Bánh tráng Củ Chi - đậm vị Sài thành
Má luôn nhắc con cháu làm gì thì làm cũng phải chuẩn bị vài kí bánh tráng Củ Chi ăn Tết. Như hiểu được tâm ý của má, anh trai thứ bảy mang về biếu má một ràng bánh tráng Củ Chi. Nhìn từng xấp bánh tráng trắng tinh được đóng gói cẩn thận, má trách yêu anh tôi, "mồ tổ cha bây, mua chi nhiều bánh tráng Củ Chi dữ vậy con"...
Gió bấc tràn về, len vào những căn nhà nhỏ nơi xóm quê như báo hiệu những ngày năm hết Tết đến. Cũng như bao gia đình nhà nông khác, Tết có ấm no đủ đầy hay không đều phụ thuộc vào vụ mùa giáp hạt xoay vần. Dẫu có năm mất mùa thất thu, thì Tết đến, má luôn dành dụm chi tiêu mua vài kí bánh tráng ăn Tết. Và thế là, bánh tráng Củ Chi – đậm đà vị Sài thành đã có mặt trên mâm cơm ngày Tết.
Ảnh minh họa.
Tuổi thơ tôi là những tháng ngày đi chợ Tết cùng má. Mùa xuân theo má từ chợ về nhà. Bên trong giỏ xách đồ ăn của má thể nào cũng có vài kí bánh tráng Củ Chi. Tôi vừa phụ má gọt vỏ củ khoai môn sọ, vừa tâm tình hỏi má sao lại mua nhiều bánh tráng mang thương hiệu Củ Chi thì má vừa bầm thịt vừa bảo, rằng má nghe ông bà xưa kể lại từ thời khai khẩn, người dân Nam Bộ mình đã nghĩ ra nhiều cách làm bánh từ bột gạo, bột nếp, bột mì và không biết khi nào mà bánh tráng cũng ra đời. Má kể thêm, bánh tráng Củ Chi là thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn có từ rất lâu đời, được đông đảo người dân ưa chuộng bởi ưu điểm nổi trội là có thể để được lâu ngày, ăn ít ngán, dùng lúc nào cũng được. Đặc biệt là sự kết hợp của bánh tráng Củ Chi có thể tạo ra nhiều món ăn ngon như chả giò, bì cuốn, bánh tráng cuốn tôm thịt, bánh tráng nướng, bánh tráng trộn...
Ảnh minh họa.
Nhà đông anh chị em, mỗi đứa một tay phụ má nấu mâm cơm tất niên, trước dâng cúng đón ông bà về ăn Tết với con cháu, sau con cháu xin thụ lễ mâm cỗ. Vẫn với những món ăn quen thuộc ngày Tết như thịt kho tàu, khổ qua hầm, thịt ram cuốn bánh tráng... và phải kể đến món chả giò thịt được cuốn bằng bánh tráng Củ Chi theo cách thủ công truyền thống.
Nhìn từng cuốn chả giò có màu cánh gián được chiên theo cách truyền thống của má với cách dùng bánh tráng Củ Chi mỏng, trong, tinh khiết để gói những sợi khoai môn sọ bào nhuyễn hòa cùng thịt heo ướp gia vị tạo nên món chả giò bánh tráng Củ Chi đậm vị Sài thành. Cảm giác cuốn chả giò giòn tan nơi đầu lưỡi mà không bị khô bởi có sự hòa quyện bùi bùi của củ khoai môn cùng thịt heo có tí mỡ. Má bật mí bí quyết, rằng ngoài việc dùng bánh tráng Củ Chi cuốn chả giò thì khi cuốn, má còn pha thêm chút rượu trắng vào nước và thoa đều trên mặt bánh, để khi đem chiên, bánh sẽ rất giòn, giữ được vị đặc trưng.
Ảnh minh họa.
Mỗi mùa xuân đến, má thêm một tuổi. Má luôn nhắc con cháu làm gì thì làm cũng phải chuẩn bị vài kí bánh tráng Củ Chi ăn Tết. Rồi những ngày cạn Chạp ấy, như hiểu được tâm ý của má, anh trai thứ bảy hiện đang công tác tại ban chỉ huy quân sự huyện Củ Chi đã mang về biếu má một ràng bánh tráng Củ Chi ăn Tết. Nhìn từng xấp bánh tráng trắng tinh được đóng gói từng kí cẩn thận với những thông tin sản phẩm trên bao bì ghi rõ thương hiệu bánh tráng Củ Chi, má trách yêu anh tôi, "mồ tổ cha bây, mua chi nhiều bánh tráng Củ Chi dữ vậy con, nhiêu đây bánh nhà mình ăn tới ra Giêng luôn đó con".
Cũng thành lệ hằng năm, cứ đến bữa cơm sum họp gia đình ngày Tết, má hay nhắc nhớ về những ngày tháng thanh xuân, khi má bán tạp hóa nơi cửa hàng nhỏ của mình. Má kể, hơn 30 năm trước, mỗi mùa Tết đến là một mùa bội thu, vì thời ấy chợ phải nghỉ hết mùng mới mở lại nên bà con hay mua thực phẩm "dìa" tích trữ tiêu dùng mấy ngày Tết. Bánh tráng là một trong những thực phẩm mà nhà nhà ai ai cũng mua rất nhiều để "dìa" ăn Tết. Và bánh tráng thương hiệu Củ Chi chính là sự lựa chọn của đông đảo bà con lối xóm xa gần, như một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân thôn quê bởi hương vị đặc trưng đậm vị Sài thành mà không nơi nào có được.
Ảnh minh họa.
Trải qua hơn nửa đời người, má nói mình dường như đã gắn chặt với Sài Gòn dẫu đã nhiều lần đến rồi đi, đi rồi đến như một mối lương duyên tâm tình tri kỉ. Ví như sự gắn kết cuộc đời má với thương hiệu bánh tráng Củ Chi ngần ấy năm buôn bán. Má từng hỏi một cô thương lái giao bánh tráng cho má bán về điều làm nên sự đặc trưng của bánh tráng Củ Chi, thì cô trả lời bằng sự tin yêu với nghề, là vùng Sài Gòn với hơn 300 năm hình thành và phát triển, ẩm thực là một trong những điểm nổi bật, mà trong đó, có cả thương hiệu bánh tráng Củ Chi. Bởi nơi đây được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước ngọt quanh năm, nước trong, có vị thanh mát chứ không bị nhiễm phèn như những vùng khác. Và đó chính là điều làm nên sự khác biệt cho hương vị bánh tráng Củ Chi - đậm vị Sài thành.
Má kể những ngày Tết xa xưa ấy, má trữ bao nhiêu bánh tráng Củ Chi bán cũng hết, có năm không đủ bánh bán. Bà con ai cũng ưa chuộng mua bánh tráng Củ Chi để vừa ăn Tết, vừa làm quà biếu thơm thảo mỗi khi con cái có dịp về quê nội ngoại miền Tây sông nước, hay đi thăm thân nhân tại các tỉnh miền Đông đất đỏ, và cũng có khi xa hơn là những chuyến xe, con tàu ra tận miền Trung, miền Bắc xa xôi.
Ngày nay, với việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, bánh tráng Củ Chi vẫn giữ được hương vị đặc trưng vốn có của mình và ngày càng đi khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước. Hương vị khó quên của bánh tráng Củ Chi sẽ là sợi dây gắn kết, hòa quyện với tâm tình của người chế biến, đó là hương vị của tình thân để rồi nhắc nhớ ta hương vị quê nhà mỗi khi phải đi xa...