Hoà bình con được về với ngoại
Ngày hoà bình, thống nhất đất nước, trong mỗi người có những cảm xúc của riêng mình. Mỗi gia đình cũng có cảm xúc của mình trước sự kiện lịch sử: ngày 30/4/1975. Trong tôi cũng nhiều cảm xúc, dù lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ 13 tuổi…
Ba tôi người Nghệ An. Mẹ tôi người Quảng Bình. Hai người gặp nhau khi ba tôi là bộ đội đóng quân ở thị xã Đồng Hới (Quảng Bình). Năm 1967, khi tôi lên 5 tuổi, máy bay Mỹ ném bom đánh phá dữ dội Đồng Hới, vì vậy ba tôi bàn với bà ngoại và mẹ tôi là phải tạm thời đưa cả nhà sơ tán ra quê nội sống, chờ yên lành hoặc đến ngày hoà bình thì về lại.
Cả nhà tôi được đơn vị bộ đội nơi ba tôi làm việc cho đi nhờ xe ra quê nội. Khi chiếc xe ôtô cắm đầy lá nguỵ trang chuyển bánh rời Đồng Hới, tôi ngồi quay mặt lại phía sau nhìn xuống đường, một tiếng gà trưa eo óc vẳng lên, hoà với tiếng máy bay thoảng xa xa trên thinh không…
Tiếng gà trưa buổi chia xa Đồng Hới ấy, dường như tôi vẫn nhớ tận bây giờ. Những năm tháng máy bay Mỹ đánh phá ấy, quê nội tôi ở một xã ven sông Lam thuộc huyện Đô Lương, cũng không tránh khỏi cảnh bị máy bay Mỹ quần đảo ngày đêm, chỉ là bom đạn ít hơn nhiều so với Đồng Hới mà thôi.
Nhà tôi sát bên sông Lam. Ngay trên bãi bồi ven sông trồng đầy dâu tằm của người làng, cách nhà tôi độ 500m là một trận địa pháo cao xạ 37mm và 57mm bảo vệ đập nước Ba Ra trên sông Lam. Có ngày yên ắng, nhưng có ngày bỗng bất thình lình tiếng pháo nổ đoành đoành váng óc. Rồi sau đó bầu trời cao xuất hiện những cụm khói trắng như những chiếc dù, là do những đầu đạn pháo hết tầm đã nổ. Tiếp theo là những tiếng rú dài tăng tốc của máy bay Mỹ vút qua làng. Tôi, bà ngoại, mẹ và ba chị em sống trong tiếng máy bay, tiếng pháo ấy cho đến ngày Mỹ hết ném bom trên miền Bắc.
Những tháng năm gian khổ ấy, dù đang học lớp 3 lớp 4 nhưng tôi cũng vài lần chứng kiến sự mất mát ghê gớm của chiến tranh: những hố bom xé đất, những chú bộ đội bị thương được xe molotova chuyên kéo pháo 37ly chở về trạm cứu chữa, những người anh và người chị lần lượt đi khỏi làng, rồi có anh chị trở về chỉ bằng những tờ giấy báo tử mà xã đọc lên trên sân kho của hợp tác xã… Tôi cũng chứng kiến, đúng hơn là đi xem, một đứa bạn trai cùng lớp với tôi đã chết vì một quả bom bi ổi mà nó nhặt được trên bãi cát sông Lam, đã phát nổ.
Bà ngoại tôi chỉ sinh được một mình mẹ tôi. Người thân của ngoại đều sống ở Đồng Hới cả. Nên năm 1973, khi tiếng pháo cao xạ của bộ đội và tiếng máy bay Mỹ không còn nữa, nhiều lần ngoại tôi ngỏ ý với mẹ tôi là để ngoại vào lại Đồng Hới sống, cho tiện chăm sóc phần mộ ông ngoại và một cháu ngoại của bà, là chị tôi, mất khi còn nhỏ. Nhưng mẹ tôi bảo là chưa biết hoà bình đã thực sự chưa, lỡ ngoại vào trong đó rồi mà Mỹ ném bom trở lại thì biết làm sao. Vậy là ngoại tôi ngày đêm mong ngóng hoà bình.
Có mấy lần ngoại nói với chị em tôi là hoà bình ngày nào ngoại sẽ vào quê ngày đó, vì rồi ba tôi sẽ từ chiến trường miền Nam trở về. Ngày ấy tôi không suy nghĩ được nhiều lắm, không thể nghĩ được sâu xa như những suy nghĩ của ngoại. Quả thật, ngày hoà bình, sẽ là ngày ba tôi chắc chắn được trở về bằng xương bằng thịt, mẹ tôi sẽ đỡ phải vất vả một mình nuôi bốn chị em tôi bằng chiếc máy may cọc cạch và những suất lương thực eo hẹp cho gia đình có người đi B. Cái sâu xa nhất trong suy nghĩ của ngoại, và sự mong ngóng ngày đêm của ngoại về một ngày hoà bình đến sớm, mà sau này chị em tôi được mẹ tôi nói lại, là ngoại thắc thỏm lo ba tôi sẽ nằm lại ở chiến trường… rồi bốn chị em tôi không đủ đầy ba mẹ…
Đến gần giữa năm 1973, khi đã lâu lâu không còn nghe tiếng máy bay Mỹ nữa, thì ngoại tôi nằng nặc đòi vào quê. Mẹ tôi không còn cách nào nữa để giữ ngoại lại chờ ngày hoà bình thực sự trên cả nước, đành nhờ người đưa ngoại vào quê, để ngoại sống với mấy người cháu. Vậy là chúng tôi không còn được sống với ngoại nữa. Đêm đêm chúng tôi không còn được nghe ngoại rủ rỉ kể những câu chuyện làng quê, những câu chuyện cổ tích, vắng đi tiếng hát lẩy Kiều hay đọc ca dao của ngoại... Mẹ tôi thì ngoài lo đạp máy may, may quần áo cho bà con làng xóm để kiếm tiền nuôi chị em tôi, còn canh cánh nỗi lo cho ngoại ở trong quê.
Vậy nên, trong những câu chuyện giữa mẹ tôi với hàng xóm và với chúng tôi, mẹ tôi cũng thường nhắc đến hai từ hoà bình. Bởi hoà bình đến, ba tôi sẽ được trở về, chúng tôi sẽ được vào với ngoại. Rồi mong ngóng của mẹ tôi cũng tới.
Ngày 30/4/1975 cả nước cùng chung niềm vui thống nhất non sông. Mẹ tôi khóc. Có lẽ bà khóc vì ba tôi chắc chắn sẽ trở về, khóc vì ngày được vào Đồng Hới để chăm lo cho bà ngoại tôi đã thực sự đến trước mặt rồi. Đầu năm 1976, mẹ tôi bán căn nhà gần bên bờ sông Lam, rồi dắt díu nhau lên xe đò vào Đồng Hới với ngoại. Chị tôi hỏi mẹ tôi: “Tụi con được về với bà ngoại à mẹ?”. Đêm ấy xe tới, ngoại chạy ào ra ôm lấy chị em tôi, cả ngoại và bốn chị em đều nước mắt ròng ròng.
Chiến tranh và hoà bình, với tôi, là những ngày tháng đợi chờ để về gặp lại ngoại.