Mùa giãn cách: Nhớ Sài Gòn từ những điều dung dị nhất
Ngày Sài Gòn hết dịch, ta vẫn yêu Sài Gòn những điều bình dị như khi “chưa hề có cô Vy”: sáng uống ly cà phê sữa đá, chiều ghé quán ốc nóng hổi, hay lang thang nhà thờ Đức Bà qua tận Hồ Con Rùa, đêm đến ngắm view ngàn sao từ những toà cao ốc chọc trời…
Sài Gòn mấy nay đường phố vắng lặng. Quán xá cửa đóng then cài, người qua lại trên phố ai nấy vội vã hơn.
Sài Gòn của những ngày chưa có “cô Vy” sôi động và đầy sức sống. Sài Gòn của hiện tại yên tĩnh…thấy mà thương! Nhưng Sài Gòn rồi sẽ khoẻ mạnh lại thôi.
Điều đầu tiên bạn muốn làm khi Sài Gòn hết dịch là gì? Với tôi đó là sẽ đi… dạo một vòng quanh Sài Gòn, ngắm Sài Gòn…cho đã và làm những điều bình dị mà ta nhớ da diết trong những ngày giãn cách.
Ta nhớ những chiều dạo quanh nhà thờ Đức Bà – một trong bốn vương cung thánh đường tại Việt Nam. Nhà thờ với lối kiến trúc cổ kính Roman pha trộn Gothic.
Nhà thờ Đức Bà không chỉ là công trình biểu tượng của Sài Gòn, mà còn là nhân chứng lịch sử, chứng kiến bao đổi thay của thành phố này hơn 1 thế kỷ qua.
Những ngày này, Sài Gòn “bệnh”, nhà thờ im lìm trầm mặc, nhưng sẽ nhanh thôi, thành phố sẽ “trả lại” những khoảnh khắc bình dị mà ta có được khi ghé qua nhà thờ: nhâm nhi ly cà phê bệt, trải nghiệm cho bồ câu ăn, hay ghé qua các con hẻm gần đó với vô vàn các món ăn vặt tuyệt hảo… Hoặc thử một lần ngồi xích lô dạo từ nhà thờ Đức Bà qua chợ Bến Thành.
Sài Gòn đang giãn cách, chợ Bến Thành buồn hiu, khách thưa thớt, nhiều sạp hàng đóng cửa (trừ các mặt hàng thiết yếu được mở). Chợ Bến Thành vốn là biểu tượng du lịch của thành phố năng động. Đợi ngày Sài Gòn đi qua mùa dịch, nhất định phải ghé chợ Bến Thành “check - in” bạn nhé, để cảm nhận nhịp sống sôi nổi của thành phố đã hồi phục.
Hồ Con Rùa – điểm hẹn hò lý tưởng của giới trẻ. Không ít người khi nghe tên hồ Con Rùa đã thắc mắc, nơi đây có gì vui mà thu hút nhiều người Sài Gòn và du khách ghé thăm đến thế!
Hồ Con Rùa nổi tiếng với giai thoại “trấn yểm long mạch” ở Sài Gòn. Hồ nằm ngay trung tâm thành phố, buổi chiều khá mát mẻ, rộng rãi. Dịp cuối tuần, bạn sẽ được ngắm đài phun nước nhiều màu, xe cộ qua lại về đêm nhộn nhịp. Nơi đây cũng chính là thiên đường ăn vặt với nhiều món ngon độc lạ.
Sài Gòn cà phê sữa đá
Thành phố giãn cách, không còn những buổi sáng thư thả bên ly cà phê sữa đá vỉa hè. Thay vào đó, sáng nào tôi cũng được hàng xóm “đãi” bài nhạc “Sài Gòn cà phê sữa đá” (Hà Okio):
“Cho tôi một ly cafe, cafe sữa đá
Cho tôi ngồi bên hàng cây, hàng cây tán lá
Cho tôi được nhìn con đường xa xa
Dòng người dòng đời ngày ngày trôi qua
Cho tôi dừng chân ở nơi, ở nơi quán xá bên đường
Sài Gòn cafe sữa đá
Vẫn mãi như thế
Ai uống hay chưa?...”
Thói quen của nhiều người Sài Gòn, sáng ra “mần gì thì mần” cũng phải uống ly cà phê sữa đá cho sảng khoái và đã cơn ghiền.
Uống cà phê trở thành “đặc sản” văn hoá ở Sài Gòn. Người Sài Gòn có thể uống cà phê bất kể thời điểm nào trong ngày. Thức uống này đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Sài Gòn. Dù cho mai này người Sài Gòn đi xa, tha phương nơi xứ người, nhớ quê nhà vẫn đau đáu thèm ly cà phê sữa đá.
Và người đang sống giữa lòng Sài Gòn cũng đang thèm… Sài Gòn cà phê sữa đá!
Thèm lắm..."ăn Sài Gòn"
Những ngày ở nhà, hết đi ra rồi lại đi vào, rảnh rỗi lại vào các group ẩm thực xem “dân sành ăn” “rì viu” ẩm thực Sài Gòn. Khiến người ta thèm thuồng nhất không thể không kể đến các món ốc, bánh mì, lẩu, bánh tráng trộn đủ mỹ vị…
Nói đến ốc Sài Gòn – không chỉ là món ăn vặt mà còn là văn hoá ẩm thực. Sài Gòn hội tụ nhiều vùng miền, ốc vì thế được chế biến đủ vị từ Bắc, Trung, Nam. Ốc của miền nào cũng ngon, cũng ghiền. Sài Gòn hết dịch, hãy rủ đám bạn thân tới “ăn sập” mấy quán ốc ngon như: Ốc Thuý, ốc Bắc, Ốc Như, Ốc Đào, Ốc Loan, Ốc Tô, Ốc mắm sữa…
Và nhớ nhất ổ bánh mì Sài Gòn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà bánh mì Việt Nam từng được Google Doodle vinh danh. Và Sài Gòn là thiên đường của bánh mì, có thể kể tên quán như: Bánh mì thịt nướng 37 (Nguyễn Trãi) từng được tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler vinh danh là một trong 12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, Bánh mì Tám Cẩu (Q.10), Bánh mì cụ Lý (Q.3), Bánh mì Bảy Hổ, Bánh mì Nguyên Sinh (Q.1)…
Ngắm vẻ đẹp thành phố từ các toà cao ốc chọc trời
Sài Gòn – TP.HCM “thay da đổi thịt” từng ngày. Sài Gòn hiện đại hoá, khoác lên mình những toà nhà cao ốc, minh chứng cho sức sống, đổi thay không ngừng của thành phố như Landmark 81, Bitexco, SaiGon Times Square…
Hãy một lần trải nghiệm cảm giác thu cả thành phố vào tầm mắt từ các toà nhà cao ốc. Bạn sẽ yêu ngay những khoảnh khắc ấy, ngay cả khi thường ngày vẫn đang hít thở ở Sài Gòn.
Những ngày Sài Gòn “bệnh”, “Sài Gòn đau lòng quá” nhưng thành phố năng động, hiện đại sẽ nhanh khoẻ lại thôi. Sài Gòn vẫn mãi là “Sài Gòn đẹp lắm”.
Tôi thường hỏi mình như thế mỗi chiều tan tầm, thong thả trên những con phố dài tấp nập để về nhà. Hơi nóng và khói...