Thành phố nghĩa tình đi qua mùa dịch: Vì mình, mà cũng là cho người

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ở thành phố này, ngày ngày đang trưng bày những nghĩa tình hào sảng của Nhà ăn 0 đồng, quán cơm miễn phí hay những phần cơm “ai cần cứ lấy”… Còn ngay trong khu vực cách ly, phong tỏa, không thể kể xiết bao phần ăn, phần quà đã được trao đi…

1. 

Xấp vé số trên tay bà Phan Thị Ngọc Kiều (52 tuổi) mỏng dính. Tưởng được một ngày khấm khá, tôi mừng cho bà. “Đâu, lấy trăm rưỡi tờ, sáng giờ bán được hơn 50 tờ chứ mấy. Còn chừng này xí tui tranh thủ ra đường bán nữa” - bà phân trần. Lúc đó khoảng 16g ngày 5/6, khi TPHCM chưa thực hiện lệnh giãn cách toàn thành phố, nhưng bến xe Miền Đông (cũ) đã vắng hoe. Dãy ghế chờ dài thăm thẳm ở sảnh lớn không một bóng người. Lác đác vài ki-ốt bán vé còn sáng điện. Tôi gặp bà Kiều nằm uể oải trên dãy ghế chờ.

Bà kể, bà rời Đồng Nai vào TPHCM lập nghiệp đã hơn năm năm, làm đủ nghề từ bán vé số đến phụ việc quán cơm. Bà xem bến xe này là “nhà”. Dịch bệnh bất ngờ bùng lên, quán cơm đóng cửa, bà chuyển qua bán vé số, mệt thì vào đây nằm nghỉ. Cái cảm giác một mình một cõi giữa mênh mông bến xe, bà Kiều bảo vẫn chưa quen, dẫu là lần thứ hai trong đời chứng kiến.

Thành phố nghĩa tình đi qua mùa dịch: Vì mình, mà cũng là cho người - 1

Trong dịch bệnh, bà Phan Thị Ngọc Kiều sống bằng nghề bán vé số tại bến xe vẫn tìm thấy hơi ấm của tình người qua những suất ăn miễn phí

Tháng Tư năm ngoái, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ, bến xe ngưng hoạt động. Những ngày này, trừ Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc, Q.12 áp dụng Chỉ thị 16, các nơi khác của thành phố thực hiện Chỉ thị 15 về giãn cách xã hội. Thông thương hạn chế, nhưng nhiều địa phương đã ban bố lệnh cách ly người về từ thành phố, tạm ngưng vận tải khách khiến bến xe rơi vào cảnh đìu hiu lần nữa.

Ngồi ngáp ngắn ngáp dài phía trong một ki-ốt dán dòng chữ TP.HCM - Tuy Hòa, thấy tôi, gương mặt người đàn ông giãn ra. Anh chào mời: “Tuy Hòa không em? Dịch giã, làm ăn khó quá, nhiều hồi muốn ngưng chạy luôn cho khỏe” - anh tặc lưỡi. Đoạn, anh ngượng ngùng: “Mà không chạy cũng kỳ, bởi khách còn nhu cầu, mình ngưng tuyến thì không giống với tiêu chí kinh doanh cho lắm”. 

Một chuyến xe bình thường vận chuyển 40 khách, nay chỉ còn 10-15 người. Giá vé tăng thêm vài chục ngàn đồng cho nhà xe đỡ lỗ. Người đàn ông nhẩm tính: “Một chuyến xe chi phí chừng 10 triệu đồng, bây giờ, 10-15 khách được tầm 4-6 triệu, thêm vài triệu tiền hàng chỉ vừa đủ bù chi. Có khi lỗ vài triệu, có khi lời vài trăm ngàn đồng”. Nhưng các nhà xe vẫn chạy, dù điều này dường như… không giống lắm với tiêu chí làm ăn, khi mọi nguyên tắc kinh doanh, lợi nhuận vẫn đặt lên hàng đầu.

Người đàn ông chia sẻ, phải cần lắm người ta mới đi lại lúc này. Đó là những người không cầm cự cơn đau, cực chẳng đã bắt xe vào thành phố khám chữa bệnh. Hay những người đành phải đi theo những chuyến xe hàng trong dịch giã. “Kinh doanh có khi này khi khác, thành phố không cấm, khách còn nhu cầu thì mình còn phục vụ” - anh nói rồi thở dài.

Triết lý kinh doanh nhẹ tênh của người đàn ông cũng là lý lẽ để xoay trở của nhiều doanh nghiệp giữa dịch bệnh vây bủa. Sau lệnh giãn cách, nhiệm vụ phòng, chống dịch ưu tiên hàng đầu, thì vế thứ hai của “mục tiêu kép” vẫn tiếp tục thực hiện.

Đường sá vắng vẻ. Giữa những cánh cửa đóng im ỉm trước biến động thời cuộc, thì những nhà kinh doanh nhỏ lẻ không thuộc danh mục phải tạm ngưng, hoặc lặng lẽ với thông báo “chỉ bán mang đi”. Nhiều cửa hàng thời trang, hoa tươi… trên địa bàn Q.Gò Vấp, từ hồi có Chỉ thị 16, đã không nhận khách đến mua trực tiếp, nhưng vẫn bán hàng trực tuyến.

Một chủ tiệm hoa nói như an ủi: “Đang dịch thế này, hoa có lẽ là thứ hơi xa xỉ, nhưng nhiều người vẫn cần hoa, vì hoa có thể giúp xoa dịu những nỗi chán chường trong mùa dịch. Mình là người kinh doanh nên khi nào còn khách đặt mua thì vẫn phải phục vụ”. Vì thế, dù hoa gửi đi, liên tục “quá cảnh” mới đến tay khách”, chủ tiệm vẫn giao. Chỗ “quá cảnh” là hàng rào kiểm dịch. Con số lợi nhuận có khi không bằng số vốn bỏ ra, nhưng chủ tiệm vẫn phải duy trì, vì nhu cầu của khách vẫn có.

Kỳ thực, câu chuyện kinh doanh trong những ngày này, không khó gì một quyết định dừng lại. Kinh doanh mà cầm cự, thất thu vẫn duy trì, mới là khó. Thành phố thực hiện “mục tiêu kép”, âu đó cũng là sự đồng hành của họ.

2.

Một lãnh đạo Q.1 thật lòng chia sẻ, sau những bài báo tường thuật cảnh ế ẩm ở chợ Bến Thành, thế là chợ càng vắng khách hơn. “Có lẽ, người đọc nghĩ rằng, nhiều sạp hàng đóng cửa thì đến chợ làm gì, nhỡ không mua được mặt hàng mình cần!” - vị ấy chốt. Ông Lê Quang Thiện - Giám đốc Ban Quản lý chợ Bến Thành - cho biết tầm 70% cửa hàng trong chợ đang đóng cửa, doanh thu cũng giảm 70-80%. Thông tin đó được ông cung cấp vào ngày 5/6, khi tôi hỏi tình trạng kinh doanh trong đợt sóng COVID-19 lần này.

Thành phố nghĩa tình đi qua mùa dịch: Vì mình, mà cũng là cho người - 2

Nhiều người lao động nghèo vất vả mưu sinh trong mùa dịch - Ảnh: nguoilaodongngheo

Tôi đi bộ dọc theo những con đường bao quanh chợ Bến Thành. Bốn dãy mặt tiền, ngoại trừ những sạp hoa, trái cây, là những ô cửa cuốn đóng sập, nối nhau một dãy dài. Bốn cửa vào chợ vẫn mở toang. Trước mỗi cửa, có vài vị khách đang khai báo y tế, đo thân nhiệt. Phía trong, mấy dãy hàng quần áo đã sập cửa, tối om. Chỉ còn chừng hơn hai chục cửa hàng quà lưu niệm, thức ăn và nhiều mặt hàng khác là còn hoạt động, nhưng vẫn không khiến quang cảnh nơi này bớt đi phần đìu hiu, không sức sống. 

Quãng này, “về nhà” đã trở thành mệnh lệnh của tất cả trái tim, khách không đến chợ Bến Thành để tham quan, du lịch, cũng không còn cái quán tính mua sắm những mặt hàng không thiết yếu. Nhưng, “còn khách là còn mở, bán buôn là phục vụ, đâu vì chợ ế ẩm mà đóng tiệm cho khỏe được” - chị Lý, một tiểu thương phân trần. Chính cái niềm tin phải mở bán cho vị khách đang cần đã níu giữ 30% tiểu thương ở lại, dù họ thừa hiểu, có khi việc chống chọi trong lúc này, chính họ chứ không ai khác, sẽ nhận đòn giáng nghiệt ngã của dịch bệnh.  

3.

Khi cơn mệt mỏi qua đi, bà Kiều lảo đảo đứng lên đi về phía cổng, rồi bất ngờ quay lại nói với tôi: “Được cái, thành phố dạo này… kỳ lắm, nhiều người rất tốt bụng. Mấy ngày nay tui đâu tốn đồng nào tiền ăn”. Bà chỉ tay ra góc đường Đinh Bộ Lĩnh, nơi mà hôm nào cũng có người đặt sẵn nhiều phần cơm miễn phí, rồi ở đâu đó có ngôi chợ 0 đồng… 

Thành phố hiện có hơn 150 điểm “nóng” phải phong tỏa, cách ly để giám sát dịch bệnh. Nhưng cũng ở thành phố này, ngày ngày đang trưng bày những nghĩa tình hào sảng của Nhà ăn 0 đồng (84/96 Tân Sơn Nhì, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú), quán cơm miễn phí (523 Nguyễn Tri Phương, P.8, Q.10, 96 Nguyễn Chí Thanh P.2, Q.10), hay nút giao Ngô Gia tự - Sư Vạn Hạnh mỗi ngày luôn sẵn những phần cơm “ai cần cứ lấy”… Còn ngay trong khu vực cách ly, phong tỏa, không thể kể xiết bao phần ăn, phần quà đã được trao đi… 

Chị Nguyễn Ái Vân (P.An Phú Đông, Q.12) xúc động: “Ngay trong ngày đầu cách ly tại nhà, có một chị gọi đến, xưng ở Hội LHPN P.An Phú Đông, hỏi thăm gia đình tôi có đang gặp khó khăn gì không. Rồi, chị ấy còn xin kết bạn Zalo. Vài ngày một lần, nhiệt tình hỏi cần mua giúp gì, sức khỏe ra sao…”.

Chẳng là hôm 22/5, người em dâu tương lai của chị thông báo mình vừa trở thành F1, do chỗ làm có ca nhiễm bệnh. Chị Vân điểm lại, xác định mình là F2, lập tức cùng gia đình ra trạm y tế phường khai báo. Ngày 23/5, gia đình chị được đưa đến Trung tâm Y tế Q.12 lấy mẫu xét nghiệm. Vừa về đến nhà là nhận được quyết định phải cách ly tại nhà...

Trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh lần này, thành phố đã cố gắng để không rơi vào tình huống xấu nhất, là áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố. Dẫu đang phải thực hiện giãn cách, nhưng thành phố vẫn không quên vai trò trụ cột của mình, và tự bên trong nó, vẫn đồng hiện những câu chuyện của sự vượt khó làm ăn, những câu chuyện của nghĩa tình, hào sảng vốn dĩ. Và rồi, những nỗ lực trong mọi ngóc ngách cuộc sống cũng đồng thời được bày ra, vì mình, mà cũng là cho người. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tuyết Dân (Phụ nữ TP.HCM)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!