Hội thảo có nhiều ý kiến tham luận tập trung phân tích sâu sắc để làm rõ những nội dung nhận diện tiềm năng, thế mạnh từ các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Vừa qua, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia phối hợp với thành phố Hạ Long tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long".
Quang cảnh hội thảo
Dự Hội thảo có PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý thuộc các cơ quan cục, viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học ở Trung ương, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh và thành phố Hạ Long.
Đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh về giá trị di sản văn hóa của TP Hạ Long
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết kể từ khi được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994, UNESCO đã từng nhiều lần đưa ra khuyến nghị về vấn đề bảo tồn vịnh Hạ Long vào các năm từ 2003, 2004, 2006, 2007; 2009; 2011; 2013, 2014, 2021 và 2023 tập trung ở những nội dung về những mối đe dọa có khả năng ảnh hưởng tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Trong đó, có ngành công nghiệp khai thác than, xi măng, nước thải và chất thải, nuôi trồng thủy sản, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, công nghiệp hóa và đô thị hóa ở vùng đệm; các dự án phát triển kinh tế trọng điểm và các hoạt động đổ đất lấn biển tại các khu vực xung quanh khu di sản; tăng cường năng lực quản lý của Ban quản lý vịnh Hạ Long.
UNESCO cũng đưa ra các quy định quản lý du khách để hạn chế tác động từ khách du lịch ở các khu vực quan trọng nhằm giảm áp lực của du khách tới di sản; cung cấp bản đồ với chỉ thị rõ ràng về các ranh giới hiện tại và vùng đệm của khu di sản...
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa phát biểu tại Hội thảo
Trước tình hình trên, bà Lê Thị Thu Hiền cho rằng, tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng cần khẩn trương lập quy hoạch vịnh Hạ Long theo quy định của Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25.12.2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và pháp luật khác có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng cần đánh giá đúng và khách quan tiềm năng, thế mạnh của thành phố Hạ Long về mặt di sản văn hóa, đề xuất các mô hình phát triển và giải pháp thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa với tư cách là nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa phục vụ việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà địa phương có ưu thế trong đó có ngành du lịch văn hóa.
Bên cạnh đó, đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp cận giải quyết vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và hội thảo là cơ hội tốt để góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý đối với công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Theo đó, hội thảo nhằm phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các di sản văn hóa của thành phố Hạ Long, từ đó nghiên cứu bổ sung lý luận, tổng hợp khái quát có hệ thống, khoa học các tư liệu lịch sử liên quan, làm sáng tỏ cơ sở khoa học cho việc huy động các nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di sản văn hóa, với định hướng phát triển bền vững.
Đồng thời, các đại biểu cần xác định rõ quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh và động lực đột phá cho sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; khơi dậy mạnh mẽ truyền thống, sức mạnh “Kỷ luật-Đồng tâm”, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, nhất trí, khát vọng phát triển để xây dựng thành phố Hạ Long kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
Thành phố của di sản và lễ hội mang đậm đà bản sắc văn hóa
Đánh giá tại Hội thảo, ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, khẳng định ngoài việc khai thác giá trị cảnh quan của vịnh Hạ Long hàng năm đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan thì các điểm di tích văn hóa khác trên địa bàn chưa phát huy được tối đa hiệu quả.
Theo Bí thư TP Hạ Long, công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền quảng bá, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng giá trị lịch sử của di tích.
Để khắc phục những tồn tại trên, năm 2024, thành phố Hạ Long sẽ tập trung nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; huy động nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hạ Long trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Hạ Long sẽ hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực... để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch với nguyên tắc sản phẩm du lịch phải có yếu tố đặc sắc, mang được văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình và tính chuyên đề của một gói sản phẩm du lịch văn hóa. Từ đó hướng tới việc xây dựng thành phố của di sản, kỳ quan và văn hóa ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, là điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế.
Bí thư Thành ủy Hạ Long cho rằng Hạ Long sẽ hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực... để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Đặc biệt, chính quyền địa phương sẽ tăng cường năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, thông tin, kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là trên vịnh Hạ Long, xâm phạm, hủy hoại cảnh quan, công trình di tích.
Phó Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Thị Mai Anh tin tưởng và kỳ vọng qua hội thảo, các tư liệu, luận cứ sẽ được các nhà khoa học thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về giá trị của các di sản văn hóa và định hướng các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để bảo tồn và phts huy giá trị của các di sản văn hóa phục vụ cho sự phát triển bền vững của thành phố Hạ Long trong thời gian tới.
Theo đại diện thành phố Hạ Long, TP hiện có 96/638 di tích lịch sử-văn hóa của toàn tỉnh; trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Danh thắng vịnh Hạ Long; 6 di tích cấp quốc gia; 16 di tích lịch sử cấp tỉnh; 73 di tích nằm trong danh mục được kiểm kê, phân loại, cùng nhiều di tích khảo cổ thời sơ sử và tiền sử chứa đựng nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, tích hợp tầng sâu của văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, địa phương có 11 lễ hội văn hóa truyền thống có nguồn gốc lịch sử từ xa xưa, xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng, phản ánh đặc điểm sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, như: thờ cúng Tổ tiên, thờ Mẫu, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh...
Cùng với hệ thống di sản văn hóa, thành phố Hạ Long có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, ẩm thực đặc sắc, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ hiện đại góp phần thu hẹp khoảng cách thụ hưởng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và định vị thêm cho Hạ Long nguồn tài nguyên giàu giá trị, là lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trải nghiệm...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh, hội thảo cần nhằm làm rõ những vấn đề lý luận về khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, con người, làm nền tảng tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, nhất là đối với Quảng Ninh và thành phố Hạ Long.
Qua Hội thảo này sẽ có nhiều hơn nữa tư liệu, ý kiến quý báu của các học giả, các nhà nghiên cứu, diễn giả sẽ chỉ ra thêm cho thành phố Hạ Long những kinh nghiệm tiếp cận những nhận thức mới về phát triển bền vững, nhận diện mới về giá trị di sản văn hóa, con người Hạ Long hiện tại đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn để có giải pháp thực tế, hiệu quả để chuyển hóa các giá trị này thực sự trở thành nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Tại hội thảo, các ý kiến tham luận đã tập trung phân tích sâu sắc để làm rõ những nội dung như: nhận diện tiềm năng, thế mạnh từ các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hạ Long; thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa; định hướng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ cho sự phát triển bền vững thành phố Hạ Long trong giai đoạn mới.