Nhiều nhà nghiên cứu đưa ra mổ xẻ nhằm tìm giải pháp để trả lại cho di sản gốm duy nhất của Việt Nam được định danh quốc tế những hào quang vốn có.
Thời kì vàng son
Trong số 14 thương hiệu gốm nổi tiếng quốc gia, tuy có đời sống trẻ với hơn 300 năm hình thành, Gốm Biên Hòa sở hữu những đặc trưng duy nhất so với 14 thương hiệu gốm nổi tiếng toàn quốc.
GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) đã nhấn mạnh: “Biên Hòa là thương hiệu gốm Việt duy nhất được định danh trên trường quốc tế với chất liệu men đặc trưng “vert de Bien Hoa”, hay còn gọi là men xanh đồng trổ bông. Và đây là thương hiệu gốm Việt duy nhất mà tên thương hiệu gốm trùng khớp hoàn toàn với tên thành phố lớn, tỉnh lớn”.
Xét về bối cảnh lịch sử, các chuyên gia cũng đồng ý Gốm Biên Hòa gắn liền với quá trình khai khẩn và định hình vùng đất, con người Biên Hòa (Đồng Nai) và vùng Đông Nam Bộ. Vì thế, không đơn thuần là di sản về nghề thủ công mỹ nghệ, di sản văn hoá này còn gắn với tinh thần, danh tiếng, bản sắc “Hào khí Đồng Nai”, hay rộng hơn là “hào khí Đông Nam Bộ”.
Vẻ đẹp của men vert de Bien Hoa trứ danh. Từ trái qua phải: Mai bình men xanh đồng trổ bông của dòng gốm Biên Hòa niên đại thế kỉ 20, thuộc nhà sưu tầm Lê Quang Hào; sản phẩm bình mai trắng 9/2023 của công ty Gốm Biên Hòa Bicera
Song hành với đó, Gốm Biên Hòa còn là đại diện tiêu biểu nhất trong gốm Việt khi xét về tính giao thoa nghệ thuật. Những năm đầu hình thành, Gốm Biên Hòa kết tinh tinh hoa của truyền thống gốm Việt, gốm Hoa, gốm Chăm, gốm Khmer Nam Bộ. Kể từ năm 1903, khi người Pháp thành lập trường Dạy nghề Biên Hòa - École Professionnelle de Bien Hoa (nay là trường Cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai), đặc biệt là giai đoạn ông bà hiệu trưởng Balick tiếp quản, Gốm Biên Hòa bắt đầu bước vào thời kỳ vàng son. Ở giai đoạn này, với sự giao thoa từ thương hiệu gốm Limoges nổi tiếng bậc nhất nước Pháp, Gốm Biên Hòa đạt đến đỉnh cao nghệ thuật và sở hữu định danh vert de Bien Hoa.
Tập thể thầy trò trường Dạy nghề Biên Hòa những năm 1930. Ảnh tư liệu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai
Kỹ thuật chấm men phát triển, tinh xảo và công phu hơn. Ảnh: Nadal
Cùng với sự mở cửa về thương mại, Gốm Biên Hòa bước vào thời vàng son, không chỉ sở hữu định danh quốc tế mà còn đại diện quốc gia tỏa sáng trên nhiều kinh đô nghệ thuật thế giới. Các tác phẩm này còn là di sản ký ức khi lưu giữ, đồng hành cùng nhiều sự kiện lớn xuôi theo dòng chảy lịch sử quốc gia.
Từ 1925 đến cuối 1950, Gốm Biên Hòa đã xuất hiện tại các triển lãm quốc tế, gặt hái nhiều giải thưởng lớn ở Pháp, Mỹ, Nhật, đảo Reunion, các nước Đông Nam Á. Hiện nay, hình ảnh Gốm Biên Hòa có thể tìm thấy ở các di tích lịch sử tiêu biểu ở Biên Hòa, các bức phù điêu trang trí 4 cổng chợ Bến Thành, con đường Gốm sứ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội (2010), hay tác phẩm ghé gốm chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC (2017).
TS Nguyễn Thị Hậu - Chuyên gia khảo cổ học, Tổng Thư ký Hội Lịch sử TP.HCM, cho biết trong chuyến nghiên cứu tại Pháp, bà cũng đã thấy nhiều mẫu Gốm Biên Hòa hiện được trưng bày bảo tàng Limoges trứ danh.
Sau hơn 70 năm, 12 bức phù điêu Gốm Biên Hòa của hoạ sĩ Lê Văn Mậu, cùng sự hỗ trợ của các nghệ nhân Sáu Sảnh, Tư Ngô, Hai Sáng, chú Thạch, anh Tóc… vẫn tươi màu tô điểm cho chợ Bến Thành. Ảnh: Quốc Lê
Tuy nhiên, kể từ đầu thế kỉ 21, hào quang dần nằm lại quá khứ. Theo thống kê, so với 300 cơ sở vào năm 2000, đến năm 2017 chỉ còn khoảng 40 cơ sở lớn nhỏ làm nghề Gốm Biên Hòa tập trung tại phường Bửu Long, Tân Vạn, xã Tân Hạnh và Hóa An. Các dự án di dời “treo” đến chục năm, cơ sở sản xuất xuống cấp, thiếu đất, thị trường thủ công bị “bóp” trước làn sóng công nghiệp hóa ồ ạt, nguồn lao động có thâm niên bỏ nghề vì kế sinh nhai là các nguyên nhân chính. Đến nay, thương hiệu Gốm Biên Hòa ngày càng giảm sút về độ nhận diện, thấp đáng kể so với gốm hoa lam Bát Tràng, gốm đen Phù Lãng hay gốm xanh Bình Dương.
Chưa trễ để buông
Với mục tiêu đưa Gốm Biên Hòa về đúng vị thế vốn có, gắn với phát triển du lịch, mới đây Hội thảo Bảo tồn, Phát triển gốm Biên Hòa - Đồng Nai kết hợp khai thác, phát triển du lịch đã được tổ chức. Nhiều chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu, trình bày tại hội nghị giúp làm rõ các thế mạnh đặc biệt của Gốm Biên Hòa. Đây là cơ sở khoa học và lý luận đảm bảo nền tảng cho động lực bảo tồn, và động lực kinh tế di sản gốm quý này.
Ảnh: Đoàn Nhật Cường
Theo các nhà nghiên cứu, Gốm Biên Hòa có 4 lợi thế cạnh tranh chính để phát triển du lịch. Thứ nhất, Gốm Biên Hòa có tính ứng dụng cao, linh hoạt thích nghi, đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội từ giới bình dân đến tầng lớp cao cấp. Thứ hai, sản phẩm thỏa mãn thẩm mỹ thị giác nội địa và quốc tế với hoa văn kết hợp tính Đông - Tây, kỹ thuật đắp nổi, trổ thủng và nung lò tạo nên màu men bắt mắt, cùng màu men “vert de Bienhoa” vang danh.
Thứ ba, so với nhiều thương hiệu gốm khác, phát triển tại vùng đất thuộc 7 địa phương có nhiều cao lanh nhất nước, Gốm Biên Hòa có lợi thế nhất về nguồn nguyên liệu tại chỗ ở địa phương. Thứ tư, Biên Hòa là thành phố duy nhất hiện có Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, hỗ trợ quy tụ nghệ nhân, duy trì kỹ thuật truyền thống của làng nghề gốm thủ công Tân Vạn từ 1679.
Sản phẩm Gốm Biên Hòa tại cơ sở sản xuất Gốm Biên Hoà và Trường Thạnh. Ảnh: Đoàn Nhật Cường
Xét riêng về yếu tố địa lý, thành phố Biên Hòa sở hữu vị trí thuận lợi gắn các huyết mạch giao thông với TP. HCM, thành phố Bình Dương. Xét về tiềm lực kinh tế, Biên Hòa là thủ phủ công nghiệp hàng đầu cả nước với tốc độ số hoá, tiếp cận xu hướng quốc tế nhanh nhạy, cởi mở thay đổi. Cùng sự quyết tâm từ bộ máy chính quyền hiện hành, thành phố Biên Hòa có các điều kiện cần để mang sức sống mới cho di sản văn hoá này, gắn với du lịch bền vững.
Để di sản được sống, không chỉ ở bảo tàng hay làng truyền thống
Cũng tại hội thảo, lần đầu rất nhiều ý tưởng phát triển di sản văn hóa sáng tạo đã cùng được chia sẻ trên tinh thần xây dựng của giới nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà nước. Nhiều đề xuất hay có thể kể đến như hiện đại hoá cách thức quảng bá qua ngôn ngữ nghệ thuật đương thời như hình ảnh, ca khúc, phim ảnh của PSG.TS Nguyễn Ngọc Thơ; hay Ths Phan Đình Dũng đề xuất giải pháp để công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian để tăng cường động lực và tạo nền tảng duy trì nhóm người mang tính đại diện cho di sản văn hoá này.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề xuất giải pháp xây dựng bảo tàng Gốm Biên Hòa, kết hợp tour du lịch trải nghiệm với các di tích lịch sử dọc tuyến sông Đồng Nai. Các giải pháp phát triển làng nghề cũng thu hút sự quan tâm chia sẻ của nhiều đại biểu.
GS.TS. Phan Thị Thu Hiền trao đổi với các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất gốm Biên Hòa và doanh nghiệp du lịch tại hội thảo. Ảnh: Hồng Phúc
Tuy nhiên, để có một chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đòi hỏi phải bao quát và mang giá trị đón đầu tương lai hơn. Với hình thái của một thủ phủ công nghiệp sôi động bậc nhất cả nước, đi đầu về phương án đổi mới sáng tạo, việc tái áp dụng mô hình làng nghề truyền thống, xây dựng các khu vực làng cổ gắn với thương mại dường như không còn phù hợp.
Ngoài ra, buổi đầu phát triển gắn liền với kinh tế đô thị nhộn nhịp của vùng Đông Nam Bộ, kỹ nghệ gốm đậm tính giao thoa và đi cùng thiết chế học thuật là trường nghề, Gốm Biên Hòa tự định danh hình ảnh thương hiệu với sự khác biệt lớn so với các thương hiệu gốm quốc gia khác. Vì thế, công tác bảo tồn - phát triển đòi hỏi một giải pháp tương ứng với thương hiệu và tương thích với bối cảnh đương thời hơn.
Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: Hồng Phúc
Trong khuôn khổ chia sẻ và đóng góp ý kiến, một ý tưởng mới được các đại biểu thảo luận phải kể đến giải pháp xây dựng một thành phố sáng tạo, phát huy di sản gốm gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo của PGS.TS Phan Thị Thu Hiền. Theo bà, với mô hình đã được UNESCO chuẩn hoá này, Biên Hòa có thể tiến tới trở thành một thành phố gốm sứ Việt Nam như thành phố Incheon (Hàn Quốc), Caltagirone (Ý) hay Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc). Khi đó, du khách và cư dân địa phương có thể sống trong không gian văn hoá (living in heritage) đô thị hiện đại vẫn đậm đà hơi thở truyền thống, nơi di sản mỹ nghệ cha ông có thể tiếp tục sức sống của mình cùng với sự phát triển thời đại.
Đồng quan điểm, TS Đặng Thị Phương Anh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc xác định đối tượng khách hàng, thiết kế giải pháp gắn với tâm lý trải nghiệm của giới trẻ hiện nay. Bà cũng đề xuất việc phát triển công việc chủ đề gốm và giải pháp nâng cao chất lượng nhân sự kế tục thế hệ nghệ nhân để đảm bảo mạch sống của yếu tố truyền thống trên nền công nghiệp sáng tạo.
Các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di sản cần “trẻ hoá”, có tính trải nghiệm động hơn. . Ảnh: Đoàn Nhật Cường
TS.Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch, cho rằng việc bảo tồn di sản có nhiều quan điểm, bao gồm: quan điểm lịch sử, văn hóa, môi trường, kinh tế, xã hội và giáo dục. “Trên cơ sở đó, quan điểm quan trọng nhất về bảo tồn di sản thường phụ thuộc vào góc nhìn và ưu tiên của từng người. Tuy nhiên, nhiều người đều công nhận rằng sự kết hợp linh hoạt giữa các quan điểm là quan trọng. Sự cân nhắc đồng thời về giữ gìn giá trị lịch sử, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu xã hội, và tận dụng kinh tế từ di sản có thể tạo ra chiến lược bảo tồn hiệu quả và bền vững”, ông Linh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa (phải) và TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch (trái)
Trên góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Kiều Nhi - CEO Công ty cổ phần phim Ý Anh (YA Film) với hơn 20 năm trong lĩnh vực giải trí và sản xuất phim cũng chia sẻ dự định về dự án phim trường quy mô tại Biên Hòa, hứa hẹn sẽ tạo thêm chất liệu để đẩy mạnh du lịch di sản văn hoá địa phương.
Sau quá trình chạy thử nghiệm 2 mô hình phim trường khép kín với diện tích 1.500 m2 và 2.000 m2, YA Film đang lên kế hoạch khởi động dự án tiếp theo tại Biên Hòa. Bà Kiều Nhi cho biết nếu thành công, dự án này sẽ thổi làn gió xu hướng du lịch điện ảnh gắn với văn hóa đang thịnh hành tại các đế chế phim của thế giới về Việt Nam.
Cần nhiều nỗ lực để chuyển mình
Để hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn Gốm Biên Hòa gắn với phát triển du lịch, không thể thiếu đi sự liên kết tổng lực với các đơn vị hành chính xung quanh, tiêu biểu là TP.HCM - trung tâm kinh tế du lịch quốc gia.
Nghệ nhân làng gốm Trường Thạnh. Ảnh: Đoàn Nhật Cường
Góp mặt tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch phát triển Tài nguyên Du lịch - Sở Du Lịch TP.HCM, cho biết Thành phố rất hoan nghênh các hoạt động liên kết vùng trong du lịch, nhằm tạo động lực cho cả doanh nghiệp mở rộng điểm đến, phát triển sản phẩm. Hiện nay, TP.HCM đã liên kết với 6 vùng trong cả nước, trọng tâm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, trong đó có thành phố Biên Hòa. Đồng thời, để bảo tồn đi đôi với phát triển, UBND thành phố Biên Hòa nên cân nhắc xây dựng kế hoạch trên góc nhìn mới, xác định rõ sản phẩm du lịch, thị trường nguồn cần hướng đến giới trẻ.
“Để tạo động lực phát triển lực lượng nhân sự giữ nghề và muốn có khách thì chúng ta cần quảng bá, tăng sức hấp dẫn của thị trường này. Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn vừa qua, chúng ta đã bỏ lỡ việc quảng bá. Kể cả Sở Du lịch TP.HCM cũng có rất ít thông tin về dòng Gốm này để hỗ trợ phát triển dòng sản phẩm liên kết. Vì vậy, công tác quảng bá về Gốm Biên Hòa Đồng Nai gắn với khu vực Đông Nam Bộ cần được nhìn nhận lại, thực hiện bài bản hơn, dựa trên góc nhìn cho khách du lịch chứ không riêng góc nhìn bảo tồn văn hoá, học thuật nghiên cứu. Với xu hướng khách du lịch muốn tương tác, cảm nhận không gian văn hoá di sản, mô hình thành phố sáng tạo dựa trên nền tảng thành phố Biên Hòa cũng cần phải không gian rộng mở, động, thay đổi liên tục và đa sắc màu”, bà Thảo cho biết.
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cũng nhấn mạnh bên cạnh cơ chế của cơ quan quản lý nhà nước, cần đơn vị tư vấn để đảm bảo tính nhất quán vận hành, tính chuyên nghiệp giữa các địa phương liên kết.
Nghệ nhân Gốm Biên Hoà - những người thổi hồn cho di sản văn hoá đầu tiên được định danh quốc tế
Về phía khối doanh nghiệp lữ hành, nhìn chung các đơn vị cũng nhận thấy tiềm năng lớn từ hoạt động này. Tuy nhiên, đây là dự án đường dài để kiện toàn cơ sở hạ tầng, chuẩn hoá không gian và tăng cường hệ sinh thái du lịch - giải trí gắn với di sản Gốm Biên Hòa.
Ông Phan Văn Tâm - giám đốc công ty du lịch Vietlove Travel, đơn vị hiện đang khai thác nhóm sản phẩm du lịch văn hoá nội địa, nhận định công cuộc này là một thách thức lớn với chính quyền thành phố Biên Hòa. Trong đó, phải làm rõ câu hỏi: thông qua du lịch để phát triển ngành gốm truyền thống hay mượn Gốm Biên Hòa để đưa ra sản phẩm phát triển du lịch. “Đáp án sẽ góp phần định hình không gian lịch sử - văn hoá - du lịch theo quy chuẩn, tạo ra một thị trường chuyên nghiệp hấp dẫn. Khi đó, tự khắc sẽ phát triển, tự khắc có du khách tìm đến.“ - ông Tâm bổ sung thêm.
Một hành trình dài nhưng đầy tiềm năng
Trong khảo sát tiến hành vào năm 2019 trên địa bàn TP.HCM, 56% khách quốc tế và 26% khách nội địa quan tâm đến dòng sản phẩm văn hoá lịch sử. Đáng chú ý, doanh thu đến từ dòng sản phẩm văn hoá lịch sử chiếm 41% doanh thu du lịch TP.HCM. Nhìn rộng ra từ kết quả đó, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn dòng gốm Biên Hòa là “một mũi tên trúng hai đích” khi vừa hỗ trợ phát triển di sản văn hoá dân tộc, vừa nâng cao giá trị kinh tế địa phương và khu vực.
Trong thời gian nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai đề án quy mô này, cơ quan chính quyền địa phương nên song song chú trọng đẩy mạnh công tác quảng bá về giá trị Gốm Biên Hòa, tăng cường các chính sách ưu đãi và liên kết với các cơ sở sản xuất để tạo ra các sản phẩm đáp ứng giá trị triển lãm và giá trị thương mại; xây dựng thể chế tạo động lực cho các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, thiết kế dòng sản phẩm liên quan, thu hút khách quan tâm đến gốm Biên Hòa tại chính địa phương.