Căn bếp nhỏ đậm mùi hoài niệm mỗi độ Xuân về
Chẳng có khói lam chiều thơ mộng vấn vương như mỗi vùng quê mà căn bếp ở nhà tập thể xưa cũ luôn đậm đặc mùi khói đen sặc sụa mỗi khi mẹ dùng nước để vẩy tắt chiếc bếp kim khí đun bằng dầu hỏa.
Tôi sinh ra ở Thủ đô, nơi đất chật người đông, căn bếp của gia đình chỉ là một diện tích nhỏ trong căn nhà tập thể chật chội được phân theo tiêu chuẩn. Nơi đó ấy không lãng mạn như nhiều gian bếp ở miền quê, chẳng có khói lam chiều vấn vương nơi nóc nhà.
Thay vào đó, là mùi khói đen sặc sụa mỗi khi mẹ dùng nước để vẩy tắt chiếc bếp Kim khí được đun bằng dầu hỏa. Cũng chẳng được một lần, nghe câu chuyện cổ tích của bà bên bếp lửa hồng thơm mùi củi cháy, tí tách tiếng củi lửa reo vui, mà chỉ nghe được tiếng nổ lép bép từ bếp than tổ ong với mùi tanh của bùn, than bị đốt cháy mỗi khi mẹ ghé thêm viên than mới vào lò…
Khu tập thể cũ đầy hoài niệm
Nhưng trong thời kỳ bao cấp, khó khăn thiếu thốn chung của đất nước, căn bếp ấy vẫn bừng bếp lửa mỗi ngày đã là sự cố gắng rất lớn của cha mẹ tôi. Để bếp được ấm no, cha mẹ tôi ngoài giờ đi làm Nhà nước về, phải đi khắp các hàng ăn ở khu phố để xin nước gạo, đồ ăn thừa; vớt bèo ở các hồ ao và đạp xe đạp gần mười cây số, xuống Nhà máy rượu Hà Nội ở đường Nguyễn Công Trứ để mua bã rượu về nấu cám cho lợn ăn. Mẹ tôi còn nhận thêm công việc đan vá ở tổ len của khu phố...
Sáng chủ nhật, mẹ được nghỉ làm, thường dậy sớm, xuống bếp rang cơm với dưa muối cho chúng tôi ăn; nhìn đĩa cơm rang vàng ươm, bóng mỡ, anh em chúng tôi đứa nào đứa ấy đều háo hức. Những buổi đi học về, bụng đói meo, mà ngửi thấy mùi thơm của thức ăn từ căn bếp lan tỏa khắp không gian ngôi nhà nhỏ là y như rằng, hôm đó nhà có khách ở quê ra chơi hoặc mẹ vừa nhận được tiền công đan len làm thêm buổi tối.
Nếu không, thì buổi sáng đi học, chúng tôi tự xuống bếp lục cơm nguội ăn với nước mắm. Còn bữa cơm thường ngày chủ yếu vẫn là rau củ luộc, ăn với lạc rang mặn hoặc đậu phụ kho... Với năm anh em tôi đều ở cái tuổi sàn sàn "Ăn chưa no, lo chưa tới", sự vô tư khiến chúng tôi không thể nhận ra, nhiều bữa ăn, cha, mẹ đã phải nhường nhịn khẩu phần cho đàn con.
Nhiều trong số chúng ta không thể quên được mùi dầu hỏa từ bếp kim khí
Tết thời bao cấp tuy thiếu thốn đủ bề, nhưng không khí háo hức, chờ mong thì khác nay nhiều lắm. Từ Tết tây, tiếng pháo đã đì đùng khắp nơi trong khu phố nhỏ. Lũ trẻ con chúng tôi trốn học, rủ nhau đạp xe hàng chục cây số, vào tận làng Bình Đà (Hà Tây cũ) mua thuốc pháo về tự cuốn để có pháo chơi ngày Tết.
Còn với cha mẹ tôi, để gian bếp ngày Tết được no đủ, phải trông chờ lứa lợn xuất chuồng vào dịp cuối năm, vừa được giá, vừa là món thu nhập chính để trích ra một phần trang trải Tết. Ngoài con gà thắp đêm 30 Tết, nồi thịt đông và nồi canh măng ăn mấy ngày Tết. Thứ không thể thiếu và phải chuẩn bị dài công nhất là nồi bánh chưng và mẻ bánh "săm-pa" (bánh sâm panh).
Cha mẹ tôi từ nông thôn ra Hà Nội, nên của để dành là gạo nếp luôn đủ cho nồi bánh chưng ba chục chiếc. Phần phải lo lắng nhiều nhất là thịt, đậu xanh, và lá dong.
Đến nay, tôi cũng không hình dung nổi, vì sao trước đây gia đình mình ăn nhiều bánh chưng đến vậy. Bây giờ Tết đến thì chỉ mua vài ba cái để thắp hương mà ăn hoài không hết.
Bánh "săm-pa" ngày tết. Ảnh sưu tầm
Tôi nhớ, khi ấy mẹ tôi thường nói với cha, nhà thiếu gì thì thiếu, không thể để lũ trẻ thiếu bánh chưng, mứt Tết, nhất là bánh "săm-pa" được. Những thứ đó, có lẽ là một phần của Tết, nên tôi thấy, người lớn gặp nhau, ai cũng hỏi: "Năm nay nhà bác gói bao nhiêu chiếc bánh chưng? Làm bao nhiêu cân bột bánh?". Câu hỏi thăm đó, như đo đếm thành quả lao động của gia đình trong một năm trời!
Tôi luôn chờ mong đến Tết để được ăn chiếc bánh "săm-pa" giòn tan, thơm phức mùi vừng rắc trên bánh. Bột mì và đường kính mua theo tiêu chuẩn, mẹ đã tích trữ từ một hai tháng trước. Ngày ông Táo về trời, mẹ xách giỏ trứng gà đi trước, tôi lẽo đẽo mang túi bột mì theo sau đến nhà ông Hạ đầu phố thuê nướng bánh.
Người thợ làm bánh công khai nhào bột, đập trứng, vào khuôn trước sự chứng kiến của khách hàng rồi mới đưa vào lò nướng. Ngoài khuôn hình chiếc bánh "săm-pa" dài dẹt như gần nửa chiếc đũa cả, thợ còn làm thêm những chiếc bánh hình trái tim, hình con giống, vì biết trẻ nhà nào cũng thích hình thù như vậy.
Bánh sau khi được nướng xong, mang về nhà được cha cho vào túi nilon buộc chặt. và chỉ mỗi khi khách ghé chơi thì mang ra một đĩa.
Nhưng đối với lũ trẻ chúng tôi thì "khách ba chủ nhà bảy", khách vừa về thì đĩa bánh cũng hết veo...
Được nuôi nấng từ gian bếp chứa đầy lửa ấm yêu thương của cha mẹ, chúng tôi lớn lên, trưởng thành và có công ăn việc làm. Đến tuổi thì lần lượt xây dựng gia đình. Anh cả vẫn ở trong gian nhà cũ cùng cha mẹ còn chúng tôi đều ra ở riêng, có người đi làm ăn, lập nghiệp ở thành phố khác.
Đất nước đổi mới, ngày một phát triển, bữa ăn không còn là nỗi lo của nhiều gia đình, nhất là khi Tết đến, xuân về, sự háo hức, chuẩn bị cũng không khiến các bà nội trợ bận tâm nhiều như trước.
Căn bếp cũ ngày xưa được cải tạo khang trang.
Căn nhà của cha mẹ tôi đã được anh cả xây dựng lại khang trang, gian bếp cũng vì thế mà rộng rãi, đầy đủ các thiết bị gia dụng hiện đại như tủ lạnh, bếp từ, hút mùi; nồi niêu xoong chảo bóng nhoáng...
Chiếc chạn cũ kỹ có hai tầng, tầng dưới đựng bát, tầng trên đựng thức ăn, được cha tôi nhặt nhạnh gỗ thông từ những vỏ thùng viện trợ của nước ngoài, theo thời gian đã biến mất khỏi ngôi nhà mới từ lúc nào.
Mỗi độ Tết đến Xuân về, anh em chúng tôi lại tụ tập về căn nhà trước đây của cha mẹ, nơi chứa đầy kỷ niệm của tuổi thơ và cũng là nơi cha tôi đã nhắm mắt, đi theo tiếng gọi của tổ tiên. Theo truyền thống và nền nếp gia phong, ai cũng mang theo túi quà Tết để dâng lên bàn thờ; cũng không quên mang theo thực phẩm, bánh trái, là sản vật vùng miền để góp vào mâm cơm ngày đoàn viên thêm phần rôm rả, tươi mới.
Bữa cơm sum vầy ngày tết của đại gia đình
Không gian bếp chiều 30 Tết bừng sáng niềm vui sum vầy. Theo sự phân công của chị dâu cả, những "nàng dâu" xúm tay, mỗi người một việc để chuẩn bị cho mâm cơm cúng tất niên. Trong căn bếp nhỏ tràn đầy tình yêu thương và tiếng nói cười vui vẻ.
Có lẽ, mẹ là người vui mừng nhất, khi xung quanh con, cháu quây quần đông đủ. Suốt một năm bận rộn, ai cũng lo toan xây dựng "tổ ấm" của riêng mình. Một năm, cũng chỉ có dịp giỗ, Tết mới quây quần đông đủ. Bên ấm trà nóng hổi, đặc quánh tình thân ruột thịt, câu chuyện hàn huyên hết chủ đề này, lại chuyển sang chủ đề khác chẳng có hồi kết thúc.
Tác giả và mẹ
Tiếng lũ trẻ trêu đùa, gọi nhau ầm ĩ; tiếng xì xèo với mùi thơm nức mũi từ gian bếp tỏa khắp căn phòng; tiếng dao thớt chặt gà lạch cạch dưới bếp. Đó là âm thanh của bếp, âm thanh của Tết, âm thanh của sự ấm no, âm thanh của sự sum vầy...
Chúng tôi nhận mặt tuổi thơ bằng bao kỷ niệm chưa bao giờ phai. Và tôi nhớ, nhớ đến cay mắt nồi cá kho của bà ngoại...