Muốn phát triển du lịch, không thể bỏ qua nhà vệ sinh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Một trong những điều ám ảnh nhất với khách du lịch trong và ngoài nước là vấn đề nhà vệ sinh.

Bản thân tôi vừa có một chuyến du lịch từ TP.HCM ra miền Trung trong dịp lễ 30-4. Suốt hành trình du lịch, điều gây ngao ngán nhất với tôi và nhiều hành khách đi chung đoàn là vấn đề nhà vệ sinh.

Điển hình như khi dừng tại bến xe Nguyễn Hoàng ngay trung tâm thành phố, nơi chuyên đỗ xe du lịch, để tham quan khu Kinh thành Huế, nhiều người ngơ ngác nhìn quanh tìm kiếm khu vực nhà vệ sinh nhưng không có, mặc dù phía bên hông của bến xe có biển chỉ dẫn “WC miễn phí”.

Theo chỉ dẫn của nhân viên bến xe, chúng tôi tìm được nhà vệ sinh miễn phí nằm liền với quán cà phê cạnh bến xe, nhưng không gian rất nhỏ so với lượng khách đến đây.

Muốn phát triển du lịch, không thể bỏ qua nhà vệ sinh - 1

TP.HCM là một trong những nơi đầu tư nhà vệ sinh khá tốt. Trong ảnh là một cabin vệ sinh công cộng tự động được đưa vào hoạt động trên vỉa hè đường Nguyễn Du, quận 1. Ảnh: HOÀNG GIANG

Khi đi dọc các công viên hai bên bờ sông Hương, nơi thường thu hút nhiều người dân địa phương và du khách đi dạo chơi, ngắm cảnh cũng có rất ít các nhà vệ sinh công cộng. Khi chạy từ phía cầu Phú Xuân lên đến bia Quốc học, tôi mới tìm thấy một khu nhà vệ sinh công cộng miễn phí. Nhưng khi bước vào thì cá nhân tôi vô cùng ngao ngán trước cảnh tượng xuống cấp, nhếch nhác và mất vệ sinh. Nhiều cửa phòng của nhà vệ sinh công cộng này đều bị hư tay nắm, xuống cấp, hư hỏng, nước chảy lênh láng khắp sàn nhà, gây cảm giác trơn trượt.

Chị N, một người thường xuyên đi du lịch xuyên Việt chia sẻ: “Tôi vừa có chuyến đi lên khu vực Mù Cang Chải vào tết vừa rồi. Mọi thứ đều ổn trừ nhà vệ sinh bẩn đến mức khách thà nhịn đi chứ nhất định không chịu vào. Cá biệt có những trường hợp không chịu nổi bước vào, phải nôn thốc nôn tháo đi ra vì không chịu nổi mùi amoniac. Bản thân tôi dù có nhu cầu cần đi vệ sinh, cũng phải cố chịu đựng đến nhà hàng mới dám giải quyết”.

Cũng theo chị N. kể lại thì các điểm du lịch ở vùng Tây Bắc như Lũng Pô thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai hay Cao Phạ (địa điểm ngắm ruộng bậc thang, dù lượn nổi tiếng) của huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đều rất hiếm có nhà vệ sinh đạt chuẩn, khiến du khách mỗi khi có nhu cầu đều cuống quýt đi tìm. Thậm chí, khi ghé vào nhà dân hay các trạm dừng, du khách dù phải trả một khoản tiền nhỏ cho việc đi vệ sinh, nhưng vẫn không tìm được một nơi đi vệ sinh sạch sẽ.

Ngay cả những điểm dừng chân trên đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, dù mới xây dựng, được quảng cáo là rất hoành tráng, thậm chí thu tiền 2.000 đồng/ người nhưng vẫn cực kỳ bẩn, khiến nhiều khách du lịch ngao ngán, chán nản, thậm chí né tránh việc sử dụng, nếu không thật sự có nhu cầu.

Điều đáng lưu tâm là không chỉ có nhà vệ sinh tại khu vực thành phố Huế hay vùng Tây Bắc mà rất nhiều địa điểm du lịch khác ở Việt Nam gặp phải tình trạng tương tự. Nhiều hướng dẫn viên, những người quảng bá du lịch có thể dùng vô số từ ngữ hoa mỹ để thuyết minh về các danh lam thắng cảnh khắp 63 tỉnh thành, sự đặc sắc và đa dạng của văn hóa vùng miền tại Việt Nam. Nhưng chỉ cần một chia sẻ “cười ra nước mắt” về thực trạng nhà vệ sinh công cộng tại các điểm tham quan thì mọi quảng bá du lịch ít nhiều đều giảm đi một phần hiệu quả của nó.

Bản thân tôi đã từng có dịp đến nhiều quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc…và vô cùng ấn tượng với cách họ xây dựng và giữ gìn vệ sinh cho hệ thống nhà vệ sinh công cộng, nhằm phục vụ cho nhu cầu của người dân và khách du lịch. Cũng bởi hệ thống nhà vệ sinh công cộng không chỉ là vấn đề dân sinh mà còn liên quan đến sự phát triển du lịch, thể hiện thước đo văn hóa của đất nước trước mặt bạn bè thế giới.

Chính sách xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng được triển khai rộng rãi tại nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới. Điển hình như tại Mỹ, người dân có thể ghé vào bất kỳ nơi kinh doanh nào như nhà hàng, quán cà phê, trạm bán xăng…để đi vệ sinh hoàn toàn miễn phí mà không nhất thiết phải có giao dịch với nơi đó. Thậm chí, tại những điểm tham quan du lịch có thu vé, người Mỹ còn ra sức đầu tư hệ thống nhà vệ sinh đẹp lạ, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị nhất cho du khách. Chính ý thức đầu tư cho hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã khiến việc đi du lịch tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới trở nên thú vị và thoải mái hơn cho các du khách.

Dù không thật sự kỳ vọng vào hệ thống nhà vệ sinh tại nước ta, nhưng cá nhân tôi và nhiều người đam mê du lịch trong nước vẫn hi vọng sẽ có thêm những nhà vệ sinh rộng rãi, sạch đẹp, đầy đủ trang thiết bị tại các điểm tham quan cũng như dừng chân trên đường. Ngoài ra, trên những xe du lịch, xe khách đường dài nên thiết kế phòng vệ sinh trên xe, hạn chế việc khách có nhu cầu lại không tìm được nơi đi vệ sinh phù hợp ngay bãi cỏ ven đường hoặc trước nhà dân. Vấn đề nhà vệ sinh tưởng nhỏ nhưng muốn đất nước ta trở thành một điểm đến cho mọi du khách trên toàn thế giới đòi hỏi phải có sự thai đổi nhất định, để cải thiện và hiện đại hóa, góp phần mang đến nhiều trải nghiệm thú vị hơn cho du lịch.

Một trong những điều ám ảnh nhất với khách du lịch trong và ngoài nước là vấn đề nhà vệ sinh. Cũng bởi tình trạng nhà vệ sinh tềnh toàng, kém vệ sinh hoặc thậm chí không có là hiện tượng thường xuyên và phổ biến ở nhiều điểm du lịch tại Việt Nam. Thiết nghĩ, nước ta đang trong thời kỳ mở cửa du lịch trở lại với nhiều chiến dịch quảng bá hình ảnh du lịch, nhưng nhiều khía cạnh nhỏ để hoàn thiện hình ảnh lại đang bị ngó lơ. Nhà vệ sinh dành cho du khách là một trong những chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ ấy.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Tú Thanh (PLO)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!