Ði qua mùa dịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Năm 2021, dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng du lịch U Minh vụt sáng trong bức tranh du lịch Cà Mau. Sự kiện “Hương rừng U Minh” đánh dấu bước đột phá ngoạn mục của du lịch xứ rừng tràm.

Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện U Minh Lê Hữu Lợi cho biết: “Du lịch từ lâu được xác định là một trong những tiềm năng lớn của U Minh. Tuy nhiên, phải đến năm 2021, với sự kiện “Hương rừng U Minh” được tổ chức bài bản, tạo được ấn tượng và sức hút mạnh mẽ với du khách, thì du lịch U Minh mới khẳng định vị trí vững chắc trong bản đồ du lịch tỉnh nhà”.

Ði qua mùa dịch - 1

Trải nghiệm đi bộ xuyên rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: HUỲNH LÂM

Người dân, doanh nghiệp đồng lòng

Tín hiệu đáng mừng nhất của du lịch U Minh là việc các doanh nghiệp, hộ dân ngày càng quan tâm và mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Trên thực tế, việc hình thành các điểm, tour, tuyến du lịch ở U Minh chỉ mới thật sự sôi động vài năm trở lại đây. Lý giải điều này, ông Lê Hữu Lợi chia sẻ: “Bà con mình xưa nay quen cung cách “ăn chắc, mặc bền”, làm du lịch thì mới mẻ quá, mà hiệu quả thì chưa biết thế nào”. Dần dà, với chủ trương phát triển du lịch chung của tỉnh, của huyện, bà con đã chủ động tìm hiểu, học hỏi và thấy rằng, làm du lịch là cơ hội mới ở vùng đất rừng U Minh.

Minh chứng cho điều đó, ông Trần Thanh Liêm (Ba Liêm), Ấp 10, xã Nguyễn Phích, ban đầu chỉ dự định tìm mảnh đất lập vườn, thu huê lợi để thảnh thơi khi về hưu. Tuy nhiên, chủ trương làm du lịch đã khiến ông mạnh dạn đầu tư để biến vùng đất phèn thành điểm đến không thể bỏ qua cho du khách khi về với U Minh. Mùa dâu vừa rồi, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song điểm dừng chân của ông Ba Liêm vẫn có lượng khách nội tỉnh đến ổn định. Ông Ba Liêm phân tích: “Nếu làm nông dân chỉ có thu lợi từ cây trái, rau cá, mà giá cả đầu ra thì bấp bênh. Mình có cây nhà lá vườn sẵn, đầu tư đàng hoàng hơn một chút, học cách làm dịch vụ du lịch thì nguồn thu có thể ổn định hơn”.

Với dân làm du lịch chuyên nghiệp như anh Giang Hoàng Hon, sự ra đời của Khu Du lịch Hương Tràm, xã Khánh An, là ấp ủ cả đời của anh. Với khoảng 30 ha đất rừng mua từ hơn chục năm trước, anh Hon đã nhẫn nại đầu tư, cải tạo để có được điểm đến hấp dẫn như hiện nay. Ðể xây dựng Khu Du lịch Hương Tràm, anh Hon đã đi tham quan, học hỏi khắp nơi, tìm kiếm ý tưởng và mô hình phù hợp nhất cho mình. Khu Hương Tràm đặc sắc bởi các trải nghiệm sông nước được pha trộn bởi sự dân dã, thôn quê và nhịp điệu hiện đại, sôi động. Hơn hết, trang trại du lịch của anh Hon chỉ sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, đặc trưng của xứ U Minh để chế biến các món ăn phục vụ du khách. Ngay cả rau, anh Hon cũng bố trí khu vực trồng theo hình thức hữu cơ.

Ði qua mùa dịch - 2

Trải nghiệm chụp đìa ở rừng U Minh.  Ảnh: HUỲNH LÂM

U Minh hiện nay đã xây dựng được nhiều điểm đến du lịch gây ấn tượng tốt đẹp với du khách. Riêng xã Nguyễn Phích, như lời Phó chủ tịch UBND xã Trần Quốc Sự thì “Bà con hết sức ủng hộ chủ trương làm du lịch”. Nguyễn Phích đang tính toán để tiến đến xây dựng mô hình cộng đồng du lịch, xã du lịch, bởi nơi đây có đầy đủ các điều kiện “Thiên thời - địa lợi - nhân hoà”. Từ một vùng đất rừng hoang hoá, phèn trũng, U Minh bỗng chốc trở thành miền đất hứa của lĩnh vực du lịch. Ðiều này không phải tự nhiên mà có, nó xuất phát từ chủ trương đúng, từ sức mạnh đồng thuận của người dân.

Vượt qua mùa dịch

Nói về du lịch U Minh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Lê Hữu Lợi vẫn tràn đầy tin tưởng: “Dịch Covid-19 khiến quy mô tổ chức sự kiện “Hương rừng U Minh” thu hẹp lại. Ngay sau đó là các biện pháp phòng chống dịch được siết chặt, lượng khách về U Minh cũng không được như kỳ vọng. Song, đây cũng là dịp tốt để các điểm du lịch U Minh có thời gian, nguồn lực đầu tư, chỉnh trang hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ”. Theo ông Lợi, trong bối cảnh hiện nay thì sự an toàn của du khách mới là điều quan trọng nhất.

Ðể ứng phó với dịch bệnh, ông Ba Liêm thông qua tài khoản cá nhân trên mạng xã hội cũng thường xuyên cập nhật hình ảnh, thông tin giới thiệu, quảng bá và cả những lưu ý của điểm đến với mọi người. Mùa dâu chín vừa rồi, ông Ba Liêm chỉ đón khách nội tỉnh, khách gia đình mà không đón khách theo đoàn nhưng doanh thu vẫn ổn định. Với suy nghĩ lạc quan, ông Ba Liêm phân tích: “Cây trái còn đó, huê lợi vẫn thu về, đợi dịch bệnh ổn, mình đẩy mạnh làm du lịch thì đâu có mất mát gì”.

Tại Khu Du lịch Hương Tràm, anh Giang Hoàng Hon tranh thủ lúc giãn khách vì dịch bệnh và mùa mưa để tiến hành xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện thêm hạ tầng của điểm đến. Có thâm niên trong lĩnh vực du lịch chuyên nghiệp tại Cà Mau nên anh Hon rất chú trọng đến chất lượng dịch vụ du lịch, lắng nghe, tiếp thu và có giải pháp cải thiện theo ý kiến phản hồi của du khách. Chị Lê Hải Nghi, quản lý Khu Du lịch Hương Tràm, tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch, bộc bạch: “Dịp lễ 30/4 vừa rồi, vì khu du lịch chưa hoàn thiện, khách đến đông nên dịch vụ của khu chưa đáp ứng hết. Hương Tràm sẽ ghi nhận và nỗ lực hết mình để sắp tới đây sẽ phục vụ du khách chu đáo hơn nữa”. Là người con Cà Mau, chị Nghi khẳng định: “Trong tương lai không xa, nếu làm đúng cách, du lịch Cà Mau nói chung, du lịch U Minh nói riêng sẽ là điểm đến không thể bỏ qua với du khách”.

Mô hình du lịch homestay, du lịch trang trại nông nghiệp, du lịch sinh thái... được nhiều chuyên gia du lịch khẳng định là phù hợp với du lịch Cà Mau. U Minh đang làm du lịch theo hướng ấy và bắt đầu cho thấy những dấu ấn tích cực, thành quả ngọt ngào. Phát triển du lịch gắn với sinh kế của người dân, sự bền vững của môi trường tự nhiên và bản sắc văn hoá đặc trưng, đó là những mục tiêu cốt lõi mà du lịch Cà Mau hướng đến. Rồi mùa dịch sẽ qua, du lịch U Minh sẽ lại đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn. Mật ngọt, hương tràm và lòng người thơm thảo lại rộn ràng mời đón khách ngàn phương./.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

P.V (Theo Báo Cà Mau)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!