, nước chấm cho đậm đà. Sáng mồng một, trời se lạnh, cắt đòn bánh tét rồi chiên lên cho giòn, vớt dưa món, làm chén nước tương ăn kèm mới “đúng điệu” bữa sáng ngày đầu Tết.

huong vi than thuong banh tet xu quang - 11Ngày nay, thời đại của sự tiện lợi, nhanh chóng… ít gia đình còn giữ việc nấu bánh tét ngày Tết, đa phần sẽ mua vài đòn ở chợ về cúng, về ăn. Nhiều cơ sở nhận nấu bánh tét bằng nồi điện hiện đại, số lượng lớn… Song, việc cả gia đình tự tay chuẩn bị, quây quần bên nhau cùng chờ đợi bánh chín mới thật sự mang lại không khí ấm áp của ngày Tết!

Giữ gìn truyền thống nấu bánh tét nói riêng và văn hóa truyền thống ngày Tết nói chung là chuyện những người con xa quê trăn trở. Liệu rằng còn bao nhiêu lần được ngồi nhìn bà, nhìn mẹ, nhìn cả gia đình sum vầy bên nồi bánh tét trên ánh lửa hồng? Thời gian vẫn trôi đi và chỉ có ký ức vẫn còn ở lại.huong vi than thuong banh tet xu quang - 12Cả xóm rủ nhau gói bánh, nấu bánh, kể con cháu nghe những câu chuyện ngày xưa bên góc bếp. Những kỷ niệm trong tuổi thơ là được phụ mẹ, phụ bà lau lá chuối, tập tành gói bánh theo rồi chờ đợi thành phẩm. Ký ức canh bếp lửa, chờ đợi bánh tét chín cùng gia đình là những ký ức ấm áp không thể nào quên của trẻ con. Để rồi khi lớn lên, xa quê hương vẫn nhớ về ký ức ấy…

huong vi than thuong banh tet xu quang - 13

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thế Vinh - Thanh Giang

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.