Ra mắt Câu lạc bộ Du lịch Cộng đồng Nông thôn Việt Nam
Câu lạc bộ Du lịch Cộng đồng Nông thôn Việt Nam do Tạp chí Du lịch TP.HCM thành lập với sự góp mặt của đại diện 12 bản làng du lịch cộng đồng nông thôn Việt Nam đã ra mắt sáng 29/12.
Buổi lễ ra mắt có sự chứng kiến của ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận và đặc biệt có sự tham gia của ông Sato Shariman - Đại diện Hiệp hội Homestay Malaysia. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt tour, làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Du lịch Cộng đồng Nông thôn Việt Nam.
Tại lễ ra mắt, Câu lạc bộ Du lịch Cộng đồng Nông thôn Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Homestay Malaysia (thuộc Bộ Du lịch Liên bang Malaysia). Hai bên đồng thuận hợp tác nhằm trao đổi thông tin và hỗ trợ nhau về các họat động của hai bên, đồng thời hỗ trợ các lớp tập huấn, mở rộng quan hệ quốc tế cũng như tổ chức các đoàn giao lưu, trao đổi, kinh nghiệm hoạt động.
Hai bên cũng thỏa thuận hợp tác dựa trên nguyên tắc: tự nguyện, bình đẳng, cùng giúp đỡ nhau.
Câu lạc bộ Du lịch Cộng đồng Nông thônViệt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Homestay Malaysia
Chia sẻ tại buổi ra mắt Câu lạc bộ, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng biên tập Tạp chí Du lịch TP.HCM, cho biết du lịch nông thôn Việt Nam với 3 loại hình cơ bản là: Du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái với đặc điểm chung là hoạt động du lịch được tổ chức trên địa bàn nông thôn.
“Ủng hộ phát triển du lịch nông thôn chính là phát huy sức mạnh nội lực của văn hóa, lối sống, truyền thống của các làng quê Việt. Tạp chí Du lịch TP.HCM muốn trở thành một cây cầu kết nối những người làm du lịch trên khắp các bản làng Việt Nam như góp 1 phần nhỏ trong việc quảng bá bản sắc riêng của du lịch nước nhà”, bà Hà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ nhiệm Câu lạc bộ, thể hiện mong muốn xây dựng 1 cộng đồng nông thôn vững mạnh thông qua hoạt động giúp nhau làm du lịch bền vững. "Muốn có 1 cộng đồng phát triển, phát huy những nét đặc sắc riêng có của từng địa phương là tối quan trọng. Nhưng để phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên trong cộng đồng việc tạo ra bộ quy chuẩn với kế hoạch, tiêu chí cụ thể rất quan trọng. Điều này giúp các cộng đồng rút ngắn thời gian đầu vận hành du lịch”, ông Mỹ phát biểu.
Các đại biểu tham dự famtrip và tọa đàm “Du lịch cộng đồng Nông nghiệp” tại Đa Mi, Bình Thuận từ ngày 27-29/12/2023
Ông Sato Shariman cho biết đã đến Việt Nam khoảng 20 lần nhưng đây là lần đầu tiên tham gia 1 cuộc tọa đàm, ký kết hợp tác hợp tác. Ông Sato đưa ra định nghĩa theo quan điểm riêng của mình về du lịch: "Ai đến chỗ tôi chơi và trả tiền cho tôi, đó là người đi du lịch" và khẳng định mọi hình thái du lịch phải mang tới sự bình đẳng về kinh tế cho các đối tượng tham gia. Theo ông Sato, muốn làm du lịch hướng đến cộng đồng du khách rộng lớn phải có sự ủng hộ bằng chính sách của chính quyền địa phương và đặc biệt cần lưu ý, khi đã kiếm được tiền từ du lịch phải quay về đầu tư cho cơ sở vật chất và bảo vệ hệ sinh thái môi trường.
"Việc ký kết hợp tác lần này sẽ mở ra cơ hội trao đổi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng giữa hai quốc gia", ông Sato nói.
Ông Santo cũng cho biết: "Du lịch cộng đồng đã giúp tôi kiếm ra tiền và vô cùng hạnh phúc, vì vậy tôi sẵn sàng chia sẻ, trao đi những kinh nghiệm của mình". Ông Sato đã chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng của mình trên nền tảng mạng xã hội công khai và sẵn sàng đón tiếp những đơn vị, cá nhân muốn học hỏi bằng trải nghiệm thực tế tại Malaysia hoặc các homestay Indonesia ông Santo hướng dẫn vận hành.
Khai thác các giá trị tài nguyên du lịch nông thôn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống đã được Cục Du lịch Quốc gia ghi nhận. Số liệu năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Du lịch Quốc gia cho biết, cả nước có 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương, trong đó khoảng 70% là các điểm du lịch ở khu vực nông thôn. Tính đến đến 2020, cả nước có hơn 5.000 homestay (với khoảng 2.000 cơ sở được công nhận đạt chuẩn). Năm 2017, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 08/NQ-TW về phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đưa du lịch có những bước chuyển đổi mạnh mẽ. Năm 2020 Cục Du lịch ban hành quy chuẩn quốc gia về du lịch, là hành lang giúp du lịch cộng đồng phát triển đúng quỹ đạo. |
Homestay UNFO Đa Mi dựa lưng vào rừng, nhìn ra hồ Hàm Thuận, được thiết kế độc đáo, hình đĩa bay, bằng vật liệu thuần...