TP.HCM: Người mẹ vượt nỗi đau bị tạt axit, làm công việc của đàn ông để lo cho gia đình
Hơn 10 năm sau biến cố bỗng dưng bị tạt axit, nỗi đau thể xác vẫn còn dai dẳng nhưng người mẹ vẫn vượt lên nghịch cảnh, thay chồng làm công việc nặng nhọc để kiếm sống, lo cho gia đình.
Sau biến cố, mẹ đau xót khi con nghỉ học vì mình
Những ngày đầu tháng 8, cơn mưa bất chợt cũng xuất hiện nhiều hơn, cái thời tiết đỏng đảnh lúc nắng lúc mưa của Sài Gòn càng khiến cho bà Vũ Thị Loan (46 tuổi) đang bám vỉa hè mưu sinh tại góc vỉa hè đường Trường Chinh - Ấp Bắc (quận Tân Bình) lại thêm đau đớn.
Mỗi lần trái gió trở trời như vậy, cơ thể bà Loan lại càng đau đớn, ngứa ngáy khó chịu như bị đàn kiến cắn, như ngàn cây kim châm. Đây chính là nỗi đau thể xác do axit gây ra cho người mẹ này suốt hơn 10 năm qua.
Bà Loan lo lắng khi mưa nặng hạt có thể khiến buôn bán ế ẩm.
Có những câu chuyện mà mỗi khi nhắc lại chúng ta sẽ mỉm cười vì đó là dấu mốc đáng nhớ của cuộc đời, nhưng với bà Loan khi nhắc lại chỉ ước rằng giá như sự việc đó không xảy ra với mình. Bởi mỗi khi nhớ lại phút giây đó sẽ khiến bà cảm thấy đau đớn dù thời gian có trôi đi nhiều năm đi nữa cũng không thể phai nhòa.
Trước đó, tối ngày 21/9/2013, bà Loan đang ngồi vá xe cho khách trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, bất ngờ từ phía sau có người đi tới hất axit vào người bà. Bà Loan đau đớn kêu cứu, lúc này chồng bà Loan ở gần đó chạy đến nhanh chóng đưa vợ đi cấp cứu.
Nhận tin báo, Công an quận Tân Bình đến khám nghiệm hiện trường điều tra. Ca axit bị bỏ lại hiện trường được cơ quan chức năng thu giữ làm tang vật để lấy vân tay. Tuy nhiên, đến nay, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm ra hung thủ gây ra sự việc trên.
Chúng tôi gặp lại bà Loan sau 11 năm, dù nỗi đau về thể xác vẫn còn đó nhưng tinh thần bà đã lạc quan yêu cuộc sống, yêu gia đình hơn, gánh vác công việc của chồng để lo cho gia đình sau biến cố.
Bà Loan chia sẻ về cuộc sống sau biến cố bị tạt axit bất ngờ.
Những vết thương vẫn giằng xé người mẹ dù đã hơn 10 năm trôi qua.
Bà Loan cho biết, sau ca axit đầy oan nghiệt đó, cuộc sống của gia đình bà đảo lộn hoàn toàn, chồng bị phát bệnh nhiều hơn, nặng hơn, con trai phải nghỉ học sớm khiến bà gần như suy sụp tinh thần. Phải mất một thời gian khá lâu bà mới lấy lại tinh thần, đi lại được.
“Phải mất khoảng 3 tháng tôi mới có thể ra ngoài, lúc đó tôi ra chỗ chồng và con đang làm việc ngồi nhìn hai cha con cho thoải mái tinh thần. Chồng nhìn tôi bảo ‘em không phải suy nghĩ gì hết, ra đây cứ ngồi nhìn thấy chồng con làm thôi’. Do vết thương còn quá nặng, đi lại khó khăn nên tôi không thể làm được gì. Chồng vừa làm việc vừa hỗ trợ tôi tập đi lại bình thường”, bà Loan nhớ lại.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, khi nhắc đến con trai, bà Loan lại rưng rưng nước mắt nghẹn ngào. Bởi thời điểm mẹ bị tạt axit, con trai vẫn còn đang ở tuổi ăn tuổi học nên khi biết chuyện của mẹ cậu rất đau lòng và đã nghỉ học sau đó để bươn chải mưu sinh phụ cha, lo cho mẹ.
Cánh tay dày đặc những vết sẹo lồi lõm, mỗi lần trái gió trở trời khiến bà Loan rất đau đớn.
“Lúc đó con trai cũng buồn lắm, nhưng con vẫn động viên mẹ: ‘Mẹ sống là được rồi, mẹ khỏe là con mừng’. Thấy con trai nghỉ học khi mẹ gặp nạn khiến tôi đau xót vô cùng. Mặc dù vậy, khi đã trở về với cuộc sống đời thường sau 3 tháng điều trị bỏng axit nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần vẫn còn đó khiến tôi vô cùng bi quan, thậm chí có lần tìm đến cái chết”, người mẹ nghẹn ngào.
Thấy mẹ như vậy, lúc đó con trai bà Loan khóc nghẹn nói: “Mẹ ơi! Mẹ chết thì con biết sống làm sao...", người cha thấy vậy cũng khóc theo. Cả gia đình ôm nhau khóc vì biến cố quá bất ngờ khiến cả nhà rơi vào túng quẫn.
Theo bà Loan, đó là giây phút lòng can đảm của một người mẹ trỗi dậy, bà bừng tỉnh, tự dặn mình không được nghĩ đến cái chết, bằng giá nào cũng phải sống tiếp, không vì mình thì vì chồng, vì con, vì cả gia đình.
Hàng ngày người mẹ vẫn bán nước bên vỉa hè để kiếm thu nhập lo cho gia đình.
Với suy nghĩ tích cực đó và cùng sự động viên từ chồng và con đã giúp bà thêm nghị lực để vượt qua nghịch cảnh, sống lạc quan sẵn sàng đương đầu thử thách, cùng chồng con vun vén hạnh phúc gia đình, dù đến giờ này những vết thương đã lành nhưng nỗi đau vẫn còn mãi, dai dẳng đến thấu xương cho đến tận bây giờ.
Gánh vác việc của đàn ông, lo cho gia đình
Hiện tại những lúc trái gió trở trời cơ thể bà Loan rất khó chịu, bứt rứt. Bà sợ nhất mỗi khi thời tiết trở lạnh, các vết thương sẽ co rút lại, da như bị kéo lại một chỗ, khó chịu như bị kim châm, kiến đốt khắp cơ thể.
Nhà đã nghèo lại còn gặp nạn, nên cuộc sống bây giờ của gia đình bà Loan cũng như ngày xưa, rất khó khăn, gia đình 3 người vẫn thuê căn nhà nhỏ để tá túc.
Khách quen vẫn thỉnh thoảng ghé mua ủng hộ bà Loan.
Thời gian qua, ông Phạm Văn Tân (51 tuổi, chồng bà Loan) thường xuyên tái phát bệnh, hai chân bị sưng to tại đầu gối không thể đi lại bình thường được nên chỉ còn mình bà Loan gánh vác mọi việc để lo cho gia đình.
Người con trai tuy đã trưởng thành nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong công việc, với đồng lương ít ỏi vài triệu đồng/tháng tại cửa hàng quần áo cũng chỉ đủ trang trải phần nào trong cuộc sống.
Hiện bà Loan phải nén đau để phải gánh vác tất cả công việc của chồng để lại như bơm vá, sửa xe, vừa phải bán nước để kiếm thêm thu nhập trang trải, lo thuốc men cho chồng. Mặc dù vất vả hơn nhưng bà vẫn vui và lạc quan với suy nghĩ “có việc để làm là tốt rồi”.
Hiện bà Loan phải gánh vác thêm công việc sửa xe của chồng để lại.
“Trước đây, thường ngày chồng tôi bơm vá, sửa xe còn tôi bán nước, thỉnh thoảng phụ chồng, còn bây giờ ông ấy ốm đau nằm một chỗ nên tôi phải gánh vác. Vừa bán nước vừa bơm vá, sửa xe, dù cực nhọc nhưng vẫn phải cố gắng, phải làm để kiếm đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống.
Ngày trước tôi không biết làm mấy công việc của đàn ông đâu, nhưng nhìn thấy chồng làm thì tập dần rồi biết làm. Khi tôi gặp biến cố thì chồng chăm lo, còn bây giờ chồng bệnh thì có tôi đây rồi, người vợ, người mẹ luôn sẵn sàng gánh vác tất cả, dù có vất vả thế nào đi nữa”, bà Loan tâm sự.
Theo bà Loan, nhiều người e ngại công việc sửa xe do phụ nữ làm, sợ bà làm không được nên mỗi khi khách đến sửa xe bà vui vẻ bảo khách: “Anh cứ yên tâm, tôi làm được”.
Sau khi sửa xong, xe nổ máy chạy bình thường khiến nhiều người ngạc nhiên vì không tin việc của cánh đàn ông nhưng phụ nữ chân yếu tay mềm như bà Loan lại làm được.
Làm một lúc 2 việc nặng nhọc, nhưng dạo gần đây thời tiết nắng mưa thất thường nên khách cũng giảm, không còn như xưa khiến thu nhập vẫn bấp bênh.
“Hiện giờ tôi chỉ mong ước làm sao còn khỏe mạnh để lo cho chồng, cho con, nhà cửa, gia đình,... chỉ mong vậy thôi chứ không gì hơn. Bởi tôi sợ nhất là lúc cơ thể bị giằng xé từ những vết thương khiến bản thân rất đau đớn, lúc đó chỉ biết ngồi lủi thủi khóc một mình”, bà Loan nghẹn ngào.
Hiện, mỗi ngày khoảng 8h sáng, bà Loan dọn hàng ra, bám vỉa hè mưu sinh bất kể nắng mưa đến gần khuya mới trở về. Cứ thế, người vợ, người mẹ với nỗi đau axit vẫn âm thầm nỗ lực từng ngày để chăm lo cho gia đình.
Giữa lòng TP.HCM sôi động, một cửa hàng nhỏ mang tên “Áo dài 0 đồng“ đã trở thành điểm hẹn của những tâm hồn yêu...