Đầu năm mới ăn cá cầu may!
Trong văn hóa truyền thống của người Á Đông nói chung và Việt Nam ta nói riêng, vào đầu năm mới ăn cá và các món ăn truyền thống như nem, mâm ngũ quả, bánh trôi hay mỳ trường thọ được cho là mang lại sức khỏe, may mắn và thịnh vượng.
Các bậc cao niên am hiểu thuật phong thủy cho hay, trong tiếng Trung, từ "ngư" được phát âm là "yu", đồng âm với từ "dư", vì vậy ăn cá tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng, may mắn trong năm tới. Chính vì vậy ăn cá sẽ mang lại nhiều may mắn tài lộc cho một năm làm ăn dư dả. Một số quan niệm còn cho rằng cá ăn trong ngày Tết đầu năm mới phải nguyên con để đảm bảo một năm mới "đầu xuôi, đuôi lọt". Song, theo cách này cũng khó thực hiện mà chỉ cần ăn cho có lệ mà thôi.
Ở quê tôi, vào những ngày Tết đầu năm mới, người ta thường lùng mua các loại cá sau đây về chế biến các món ăn vừa đổi món vừa cầu may mắn, hanh thông. Đó là các loại cá như: Cá niên, cá dềnh, cá mương, cá tràu…Sau đây là cách chế biến các loại cá nói trên:
Cá niên: Cá niên còn gọi là cá liêng, một loại cá có thân dẹp, vảy màu trắng bạc. Cá niên sống ở khu vực sông, suối, khe có thác nước chảy xiết nên cá niên rất tinh khiết. Cá niên là loại cá ngon trong tốp đầu của mức độ ngon mà cư dân miền núi ban tặng: “Nhất niên, nhì chiên, tam chình, tứ lấu” (ngon nhất là cá niên, ngon nhì là cá chiên, ngon ba là cá chình, ngon bốn là cá chạch lấu).
Cá niên kho với bẹ môn thục
Cá niên có thể chế biến các món ngon như: nướng mộc, chiên giòn, kho nghệ, nấu canh chua… Cư dân miền núi quê tôi cho rằng, không có gì tuyệt vời hơn trên bàn thờ tổ tiên, ông bà vào dịp cúng tất niên hay cúng đầu năm mới mà có món cá niên nướng mộc được xiên vào những cây que tre cắm trên nồi hương. Họ quan niệm, cúng cá niên sẽ được hên, may mắn cả niên (năm).
Cá dềnh: Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay, thời tiết nắng ấm sau thời gian dài âm u nên cá dềnh ngược dòng Thu Bồn lên khu vực Hòn Kẽm Đá Dừng (nơi có vách đá dựng đứng, nước sâu và tĩnh lặng để đẻ trứng, bắt đầu mùa sinh sản) thuộc xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nhờ vậy, người làm nghề chài vùng thượng nguồn sông Thu Bồn thả lưới trúng cá dềnh hơn so với mọi năm.
Cá dềnh và nguyên liệu nấu canh chua.
Theo các lão ngư ở xã Quế Lâm cho hay, cái tên cá dềnh có thể là do loài cá này chuyên đẻ trứng nơi ghềnh đá nên lâu ngày từ cá ghềnh đọc trại thành cá dềnh ? Cá dềnh được dân vạn chài khai thác ở khu vực đầu nguồn sông Thu Bồn từ đầu tháng Chạp đến hết tháng Giêng. Có những năm, cá mòi ức nước, lên đây đẻ trứng, có lúc “cao hứng”, từng đàn cá chao lượn và phóng mình lên mặt nước trắng lấp lánh, tung bọt nước trắng xóa bên ghềnh.
“Năm mới, có người mùng 2 tết đã đi đánh cá dềnh bởi đầu năm thả lưới bắt được nhiều cá dềnh thì năm đó làm ăn may mắn. Cá dềnh bán tại chợ Trung Phước (H. Nông Sơn), mỗi ký có khoảng 100 nghìn đồng /kg. Trung bình mỗi đêm có người đánh bắt được 40kg – 100kg cá dềnh. Đây là lộc của vùng sông nước ban cho những người dân vạn chài trong khu vực trong những ngày đầu xuân. Mùa cá dềnh hàng năm kéo dài từ tháng Chạp đến hết tháng Giêng.
Theo tập tục của cư dân vạn chài, đầu năm đánh bắt được nhiều cá dềnh được xem là điều may mắn cho một năm chài lưới thuận lợi, góp phần nâng cao đời sống cho những gia đình ngư dân trên sông Thu Bồn và ngày Tết, đầu năm mới ăn cá dềnh thì người ăn sẽ được hên cả năm, làm gì cũng thuận lợi, may mắn…
Từ cá dềnh có thể chế biến nhiều món như nấu cháo, kho ngọt, kho dưa cải, chiên, nướng chấm mắm..., nhưng món cháo cá dềnh ăn nóng là tuyệt diệu. Cá dềnh làm mang, đánh vảy, bỏ vi, ruột, rửa sạch để ráo; rồi cắt lát ướp tiêu bột, ớt xanh và hành tím giã dập, cho thấm đều. Bỏ cá dềnh đã ướp vào nồi nấu lấy nước rồi vớt ra, cho 100g gạo và ít hạt sen vào nấu cháo. Khi cháo nhừ, cho cá dềnh vào, thêm gia vị. Ăn nóng với các loại rau thơm như rau quế, ngò tàu, ngò ta thì trên cả tuyệt vời.
Cá mương: Cá mương màu trắng bạc, thoạt nhìn giống cá trích biển nhưng hơi nhỏ và lép con hơn (to hơn ngón tay người lớn), chúng thường sống thành từng đàn trong các con suối, con mương. Theo người dân quê tôi thì chỉ có cá mương được đánh bắt ở suối Khe Giành hay suối Sông Hương mới cho thịt ngọt, thơm và dai.
Cá mương kho lá nghệ.
Cá mương đánh bắt hay mua về có thể bỏ đầu, mang, ruột, đánh vảy, rửa sạch, để ráo. Cũng giống như nhiều loại cá suối khác, cá mương có vị ngọt, thịt dai nên dễ chế biến các món ngon như cá mương kho lá nghệ, cá mương chiên, cá mương nấu canh chua, cá mương nướng mộc, cá mương kho dưa cải hay dưa môn… Nhưng tôi vẫn thích nhất món chả cá mương, mì Quảng cá mương.
Cá mương có màu trắng bạc, thịt cá không ngon, nhưng lại được ưa chuộng trong buổi chợ “cầu may” vào ngày Tết, vì cư dân ven sông Thu Bồn vốn quen với nếp suy nghĩ “cá mương ăn may, cá chày ăn rủi”, nghĩa là con cá mương tượng trưng cho sự may mắn, còn con cá chày là biểu hiện của những điều rủi ro. Đầu xuân ngày Tết, cư dân vùng Nông Sơn (Quảng Nam) chế biến các món từ cá mương để đổi món và ăn để cầu may mắn, hanh thông vào năm mới.
Cá tràu: Cá tràu (tiếng gọi của miền Trung), người Bắc gọi là cá quả, người Nam gọi là cá lóc. Cá tràu khá ngon, được chế biến thành nhiều món ăn nhưng độc đáo nhất là nấu “óm”. Tuy nhiên, cá tràu sống tự nhiên ngoài hoang dã thì mới ngon vì thịt săn và có vị ngọt. Món này được các bà mẹ quê chế biến các món như nấu cháo, nấu lẩu, hấp, nướng, kho, làm nhân mì Quảng, làm bún cá tràu…rất ngon và đầy hương vị.
Cá tràu ngọt thịt, ai ăn cũng được, kể cả người già, người ốm hoặc thai phụ mới sinh vì thịt cá rất “hiền”. Đặc biệt cá tràu có thể chế biến đa dạng, từ món bình dân cho đến thượng hạng, món nào cũng thơm ngon, bổ dưỡng.
Cá tràu (lóc) nấu ám (óm).
Do cá tràu vốn khỏe mạnh, có đặc tính lanh lợi hay luồn lách giỏi, đầu năm ăn cá tràu là mong được mạnh khỏe cả năm. Con người có sức khỏe, mới đủ mạnh để chống chọi với thiên nhiên, vừa có thể tăng gia lao động sản xuất, nuôi sống bản thân và gia đình.
Trong những ngày Tết, hầu như mọi người đều quá ngán với thịt, cá, nếu được ăn cơm nóng sốt dẻo với canh “song...