Kinh doanh Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm) được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn và phục hồi chậm hơn du lịch nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất do dịch Covid-19, du lịch Việt cần làm gì để sớm phục hồi ngành kinh tế đầy tiềm năng này.
Phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Trịnh Lê Anh, Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện, khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.
MICE là một trong những điểm sáng nhất của bức tranh du lịch thế giới ngay trước thời điểm Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về tác động của Covid-19 đến “sức khỏe” của ngành kinh tế du lịch đầy hứa hẹn này trong gần 2 năm qua?
Bản thân MICE và Du lịch MICE cũng là hai thị trường có sự khác biệt tương đối, nên trong nhìn nhận tôi cho rằng cần mở rộng ra khái niệm “du lịch kinh doanh” hay “du lịch thương mại” cho phù hợp với các quan điểm trên thế giới. Hiệp hội Hội nghị hội thảo quốc tế (ICCA), thành viên liên kết của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho rằng ngành du lịch có thể được chia thành du lịch giải trí (leisure tourism) và du lịch kinh doanh (business tourism).
Du lịch kinh doanh là việc cung cấp cơ sở vật chất và dịch vụ cho hàng triệu đại biểu hàng năm tham dự các cuộc họp, đại hội, triển lãm, sự kiện kinh doanh (business events), du lịch tưởng thưởng (incentive travel) và lưu trú doanh nghiệp (corporate hospitality). Các khái niệm này còn khá mới mẻ trong tiếng Việt và tôi xin tạm dịch như vậy. Bản thân ICCA cùng lưu ý rằng đối với nhiều thuật ngữ trong ngành này, không có một định nghĩa nào được sử dụng phổ biến.
Với việc lượng khách quốc tế vượt 1,5 tỷ lần đầu tiên chỉ trong năm 2019, sự phát triển dài hạn của ngành du lịch được chứng minh là phụ thuộc rất nhiều vào một thập kỷ tăng trưởng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mặc dù vậy, giai đoạn phát triển du lịch kinh doanh (business tourism) không bị cản trở cuối cùng này đã đột ngột kết thúc với Covid-19 (Brouder, 2020).
Cùng với việc kiểm soát dịch ở hầu hết các quốc gia và biên giới khép kín trên toàn thế giới, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp MICE. Phần lớn các hãng hàng không trong nước và quốc tế đã buộc phải hủy chuyến bay của họ do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và tình trạng thiếu hành khách (Hoque và cộng sự, 2020).
Ngành công nghiệp MICE đã bị phá hoại bởi những nỗ lực ngăn chặn và chống lại đại dịch. Biên giới bị đóng cửa, các chuyến đi bị cấm, các sự kiện kinh doanh và xã hội bị hủy bỏ, và mọi người được lệnh phải ở trong nhà. (Higgins-Desbiolles, 2020).
TS. Trịnh Lê Anh trên những hành trình và sự kiện MICE tại Nha Trang, Kenya, Nhật Bản.
Sau nhiều tháng gián đoạn chưa từng có, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) báo cáo rằng ngành du lịch bắt đầu hồi sinh ở một số khu vực, đặc biệt là ở Bắc bán cầu. Tuy nhiên, các hạn chế đi lại vẫn còn hiệu lực đối với hầu hết các điểm đến trên toàn cầu và du lịch kinh doanh tiếp tục nằm trong số lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất (Tổ chức Du lịch Thế giới, 2020).
Khi đại dịch Covid-19 tiếp tục và các làn sóng liên tiếp xảy ra vượt qua nhiều dự báo, các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp đang tiếp tục tự hỏi suy thoái Covid-19 sẽ nghiêm trọng như thế nào; kịch bản tăng trưởng và phục hồi sẽ như thế nào. Rõ ràng là, tất cả các dự báo và chỉ số sẽ không cho thấy một cách cụ thể quỹ đạo của virus, hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn, và phản ứng của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Nhìn ở bình diện quốc tế, hiện không có con số duy nhất nào có thể phản ánh hoặc dự đoán một cách đáng tin cậy tác động kinh tế của Covid-19, đặc biệt là đối với thị trường MICE phụ thuộc vào du lịch quốc tế và các sự kiện công cộng (Carlsson-Szlezak và cộng sự, 2020).
Những nhận định đều cho rằng thiệt hại liên quan đến thị trường và toàn cầu là rất lớn, hiện nay rất khó để đánh giá chúng do thiếu dữ liệu thống kê đầy đủ và một số công ty, ngành công nghiệp và quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, không muốn công bố mức độ suy giảm kinh tế (Stock, 2020).
Ngành du lịch Việt Nam đã bỏ lỡ mùa vàng cao điểm hè, dịp cuối năm thường là lúc các doanh nghiệp tổ chức hội họp tổng kết, tri ân khách hàng, đối tác, nhân viên… được xem là cơ hội cho du lịch MICE phục hồi. Tuy nhiên, khi dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến khó lường thì ông nhận định như thế nào về khả năng phục hồi này?
Từ những phân tích quốc tế nêu trên, có thể thấy ngành Du lịch MICE non trẻ của Việt Nam vốn chưa thể được tính đến như một điểm đến MICE quốc tế (như một số quốc gia trong khu vực: Singapore, Thái Lan) thì sự ảnh hưởng chỉ nằm ở quy mô nội địa. Du lịch MICE nội địa của Việt Nam cũng đã chịu tình trạng ảm đạm ngay khi hoạt động giãn cách xã hội diễn ra, chứ chưa nói đến các tình huống cách ly hay tăng cường giãn cách nghiêm ngặt như thời gian vừa qua.
Cùng với đó chính là sự thay đổi hành vi, thói quen của con người ở tất cả các quốc gia. Các hoạt động gặp gỡ, tập trung đông người bị hạn chế và bị cấm ở hầu hết mọi nơi. Con người cũng dần quen với một cuộc sống “online”: làm việc online, mua sắm online, học tập online, họp online và hình thức tổ chức sự kiện cũng chuyển hướng sang sự kiện online hay sự kiện trực tuyến.
Một quan sát của cá nhân tôi liên quan đến các sự kiện trong lĩnh vực bất động sản, vốn có tính dẫn dắt trên thị trường do quy mô, mức độ đầu tư và giá trị giao dịch kinh doanh… cho thấy, các sự kiện này dường như biến mất hoàn toàn cho đến hết quý 2 năm 2021 và đã bắt đầu xuất hiện trở lại trong hình thức sự kiện trực tuyến.
Nhiều bàn thảo liên quan đến hiệu quả tổ chức các hoạt động MICE trực tuyến đặt ra câu hỏi về khả năng thay thế của MICE trực tuyến so với MICE truyền thống, về chi phí đầu tư tổ chức và hiệu quả nhận được, về những tiện lợi trong tổ chức MICE trực tuyến, nổi bật là xóa nhòa khoảng cách giữa nhà tổ chức và những người tham dự, vận chuyển không còn là thách thức…
Và cũng từ những ưu/nhược của MICE trực tuyến chúng ta thấy càng rõ sự khó khăn cho cái bắt tay ở giai đoạn tiếp theo của MICE và du lịch. Chen vào giữa sự bắt tay này để tạo nên một phân ngành du lịch MICE hay du lịch kinh doanh (Business Tourism) đầy tiềm năng bây giờ sẽ là thuật ngữ “An Toàn”. Đây sẽ vừa là tiêu chí vừa là mục tiêu của MICE thế hệ mới, MICE 4.0 thách thức Covid-19! Có thể nói đó chính là thuật ngữ MICE thông minh.
Nói một cách ngắn gọn, so với hoạt động du lịch truyền thống, MICE sẽ có sự phục hồi tương đối nhanh và mạnh mẽ do nhu cầu phát triển kinh tế - kinh doanh dù diễn biến Covid-19 còn phức tạp, nhưng hàm lượng du lịch kết hợp với MICE sẽ thấp do sự thay đổi lớn trong nhu cầu của khách MICE: ngắn ngày, tiết kiệm thời gian, ngại di chuyển, hạn chế nhóm lớn, hạn chế sự kiện đông người… Kinh doanh du lịch MICE sẽ khó khăn hơn, cạnh tranh lớn hơn ở mảng MICE thông minh, công nghệ 4.0 và các tiêu chí an toàn!
Vậy thì với sự phổ biến cùng chi phí thấp và hiệu quả ngày càng tăng của các công cụ hội họp trực tuyến thì liệu nhu cầu về du lịch hội họp trực tiếp có suy giảm trong thời gian tới không thưa ông?
Chắc chắn có sự suy giảm những cuộc hội họp trực tiếp (offline) khi sự thích ứng bất đắc dĩ với Covid-19 tạo ra những khám phá mới, những giá trị được nhận ra như những ưu điểm và thậm chí là những lợi thế so sánh của hội họp trực tuyến so với hội họp trực tiếp: lớn nhất là tính tiện lợi và tính an toàn trong bối cảnh dịch bệnh và kể cả phi dịch bệnh! Sự lựa chọn tới đây của nhà tổ chức hội họp sẽ phát huy tối đa những ưu điểm, lợi thế đó, nhất là khi chúng ta đang xác định phải sống chung với Covid-19, phần lớn chúng ta sẽ không chọn rủi ro!
Tuy nhiên có một số điều cần nghiên cứu để đánh giá một cách thuyết phục hơn, chính là hai ưu điểm đang được đề cao: chi phí thấp và hiệu quả cao!
Liệu tổ chức hội họp online có thực sự đạt được mức “chi phí thấp” hay không? Khi giá trị thụ hưởng thực sự của hội họp nhiều khi không nằm ở sự kiện chính. Những gặp gỡ bên lề, những sự kiện phụ, những cuộc giao lưu tiếp xúc trực tiếp tại không gian tập trung của hội họp trực tiếp, những chuyến tham quan nghỉ dưỡng kết hợp ngắn ngày đã góp phần tạo ra hiệu quả khó có thể đo đếm cho hoạt động “hội họp” thì lại bị triệt tiêu trong hội họp trực tuyến! Từ đó, những phản biện về hiệu quả cao cũng được đặt ra.
Sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp MICE tại Việt Nam đứng trước rất nhiều thách thức. Theo ông, doanh nghiệp phải thay đổi như thế nào để thích ứng trong giai đoạn bình thường mới?
Doanh nghiệp MICE phải đứng trước cuộc cạnh tranh mạnh mẽ hơn với không chỉ những doanh nghiệp cùng loại (agency) mà còn với các nhà cung cấp giải pháp, thiết bị. Khi giải pháp MICE thích ứng với Covid-19 trở thành trung tâm của vấn đề thì nhà cung cấp nền tảng, giải pháp lại có ưu thế làm việc trực tiếp với khách hàng để đáp ứng yêu cầu nhanh, gọn, tiết kiệm, bớt trung gian. Bên cạnh đó, hàng loạt các công ty du lịch, truyền thông, sự kiện đang “đói việc” sẽ không ngần ngại nhào vào thị trường mới phục hồi này…
Hiểu khách hàng, hiểu nhu cầu đã thay đổi; nắm chắc nền tảng, giải pháp, đặc biệt là công nghệ thông minh, an toàn, 4.0; thay đổi cơ cấu tổ chức vận hành theo hướng tinh nhẹ, linh hoạt với các phương thức marketing và bán hàng 4.0 sẽ là những thay đổi tôi cho là doanh nghiệp MICE cần lưu ý để thích ứng trong giai đoạn bình thường mới, không chỉ ở Việt Nam!
Xin cảm ơn ông!