Trân quý thiên nhiên, 'vương quốc đồng hồ' hướng đến du lịch bền vững

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tình yêu thiên nhiên của người Thụy Sĩ kết hợp với sự khéo léo và năng lực tuyệt vời của họ đã giúp cho quốc gia này trở thành điểm đến thân thiện với mọi du khách và ít tác động đến môi trường.

Từ ngọn núi Matterhorn oai nghiêm và thác Staubbach tráng lệ cho đến làn nước màu xanh lam bắt mắt của hồ Brienz, khi nhìn vào bất cứ nơi đâu trên đất nước không giáp biển này, bạn đều bắt gặp những cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ.

Không có gì ngạc nhiên khi người Thụy Sĩ tự hào về di sản thiên nhiên của mình. Họ luôn cố gắng sống gần gũi với thiên nhiên thông qua các hoạt động ngoài trời thú vị.

Cảnh quan thiên nhiên bắt mắt khiến bạn phải trầm trồ là thế, nhưng ẩn sâu bên trong cái đẹp của những ngọn núi hùng vĩ hay sắc nước trong vắt của những mặt hồ kia là  cam kết lâu đời trong việc bảo vệ môi trường của người Thụy Sĩ.

Điều đó có nghĩa, trong tương lai, những thắng cảnh này sẽ tiếp tục được họ bảo vệ và trân quý vì lợi ích của tất cả mọi người.

Trân quý thiên nhiên, 'vương quốc đồng hồ' hướng đến du lịch bền vững - 1

Vẻ đẹp nên thơ của hồ Brienz. Ảnh: Shutterstock

Thụy Sĩ xem trọng tính bền vững. Chính phủ nước này đã đề ra những chính sách mang tầm nhìn dài hạn về việc quản lý tài nguyên môi trường kết hợp với giảm thiểu khí thải.

Nhờ vậy, người dân Thụy Sĩ từ lâu luôn dẫn đầu trong việc sống hòa hợp với thiên nhiên. Họ yêu thích cắm trại dã ngoại, luôn quan tâm đến vấn đề tái chế rác thải và thích du lịch bằng tàu hỏa thay vì máy bay.

Đó là lý do vì sao khi nhắc đến Thụy Sĩ, người ta thường nghĩ ngay đến những thành tựu liên quan đến môi trường, điển hình như 75% sức mạnh năng lượng đến từ các nguồn tái chế, công viên quốc gia Thụy Sĩ là công viên lâu đời nhất trên dãy Alps, và đất nước này đã được công nhận là một trong những quốc gia tiến bộ và cam kết hành động với biến đổi khí hậu.

Vì đâu Thụy Sĩ yêu thiên nhiên?

Mối liên kết chặt chẽ với thiên nhiên của người Thụy Sĩ có thể bắt nguồn từ nguồn gốc quốc gia nông nghiệp, khi có nhiều người dân chọn sống và làm việc ở các vùng nông thôn miền núi. Điều này có thể được nhìn thấy ở nhiều khía cạnh trong đời sống hiện đại tại Thụy Sĩ.

Ví dụ, khắp đất nước thường xuyên tổ chức những khu chợ hay hội chợ nông sản để bày bán đủ loại mặt hàng nông nghiệp, từ pho mát, thịt hun khói đến các loại hạt ngũ cốc, hạt dẻ, sô cô la, bánh ngọt…

Trân quý thiên nhiên, 'vương quốc đồng hồ' hướng đến du lịch bền vững - 2

Đời sống của người dân Thụy Sĩ gắn liền mật thiết với thiên nhiên. Ảnh: Ariane Hoehne

Nhiều phong tục truyền thống gắn liền với lối sống nông nghiệp lâu đời vẫn được công nhận và tôn vinh đến ngày nay, đặc biệt là những phong tục vào cuối mùa hè ở miền núi, là thời điểm những chú bò rời các khu đồng cỏ trên núi cao để quay về thung lũng. Đây là lúc diễn ra lễ hội pho mát Chästeilet ở Mägisalp.

Các sản phẩm nông nghiệp cũng được ưu tiên sử dụng tại các nhà hàng địa phương. Các món ăn trên thực đơn nhà hàng đều được chế biến từ các loại thực phẩm hữu cơ nông nghiệp.

Một vài nhà hàng nổi tiếng sử dụng thực phẩm hữu cơ có thể kể đến như: nhà hàng Jakob chuyên dành cho những ai sành ăn ở Rapperswil, nhà hàng hữu cơ nổi tiếng Tüfi ở ngoại ô Zurich và nhà hàng Kartause Ittingen theo phong cách tự phục vụ ở Thurgau.

Các ngôi nhà ở nông thôn cũng giúp nhiều người Thụy Sĩ có cơ hội kết nối lại với thiên nhiên, hít thở không khí núi rừng trong lành và ngắm nhìn bầu trời đêm quang đãng.

Không lấy gì làm lạ khi những nơi như khu cắm trại Arolla hẻo lánh, nằm trên tuyến đường Haute giữa Zermatt và Verbier, lại cực kỳ nổi tiếng. Đây là khu cắm trại nằm ở nơi cao nhất châu Âu, có tầm nhìn tuyệt đẹp hướng về sườn núi phía bắc của hai ngọn núi Mont Collon và Pigne d’Arolla.

Trân quý thiên nhiên, 'vương quốc đồng hồ' hướng đến du lịch bền vững - 3

Khu cắm trại cheo leo triền núi. Ảnh: R Scott

Cũng nổi tiếng như Arolla còn có khu nghỉ dưỡng mang phong cách cổ điển CERVO Mountain, với 9 khu nhà nghỉ sang trọng được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu gỗ, hoặc các ngôi nhà nghỉ mái vòm đẳng cấp của Whitepod nằm ở vị trí hoàn hảo trên các sườn núi phía trên làng Les Cerniers tại Vallais, mang đến cho du khách khung cảnh tuyệt vời của dãy núi Dents-du-Midi.

Sự kết nối đặc biệt giữa thành thị và cao nguyên

Việc mở rộng các tuyến đường sắt của Thụy Sĩ trong cuộc cách mạng công nghiệp vào cuối thế kỷ XIX đã tạo nên hình hài cho mạng lưới giao thông công cộng trên khắp Thụy Sĩ, cũng như sự phát triển của Swiss Travel Pass (tạm dịch: Thẻ thông hành Thụy Sĩ).

Đây được đánh giá là tư duy mang tính chiến lược của chính phủ Thụy Sĩ trong việc phát triển ngành du lịch nội địa.

Những công dân sở hữu tấm thẻ thông hành này sẽ được đi lại không giới hạn bằng tàu hỏa, xe buýt và du thuyền trên khắp lãnh thổ đất nước.

Đồng thời, các công dân này còn được miễn phí vé vào cổng tại 500 bảo tàng trên khắp Thụy Sĩ và tham gia những chuyến du lịch không giới hạn trên các chuyến tàu hỏa hạng sang để ngắm nhìn toàn cảnh sông núi hùng vĩ.

Trân quý thiên nhiên, 'vương quốc đồng hồ' hướng đến du lịch bền vững - 4

Giờ đây, việc đi du lịch với người Thụy Sĩ không những dễ dàng mà còn rất tiết kiệm. Ảnh: Shutterstock

Mạng lưới giao thông đường sắt tại Thụy Sĩ luôn được đánh giá đạt hiệu quả tốt. Nếu bạn đã từng buộc phải đứng chờ chuyến tàu chuyển tiếp tại một nhà ga nơi thâm sơn cùng cốc mà không chắc chuyến tàu ấy có đến kịp trong ngày hay không thì tại Thụy Sĩ, những trải nghiệm bất an về thời gian đến và đi của tàu hỏa là chưa từng có.

Hầu hết du khách đều có thể dễ dàng tiếp cận mọi thị trấn trên khắp Thụy Sĩ bằng phương tiện giao thông công cộng. Bạn sẽ không bao giờ phải cách quá xa với một trạm tàu hỏa, trạm xe buýt hay bến tàu. Điều này cho phép bạn tận dụng tối đa mọi cơ hội được chu du khắp Thụy Sĩ, để hiểu và yêu hơn con người nơi đây.

Quyết tâm bảo vệ môi trường

Quy mô của các khu bảo tồn thiên nhiên trên khắp Thụy Sĩ phản ánh giá trị văn hóa và kinh tế của đất nước. Luật pháp được chính quyền Thụy Sĩ thông qua cách đây 125 năm đảm bảo rằng gần một phần ba diện tích bề mặt của đất nước cần phải được duy trì chính là những khu rừng vô giá.

Trân quý thiên nhiên, 'vương quốc đồng hồ' hướng đến du lịch bền vững - 5

Những cánh rừng "vô giá" của đất nước Thụy Sĩ là tài sản được chính phủ nước này quyết tâm gìn giữ. Ảnh: Shutterstock

Ngoài ra, chính phủ Thụy Sĩ còn đầu tư kiến tạo những khu vực giúp tăng cường và duy trì môi trường sống tự nhiên như các khu đồng hoang, núi đá vôi cheo leo, và những con suối bắt nguồn từ nơi hoang dã thuộc khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận ở phía tây Lucerne.

Tương tự, các khu rừng, đầm lầy, núi đá vôi lởm chởm thuộc công viên tự nhiên Jura Vaudois hay khu vực từ đỉnh La Dôle đến tu viện thời trung cổ Romainmôtier cũng được chính phủ nước này quan tâm đặc biệt.

Sự tận tâm lâu đời của người Thụy Sĩ dành cho môi trường tự nhiên ngày một nâng cao, và giờ đây, nó đang dần chuyển sang một hình thái mới, tiến đến hình ảnh một xã hội không khí thải.

Năm 2017, Thụy Sĩ được vinh danh là một trong năm quốc gia hàng đầu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Vào năm 2020, Thụy Sĩ đã cam kết giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.

Sự cống hiến của Thụy Sĩ cho màu xanh của Trái đất đã vượt xa những quy chuẩn của quản trị và luật pháp. Nhiều người dân Thụy Sĩ, từ thành thị đến nông thôn, đang được sống trong bầu không khí trong lành, vốn là điều gì đó xa xỉ ở các nước phát triển khác.

Những cửa hàng không rác thải tại Zurich đến những con đường dành cho xe đạp rộng rãi và tươm tất ở Basel… đang khiến thế giới phải thán phục.

Trân quý thiên nhiên, 'vương quốc đồng hồ' hướng đến du lịch bền vững - 6Thành phố Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh: Shutterstock

Những du khách yêu thiên nhiên khi đến với quốc gia không giáp biển này có thể thong thả đi bộ và thoải mái tìm hiểu văn hóa địa phương mà không bị khói bụi và tiếng ồn xe cộ làm phiền.

Đồng thời, du khách còn có thể tự do khám phá thiên nhiên cũng như được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Từ đây, họ sẽ nhận ra rằng, những chuyến du lịch ít tác động đến thiên nhiên của mình đang góp phần định hướng ngành du lịch thế giới đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo (dịch) (National Geographic)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!