Vịnh Hạ Long lọt top địa điểm nên và không nên đến năm 2024
Trong khi Forbes và nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đánh giá vịnh Hạ Long là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch năm 2024 thì Fodor’s lại cho rằng du khách không nên đến nơi này do lo ngại về vấn đề môi trường, rác thải làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách du lịch.
Thông thường, dịp cuối năm các nhà xuất bản, công ty du lịch và những đơn vị truyền thông có sức ảnh hưởng lớn trên mạng đều bận rộn tổng hợp, bình chọn danh sách các địa điểm du lịch, điểm đến không thể bỏ qua trong năm 2024.
Mới đây, Ban quản lý vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) công bố số liệu khách du lịch đến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Theo đó, từ đầu năm đến tháng 11/2023, địa điểm này đón khoảng 2,4 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,3 triệu lượt khách trong nước và hơn 1,1 triệu khách nước ngoài. Doanh thu từ việc bán vé tham quan vịnh khoảng 710 tỷ đồng.
Điểm đến hoàn mỹ thỏa mãn mọi nhu cầu của du khách
Mới đây, Forbes của Mỹ, OvationNetwork (mạng lưới đại lý du lịch hạng sang) đã công bố danh sách 24 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2024.
Trong số 24 điểm đến được Forbes đề cử có vịnh Hạ Long của Quảng Ninh. Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới nhiều lần được UNESCO công nhận, là điểm đến rất đáng để ghé thăm bởi nơi đây sở hữu hệ sinh thái và giá trị địa chất, địa mạo độc đáo nhất thế giới.
Theo Forbes, hiếm nơi nào có được sự kết hợp hoàn mỹ giữa vẻ đẹp thiên nhiên, hoạt động ngoài trời, ẩm thực tươi ngon hấp dẫn, sự yên bình và giao thông thuận tiện như vậy.
Vịnh Hạ Long lọt danh sách 24 điểm đến lý tưởng trong năm 2024 bởi cảnh sắc, diện mạo
Vịnh Hạ Long hội tụ đầy đủ mọi yếu tố để thỏa mãn nhu cầu của mọi đối tượng khách, dù là người đam mê lịch sử, yêu thiên nhiên, say mê ẩm thực hay là người đang tìm kiếm những cuộc phiêu lưu. Sự kiến tạo độc đáo của tạo hóa đã hình thành nên những hòn đảo, những khối núi đá vôi lớn nhỏ đa hình thù càng làm nổi bật thêm vẻ đẹp kỳ diệu không tìm thấy ở đâu khác của Vịnh Hạ Long.
Với vẻ đẹp hùng vĩ nhưng rất nên thơ, Vịnh Hạ Long đã từng xuất hiện trong rất nhiều bộ phim quốc tế. Vào năm 2017, bộ phim “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo Đầu lâu) do đạo diễn Vogt - Roberts thực hiện với nhiều cảnh quay tuyệt đẹp về Vịnh Hạ Long đã được công chiếu tại các rạp chiếu phim trên toàn cầu.
Trong phim, Vịnh Hạ Long hiện lên thật ấn tượng, hoành tráng với hệ thống đảo đá trùng trùng điệp điệp, nhấp nhô trên mặt biển trong xanh.
Sau khi công chiếu, bộ phim đã tạo nên “cơn sốt” phòng vé với khán giả Việt Nam. Hơn thế nữa, việc đạo diễn Jordan Vogt - Roberts được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam đã khiến cho bộ phim “Kong: Skull Island” càng được công chúng chú ý nhiều hơn.
Lọt nhóm “No list” năm 2024 do lo ngại về môi trường
Dù lượng khách quốc tế đến tham quan vịnh Hạ Long chiếm gần 50% tổng lượng khách cả năm, nhưng mới đây Tạp chí du lịch Mỹ Fodor's Travel lại xếp vịnh Hạ Long vào nhóm "No list" năm 2024 với khuyến nghị du khách nên xem xét lại nếu muốn ghé thăm để bảo tồn điểm đến.
Theo Fodor’s Travel, các hoạt động trên vịnh Hạ Long như đi thuyền du lịch ngắm cảnh và cộng đồng ngư dân ngày càng phát triển đang góp phần tạo ra rác thải, dầu diesel trong nước. Các nỗ lực hạn chế ô nhiễm môi trường dễ dàng bị phá vỡ và "thực thi một cách nửa vời".
Theo Tạp chí này, danh sách được lập dựa trên các tiêu chí ảnh hưởng đến du lịch gồm: quá tải du lịch, chất thải, chất lượng nguồn nước. Những điều này không chỉ gây hại tới điểm đến, mà còn ảnh hưởng cuộc sống của người dân địa phương.
“Tình trạng quá tải du lịch và ô nhiễm biển đã gây áp lực lên hệ sinh thái vịnh trong nhiều thập kỷ. Lượng khách đến vịnh năm 2022 là hơn 7 triệu và dự kiến đạt khoảng 8,5 triệu vào năm 2023.
Rác thải trôi dạt trên vịnh Hạ Long khiến nhiều du khách nước ngoài lo ngại về ô nhiễm môi trường.
Khi đi du thuyền trên vịnh, không khó để du khách thấy chai nước, túi nilon, cốc xốp và rác thải liên quan đến hoạt động đánh cá trôi nổi trên mặt nước cùng những vệt dầu nhớt từ tàu thuyền du lịch. Rác thải cũng trôi ra từ các khu dân cư và làng chài nằm dọc các bãi biển”, tạp chí Fodor’s Travel viết.
Johnny Chen, du khách đã dành một tháng ở Việt Nam vào tháng 4.2023, chia sẻ về trải nghiệm khi đến vịnh Hạ Long: “Rác chắc chắn luôn là một vấn đề và sẽ là một phần trong trải nghiệm của bạn. Bạn có thể bắt gặp những mảng rác rất lớn và kinh khủng hoặc các mảnh nhỏ vương vãi. Những bức ảnh về vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao thật đáng kinh ngạc, nhưng nhìn từ trên mặt biển lại là một câu chuyện khác”.
Bất chấp lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần trên du thuyền kể từ năm 2019, Chen cho biết anh vẫn được cung cấp những chai nước nhỏ trên tàu. Những khách du lịch khác cũng có trải nghiệm tương tự và đánh giá trên TripAdvisor rằng vịnh bị ô nhiễm bởi rác thải xốp và những “lớp cặn dầu trôi theo từng đợt sóng”.
Ngoài ra, việc phát triển đô thị hóa và các dự án bất động sản có san lấp mặt biển triển khai dọc bờ biển và vùng đệm bảo vệ vịnh Hạ Long trong suốt thời gian qua cũng đang tác động một phần nặng nề tới môi trường biển của vịnh Hạ Long.
Mới đây nhất, Dự án Khu đô thị 10B phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh của Công ty TNHH Đỗ Gia Capital bị tỉnh Quảng Ninh xử phạt 125 triệu đồng với các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản Văn hóa, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.
Theo đó, dự án này có khoảng 3,88 ha diện tích nằm chồng lấn lên vùng đệm bảo vệ di sản vịnh Hạ Long. Trong quá trình thi công lấp biển, đơn vị chủ đầu tư đổ đất đá trực tiếp xuống vùng nước vịnh Hạ Long mà không có các giải pháp bảo vệ môi trường.
Trước đó, vào khoảng tháng 4/2023, vịnh Hạ Long đối diện với việc hàng tấn phao xốp trôi nổi trên mặt biển phát thải ra từ hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường và trải nghiệm của khách du lịch.
Sau đó, Trung tâm Di sản thế giới, UNESCO đã có văn bản gửi quốc gia thành viên Việt Nam phản hồi về hiện trạng bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, trong đó gửi kèm thư của khách du lịch quốc tế phản ánh tình trạng rác thải trôi nổi quá nhiều trên vịnh làm ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm chuyến du lịch của họ.
Ngoài Vịnh Hạ Long, Athens (thủ đô Hy Lạp) và núi Phú Sĩ (Nhật Bản) cũng bị Fodor's đưa vào danh sách đen.
Theo tổ chức này, lý do không nên đi Athens là thành phố này giới hạn lượng người tham quan hàng ngày nhưng con số 20.000 vẫn quá nhiều. Còn núi Phú Sĩ bị chê vì ùn tắc giao thông và nhiều rác thải.