Gắn công tác bảo tồn, bảo tàng với phát triển du lịch
Là vùng đất chứa đựng nhiều trầm tích, các hiện vật, cổ vật mang giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng, phong phú là minh chứng rằng từ xa xưa Lâm Đồng đã là một vùng đất địa nhân văn. Những năm qua, công tác bảo tồn, bảo tàng được quan tâm, làm cho nơi đây trở thành miền đất giàu có về giá trị tinh thần.
Du khách tham quan triển lãm tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 bảo tàng công lập do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) quản lý với diện tích trưng bày trong nhà là 1.582 m2; diện tích trưng bày ngoài trời 5.000 m2. Bảo tàng Lâm Đồng được thành lập từ năm 1982 và đã công nhận là bảo tàng hạng II dựa trên cơ sở số lượng và các giá trị hiện vật. Qua gần 40 năm sưu tầm, kiểm kê và bảo quản hiện vật, đến nay Bảo tàng Lâm Đồng có 17.723 đơn vị hiện vật đang trưng bày và lưu giữ. Các hiện vật gốc đã đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn và hồ sơ pháp lý; được phun thuốc bảo quản định kỳ theo quý, chống mối mọt, côn trùng. Hàng năm Bảo tàng thực hiện bổ sung, thay thế các tủ hiện vật xuống cấp, đảm bảo tính khoa học và đồng bộ trong kho bảo quản; thường xuyên vệ sinh, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm trong kho hiện vật để kịp thời điều chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho hiện vật.
Thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”, Bảo tàng Lâm Đồng đã chú trọng trưng bày, giáo dục truyền thông; thường xuyên chỉnh lý, làm mới các phần trưng bày, thực hiện nhiều chuyên đề và phim tư liệu về lễ hội, nghề truyền thống dân tộc để giới thiệu trình chiếu phục vụ khách tới tham quan, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng; thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phục vụ du khách, nhất là học sinh, sinh viên trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghề truyền thống... Từ đó, tạo dấu ấn một điểm tham quan du lịch về nguồn, phát huy tác dụng giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, bảo tồn đa dạng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Nếu Bảo tàng Lâm Đồng là nơi lưu giữ các hiện vật mang giá trị lịch sử văn hóa, thì Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên (Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên) không chỉ là nơi nghiên cứu khoa học, nghiên cứu vi sinh, nghiên cứu thực vật và công nghệ sinh học nuôi cấy mô mà còn là rừng Tây Nguyên thu nhỏ với muôn loài cỏ cây, muông thú. Ở đây lưu giữ giới thiệu hàng ngàn tiêu bản các loài động vật, thực vật đặc hữu tại Tây Nguyên và Lâm Đồng đã đưa đến cho người xem niềm trân trọng thiên nhiên, thức tỉnh ý thức bảo vệ rừng. 20 năm hoạt động, hàng triệu lượt du khách đến Đà Lạt đã tham quan bảo tàng sinh học như một cách để tìm về với thiên nhiên.
Lâm Đồng vinh dự là nơi đang lưu giữ khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới cùng nhiều tài liệu quý hiếm thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên qua các thời kỳ lịch sử tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước). Việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ luôn được Trung tâm chú trọng; năm 2007, Trung tâm đã sử dụng chính những ngôi biệt thự cũ của Trần Lệ Xuân sau khi trùng tu, sửa chữa để làm khu trưng bày tài liệu lưu trữ, mở cửa thường xuyên kể cả ngày lễ, tết và ngày nghỉ cuối tuần để đón các nhà nghiên cứu, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan nhằm giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia đến với đông đảo công chúng. Khu trưng bày tài liệu được thực hiện theo từng chuyên đề, được bổ sung, thay đổi thường xuyên để thu hút khách tham quan như: “Lưu trữ Việt Nam”, “Miền Trung - Tây Nguyên trong chiến tranh giải phóng dân tộc”, “Từ Biệt điện Trần Lệ Xuân đến Khu trưng bày tài liệu lưu trữ quốc gia”, “Quốc hiệu và danh nhân Việt Nam qua Mộc bản triều Nguyễn”, “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, “Mộc bản - bảo vật hoàng triều”...
Với mục tiêu đưa giá trị tư liệu đến gần hơn với công chúng, Trung tâm đã thiết kế và làm nhiều phiên bản mộc bản có nội dung tiêu biểu và ý nghĩa để trao tặng cho các địa phương trên cả nước. Trong đó, Trung tâm đã tặng phiên bản mộc bản khắc về quần đảo Hoàng Sa và đảo Lý Sơn cho tỉnh Quảng Ngãi; tặng phiên bản mộc bản khắc về Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương cho tỉnh Bắc Ninh; tặng phiên bản mộc bản khắc về đại thi hào Nguyễn Du cho tỉnh Hà Tĩnh; tặng phiên bản mộc bản khắc về thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ cho tỉnhThanh Hóa... Trung tâm thường xuyên phối hợp, tham gia các hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh, nhằm quảng bá giá trị của tài liệu lưu trữ và Khu trưng bày tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đến du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 4 bảo tàng tư nhân thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân do UBND tỉnh cho phép thành lập. Các bảo tàng tư nhân với chủ đề tập trung vào sưu tầm, trưng bày các hiện vật về văn hóa đã tạo nên những dấu ấn riêng như: Bảo tàng chóe Tây Nguyên với 193 hiện vật, gồm chóe Trung Hoa, chóe Mỹ Thiện - Quảng Ngãi; chóe Việt Nam thế kỷ XIX- XX, chóe Lái Thiêu,...); Bảo tàng Phúc Lâm (Lâm Hà) với 100 hiện vật gồm đồ gốm sứ, đá thạch anh, các loại gỗ, tượng la hán,...; Bảo tàng Linh Phước (chùa Linh Phước) với 116 hiện vật, gồm hiện vật phật giáo, tượng sáp thiền sư, tượng điêu khắc nghệ thuật; Bảo tàng Đá Hoa Tài Ngọc Châu (Bảo Lộc) với hàng trăm loại đá quý... Cùng đó, rất nhiều đơn vị đang lưu giữ, trưng bày những kỷ vật, hiện vật được xây dựng bởi những người có tâm huyết, yêu văn hóa dân tộc như Bảo tàng văn hóa Chu Ru (Nhà thờ Ka Đơn - Đơn Dương), Không gian trưng bày kỷ vật “Đà Lạt xưa” của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng...
Có thể thấy, hoạt động bảo tồn, bảo tàng trên địa bàn tỉnh đang góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, làm cho Lâm Đồng không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp mà còn là miền đất giàu có về giá trị tinh thần, níu chân du khách. Bảo tàng là nơi lưu giữ bảo tồn những hiện vật mang giá trị lịch sử văn hóa khác biệt và đặc biệt, nên cũng cần được ứng xử một cách đặc biệt bằng cách quan tâm đặc biệt đến công tác quản lý bảo tồn, bảo tàng, nhằm phát huy đầy đủ các giá trị của hiện vật. Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: Thực hiện “Quy định về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; di vật, cổ vật; bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, trong thời gian tới, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa việc đầu tư kinh phí cho xây dựng, trưng bày, tổ chức hoạt động của hệ thống bảo tàng; quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật cho kho bảo quản hiện vật của bảo tàng. Khuyến khích cá nhân, tổ chức hiến tặng hiện vật cho bảo tàng; có chính sách ưu đãi đối với những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng, gìn giữ những hiện vật văn hóa, truyền bá những giá trị lịch sử ẩn chứa trong các hiện vật tới cộng đồng, xã hội.
Việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch trong giai đoạn bình thường mới thể hiện tinh thần tiên phong và nỗ lực...