Chuyện tử tế: Vị khách không tay và tấm vé máy bay đặc biệt
Nhịp sống vốn hối hả, đã bao giờ bạn thử dừng lại và … sống chậm! Quan sát để nhận ra rằng, xung quanh ta vẫn còn đó những phận đời kém may mắn, cần nắm một bàn tay.
Những ngày gần đây, câu chuyện “tấm vé máy bay về quê 350 ngàn” của một anh chàng khuyết tật thu hút sự quan tâm trên các diễn đàn mạng xã hội.
Ban đầu, nội dung câu chuyện khiến không ít người nửa hoài nghi, nửa xót xa. Giữa đầy rẫy chuyện hư hư thực thực diễn ra mỗi ngày trên mạng, một tình huống “ấm lòng” như vậy, có thực sao?
Nguyên văn câu chuyện như sau:
Bạn sẽ xử trí ra sao nếu gặp một hành khách khuyết tật, không có giấy tờ tùy thân, khuôn mặt khắc khổ, nài nỉ: "Cha em bị tai biến, em cần về Hải Dương gấp".
Bạn sẽ làm gì khi vé bay 900.000đ nhưng vị khách chỉ có 350.000đ vẫn gắng gượng: "Đợi em đi xe ôm về Quận 7 vay bạn thêm tiền, rồi quay lại mua vé".
Sân bay Tân Sơn Nhất buổi chiều cuối cùng của tháng 5 vắng vẻ, đủ khiến vị khách ấy càng trở nên đặc biệt. "Em đi xe đò vào TP.HCM cách đây 3 năm, bán vé số dạo để gởi tiền về quê. Cha em bị tai biến, hôm nay ra sân bay mua vé về quê gấp, nhưng bị từ chối vì em không có giấy tờ hợp lệ. Em là người khuyết tật, không có đôi bàn tay, nên không làm chứng minh nhân dân được. Anh chị thương giúp em với!".
Tôi chụp lại Giấy chứng nhận khuyết tật do UBND xã cấp của vị khách để thử trình bày với bên an ninh sân bay. Biết là rất khó, nhưng chỉ có một tia hi vọng thì vẫn phải thử. "Được, em!". Câu trả lời đồng ý ngắn gọn nhưng ấm áp của an ninh sân bay khiến tôi mừng vui vô cùng!
Vị khách khó nhọc vét từng tờ tiền lẻ trong túi, vừa tròn 350.000đ. Anh dúi vào tay tôi, nói tôi chờ anh đi vay tiền rồi quay lại. Các đồng nghiệp và tôi kéo anh lại. "Anh đi là không kịp chuyến bay đâu. Để tụi em tính."
Tôi nhét lại vào túi anh 350.000đ - những đồng tiền lẻ có lẽ đầy nắng gắt và mồ hôi chốn Sài Thành. Mấy người chúng tôi, mỗi anh em một ít, gom đủ vé bay cho anh, còn dư một xíu cũng nhét thêm vào túi anh làm lộ phí về quê từ sân bay Nội Bài. Sau khi thanh toán tiền vé máy bay, tôi đưa anh sang quầy làm thủ tục. Gọi điện báo cáo sếp (Trưởng Đại diện GO SGN), chị nói để chị gặp và biếu anh thêm chút lộ phí nữa.
Nhận vé rồi hướng dẫn anh lên phòng chờ, anh tần ngần một lúc rồi xin tên chúng tôi, bịn rịn nói lời cảm ơn.
Sân bay Tân Sơn Nhất chiều nay vẫn chưa hết vắng vẻ, nhưng không cô quạnh. QH244 chiều nay đã chở một vị khách đặc biệt. Hạnh phúc của nghề nghiệp chúng tôi không chỉ nằm ở việc bạn đồng hành với hành khách mọi nơi, mọi lúc.
Hạnh phúc còn là vì bạn nỗ lực không bỏ bất kì hành khách nào lại phía sau.”
Câu chuyện ấm lòng trên có tựa đề “Vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng: Đồng bào” được anh Nguyễn Đoàn Trí - Trưởng ca GO SGN chia sẻ trong Group Việt Nam Ơi. Nhân viên quầy vé hôm đấy là chị Lương Thu Thảo cũng đã xác nhận với báo chí toàn bộ câu chuyện đều là thật.
Chuyện một buổi chiếu cuối cùng của tháng 5, sân bay Tân Sơn Nhất thưa vắng khách sau khi thành phố liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19. Xuất hiện vị khách đặc biệt là anh Nguyễn Quốc Phương, làm nghề bán vé số dạo ở Sài Gòn.
Đứng trước quầy vẻ, chàng trai có khuôn mặt lam lũ khắc khổ, hai tay bị cụt, dè dặt trình bày: “Chị ơi em bị cụt không có bàn tay nên không làm giấy chứng minh nhân dân được. Em có giấy chứng nhận khuyết tật của UBND xã cấp. Hôm nay, bố em bị tai biến đang mong em về nên mới hỏi để đi máy bay”.
Hoàn cảnh của Phương khiến ai nghe được cũng mủi lòng, thương cảm. Chị Lương Thu Thảo đã báo cáo sự việc với anh Trí – trưởng ca. Sau khi được giúp đỡ qua cửa an ninh, Phương ngập ngừng hỏi vé có nhiều tiền không?
Nhân viên thông báo với anh, tiền vé cho chuyến bay là 900.000 đồng. Lúc đấy, trong chiếc túi vé số cũ sờn Phương lôi ra một xấp tiền lẻ, tổng cổng được 350.000 đồng.
Số tiền vé vẫn còn thiếu hơn 500.000 đồng nữa. Phương đành buồn rầu, toan bắt xe ôm quay về quận 7 mượn thêm tiền. "Mình vội nói với anh Trí kéo bạn ấy lại và bảo anh thiếu bao nhiêu tụi em bù cho anh cứ ở đây. Sau đó mình nhờ đồng nghiệp mỗi người giúp một chút. Thực sự chẳng đáng là bao nhưng đó là tấm lòng của chúng mình dành cho anh ấy”, chị Thảo xúc động kể lại.
Nhờ sự chung tay của nhiều người, anh Phương đã gom góp đủ số tiền mua vé máy bay về quê. Chuyến bay đáp xuống sân bay Nội Bài, Phương tiếp tục đi xe khách gần 10 giờ đêm mới tới nhà. May mắn, bố Phương đã qua cơn nguy kịch.
Ngày hôm đấy, có một chuyến bay chở một vị khách đặc biệt, chở cả những tấm lòng nhân ái. Có người nói, cuộc sống thường nhật xoay quanh cơm áo gạo tiền, nhiều khi con người ta sống trở nên thực dụng đi.
Không hẳn vậy, điều tốt đẹp vẫn hiện diện quanh ta, nhưng đôi khi lại bị che lấp bởi ngờ vực. Chỉ cần chịu mở lòng, học cách trao đi và nhận về, cho dù đó là người thoáng qua đời mình.
Mang đến tình thương, sự an ủi cho ai đó, đâu phải đao to búa lớn, hô phong hoán vũ, cũng không cần một lời an ủi chiếu lệ, mà là một hành động thực tế.
Với tôi, đấy là một cuộc trao - nhận thật đẹp! Nhân đây, xin mượn lời của nhà văn Hồng Hải thay cho lời kết: “Luôn luôn, trong xô bồ, lúc nào cũng có ấm áp…” (Thương được cứ thương đi).
Cuộc đời vẫn luôn có những lối sống đẹp mà bình dị đến thế đấy!
Tranh vẽ của Thăng Fly không chỉ thể hiện các vấn đề xã hội, câu chuyện thời sự, tình người giữa mùa dịch Covid-19…...