Dân chung cư ở TP.HCM đón Tết xa nhà
Vì bận rộn công việc, lo ngại dịch bệnh... nhiều cư dân tại TP.HCM đã lựa chọn đón Tết xa nhà thay vì trở về quê như mọi năm.
Chiều 26/1, các căn hộ trong tầng của chung cư An Phú Đông (quận 12) nơi anh Nguyễn Dũng sinh sống tổ chức tất niên. Tiếng cười nói rộn ràng của cả người lớn và lũ trẻ trước thềm năm mới trong buổi tiệc cuối năm trái ngược với không khí im ắng sáng nay vì một số gia đình sau bữa tiệc đã về quê đón Tết.
“Nhìn mọi người chộn rộn gói ghém đồ đạc ra sân bay, lòng tôi cũng có chút chạnh lòng, nhớ quê mặc dù không phải lần đầu đón Tết ở TP.HCM”, anh Dũng bày tỏ.
Tận hưởng một cái Tết đặc biệt
Đây là năm thứ hai gia đình 3 thành viên của anh Nguyễn Dũng đón Tết tại TP.HCM. Cả gia đình không về Huế đón Tết Nguyên Đán vì dịch bệnh phức tạp. Tuy vậy, anh đã lên kế hoạch để con trai của mình có những trải nghiệm đáng nhớ.
Anh cùng các cư dân chung cư dự định 28 âm lịch sẽ tổ chức gói bánh chưng. Bánh chín cũng là thời điểm kịp đón giao thừa. Gia đình nhỏ sẽ đi chùa sớm vào sáng mùng 1, sau đó sẽ tới thăm nhà một số người họ hàng rồi về lại chung cư đón Tết cùng những gia đình còn ở lại thành phố.
Anh Dũng và gia đình lại có thêm một Tết tiếp theo xa quê nhà. Ảnh: NVCC.
Cả nhà đều yêu thích bóng đá và rất mong chờ trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Trung Quốc vào tối mùng 1 Tết. Những ngày tiếp đó, anh Dũng sẽ đưa con trai tham quan Thảo Cầm Viên mà một số điểm đến quen thuộc của TP.HCM.
Nguyễn Hoàng Vũ Linh (29 tuổi, cư dân D'Edge Thảo Điền, TP Thủ Đức) cho biết năm nay anh quyết định cùng em gái đón Tết xa nhà.
“Ban đầu anh em tôi tính về quê sớm để lỡ có quy định cách ly thì cũng còn thời gian vui chơi. Nhưng rồi vì ông bà lớn tuổi, lại có bệnh nền, bố mẹ cũng lo lắng đi tàu xe đông đúc mà anh em tôi thật ra cũng ở nhà gần cả năm qua, chỉ mới vào TP.HCM hồi đầu tháng 10 nên bố mẹ khuyên anh em ở lại ăn Tết”, anh Vũ Linh chia sẻ.
Lần đầu tự tay chuẩn bị năm mới cho căn hộ của mình, anh Linh có nhiều tâm trạng, cảm xúc mới lạ. Mọi thứ trước giờ đều một tay bố mẹ chăm chút, đến gần ngày giao thừa hai anh em mới về. Năm nay mọi thứ khác biệt, từ mâm cỗ cúng ông táo, chậu hoa bày biện trong nhà, các loại mứt tết đều do anh Linh và em gái cùng nhau chọn lựa.
“Từ bé đến giờ Tết năm nào cũng có bố mẹ lo hết, mình chỉ phụ giúp việc lặt vặt. Năm đầu tự chuẩn bị hết các khâu để đón Tết, vừa thấy nhớ nhà ở quê, vừa bỡ ngỡ vì phải ghi nhớ nhiều thứ quá. Cũng may là em gái tôi cũng khéo léo, lại được mẹ dặn dò nên chỉ lúng túng lúc đầu thôi”, người đàn ông này nói thêm.
Anh Vũ Linh lần đầu tự trang trí căn hộ của mình vào ngày Tết. Ảnh: NVCC.
Anh Linh cũng cho biết Tết Nhâm Dần năm nay ngoài đi lòng vòng thăm thú ở TP.HCM, anh và em gái sẽ cùng nhau leo núi Bà Đen (Tây Ninh), đây là điều mà hai anh em dự định đã lâu nhưng đến nay mới có dịp thực hiện. Bên cạnh, anh cũng muốn đi chùa để mong cầu một năm mới bình an, khỏe mạnh cho cả gia đình sau một năm cũ nhiều biến cố và dịch bệnh.
“Đón Tết xa quê sẽ có phong vị riêng”
Mới sinh con nhỏ, gia đình chị Nguyễn Đoan (cư dân một chung cư tại TP Thủ Đức) cũng không về quê ăn Tết. Mọi năm, từ 25 âm lịch, cả gia đình đã chuẩn bị đồ đạc để lên tàu về Nghệ An nhưng năm nay không khí Tết vẫn chưa tràn vào gia đình nhỏ. Cô con gái 5 tuổi của chị Đoan vẫn luôn miệng hỏi mẹ khi nào về quê khiến chị đôi chút chạnh lòng.
“Thương con gái cứ mong về quê nhưng vì dịch bệnh và con nhỏ mới sinh nên gia đình quyết định ở lại TP.HCM đón Tết”, chị Đoan tâm sự.
Biết tin con không về quê, mẹ chị Đoan đã chuẩn bị bánh chưng, bánh tét, chả, dưa món,… gửi vào. Chồng chị Đoan dự định cuối tuần này sẽ tranh thủ mua thêm một cành đào và 2 chậu cúc mâm xôi để trang hoàng ngôi nhà mới.
Lần đầu dọn về tổ ấm, chị chưa biết các thủ tục cúng ông Táo, cúng đầu năm, mua vàng mã, lễ vật,… nên còn nhiều lóng ngóng. Có gì chưa hiểu, chị gọi ngay nhờ mẹ chồng “tư vấn”. Đầu xuân, cả gia đình dự định sẽ tham quan đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách và cà phê cùng một số người bạn.
Tuy không chộn rộn, tất bật như mọi năm nhưng với chị Đoan, đây cũng là quãng thời gian chị có thêm thời gian chăm sóc bản thân và 2 con.
“Tết mọi năm vui nhưng phải đi lại giữa nhà nội, nhà ngoại, chuẩn bị quà cáp, lo các thủ tục cúng kiếng,… khiến tôi đau đầu. Thời gian năm nay tôi dành hết vào 2 con, cả nhà được quây quần bên nhau nên sẽ có những niềm vui rất khác”, chị Đoan nói.
Nhiều gia đình không thể đưa con cái về quê như mọi năm đã lựa chọn đón Tết ngay tại TP.HCM. Ảnh minh họa: Ý Linh.
Cũng là người chọn lập nghiệp tại TP.HCM, anh Phan Thanh Tiếp (37 tuổi, cư dân Kingston Residence, quận Phú Nhuận) cho biết năm nay anh quyết định sẽ cùng vợ và hai con gái ở đây đón Tết chứ không về Hà Tĩnh như mọi năm.
Vì công việc bận rộn, không thể sắp xếp được thời gian về quê sớm, chưa kể sau Tết con gái lớn của anh lại phải ôn luyện thi vào cấp 3, người đàn ông này muốn con có thể nghỉ ngơi, thả lỏng tinh thần vào dịp Tết.
Cả gia đình anh Tiếp ai cũng ưa thích thời tiết lạnh của cái Tết ở quê, nhưng năm nay, mọi người dự định sẽ tận hưởng những ngày nắng đẹp của miền Nam.
Khi được hỏi về cảm xúc của người con phải đón Tết xa nhà, anh Tiếp bộc bạch: “Bố mẹ tôi trông ngóng lắm, vừa nhớ con vừa thương cháu nhưng dịch bệnh làm tôi và vợ rất ái ngại, lo lắng cho ông bà. Từ ngày vào TP.HCM lập nghiệp, năm nào nhà tôi cũng về quê đón Tết, năm nay phải nghĩ tới nghĩ lui thì quyết định ở lại. Tôi nghĩ thay đổi một năm, đón Tết xa quê sẽ có phong vị riêng”.
Các công ty du lịch tung loạt tour Tết Nhâm Dần 2022 với mức giá hấp dẫn, nhiều chương trình du lịch được làm mới, thích...