Người mẹ “sọ dừa” không chân tay, hơn 20 năm mưu sinh nuôi con khôn lớn
Không có tay lẫn chân thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn chưa một ngày nào đầu hàng số phận. Hơn 20 năm qua, chị tần tảo kiếm từng đồng tiền với hy vọng lo được cho đứa con thơ dại.
Cuộc đời không như truyện cổ tích
Một buổi sáng sớm tháng 9, chúng tôi tìm gặp chị Huỳnh Thị Thuận, một người phụ nữ năm nay đã gần 50 tuổi. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chị là một người phụ nữ quá đỗi đặc biệt khi chị hầu như không có đôi tay và đôi chân như bao người.
Ấy thế mà, xen kẽ với những tia nắng sớm, người phụ nữ đặc biệt ấy vẫn đang thoáng thoắt dùng cánh tay ngắn cụt của mình để sắp xếp các tờ vé số ngay ngắn để chuẩn bị cho một ngày mưu sinh như bao ngày.
Chị Huỳnh Thị Thuận, người phụ nữ bất hạnh không chân tay mỗi ngày đều đặn lại ngồi bên vệ đường cùng bàn vé số, cố gắng kiếm đồng tiền từ chính sức lao động của mình.
Gặp chúng tôi, người phụ nữ ấy chỉ đơn sơ mặc chiếc áo khoác cũ đã sờn, trên đầu đội chiếc nón lá đã không còn lành lặn. Và dù không có tay, khuôn mặt chị luôn nở nụ cười hiền hòa. Bên cạnh chị là chiếc xe lăn cũ kỹ, chứng nhân của một cuộc đời đầy thử thách.
Chị Thuận đã gắn bó với nghề bán vé số dạo gần 20 năm và mặc dù mọi thứ xung quanh chị có vẻ bình yên, cuộc sống của chị lại không hề đơn giản. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thuận cho biết, đang vào mùa mưa nên bán ế, có những ngày chị ngồi từ 5h sáng đến chiều tối vẫn chưa thể hết được cọc vé số.
Chị Thuận cho biết bản thân sinh ra ở xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, trong một hoàn cảnh khó khăn. Dị tật bẩm sinh khiến chị không có tay chân, làm cho cuộc sống của chị càng thêm phần chông chênh.
"Ngày tôi chào đời, tôi khiến cả nhà thất vọng bởi mang dị tật từ trong bụng mẹ, mẹ tôi cố gắng nuôi tôi bằng tất cả tình thương. Càng lớn, mẹ càng khổ vì con. Mọi sinh hoạt đều phải cần đến bàn tay của mẹ. Tôi lớn lên mà không được đến trường như những đứa trẻ khác", chị Thuận kể với giọng man mác buồn.
Những năm tháng tuổi thơ của chị trôi qua trong sự đau khổ và cảm giác vô dụng. Có những lúc được nghe những câu chuyện cổ tích cô bé Thuận nhỏ bé mơ ước trên cuộc đời cũng sẽ có phép màu để chị có thể vươn vai trở thành 1 con người bình thường phụ giúp cha mẹ. Thế nhưng cô bé Thuận sớm nhận ra đời thật thì làm sao có thể như truyện cổ tích được chứ. Nhưng càng lớn, chị lại càng không chấp nhận để số phận chôn vùi mình.
Dù cực khổ thế nào nhưng mỗi khi có khách đến ủng hộ chị lại nở 1 nụ cười thân thiện.
"Tôi cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Tôi quyết định phải có việc làm để đỡ đần cho mẹ, nhưng khi tôi bày tỏ ý nguyện, cả gia đình phản đối vì không muốn tôi phải vất vả," chị chia sẻ.
Năm chị 15 tuổi, với cơ thể gần như không ai nghĩ chị có thể tự lo được cho bản thân chứ đừng nói là tự kiếm tiền thế nhưng người phụ nữ ấy đã bất chấp sự can ngăn của gia đình và bắt đầu kiếm tiền bằng nghề bán vé số dạo.
Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Ở tuổi 28, chị gặp một biến cố lớn khi kẻ xấu giật vé số và túi tiền của mình. Những kẻ xấu này tìm đến chị không chỉ 1 lần mà tận 4-5 lần theo trí nhớ của chị Thuận.
Lần gần đây nhất là vào tháng 9/2023, chị đã bị 1 gã đàn ông lừa giật mất hơn 800 tờ vé số. May mắn sau đó, với sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng, người này đã nhanh chóng bị bắt giữ.
Tưởng chừng tuyệt vọng nhưng cuộc đời không lấy đi tất cả, sau những biến cố đó chị được nhiều người thương yêu giúp đỡ và chị được tặng một chiếc xe lăn điện để đỡ vất vả khi đi lại.
Đồng cảm cũng như nể phục trước nghị lực của chị Thuận, bà con xung quanh ai cũng chung tay phụ giúp những gì có thể. Mỗi ngày những hàng xóm của chị lại đem thức ăn trưa và giúp chị ăn vội để tiếp tục cuộc mưu sinh.
Hạnh phúc chớm nở nhưng lại chóng tàn
Nghe những câu chuyện dù chỉ là đời thường của chị Thuận nhưng dấy lên trong lòng chúng tôi 1 sự nể phục. Nể vì chị dám đương đầu với nghịch cảnh, nể vì dù có bao sóng gió ập đến thế nhưng người phụ nữ trong hình hài nhỏ thó đó vẫn vững chãi đứng lên vượt qua.
Gần như những ai quen biết hay buôn bán gần chỗ chị Thuận ngồi đều vô cùng yêu mến và không ngại giúp đỡ nếu có thể. Mỗi người một tay, có người thì đem thức ăn đến có người thì phụ chị Thuận dọn hàng. Thậm chí ngày trước còn có một cụ bà là cán bộ hưu trí vì quá đỗi thương hoàn cảnh của chị Thuận mà tất tả đem cà phê và cơm đến cho chị Thuận vào mỗi buổi sáng, trưa.
Chính vì xung quanh là những con người vô cùng tuyệt vời đó đã trở thành một điểm tựa tinh thần quý giá cho chị, giúp chị vượt qua những khó khăn và biến cố trong cuộc sống.
Câu chuyện của chị Thuận được lan rộng nên nhiều người dân Biên Hoà thường xuyên ghé ủng hộ.
Chị Thuận cũng chia sẻ về khoản thời gian có thể được xem là hạnh phúc nhất cuộc đời chị đó là vào năm 28 tuổi chị đã gặp và yêu 1 chàng trai. Cảm phục trước sự mạnh mẽ vượt qua số phận của chị, một chàng trai cùng xóm đã đem lòng thương mến và mạnh dạn cầu hôn chị Thuận.
Mới đầu, chị không tin vào những lời của anh nhưng trước tấm chân tình cuối cùng chị cũng đã gật đầu đồng ý về làm vợ. Thời gian đầu, chị chịu áp lực lớn từ những lời bàn tán xung quanh về việc một người đàn ông mạnh khoẻ lại chấp nhận lấy một cô gái tật nguyền như chị. Thế nhưng, chồng chị đã bỏ ngoài tai mọi lời xì xầm mà khuyên vợ cố gắng vượt qua.
Cuộc sống của chị Thuận cứ thế êm đềm trôi, sáng chị tất tả đi bán vé số rồi trở về lo cơm nước cho chồng đi làm ruộng. Niềm vui càng nhân đôi khi đứa con trai đầu lòng ra đời.
Cứ ngỡ cuộc đời chị Thuận đã sang trang, thế nhưng cuộc sống lại lắm trớ trêu. Khi con trai ra đời một thời gian, gánh nặng cơm áo gạo tiền ảnh hưởng nhiều đến đời sống của vợ chồng chị.
Mâu thuẫn xuất hiện ngày càng nhiều khiến vợ chồng chị Thuận thường xuyên cãi vã. Khi những mâu thuẫn dần kéo đến cao trào khiến vợ chồng chị quyết định chia tay sau nhiều năm chung sống.
Chị dắt díu đứa con nhỏ về tá túc ở nhà ba mẹ ruột, đến năm con lên 5 tuổi chị quyết định không thể mãi là gánh nặng cho cha mẹ nên đã cắn răng gửi con cho ông bà ngoại rồi một thân một mình vào đất Biên Hoà mưu sinh đến hiện tại.
Sau bao sóng gió chị Thuận chỉ có 1 ước mơ nhỏ nhoi là kiếm đủ tiền nuôi đưa con trai khôn lớn thành tài.
Gương mặt chị Thuận từ lâu đã bị sạm đen vì những sương gió cuộc đời.
Tâm sự với chung tôi về mục tiêu tương lai, chị Thuận cho biết: “Tôi chỉ mong làm có tiền gửi về nuôi con đến lúc cháu 18 tuổi, rồi sẽ về quê để có mẹ có con dưới một mái nhà. Đó là ước mơ duy nhất của tôi."
Dù cuộc sống còn nhiều thử thách, chị Thuận vẫn giữ vững niềm tin và nghị lực. Không chỉ đấu tranh cho cuộc sống của riêng mình, chị còn truyền cảm hứng cho những người xung quanh về sức mạnh của tinh thần và lòng kiên trì.
“Mẹ vừa là tay chân bù đắp cho cơ thể không lành lặn của con; vừa là ánh nắng ấm áp sưởi ấm tâm hồn con, giúp con...