Lạ lùng ngôi làng đào đất về hun khói ở Vĩnh Phúc, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những cục đất được đem gọt, xắt thành miếng vừa ăn, có thể ăn sống hoặc đem hun khói.

Tọa lạc ở thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, ngôi làng được gọi với cái tên “làng ăn đất” từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi với tục đào… đất để ăn. Từ nhiều đời nay, người dân ở làng này đã có tục ăn đất, thậm chí là nghiện ăn đất. Đối với họ, đây là một món quà vặt đặc sản chỉ riêng nơi đây mới có.

Tục ăn đất ở đây đã có từ rất lâu, không ai nhớ rõ. Qua lời kể của những người lớn tuổi nhất trong làng thì từ khi sinh ra, họ đã thấy cha, ông thường ngày vẫn hay cầm miếng đất ngói ăn ngấu nghiến.

Lạ lùng ngôi làng đào đất về hun khói ở Vĩnh Phúc, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon - 1

Người dân Lập Thạch còn giới thiệu, một khi đã nghiện món này thì không thể quên được vị béo, ngậy của đất, cùng với mùi thơm đặc trưng khi được hun khói lá sim tươi.

Loại đất mà người dân dùng để ăn không phải đất bình thường mà chỉ có thể tìm thấy ở vùng Lập Thạch. Trước đây, đất ngói có thể tìm thấy trên nhiều ngọn núi, nhưng giờ số lượng chỉ còn rất ít vì người dân khai thác từ lâu đời. Muốn lấy được đất ngói phải đào hố sâu 3-7m, đến khi gặp những vỉa đất màu trắng như cục phấn mới dùng ăn được. Khi đào thấy đất phải dùng búa đục từng mảng một, cho vào rổ đưa cho người trên bờ.

Đất ngói có hai màu có thể dùng để ăn là màu trắng sữa như bánh khảo và màu xanh như chè lam. Theo kinh nghiệm, người khỏe răng có thể ăn được ngói màu xanh lam, người già chỉ ăn ngói màu trắng sữa. Ngói xanh ăn sẽ ngậy hơn nhưng cứng. Đất được khai thác về còn nhiều tạp đất, sạn nên cần phải gọt, đẽo thật sạch và tách thành từng miếng nhỏ cho vừa ăn.

Lạ lùng ngôi làng đào đất về hun khói ở Vĩnh Phúc, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon - 2

Sau khi sơ chế, đất ngói có thể ăn sống luôn nhưng để có mùi thơm hấp dẫn hơn cần phải trải qua một số công đoạn chế biến. Người dùng phải hái thêm lá cây sim tươi đốt cháy rồi đưa đất lên hơ trước ngọn lửa. Khói sẽ ám vào từng miếng đất, làm cho đất thơm hơn. Nếu không có "gia vị" này, món ngói sẽ mất ngon, không thơm, không bùi. Khi miếng đất hơi ngả màu vàng và có mùi của lá sim là có thể thưởng thức được. Ăn vào sẽ có cảm giác như ăn miếng lương khô nhưng không bị khát nước.

Lạ lùng ngôi làng đào đất về hun khói ở Vĩnh Phúc, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon - 3

Trước đây, không chỉ dân Lập Thạch ăn mà còn nhiều người ở các huyện, tỉnh lân cận cũng về mua về làm quà. Thậm chí, khoảng 20-30 năm trước, đất ăn được bày bán tràn lan ở chợ, như bán rau, bán thịt nên Lập Thạch từng là đầu mối cung cấp đất ăn cho nhiều địa phương trong, ngoài Vĩnh Phúc như: Tam Dương, Vĩnh Tường, Lâm Thao, Phù Ninh (Phú Thọ), xa hơn là ở tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang.

Ngày nay, không còn nhiều người trẻ giữ được thói quen ăn đất mà chỉ còn vài cụ cao niên trong thôn xem đất ngói là món ăn khoái khẩu, không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Nhiều du khách cũng tò mò tìm đến làng để tận mắt chứng kiến món đất có thể ăn được nhưng không phải ai cũng dám nếm thử.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

P.V (Thời đại+)

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.