Khám phá văn hóa đặc sắc lưu vực sông Cầu và tiềm năng phát triển du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lần đầu tiên đặt vấn đề khai thác tiềm năng sông Cầu – dòng sông gắn liền với lịch sử và thi ca, Bắc Kạn hướng tới đẩy mạnh nghiên cứu giá trị văn hóa từ các danh thắng tự nhiên, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế và du lịch trong tương lai.

Trước thềm Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Bắc Kạn, diễn ra từ 25-30/4, bà Đỗ Thị Hiền, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, đã chia sẻ mong muốn khai thác tiềm năng du lịch còn ẩn chứa tại các danh thắng nổi tiếng của địa phương.

Khám phá văn hóa đặc sắc lưu vực sông Cầu và tiềm năng phát triển du lịch - 1

Nơi dòng sông Cầu bắt nguồn dưới dãy núi Tam Tao

Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Bắc Kạn dự định diễn ra cuối tháng 4 này lấy chủ đề “Sông Cầu - Nơi ngọn nguồn hội tụ”. Xin bà cho biết, vì sao có ý tưởng độc đáo này?

Các dòng sông lớn trên thế giới đã khẳng định vai trò trong việc kiến tạo những nền văn hóa lớn. Là nơi sông Cầu bắt nguồn, Bắc Kạn muốn đặt vấn đề khai thác giá trị lịch sử và văn hóa của dòng sông, kết hợp với các tài nguyên du lịch tự nhiên nổi tiếng như Vườn Quốc gia Hồ Ba Bể, hai khu bảo tồn thiên nhiên, cùng hệ thống thác nước và hang động nhũ đá tự nhiên trải khắp địa phương. Những tài nguyên này hiện chưa được khai thác nhiều.

Khám phá văn hóa đặc sắc lưu vực sông Cầu và tiềm năng phát triển du lịch - 2

Bà Đỗ Thị Hiền (áo vàng)

Trước đây, Bắc Kạn đã khai thác văn hóa các bản làng người Tày, Nùng, Dao và cảnh sắc thiên nhiên để phát triển du lịch, đạt được một số thành công. Về liên kết vùng, sáu tỉnh miền núi phía Bắc đã triển khai Hành trình Việt Bắc để phát huy lợi thế du lịch, hoặc tham gia các chương trình liên kết giữa các tỉnh Đông Bắc. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.

So với nhiều địa phương khác, Bắc Kạn bắt đầu phát triển du lịch muộn hơn, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng. Trong lần này, tiếp tục định hướng liên kết để phát triển, chúng tôi muốn kể một câu chuyện đặc trưng và trọn vẹn và ông Cầu là mạch nối phù hợp để hiện thực hóa ý tưởng này.

Bắc Kạn là nơi sông Cầu bắt nguồn, sau đó chảy qua Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương trước khi hòa vào sông Thái Bình. Trên hành trình, sông Cầu đón nhận thêm nhiều dòng suối đổ về.

Khám phá văn hóa đặc sắc lưu vực sông Cầu và tiềm năng phát triển du lịch - 3

Sông Cầu đoạn chảy qua thành phố Bắc Kạn

Sông Cầu nổi tiếng với chiến thắng Như Nguyệt của tướng quân Lý Thường Kiệt, được lưu danh trong sử sách, đồng thời là dòng sông giàu chất thi ca. Chúng tôi nhận thấy rằng, việc khai thác văn hóa từ đầu nguồn sông Cầu có thể giúp khám phá những đặc trưng riêng của lưu vực sông. Quá trình này cần thời gian, nhưng nếu đặt nền móng ngay từ bây giờ, Bắc Kạn sẽ có cơ hội nghiên cứu sâu hơn trong tương lai. Hơn nữa, với chủ đề “Sông Cầu - Nơi ngọn nguồn hội tụ”, Bắc Kạn có thể kể câu chuyện tiếp biến văn hóa cùng các địa phương nơi dòng sông chảy qua.

Vấn đề tiếp biến văn hóa được thể hiện qua các hoạt động tại Tuần lễ Văn hóa Du lịch Bắc Kạn, với sự tham gia của nhiều địa phương trong lưu vực sông Cầu như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Xin bà chia sẻ rõ hơn về điều này?

- Để chuẩn bị cho sự kiện, Bắc Kạn đã mời các địa phương trong lưu vực sông Cầu tham dự. Trong quá trình xây dựng kịch bản chương trình, chúng tôi chú trọng đưa vào nét đặc trưng của từng địa phương. Chẳng hạn, Bắc Kạn nhấn mạnh văn hóa Tày - Nùng - Dao qua các điệu hát Then, múa Bát, hát Cọi; Thái Nguyên giới thiệu múa Tắc Xình; Bắc Ninh tái hiện Quan họ; Bắc Giang mang đến nghệ thuật Chèo; Hà Nội kể câu chuyện về Hát Xẩm…

Khám phá văn hóa đặc sắc lưu vực sông Cầu và tiềm năng phát triển du lịch - 4

Những bản làng bên thượng nguồn sông Cầu.

Qua các loại hình nghệ thuật được tái hiện, du khách sẽ nhận ra điểm chung trong văn hóa các địa phương. Ví dụ, hát Lượn của Bắc Kạn là nghệ thuật diễn xướng trên sông, tương đồng với hát Quan họ của Bắc Ninh – thường biểu diễn trên thuyền, hay Rối nước của Hải Dương – diễn ra trên mặt nước.

Ngoài ra, cuộc thi ảnh đẹp về lưu vực sông Cầu tạo cơ hội để các địa phương cùng quảng bá danh thắng và văn hóa ven sông.

Phát triển du lịch dựa trên văn hóa là hướng đi tất yếu, nhưng việc tìm chất liệu phù hợp đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, đa địa phương và sự quyết liệt trong chỉ đạo. Ở vai trò lãnh đạo ngành, bà nhìn thấy tiềm năng nào trong câu chuyện “sông Cầu” gắn với phát triển văn hóa và du lịch?

- Hiện tại, nếu hỏi về sản phẩm du lịch cụ thể trong liên kết lưu vực sông Cầu, chúng tôi chưa có. Việc kết nối với các địa phương mới dừng ở bước đặt vấn đề để cùng nghiên cứu.

Sông Cầu khởi nguồn từ dãy núi Tam Tao – nơi địa hình hẹp và dốc. Dòng sông uốn lượn qua nhiều dãy núi, chảy êm đềm về thành phố Bắc Kạn, rồi xuôi về hạ lưu trước khi hòa vào sông Thái Bình. Tôi cho rằng đây là nét rất riêng của sông Cầu, góp phần kiến tạo những đặc trưng văn hóa mềm mại, uyển chuyển dọc theo dòng sông. Điều này dễ nhận thấy qua hát Lượn, Quan họ hay nghệ thuật Rối nước, thể hiện sự gắn kết giữa tự nhiên và văn hóa.

Khai thác mạch nguồn này, mỗi địa phương có cách tiếp cận riêng dựa trên thực tế lưu vực sông Cầu chảy qua. Tại Bắc Kạn, dòng sông đi qua trung tâm thành phố, vì vậy tỉnh quyết định phát triển cảnh quan hai bên sông.

Tuy nhiên, ngoài việc khai thác cảnh quan, cần nghiên cứu sâu hơn về mạch nguồn văn hóa của dòng sông. Ảnh hưởng của một dòng chảy không chỉ nằm trên mặt nước, mà còn ở những mạch ngầm sâu hơn, tạo nên trầm tích văn hóa. Tôi cho rằng khai thác yếu tố địa lý và thổ nhưỡng sẽ giúp tìm ra chìa khóa để khám phá đặc trưng văn hóa, từ đó đưa ra các gợi ý cụ thể cho sản phẩm du lịch.

Khám phá văn hóa đặc sắc lưu vực sông Cầu và tiềm năng phát triển du lịch - 5

Hồ Ba Bể - Bắc Kạn

Hồ Ba Bể, sông Cầu và những cánh rừng già Bắc Kạn góp phần tạo nên tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (73%). Chúng dường như không phải là những thực thể tách biệt. Bắc Kạn đã từng xem xét mối liên hệ giữa các thực thể tự nhiên này trong câu chuyện cảnh quan hay những giá trị văn hóa chưa được khai thác chưa?

- Việc nghiên cứu và đưa ra kiến giải về mối liên hệ giữa Hồ Ba Bể, sông Cầu và những cánh rừng Bắc Kạn là nhiệm vụ dài hạn, đòi hỏi sự phối hợp đa ngành mà ngành văn hóa - du lịch không thể thực hiện một mình. Trong quá trình phát triển, Bắc Kạn đang từng bước nghiên cứu để xây dựng quy hoạch phù hợp dựa trên yếu tố tự nhiên, thổ nhưỡng và văn hóa.

Sắp tới, khi tiến hành sáp nhập hành chính, chúng tôi tin sẽ có cơ hội nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện hơn. Khi đó, các danh thắng như sông Cầu và Hồ Ba Bể hy vọng sẽ được kể trong một câu chuyện rộng lớn hơn, xứng đáng với những giá trị văn hóa mà chúng đang lưu giữ.

Quan trọng hơn, nếu các danh thắng và cảnh quan tự nhiên như sông Cầu, Hồ Ba Bể và những cánh rừng của Bắc Kạn được khai thác du lịch theo hướng bền vững, điều này sẽ tạo cơ hội nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp địa phương.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Bà!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Châu Giang

CLIP HOT

Những
Những "luồng gió mới" thay đổi thị trường F&B Việt Nam

Bất chấp những khó khăn, kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) vẫn là một trong những ngành thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Năm 2025 được các chuyên gia dự đoán sẽ là bức tranh đầy mới mẻ, với nhiều tín hiệu tích cực và cơ hội cho những ai biết nắm bắt.