Hiến kế giúp Bình Thuận phát triển du lịch cộng đồng, tránh “nỗi đau môi trường”
Toạ đàm 'Du lịch cộng đồng nông nghiệp' ở Đa Mi - Bình Thuận diễn ra những ngày cuối năm 2023 trở thành cuộc “tựu kế” giúp tỉnh này vừa có khả năng chinh phục du khách, vừa tránh được “vết xe đổ” của nhiều địa phương trong việc khai thác du lịch bất chấp bỏ mặc môi trường.
Cuộc hội ngộ kỳ diệu ở Đa Mi
Toạ đàm Du lịch cộng đồng nông nghiệp trong khuôn khổ chương trình Famtrip về Hàm Thuận Bắc, diễn ra khi huyện miền núi này của Bình Thuận bắt đầu phát triển du lịch giai đoạn đầu.
Chương trình thu hút 16 đơn vị làm du lịch cộng động ở khắp các miền trên cả nước. Trong đó, có những điển hình đến từ Thái Hải (Thái Nguyên) - Ngôi làng tốt nhất thế giới (Tổ chức du lịch thế giới bình chọn); Sìn Suối Hồ (Lai Châu) - Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu, được chính phủ tặng bằng khen,… Bê cạnh đó, khoảng 100 đơn vị lữ hành, báo chí, đào tạo, chuyên gia du lịch cũng tề tựu về Đa Mi Mi suốt 3 ngày, cùng nhau “lên rừng xuống…hồ”.
Đặc biệt, toạ đàm còn ghi nhận sự góp mặt của ông Dato Sahariman Bin Hamdan - Chủ tịch Hiệp hội Homestay Malaysia. Rất hiếm famtrip hội tụ được nhiều thành phần tham dự như vậy.
Một số đại biểu chụp ảnh kỷ niệm trong ngày về Đa Mi tham dự Famtrip và toạ đàm.
Bình Thuận vốn nổi tiếng với bãi biển cát trắng đẹp nhất nhì Việt Nam, nhưng ít ai biết, chỉ cách thành phố Phan Thiết hơn 1 giờ ô tô là xã Đa Mi sở hữu vùng khi hậu mát mẻ dễ chịu. Đa Mi nằm trên vành đai hệ sinh thái chuyển tiếp giữa cao nguyên Di Linh xuống đồng bằng vì thế có phong cảnh hữu tình với núi, hồ, sông, suối, thác… cùng hệ thực vật phong phú.
Ở đây còn có hệ thống hồ thuỷ điện rộng lớn trên 3.000 ha (Hồ Hàm Thuận khoảng 2.500 ha, hồ Đa Mi khoảng 700ha) với nhiều đảo lớn nhỏ, là tiềm năng cho phát triển du lịch sức khoẻ và dễ dàng chinh phục người yêu thiên nhiên, thích khám phá.
Đặc biệt, vùng lõi của Hàm Thuận Bắc là Đa Mi chỉ cách TP.HCM khoảng 200km, cách Lâm Đồng 35km. Nếu biết khai thác và làm sản phẩm, Đa Mi có thể trở thành vùng du lịch thu hút 10 triệu dân Sài Gòn cộng thêm lượng dân cư ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trước khi biến nó thành vùng thu hút khách du lịch quốc tế từ Phan Thiết đổ về.
Nhà báo Lưu Trọng Văn cho rằng, cuộc gặp gỡ kỳ diệu này đã diễn ra ở “thời điểm vàng”, giúp địa phương có thể thảo lại những “nét vẽ chưa chuẩn trên bản đồ quy hoạch”, giúp người dân có thời gian học hỏi kinh nghiệm từ những gương điển hình phát triển du lịch cộng đồng trên cả nước.
Hoàng hôn trên hồ Đa Mi – Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Quang Nhân.
Lưu ý những cảnh báo
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, tỉnh đang có chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng theo hướng nông nghiệp ở Hàm Thuận Bắc để hoàn thiện bản đồ du lịch địa phương theo mô hình “lên rừng xuống biển”. Ông Nhân cũng cho biết, bản đồ quy hoạch vùng Hàm Thuận Bắc nói chung, Đa Mi nói riêng đã được phác thảo và đang ở giai đoạn xem xét. Việc làm này của Bình Thuận đang đúng lộ trình: quy hoạch – xử lý các vấn đề pháp lý trước khi hướng dẫn người dân triển khai thực tiễn.
“Trước nay chúng ta chỉ nghĩ đến vành đai giao thông mà bỏ quên vành đai giữ cho tâm của mình, vành đai giữ cho sức khoẻ của mình”, nhà báo Lưu Trọng Văn khẳng định Đa Mi có đủ yếu tố tự nhiên và sự thuận lợi về vị trí để thực hiện sứ mệnh trở thành “vành đai giữ tâm” đó.
Tuy nhiên, bản đồ quy hoạch du lịch của vùng đã giải được 1 số câu hỏi cơ bản nhưng quan trọng nhất hay chưa: Vai trò du lịch của Hàm Thuận Bắc là gì? Đối tượng du khách hướng đến của Hàm Thuận Bắc là ai và nhu cầu của họ là gì? Nhà báo Lưu Trọng Văn cảnh báo “nhất định phải tìm ra câu trả lời xác đáng cho những câu hỏi đó, nếu không vùng này sẽ không thể phát triển được và Hàm Thuận Bắc sẽ tự đánh mất tính liên kết về địa lý và khí hậu – thế mạnh quan trọng như đã xác định được kể trên”.
Ông Văn đưa ra 1 kiến giải quan trọng: “Trước nay chúng ta chỉ nghĩ đến vành đai giao thông mà bỏ quên vành đai giữ cho tâm của mình, vành đai giữ cho sức khoẻ của mình”. Từ đó, ông Văn gợi ý: Hàm Thuận Bắc nói chung và Đa Mi nói riêng có đủ yếu tố tự nhiên và sự thuận lợi về vị trí để thực hiện sứ mệnh trở thành “vành đai giữ tâm” đó.
Khung cảnh bình yên của Hồ Hàm Thuận nhìn từ 1 góc từ chùa Quan Âm.
Theo ông Văn: Sài Gòn đang nghẹt thở, người Sài Gòn cần 1 chỗ thở để nghĩ cho thông, để giữ tim mình khoẻ mạnh, sau đó mới đủ sức sáng tạo. Vì vậy, Đa Mi là vùng đất có thể “chữa lành”, là trung tâm sức khoẻ. “Xác định đúng mục tiêu, tạo sản phẩm đúng mục đích sẽ giúp Đa Mi khởi sắc, nếu không, chúng ta sẽ biến hồ này trở thành mỗi góc một phách”, ông Văn nói.
Về vấn đề giữ lại tính bền vững cho vùng tự nhiên này và giúp các bản quy hoạch về Hàm Thuận Bắc không “đầu voi đuôi chuột”, Ông Trương Hoàng Phương, chuyên gia địa lý du lịch, tác giả Bản đồ du lịch Việt Nam, cũng đưa ra cảnh báo: Nếu quy hoạch xung quanh hồ Hàm Thuận trở thành những khu dân cư kiểu đô thị, sẽ biến Đa Mi trở nên giống bao đường phố khác, sẽ đánh mất con đường rừng bám lộ quý giá hiện tại.
Ông Hoàng Phương thẳng thắn gọi “thành phố resort Mũi Né” là một nỗi đau trong phát triển du lịch của Bình Thuận khi đánh mất những rừng dừa mênh mông và xẻ nát những cồn cát trắng trải dài chia cho tư nhân làm “của riêng”. Ông cũng nhắc đến “việc resort hoá” Phan Thiết đã đẩy 10 ngàn ngư dân ra khỏi vùng đất của họ, biến họ trở thành những cụm cư dân phải chọn tàu thuyền làm nhà, không có nổi nhà vệ sinh riêng.
Ông Phương cho rằng, du khách nếu đến Hàm Thuận sẽ để ngắm rừng chứ không ngắm phố, vì thế, ông tha thiết kêu gọi không được để những người yêu thiên nhiên khi đến Hàm Thuận Bắc phải chứng kiến nỗi đau tự nhiên bị tàn phá. “Hiện bản quy hoạch vẫn còn nằm trên giấy, tôi mong những điều chưa hợp lý sẽ được vẽ lại giống việc chúng đã được vẽ ở rất nhiều nơi”, ông Phương gửi gắm.
Ông Dato Sahariman Bin Hamdan (đội mũ trắng) đến từ Malaysia chia sẻ tại toạ đàm.
Thực tế, phát triển du lịch không tránh khỏi việc tác động và ít nhiều làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Vì vậy, sau hành trình 30 năm làm du lịch cộng đồng, ông Dato Sahariman Bin Hamdan đến từ Malaysia có một nhắc nhở quan trọng: “Khi có nguồn thu từ du lịch hãy nhớ quay trở lại đầu tư để bảo vệ hệ sinh thái môi trường”. Ông Dato khẳng định, phát triển du lịch cộng đồng nhất định phải đảm bảo bình đẳng về kinh tế cho những người tham gia và vai trò của chính quyền là quan trọng nhất.
Khung cảnh bình yên của làng Sìn Suối Hồ - Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu do Chính phủ trao tặng.
Ông Hảng A Xà đến từ làng du lịch Sìn Suối Hồ, Lai Châu cũng chia sẻ kinh nghiệm xương máu sau hơn 20 năm làm du lịch: “Tôi nhận ra sản phẩm là quan trọng nhưng muốn có sản phẩm tốt thì phải có con người có đạo đức tốt, nên ở Sìn Suối Hồ chúng tôi tập trung rèn luyện để tạo ra những con người có phẩm chất tốt”. Đó là lý do khi du khách đến bản làng này có thể để xe ở đầu làng, đi hết một ngày quay về xe vẫn nằm yên ở đó, hàng hoá ở chợ không cần người túc trực thường xuyên, nếu người này vắng mặt sẽ có người kia bán và thu tiền giúp, ông Xà cho biết. Điều ông Xà muốn gửi gắm là, hãy làm du lịch bắt đầu từ việc làm cho bản, làng mình đẹp hơn, khiến những người dân trong cộng đồng mình trở nên tốt đẹp và gắn kết hơn, và nét đẹp đó dù là giá trị hữu hình nhưng lại là thứ khiến du khách dễ dàng cảm nhận.
Ông Xà cũng bật mí, làm du lịch cộng đồng là một quá trình đầu tư và hy sinh vô điều kiện. Vì thế, nếu chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt, không sớm thì muộn cộng đồng ấy sẽ bị phá vỡ.