Làm thế nào để du lịch đường sắt thực sự trở thành “đặc sản”?
Trong vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt với các loại hình vận chuyển khác, ngành đường sắt đã nỗ lực chuyển mình, “khoác áo mới” và bắt tay với các hãng lữ hành để phát triển du lịch.
Nhưng dường như những đổi mới này cùng với những lợi thế vốn có của đường sắt vẫn chưa đủ sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Vậy, du lịch đường sắt cần làm gì để tăng sức hấp dẫn, để thực sự trở thành “đặc sản” của du lịch Việt Nam?
Nhiều điều thú vị và thay đổi tích cực từ dịch vụ trên tàu sau khi được đầu tư nâng cấp, đổi mới
“Trời sáng rõ lên rồi, vậy là mình đã đến ga Sài Gòn, lúc này là 6h kém 25, cảm nhận về ga Sài Gòn là lớn và rộng hơn ga Hà Nội rất nhiều. Mình đã đến cổng ga Sài Gòn, kết thúc hành trình 36 tiếng di chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn với những điều thấy mới mẻ, lạ lẫm”. (Trích Hành trình xuyên Việt bằng tàu hỏa của Youtuber Nguyên TV).
Đây là cảm nhận của Youtuber Nguyên TV với chuyến du lịch bằng tàu hỏa cách đây 2 tuần. Anh cho biết đã trải nghiệm được nhiều điều thú vị và thấy được những thay đổi tích cực từ dịch vụ trên tàu sau khi được đầu tư nâng cấp, đổi mới. Tuy nhiên, du lịch bằng tàu hỏa vẫn chưa thực sự hấp dẫn.
“Du lịch bụi bụi thì hợp lý, cũng có điểm hay. Nhưng để làm du lịch thì còn kém lắm. So với trước đã có cải thiện dịch vụ nhưng để làm du lịch thì chưa đạt được yêu cầu. Mình đi cho biết còn nếu thật sự để đi du lịch thì mình không lựa chọn đi tàu”.
GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải cũng đánh giá, phát triển du lịch là hướng đi nhiều tiềm năng cho đường sắt. Ngành đường sắt có thể tham gia phát triển du lịch với vai trò là phương thức vận tải phục vụ khách du lịch hoặc trở thành những sản phẩm du lịch đặc biệt. Nhưng so với các loại hình vận tải khác, đường sắt làm du lịch còn có nhiều hạn chế.
“Du lịch đường sắt có hạn chế lớn là không door to door được, không từ cửa tới cửa được, phải có sự phối hợp giữa đường sắt và đường bộ, mức độ phát triển của đường sắt còn hạn chế thời gian, thiết bị và chất lượng dịch vụ nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngành đường sắt cũng có giải pháp, có kích cầu nhưng chưa đủ chất lượng để người ta đi du lịch bằng đường sắt thường xuyên”.
Bên cạnh việc đầu tư đóng mới, cải tạo các toa xe thì các sản phẩm du lịch gắn với đường sắt phải trọn gói từ vận chuyển tàu, nghỉ dưỡng, ăn uống được kết nối linh hoạt mới làm hài lòng du khách
Thời gian qua, ngành đường sắt và các đơn vị lữ hành đã phối hợp để cùng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để tăng sức thu hút với du khách. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, bên cạnh việc đầu tư đóng mới, cải tạo các toa xe thì các sản phẩm du lịch gắn với đường sắt phải trọn gói từ vận chuyển tàu, nghỉ dưỡng, ăn uống được kết nối linh hoạt mới làm hài lòng du khách.
“Bằng cách phát triển có trọng điểm, lựa chọn đầu tư vào những tuyến đường sắt phù hợp du lịch, đáp ứng những hành khách muốn trải nghiệm đường sắt, mà có được chất lượng dịch vụ tốt, trải nghiệm êm ái, có những khoang nhà hàng như food tour bằng đường sắt thì vẫn có sức hút, có được những đánh giá tốt. Khi dịch vụ đó đủ hấp dẫn thì nó sẽ liên tục có được những lượt khách mới”.
Ông Huỳnh Thế Sơn, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, năm 2023 lượng hành khách đi lại bằng tàu hỏa tăng 42% so với năm trước, trong đó chiếm phần lớn là lượng khách du lịch. Có những đôi tàu, khách du lịch quốc tế chiếm trên 70% lượng khách đi tàu như tàu SP3/4 tuyến Hà Nội – Lao Cai, tàu SE19 tuyến Hà Nội – Đà Nẵng…Đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để thu hút khách du lịch bằng đường sắt.
“Chúng tôi đang xúc tiến làm việc với các địa phương có lượng khách du lịch lớn như Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng… để xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với đường sắt; Đưa nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch như toa xe cộng đồng, đoàn tàu charter...và cùng đối tác xây dựng triển khai đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch hạng sang giữa Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và đoàn tàu du lịch nội đô giữa Hà Nội – Từ Sơn”.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam khẳng định, những gì đã làm được hiện nay vẫn là quá khiêm tốn so với tài nguyên mà ngành đường sắt sở hữu. Để tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn cho du lịch bằng đường sắt thì còn rất nhiều việc phải làm:
“Chắc chắn phải đầu tư về phương tiện, đặc biệt là các toa xe có cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ trên toa xe, dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đầu tư, cần quảng bá về các thông tin thu hút du lịch đường sắt. Khi hành khách tham gia vào hành trình du lịch đường sắt có thể được nghỉ ngơi, làm việc, được thưởng thức đặc sản vùng miền, được tham quan không gian. Đây là lợi thế mà các ngành khác khó bằng đường sắt”.
Theo các chuyên gia, để khai thác tốt tiềm năng về du lịch thì không chỉ ngành đường sắt, các hãng lữ hành mà còn cần sự vào cuộc của các đơn vị cung ứng dịch vụ và cả sự hỗ trợ của những địa phương nơi tuyến đường sắt đi qua. Nếu không, sản phẩm du lịch từ đường sắt khó có sự đột phá và sức sống lâu bền.
Lợi thế của du lịch tàu hỏa được ngắm nhìn phong cảnh qua ô cửa sổ một cách bao quát nhất
Trên thế giới, du lịch đường sắt là một trong những loại hình được nhiều du khách yêu thích vì thuận tiện và có cơ hội ngắm cảnh trên đường di chuyển. Còn du lịch đường sắt ở nước ta đang đứng trước nhiều thách thức bởi hạn chế về cơ sở hạ tầng và sự cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác.
Trong bối cảnh đó, khai thác du lịch đường sắt cần dựa trên thế mạnh riêng có của đường sắt để “Mỗi toa tàu thành một sản phẩm du lịch”.
Lợi thế của du lịch tàu hỏa được nhìn nhận là phương tiện di chuyển mang tính an toàn cao. Trong quá trình di chuyển, hành khách có thời gian nghỉ ngơi và tiết kiệm được thời gian; đồng thời có thể ngắm nhìn phong cảnh qua ô cửa sổ một cách bao quát nhất và cũng là một trải nghiệm thú vị cho những khách chưa từng tham gia loại hình phương tiện này. Đây cũng là phương tiện di chuyển có chi phí tương đối phù hợp.
Tuyến đường sắt Bắc Nam dài 1.726 km chạy qua 21 tỉnh, thành phố cùng nhiều địa danh nổi tiếng từng lọt top những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới là nguồn tài nguyên khổng lồ có khai thác cho du lịch.
Ngành đường sắt trước tiên cần khai thác được thế mạnh riêng có này, thế mạnh là có những danh lam thắng cảnh chỉ khi đi bằng tàu hỏa mới thấy hết được vẻ đẹp để có những chương trình quảng bá thu hút du khách trong và nước chọn cách khám phá vẻ đẹp các vùng miền bằng tàu hỏa.
Song song với đó, ngành đường sắt cần ghi nhận những phản hồi, góp ý để tiếp tục cải tiến đem lại tiện nghi cho du khách. Những vấn đề còn tồn tại khiến du khách “ngại” đi tàu cần được cải thiện tốt hơn như tốc độ chạy tàu, tình trạng xóc lắc, chất lượng phục vụ, vấn đề vệ sinh trên tàu, dưới nhà ga…
Hơn nữa, với đòi hỏi của một sản phẩm du lịch, thì sự đầu tư, chuyển đổi của đường sắt cần mạnh mẽ hơn nữa như thay đổi những toa tàu cũ kỹ thành những khoang lưu trú tiện nghi, đưa thêm những trải nghiệm trên tàu; thay đổi thực đơn, đưa đặc sản vùng miền vào phục vụ để du khách có thể tham gia food tour ngay trên tàu hỏa.
Hành trình trên tàu trở thành một sản phẩm du lịch nếu được triển khai hiệu quả chắc chắn giúp ngành đường sắt có thể khai thác nguồn lực của mình, giúp đường sắt thật sự là chủ thể của dịch vụ du lịch, khai thác “nguồn sống” từ du lịch bằng chính nguồn lực hiện có của mình.
Riêng đối với những tuyến phục vụ khách quốc tế, ngành đường sắt cần phối hợp với ngành du lịch đào tạo ngoại ngữ cho nhân viên làm việc trên tàu.
Để có những sản phẩm du lịch đường sắt đạt hiệu quả, ngành đường sắt còn cần thay đổi tư duy làm du lịch một cách chuyên nghiệp hơn bằng cách thành lập một đơn vị chuyên kinh doanh du lịch hoặc giao mảng dịch vụ du lịch cho một đơn vị lữ hành chuyên nghiệp.
Những đơn vị này sẽ tạo ra được những sản phẩm đặc sắc dựa trên cơ sở hạ tầng của đường sắt chứ không chỉ dừng lại ở việc tham gia vận tải hành khách, đồng thời giúp du khách có những trải nghiệm tốt hơn, nhận diện rõ nét hơn sự độc đáo của du lịch đường sắt so với các tour du lịch di chuyển bằng ô tô hoặc máy bay.
Trong tương lai, khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hoàn thành thì tuyến đường sắt hiện hữu có thể để làm sản phẩm du lịch nên từ bây giờ cũng cần sớm có phương án khai thác phù hợp. Đặc biệt với những đoạn tuyến có cự ly ngắn, đi qua nhiều điểm du lịch tập trung và có sự độc đáo thì hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm du lịch ngay từ bây giờ.
Hành trình trên tàu trở thành một sản phẩm du lịch nếu được triển khai hiệu quả chắc chắn giúp ngành đường sắt có thể khai thác nguồn lực của mình, giúp đường sắt thật sự là chủ thể của dịch vụ du lịch, khai thác “nguồn sống” từ du lịch bằng chính nguồn lực hiện có của mình.
Đồng thời, giúp du khách trong và ngoài nước có những chuyến du lịch khắp Việt Nam bằng tàu hỏa với những trải nghiệm thú vị, trọn vẹn hơn.
Là ngày hội âm nhạc thường niên, “BridgeFest - Kết nối cộng đồng“ năm nay tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ đã ghi điểm với...