Gìn giữ di sản đô thị Sài Gòn - TP.HCM
Bảo tồn di sản lịch sử không đơn giản là công việc khoa học mà thể hiện tính nhân văn của một thể chế, một thời đại
Từ sau tháng 4-1975, Việt Nam chấm dứt thời kỳ chiến tranh với những thay đổi lớn có tác động sâu sắc nhiều mặt đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, so với nhiều nơi khác, có một điều cực kỳ may mắn là Sài Gòn bước vào hòa bình với một đô thị mà cơ sở vật chất hầu như còn nguyên vẹn, đặc biệt là các công trình có giá trị di sản ở khu vực trung tâm đã không bị phá hủy bởi bom rơi đạn lạc hay do sự tàn phá cố ý của con người.
Đặc trưng đô thị phương Tây
Điều đó có ý nghĩa thật quan trọng đối với một thành phố mà chứng tích lịch sử không nhiều, do quá trình hình thành và phát triển chỉ mới hơn 320 năm và thời kỳ xây dựng đô thị chỉ khoảng trăm năm.
Hơn 40 năm qua, TP.HCM phát triển nhanh chóng theo xu hướng hiện đại hóa, diện mạo toàn cảnh hay từng khu vực đã có sự biến đổi đáng kể, nhất là khu vực ngoại thành và các quận vùng ven. Các quận trung tâm - "vùng lõi" của di sản đô thị - cũng vậy, nhất là về hạ tầng giao thông và cảnh quan đường phố.
Nhiều di sản văn hóa đã bị hư hỏng, mất mát nhưng dù sao vẫn còn đó những công trình góp phần làm nên "hồn vía" đô thị Sài Gòn, tuy tuổi đời khác nhau, kiến trúc - mỹ thuật mỗi công trình một phong cách một chức năng nhưng đều tạo thành giá trị lịch sử - văn hóa của thành phố.
Một trong những đặc trưng cơ bản của Sài Gòn là một đô thị kiểu phương Tây hồi cuối thế kỷ XIX. Thành phố quy hoạch đường phố ô vuông bàn cờ, vỉa hè rộng trồng cây xanh, khu vực trung tâm là tập hợp cảnh quan - công trình quan trọng trở thành biểu tượng cho đô thị. Ở mỗi khu vực trong thành phố đều có công trình kiến trúc nổi bật, tạo sự riêng biệt và đa dạng cho cảnh quan đô thị.
Tất cả những công trình ấy, qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau của thành phố đã tập hợp thành một hệ thống di sản của đô thị Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Diện mạo khu vực trung tâm luôn được coi là tiêu biểu cho thành phố về quy hoạch, bố cục và chức năng không gian, về kiến trúc và nghệ thuật các công trình quyền lực nhà nước, công trình thương mại dịch vụ và văn hóa công cộng...
Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc, có chức năng và ý nghĩa khác nhau đối với đời sống đô thị: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố/Bảo tàng Mỹ thuật (nhà chú Hỏa)/Nhà hát Thành phố Chợ Bến Thành/UBND TP Hồ Chí Minh (Dinh Xã Tây, Tòa đô chánh)/Thương xá Tax/Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất)/Chủng viện Thánh Giuse/Khám Chí Hòa...
Và còn nhiều công trình khác như nhà thờ Huyện Sĩ, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc, Sở Giao dịch Chứng khoán, khách sạn Majestic Saigon, khách sạn Continental... bên cạnh hệ thống di tích tôn giáo - tín ngưỡng truyền thống của các cộng đồng dân cư trải khắp thành phố.
Bưu điện Thành phố, nhà thờ Đức Bà… là những công trình kiến trúc đậm nét kiến trúc phương Tây ở trung tâm TP Hồ Chí Minh Ảnh: Lê Anh Tuấn
Những "công trình di sản"
Những công trình tiêu biểu trên rất quen thuộc với người Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và du khách. Hầu hết ở khu vực trung tâm trong bán kính 1 km nếu lấy trụ sở UBND thành phố làm tâm điểm.
Trong đó có công trình tôn giáo quan trọng, có công trình là biểu tượng quyền lực, có công trình biểu tượng của thương nghiệp truyền thống bên cạnh công trình dịch vụ thương mại thời cận đại, có công trình của tư nhân, của một cộng đồng (công giáo) hay của nhà nước...
Cho đến hôm nay hầu hết được bảo tồn và sử dụng phù hợp chức năng công trình. Ngoại trừ trường hợp Thương xá Tax (cũng như khu Eden trên đường Đồng Khởi).
Riêng Khám Chí Hòa - nhà tù nổi tiếng qua nhiều chế độ, với kiến trúc đặc trưng cho loại hình công trình này, hiện nay đang được nhiều nhà nghiên cứu đề xuất trùng tu, sửa chữa và chuyển đổi chức năng mới, để vừa có thể bảo tồn một loại hình kiến trúc và di tích có giá trị lịch sử vừa tạo thêm không gian văn hóa công cộng cho một khu vực dân cư rất lớn và lâu đời.
Khám Chí Hòa
Những công trình đó (và còn nhiều công trình khác nữa) đã đáp ứng tiêu chí cụ thể của một "công trình di sản" do hội đủ 3 điều kiện:
- Tính truyền thông: Mỗi công trình luôn mang nhiều ý nghĩa với một cộng đồng, vì vậy công trình tồn tại là biểu hiện của lịch sử, sự chia sẻ đồng thời tích lũy các giá trị qua thời gian.
- Tính khoa học: Công trình có giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… không thể thay thế được. Tiêu chí này nhằm bảo tồn bản chất của di sản, nhất là trong trường hợp "tính truyền thông" của di sản bị hạn chế do sự thay đổi xã hội (nhất là sự thay đổi thể chế trong thời hiện đại).
- Tính kinh tế: Là những công trình vật chất nên sự mất mát di sản làm thiệt hại về vật chất, thiệt hại về kinh tế từ giá trị và ý nghĩa của nó mang lại.
Trách nhiệm bảo tồn
Những giá trị của di sản đô thị là "khách quan" đối với mọi thời đại, mọi cộng đồng. Tuy nhiên, nhận thức được tính khách quan này lại do chủ quan con người ở từng thời đại, của từng thể chế. Điều này dẫn đến việc bảo tồn di sản phụ thuộc vào nhận thức và quan điểm của thế hệ hiện tại đối với quá khứ.
Vì vậy, sự tồn tại của di sản văn hóa phản ánh thái độ ứng xử của triều đại sau đối với triều đại trước. Bảo tồn di sản lịch sử không đơn giản là công việc khoa học mà đó là "không gian đối thoại giữa hiện tại và quá khứ" thể hiện tính nhân văn của một thể chế, một thời đại.
Di sản văn hóa đô thị cần được coi là tài sản, nguồn vốn xã hội quan trọng và lâu dài chứ không phải là một "gánh nặng" do phải bảo tồn, trùng tu hay là sự cản trở quá trình "hiện đại hóa" do không thể lấy vị trí của di sản để xây công trình mới.
Kinh nghiệm của thế giới cho biết "lợi nhuận" từ di sản sẽ đạt được bằng cả kinh tế và văn hóa, lợi nhuận ấy là bền vững và sẽ tích lũy theo giá trị lịch sử của di sản. TP Hồ Chí Minh vài năm gần đây đã tiếp cận nghiên cứu và hướng đến việc công tác bảo tồn di sản tham gia vào quy hoạch chiến lược phát triển của thành phố như một xu hướng tất yếu của sự phát triển bền vững.
TP Hồ Chí Minh, 27-6-2021
Đó là những khách sạn, resort chuyên đón phân khúc khách chuyên gia công tác dài hạn tại BR-VT. Ngoài ra còn có một số khách...