Đào tạo hướng dẫn viên du lịch inbound tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa
Làm thế nào để nâng cao chất lượng của hướng dẫn viên du lịch inbound tại Việt Nam trong thời kỳ mới, đi kèm các yếu tố đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, vốn kiến thức về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, trình độ ngoại ngữ…
Phát triển du lịch thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa đòi hỏi một đội ngũ hướng dẫn viên du lịch inbound có chất lượng: đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, vốn kiến thức về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, trình độ ngoại ngữ… Đó cũng là những điêm yếu của đội ngũ inbound hiện nay.
Nhóm tác giả tiến hành khảo sát trực tuyến 205 sinh viên ngành du lịch thuộc các trường đại học trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh về vai trò của HDVDL, công tác đào tạo đặc biệt về chương trình đào tạo; đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ HDVDL inbound ở Việt Nam.
Tạp chí Du lịch TP.HCM đăng tải toàn văn bài nghiên cứu của tác giả.
Ảnh: Báo Hà Nội Mới.
1. Giới thiệu
Trong thời đại toàn cầu hóa và phát triển rất nhanh của khoa học kỹ thuật, hệ thống giao thông kết nối giữa các châu lục trở nên nhanh chóng và thuận tiện, giúp thúc đẩy nhu cầu du lịch giữa các quốc gia. Trước đại dịch Covid bùng phát, du lịch thế giới đã thiết lập được con số ấn tượng ước tính lượng khách du lịch quốc tế inbound năm 2018 đạt 1,403 tỷ lượt, tăng khoảng 75 triệu lượt so với năm 2017 (tăng trưởng 5,6%). Trong khi đó, theo báo cáo điểm nhấn du lịch 2018 do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong top 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2017 so với năm 2016 và là một điểm nhấn của du lịch thế giới năm 2018, tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 700.000 tỷ đồng. Để hướng dẫn số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng, đội ngũ hướng dẫn viên cũng có sự phát triển nhanh cả về chất và lượng. Nếu như năm 2005 cả nước mới có 5.000 hướng dẫn viên được cấp thẻ hành nghề thì sau 14 năm con số này đã tăng lên 16.560 hướng dẫn viên, và đến năm 2019, cả nước có 27.683 hướng dẫn viên, trong đó có 17.829 hướng dẫn viên quốc tế, chiếm 60%/tổng số hướng dẫn viên được cấp thẻ, 9.134 hướng dẫn viên nội địa và 724 hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Đến năm 2019 có 2.350 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Ngoài ra, bên cạnh những mặt đạt được, công tác quản lý, đào tạo, chăm lo, khen thưởng tôn vinh hướng dẫn viên du lịch nói chung và HDVDL inbound nói riêng còn nhiều tồn tại hạn chế, trình độ ngoại ngữ còn yếu và thiếu, vẫn còn tình trạng sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả để hành nghề hay người nước ngoài làm hướng dẫn chui tại các thành phố lớn. Điều này không chỉ gây bức xúc cho chính HDVDL inbound trong nước, khó khăn cho công tác quản lý nhà nước mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho công tác phát triển du lịch bền vững giữa các địa phương trên cả nước.
Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng cùng các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế đã đạt được, tình trạng ô nhiễm môi trường, giao thông đô thị, an ninh trật tự tại điểm đến... còn nhiều bất cập. Thế hệ trẻ dễ dàng lãng quên hay cố quên đi những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã dày công vun dựng. Nhiều trào lưu văn hóa mới được du nhập vào Việt Nam mà không phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, hay các giá trị văn hóa được đánh đổi bằng giá trị kinh tế.... HDVDL inbound với tư cách là “đại sứ” văn hóa của đất nước sẽ hướng dẫn, giải thích cho du khách như thế nào tại điểm tham quan, qua từng tình huống cụ thể trên tour để cho du khách hiểu và cảm thông với thực trạng và thách thức mà đất nước chúng ta đang phải đối mặt hiện nay và trong tương lai. Nhiều đối tượng thù địch chống phá đất nước ngụy trang là khách du lịch, HDVDL inbound ngoài chức năng nhiệm vụ được giao còn góp phần phát hiện, ngăn chặn các hành vi hoạt động của các phần tử gây tổn hại cho an ninh quốc gia, bảo vệ an toàn xã hội chủ quyền biên giới, biển đảo. Ngoài ra, HDVDL inbound còn là cầu nối giao thương buôn bán, cầu nối văn hóa, giao lưu nhân dân giữa du khách và cộng đồng điểm đến, giữa các dân tộc với nhau vì mục đích hòa bình ổn định và phát triển.
Thế hệ trẻ sẽ tiếp bước thực hiện vai trò “đại sứ của dân tộc” mà thế hệ đi trước để lại. Vậy các em đang theo học chuyên ngành HDVDL inbound có thực sự hiểu và tự hào với công việc trong lương lai mà mình đã lựa chọn? Có nhận thức được vai trò, trách nhiệm của nghề HDVDL inbound? Mong muốn của các em làm sao để trở thành HDVDL giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ để đáp ứng được yêu cầu và đặc thù công việc trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay. Do điều kiện thời gian không cho phép, bài viết chưa khảo sát được số lượng sinh viên và tổ chức đào tạo HDVDL inbound trên cả nước hiện nay cũng như nhu cầu của xã hội cho lực lượng lao động này.
Tác giả bài viết rất mong nhận được nhiều đóng góp hơn nữa như: giải pháp, đề xuất, kiến nghị của các nhà khoa học, cơ quan ban ngành, chuyên gia, nhà đào tạo du lịch và HDVDL inbound cho công tác đào tạo quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ HDV trong thời gian tới.
2. Vai trò của hướng dẫn viên du lịch inbound trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa
Có nhiều khái niệm khác nhau về HDVD inbound [1]. Theo từ điển Australian Oxford [2] định nghĩa một hướng dẫn viên đơn giản là một người chỉ đường cho người khác nhưng sau này có nghiên cứu đã chỉ ra vai trò rộng lớn hơn của hướng dẫn viên, không chỉ là người dẫn đường mà còn là tư vấn, trung gian, hòa giải, giáo dục… cho du khách từ trước ngày tour khởi hành cho đến khi tour kết thúc [3]… Nhưng khái niệm của trường đại học Bristish Columbia về HDVDL inbound được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình: “HDVDL inbound là các cá nhân làm việc trên các tuyến du lịch trực tiếp đi kèm hoặc di chuyển cùng với các cá nhân hoặc các đoàn khách theo một chương trình du lịch nhằm đảm bảo việc thực hiện lịch trình theo đúng kế hoạch, thuyết minh cho khách về các điểm du lịch đồng thời tạo ra những ấn tượng tích cực cho khách du lịch” [4].
Theo Luật du lịch Việt Nam (2007): HDVDL inbound được hiểu là người hướng dẫn khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa, HDVDL outbound là người hướng dẫn khách du lịch Việt nam đi ra nước ngoài [5]. Đối tượng phục vụ của HDVDL inbound là khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của HDVDL inbound. Tiêu chuẩn, yêu cầu đối với HDVDL nói chung và HDVDL inbound nói riêng đã được qui định rõ từ những năm đầu đất nước mở cửa. Theo cách hiểu khác, HDV còn là "bộ mặt" của doanh nghiệp. Nhiều du khách nước ngoài có xu hướng xem hướng dẫn viên với tư cách là đại diện của công ty du lịch, điểm đến hoặc quốc gia [6]. Tầm quan trọng của hướng dẫn viên trong phát triển du lịch bền vững thể hiện qua rất nhiều vai trò phụ, đa dạng, phức tạp [7]. Vai trò của hướng dẫn viên còn được thể hiện như là trung gian trao đổi thông tin về cơ sở vật chất, dịch vụ, thuyết minh tại điểm, giải thích sự đa dạng văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán địa phương, kiểm soát điều chỉnh các hành vi chưa phù hợp của du khách tạo cho họ một trãi nghiệm thú vị, cùng nhau phát triển du lịch bền vững đảm bảo lợi ích của các bên liên quan.
Ảnh: Vietnamtourism.
Khi nghiên cứu về HDVDL inbound tại Hồng Kong phục vụ khách du lịch tới từ Trung Quốc, Zhang, H.Q. and I.J.T.m. Chow cho biết HDVDL inbound tại đây có 16 vai trò chính [8]. Tầm quan trọng của HDVDL inbound đối với du lịch nói chung và các chuyến du lịch trãi nghiệm nói riêng đã xác định được các vai trò sau: nhà cung cấp thông tin, người điều phối xã hội, người dẫn chương trình văn hóa, người thúc đẩy các giá trị bảo tồn, người giải thích về môi trường tự nhiên và văn hóa, người di chuyển. Pastorelli, J. cũng đề cập đến vai trò và trách nhiệm khác của HDVDL inbound như: giáo viên hoặc người hướng dẫn, nhân viên an toàn, đại sứ cho quốc gia, quan hệ công chúng người đại diện hoặc đại diện công ty, người giải trí, người giải quyết vấn đề, người tâm sự và nhân viên tư vấn… [9]. HDVDL inbound giới thiệu và thuyết minh về di sản văn hóa địa phương của một điểm đến và do đó họ đại diện cho các nhà hòa giải văn hóa, trong đó khách hàng mong đợi HDV thể hiện sự nhạy cảm đối với văn hóa của chính họ. Đây là một phần "trách nhiệm của đại sứ" [10]. Hướng dẫn viên còn đóng vai trò như là một hòa giải viên, người kiến tạo hòa bình giữa các xung đột văn hóa, tôn giáo do lịch sử để lại. Đóng góp của hòa giải viên không nhất thiết phải tích cực, đôi khi tiêu cực hoặc thất bại. Điều này nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống, cộng đồng địa phương, cơ quan chính quyền, trình độ ngoại ngữ, kiến thức của hướng dẫn viên… [11]. HDVDL inbound còn là người bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn cho du khách [4].
3. Đào tạo HDVDL inbound trên thế giới
Tại Vương quốc Anh, HDV được yêu cầu tham gia các khóa học, hoàn thành các môn học và làm bài kiểm tra. Bởi theo luật, HDV đủ tiêu chuẩn phải đeo “Huy hiệu Xanh”. Để có được Huy hiệu xanh phải mất khoảng 28 tuần (320 giờ) nghiên cứu và tất cả các HDV phải vượt qua hai kỳ thi vấn đáp và viết. Hướng dẫn ở Vienna, Áo cũng được yêu cầu để thực hiện và vượt qua các kỳ thi. Họ cần thông thạo ít nhất hai ngôn ngữ, có sức khỏe tốt và có kiến thức cơ bản về thành phố. Hướng dẫn tiềm năng được yêu cầu tham gia các khóa học về nghệ thuật, âm nhạc, kịch, chính trị, lịch sử, địa lý, lịch sử Áo và kỹ thuật nói trước công chúng. Một khóa học mất ba năm để hoàn thành và các kỳ thi diễn ra ở tất cả các môn học, ngoại ngữ và ngôn ngữ thông qua các tour du lịch thực tế.
Còn ở Canada, những nỗ lực đã được thực hiện để tạo ra một bộ tiêu chuẩn trên toàn quốc về hướng dẫn đào tạo [6]. Ở Úc và New Zealand, các khóa học dành cho hướng dẫn viên có xu hướng dựa trên kỹ năng, đây được xem là trách nhiệm một phần của ngành Giáo dục và Đào tạo nghề (VET), thay vì dựa vào các trường đại học.
Tại Úc, Cơ quan Đào tạo Quốc gia (ANTA) giám sát công nhận các khóa học và sản xuất các mô-đun cốt lõi. Được công nhận trên toàn quốc, khóa học dành cho HDV du lịch được gọi là Chứng chỉ 2 về HDV du lịch. Chứng chỉ này có nhiều lợi thế: nó cung cấp cho các HDV du lịch một khóa học linh động có thể được thực hiện theo từng giai đoạn, một giải thưởng được công nhận trên toàn quốc khi hoàn thành với học phí thấp hơn so với áp dụng trong giáo dục đại học. Nhược điểm của chương trình này là còn thiếu lý thuyết cho chương trình đào tạo. Điều này có thể dẫn đến việc quá chú trọng vào việc phát triển những kỹ năng có thể dễ dàng đo lường bằng một số hình thức đánh giá dựa trên năng lực trong khi bỏ qua phát triển các phẩm chất khó đo lường hơn như năng lực phản biện, suy nghĩ phân tích chẳng hạn, khả năng giao tiếp trong các tình huống đa văn hóa. Các chương trình VET hoạt động đặc biệt hiệu quả trong việc đào tạo mọi người các kỹ năng thực hành, những kỹ năng mà một học viên có thể chứng minh hơn là mô tả [12].
Tại Tây Ban Nha, quốc gia đón số lượng khách khách inbound nhiều nhất thế giới. Thời gian đào tạo HDV là 2.5 năm bao gồm 1600 giờ lý thuyết và 60 giờ thực hành tương đương hệ Cao đẳng du lịch ở Việt Nam. Ở Ấn Độ, thời gian đào tạo là 6 tháng bao gồm 420 giờ lý thuyết. Tuy nhiên ở một số quốc gia như Estonia, Rumani… lại không bắt buộc phải đào tạo HDV trước khi hành nghề [13].
Ảnh: 699pic.
4. Đào tạo HDVDL inbound tại Việt Nam
Xu hướng hội nhập sâu rộng và toàn cầu hóa trên thế giới đang tạo ra những cơ hội và thách thức vô cùng to lớn đối với các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam. Du lịch, đào tạo du lịch giống như nhiều ngành kinh doanh khác đang âm thầm trãi qua một quá trình toàn cầu hóa mà không thể không thay đổi từ sở hữu trí tuệ, tư hữu hóa, di chuyển nguồn nhân lực, hợp tác tiếp thị xuyên biên giới, nhượng quyền… để đón nhận những cơ hội hiện đại hóa, phát triển ngành du lịch, giảm thiểu những rủi ro, các quốc gia đang phát triển cần phải chuẩn bị nguồn lao động du lịch chất lượng cao [14].
Để đáp ứng nhu cầu phục vụ số lượng khách du lịch ngày càng tăng. Nhà nước đã chú trọng đầu tư phát cho phát triển du lịch, đặc biệt là có các chính sách ưu tiên cho cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trực tiếp để đáp ứng nhu cầu của thị trường tính đến năm 2018, trên cả nước có 156 cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch, bao gồm: 48 trường đại học, 43 trường cao đẳng (trong đó có 10 trường cao đẳng nghề), 40 trường trung cấp (trong đó có 4 trường trung cấp nghề), 02 công ty đào tạo, 23 trung tâm, lớp đào tạo nghề, 01 trường duy nhất trực thuộc doanh nghiệp chuyên đào tạo chuyên ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng; mỗi năm có khoảng 15.000 sinh viên ra trường trong đó có khoảng 1/3 được đào tạo chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo ra những tiêu chuẩn chung cho hướng dẫn viên, năm 2013 Tổng cục Du lịch đã đưa ra bộ tiêu chuẩn nghề VTOS, trong đó quy định những kỹ năng, kiến thức, hành vi, thái độ mà một hướng dẫn viên cần có để đáp ứng yêu cầu công việc.
Số liệu thống kê ở trên cho biết, nghề hướng dẫn viên du lịch ngày đã được xã hội quan tâm, đầu tư, phát triển. Bên cạnh những nỗ lực của nhà nước, nhà giáo dục đóng góp cho ngành du lịch thì vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế: cơ sở vật chất chưa đảo bảo, giảng viên còn yếu và thiếu, chương trình học lạc hậu, không gắn liền với thực tế, dễ dãi trong tuyển sinh…, vẫn còn đào tạo hướng dẫn viên theo chương trình đại trà, chưa xây dưng được một bộ chương trình chuẩn dành cho từng nhóm đối tượng sinh viên: chương trình đào tạo cho HDVDL inbound, HDVDL outbound, HDV du lịch nội địa. Chưa chủ động liên kết với các hãng lữ hành cho sinh viên thực tập, việc làm… Thực trạng đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới công tác đào tạo. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được với yêu cầu và nhu cầu xã hội, đủ sức cạnh tranh được với thị trường khu vực và thế giới, thì cần phải có những giải pháp cụ thể và đồng bộ.
5. Kết quả khảo sát việc đào tạo hdvdl inbound của một số cơ sở đào tạo ở Việt Nam
5.1. Phương pháp khảo sát
Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bảng câu hỏi khảo sát sinh viên chuyên ngành du lịch tại 4 cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn Lang, Đại học Hutech, Đại học Tài Chính-Marketing. Số mẫu (n = 205), phương pháp chọn mẫu (trực tiếp tại các lớp sinh viên chuyên ngành du lịch) được tính toán đảm bảo tính hợp lý và đại diện cho đa số sinh viên ngành du lịch đang theo học. Thời gian khảo sát từ ngày 20/04/2021 đến ngày 8/05/2021.
5.2. Kết quả khảo sát
Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát đối với 205 sinh viên du lịch. Có 202 phiếu hợp lệ, 145 nam sinh tham gia khảo sát (chiếm tỷ lệ 71,7 %). Có 185 các em đang theo học chuyên ngành HDV chiếm 91.5%. Hầu hết đáp viên đều hiểu rõ vai trò trách nhiệm của HDVDL qua các môn học tại nhà trường với 190 câu trả lời chiếm 94%.
Có 178 sinh viên trả lời mong muốn được học các môn học bằng giáo trình song ngữ chiếm 88%. Môn học phải được được chọn lọc, kiến thức có thể áp dụng được vào thực tế công việc. Giúp sinh viên trở thành người có tài có đức có 155 chọn chiếm 76,7%. Các môn học có mối liên hệ bổ sung cho nhau có 167 đáp viên lựa chọn chiếm 82.6%. Tài liệu, giáo trình môn học phải được cập nhật và lưu trữ trên mạng giúp SV dễ dàng truy cập và trích xuất có 186 bình chọn chiếm 92%. 48 yêu cầu khác chiếm 23.7%.
Yêu cầu của sinh viên du lịch đối với giảng viên: Kiến thức sâu rộng có 198 lựa chọn chiếm 98%. Kinh nghiệm công tác thực tế có 191 đáp viên chọn chiếm 94,5%. Có phương pháp sư phạm, khiếu hài ước, luôn cập nhật kiến thức mới cho sinh viên có 169 chọn chiếm 83,6%. Dạy lý thuyết gắn kết với thực hành có 200 lựa chọn chiếm tỷ lệ cao nhất 99%. Lý do khác 65% chiếm 32%.
Yêu cầu chung của sinh viên chuyên ngành HDVDL inbound đối với tổ chức đào tạo: Quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của học viên có 181 lựa chọn chiếm 89.6%. Tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học và thực hành ngoại ngữ, nghiệp vụ HDVDL có 197 chọn chiếm 97,5%. Kiểm tra, kiểm soát trình độ giảng viên, học viên, HDV thường xuyên và có chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng kịp thời có 173 chọn chiếm 85,6%. Giúp sinh viên có chỗ thực tập, công việc làm tại các hãng lữ hành lớn ở trong và ngoài nước có 195 lựa chọn chiếm 96,5% và 57 đáp viên có ý kiến khác chiếm 28,2%.
5.3. Thảo luận
Theo Vụ Lữ hành, hiện cả nước có hơn 15.500 HDVDL quốc tế, trong đó 51,85% tiếng Anh, 25,52% tiếng Trung Quốc, 8% tiếng Pháp, 3,5% tiếng Nhật, 2,71% tiếng Nga, 2,28% tiếng Đức, 1,95% tiếng Hàn… Số lượng HDV inbound không đồng đều gây nên tình trạng thiếu hụt HDVDL inbound thông thạo ngôn ngữ hiếm vào mùa cao điểm du lịch. Điều này dẫn đến các hãng lữ hành phải sử dụng lực lượng hướng dẫn viên không chuyên, chỉ biết tiếng mà không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Tính đến tháng 8/2019, đã có trên 25.500 HDVDL được cấp thẻ hoạt động trong lịch vực du lịch. Tổng cục Du lịch cũng kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ sở đào tạo cập nhật chương trình phù hợp với khu vực và thế giới, có thêm nhiều hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên từ lúc tuyển sinh đến khi tốt nghiệp, nhất là đạo đức nghề, chú trọng thực hành và kết nối, giới thiệu cơ hội việc làm…
Tại Việt Nam, tiêu chuẩn để được cấp thẻ hành nghề HDV du lịch quốc tế được qui định ngoài bằng đại học, cao đẳng ứng viên còn phải có chứng chỉ nghiệp HDV, chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế nếu chưa tốt nghiệp đại học chuyên ngành HDV và đại học chuyên ngành tiếng Anh.
Qua kết quả khảo sát đã trình bày ở phần trên, hầu hết các em sinh viên đều nhận thức được vai trò, trách nhiệm của nghề mà mình đã lực chọn. Sinh viên mong muốn có một chương trình đào tạo chất lượng cao, (giảng viên, môn học, tài liệu học tập. cơ sở vật chất …) phải được bố trí, sắp xếp lựa chọn kỹ càng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học, yêu cầu và đặc thù công việc trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay.
Tại đất nước Nhật Bản, một nghiên cứu gần đây xem việc tổ chức tour du lịch như một hệ thống sản xuất toàn cầu, thí điểm tại bang British Columbia của Canada, nơi tập trung nhiều hãng lữ hành Nhật Bản. Nhân viên được đào tạo bài bản theo mô hình công ty đa quốc gia. Sau một thời gian, quan sát, phỏng vấn [15] nhận thấy, mối quan hệ giữa nhân viên du lịch theo hướng mở thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng toàn cầu, ứng phó kịp thời những vấn đề phát sinh trên tour. Hiệu quả kinh doanh tăng lên rõ rệt. Điều này nói lên rằng nếu chúng ta không chuẩn bị đào tạo nguồn lao động du lịch chất lượng cao, đảm nhiệm được nhiều vị trí công tác thì nguy cơ chúng ta bị mất việc làm, mất doanh thu ngay trên sân nhà vào nguồn lao động trực tiếp hay gián tiếp nước ngoài là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, thông thạo ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc đối với HDV, đặc biệt đối với các HDV du lịch chuyên đề [16]. Do vậy, HDV biết nhiều ngoại ngữ, được đào tạo theo xu hướng công dân toàn cầu thì thường có nhiều cơ hội thành công và có năng lực hơn nhóm còn lại, do kinh nghiệm học tập, cá nhân hay kết quả của việc trực tiếp tham gia vào hai nền văn hóa khác nhau, chẳng hạn như được giáo dục hoặc khoảng thời gian sinh sống ở nước ngoài [17]. Đào tạo HDV inbound có nghiệp vụ sư phạm để thuyết minh như một nhà giáo dục nhưng khách du lịch vẫn không cảm thấy mình là người đi học là yêu cầu của các cơ sở đào tạo hiện nay [18]. Trước đây, HDVDL nói chung thường không được đào tạo [19]. Ngày nay, HDVDL inbound được đào tạo bài bản ở các nước phát triển, một hướng dẫn viên có trình độ kiến thức, khiếu hài hước, khả năng ứng biến mọi tình huống và lại luôn trau dồi thêm kiến thức kỷ năng đi đoàn thì sẽ làm cho du khách cảm thấy rất hài lòng về chuyến đi, do vậy hình thức, mô hình đào tạo hướng dẫn viên có thể cải thiện chất lượng hướng dẫn và nâng cao vị thế điểm đến hình ảnh quốc gia [20]. HDVDL có lịch sử phát triển lâu đời nhưng chưa có nhiều cơ sở lý thuyết về nghề hướng dẫn do vậy các tổ chức đào tạo cần đưa ra các điểm chuẩn và khung chương trình đạo tạo, phương pháp đạo tạo tốt nhất [21]. HDVDL inbound cần phải chuyên nghiệp trong thời kỳ mới, đây là nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở đào tạo. Để nhấn mạnh sự quan trọng của HDV, Eng nói: “Chúng tồn tại không chỉ đơn thuần như một cái xúc miệng, thông tin lung tung vô ý thức hay như một nhân viên bán hàng mua sắm không khoan nhượng... Công việc đòi hỏi sự tận tâm, nhiệt tình và tính toàn vẹn vì "toàn bộ trải nghiệm của khách du lịch nằm trong tay họ" [22]. Ngoài những phẩm chất trên, HDVDL inbound còn phải cam kết học tập suốt đời, có sự đồng cảm và nhạy cảm với mọi người trong mọi tình huống, tự hào với công việc phục vụ người khác. Tất cả những đức tính tốt đẹp này đều có thể đạt được thông qua các lớp đào tạo nghiệp vụ. Nhưng Pond, K.L. cũng cho biết sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, điều kiện phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia khác nhau nên có sự khác nhau giữa tiêu chuẩn hướng dẫn và bằng cấp [6]. HDVDL inbound còn được xem là một diễn giả. Nghiên cứu đề xuất HDVDL inbound cần có tính tình hòa nhã, chủ nghĩa say mê, sự tự tin, khả năng thuyết trình và truyền tải thông tin lưu loát. Knudson, D.M., T.T. Cable, và L. Beck lưu ý rằng, đức tính và kỹ năng này không cần được đào tạo ở hệ đại học mà thường phát triển thông qua kinh nghiệm làm việc thực tế lâu năm, khả năng tự học tập của hướng dẫn viên [23]. HDVDL inbound chính là thông dịch viên và chuyên gia chuyên đề. Cần có các khóa học về phương pháp diễn giải, khóa học về ngoại ngữ chuyên ngành, kỹ năng giao tiếp, tình xuống xử lý trên tour [24]. Ngoài ra, HDVDL inbound, với tư cách là người đại diện cho điểm đến, đất nước và văn hóa dân tộc nên được lựa chọn cẩn thận và được đào tạo một cách khoa học [25] kết hợp cả nền tảng kiến thức chuyên môn và kiến thức tổng quan tại đại học [26].
Nhằm khuyến khích hợp tác về nhiều mặt trong khu vực, ngày 9/8/2016, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức công bố Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP). Từ đó lực lượng lao động du lịch của các nước thành viên có nhiều cơ hội việc làm hơn nhưng cũng gặp nhiều thách thức hơn do sự cạnh tranh trong khu vực. Trong bối cảnh đó, đào tạo nguồn lao động du lịch trở thành một thách thức và đòi hỏi phải có những đổi mới để thích ứng với những thay đổi quan trọng của thị trường lao động. Vo, L.S.X., H.T.M.J.S. Doan, và T.D. Journal phân tích một số chương trình du lịch bậc đại học ở một số quốc gia ASEAN nhằm đề xuất những cải tiến cho các chương trình du lịch ở Việt Nam, có thể hỗ trợ lực lượng lao động Việt Nam hội nhập khu vực [27]. Do tính chất đặc biệt của nghề HDVDL, thỏa thuận này không đề cập đến việc thừa nhận lẫn nhau giữa các nước trong khối và cả trên thế giới về nghề HDVDL inbound nhưng tại Việt Nam nếu chúng ta chậm trễ không thay đổi, thiếu chủ động đổi mới trong đào tạo HDVDL inbound, nhiều khả năng hướng dẫn inbound Việt Nam sẽ trở thành hướng dẫn viên phụ (sitting guide) cho các đoàn khách du lịch nước ngoài như thực tế đã và đang xảy ra với các đoàn khách du lịch tới từ Hàn Quốc, Trung quốc, Campuchia, Do Thái… khi tới thăm quan, du lịch Việt Nam. Điều này gây khó khăn cho các nhà quản lý về tính xác thực của thông tin mà các hướng dẫn viên hay trưởng đoàn du lịch nước ngoài giới thiệu cho du khách của họ. Tư tưởng chính trị của HDVDL inbound đối đất nước, đạo đức nghề nghiệp cũng là vấn đề cần bàn ở đây. Điều này dẫn đến nhu cầu thực tiễn đòi hỏi các cơ sở đào tạo HDVDL inbound tại Việt Nam cần phải có một chương trình đào tạo chính qui hiện đại, gắn lý thuyết với thực tiễn, lấy người học là trung tâm. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ, phẩm chất đạo đức cũng phải được ưu tiên hàng đầu nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa về nguồn nhân lực du lịch ở các cơ sở đào tạo HDVDL inbound tại Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Ảnh: ich.edu.vn.
5.4. Giải pháp đào tạo hướng dẫn viên du lịch inbound tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa
Qua tìm hiểu các nghiên cứu trong nước và quốc tế về vai trò của HDVDL inbound, thực trạng đào tạo HDVDL inbound cũng như khảo sát ý kiến sinh viên về chương trình đào tạo hướng dẫn viên. Nhóm tác giả xin đưa ra những giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ HDVDL inbound trong thời gian tới.
Cần nâng cao chất lượng đào tạo tại các tổ chức đào tạo HDVDL: Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, để khai thác hết tiềm năng mà ngành du lịch mang lại. Nguồn nhân lực du lịch nói chung và đội ngũ HDVDL inbound nói riêng phải có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, yêu quê hương, đất nước, không ngừng học tập tu dưỡng để hoàn thành tốt vai trò sứ mệnh của mình. Điều này phụ thuộc rất lớn vào trình độ và kinh nghiệm thực tế của giảng viên, cơ sở vật chất kỹ thuật, định hướng, tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường.
Nhà nước và doanh nghiệp cần có chính sách bảo vệ, đãi ngộ, giữ chân HDVDL inbound: Đào tạo ra được một HDVDL inbound giỏi và có tâm với nghề là rất khó, do đặc thù công việc nhiều áp lực về thời gian, công việc, công ty, đối tác, khách hàng... Nhưng thu nhập của HDVDL inbound không cao, ít được xã hội và tổ chức ghi nhận. Do không chịu được áp lực công việc, nhiều HDVDL inbound đã bỏ nghề, chuyển công tác hay làm việc nhưng hờ hững thiếu quyết tâm. Sinh viên chuyên ngành HDVDL inbound qua tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp hay sau các chuyến đi học tập thực tế, phương tiện thông tin đại chúng phần nào họ sẽ hiểu được cơ hội và thách thức của công việc sau khi ra trường. Một môi trường làm việc tốt với nhiều cơ hội phát triển luôn là động lực học tập không mệt mỏi cho sinh viên.
5.5. Kiến nghị
Cơ sở đào tạo về du lịch cần phải thường xuyên cập nhật các chương trình đào tạo HDVDL từ các nước phát triển trên thế giới, áp dụng linh hoạt vào tình hình cụ thể tại Việt Nam. Tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo tọa đàm về đào tạo, nhu cầu tuyển dụng giữa nhà nước, nhà tuyển dụng và các nhà giáo dục trong và ngoài nước về du lịch. Tập trung đào tạo ngoại ngữ chuyên sâu nhằm phục vụ tốt nhiều đối tượng khách du lịch truyền thống tới Việt Nam như tiếng Anh, tiếng Pháp, Tiếng Nhật, Tiếng Hoa. Khuyến khích sinh viên học thêm ngoại ngữ thứ 2, ngoại ngữ hiếm như tiếng Bồ Đào Nha, Indonesia, Ả rập...Tiến tới dịch thuật, số hóa các bài giảng bằng nhiều ngôn ngữ nhằm phục vụ học tập của sinh viên.
Cần thiết phải xây dựng một chương trình đào tạo chuyên biệt cho HDVDL inbound, lý thuyết luôn gắn liền với yêu cầu công việc. Phối hợp với các lữ hành lớn trong và ngoài nước cho sinh viên có cơ hội thực tập, cọ sát, nâng cao trình độ ngoại ngữ với từng đối tượng du khách, từng loại hình tour. Trong thực tế, có rất nhiều loại hình tour du lịch khác nhau được phân chia theo nhóm người, thời gian, sở thích, tôn giáo… ví dụ tour hành hương, tour du lịch khám phá hang động, tour du lịch chụp ảnh, tour du lịch xe đạp… Do vậy tổ chức đào tạo cần nắm bắt nhu cầu của thị trường để có kế hoạch đào tạp phát triển nguồn nhân lực.
Ngoài cung cấp các kỷ năng mềm do đặc thù công việc, cần đào tạo các ứng dụng công nghệ thông tin cho nghiệp vụ đi đoàn, thuyết minh, giải quyết các tình huống phát sinh trên tour hay kỷ năng chụp hình, quay phim, làm youtube, powerpoint…., trang bị kiến thức pháp luật trong nước và quốc tế, thông tin tổng quan về các vấn đề đang và sẽ xảy ra trên thế giới như biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh....
Tổ chức lấy ý kiến người học, HDVDLvề chương trình đạo tạo, phương pháp giảng dạy, giảng viên, cơ sở vật vật chất phục vụ học tập. Khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học liên quan đến chuyên ngành học nhằm kích thích suy nghĩ, tạo thói quen tốt cho HDVDL khi hành nghề, thích ứng được với mọi môi trường làm việc trong thời kỳ mới.
Đề xuất với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để xây dựng nên các chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ có phí và miễn phí bắt buộc và tự nguyện cho HDVDL inbound đang hành nghề.
Qua thực tế số lượng HDVDL nói chung và HDVDL inbound nói riêng trên cả nước, Tổ chức đào tạo cần rà soát, dự báo số lượng du khách tới Việt Nam, xu hướng du lịch trong thời gian tới để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo một cách khoa học, trách tình trạng vừa thừa vừa thiếu.
Cơ sở đào tạo cần phải đưa ra bộ tiêu chuẩn lựa chọn sinh viên du lịch đầu vào như sức khỏe, ngoại hình, năng khiếu ngoại ngữ, khả năng thuyết trình...., tiêu chuẩn đầu ra chặt chẽ để khẳng định thương hiệu giáo dục, tự tin cung cấp cho thị trường những sản phẩm đào tạo tốt nhất.
Với giảng viên phải luôn trau dồi kiến thức từ lý thuyến đến thực tế, trình độ ngoại ngữ, đạo đức tác phong để sinh viên phấn đấu, học tập, noi theo.
Nhà nước, cần đóng vai trò trung tâm khi đưa ra các qui định pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa trình độ đạo đức đội ngũ HDVDL inbound. Nhà nước cần phối hợp với các cơ sở đào tạo đưa ra được chương trình khung đào tạo thống nhất trên cả nước, tài liệu liên quan đến thông tin thuyết minh hướng dẫn cần được số hóa và lưu trữ một cách khoa học công khai nhằm tránh cung cấp thông tin cho du khách sai lệnh, méo mó về văn hóa, lịch sử, tôn giáo hay chủ trương đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần có những biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn nữa đối với người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch chui tại Việt Nam, HDV Việt Nam sử dụng bằng giả, gian lận trong thi cử, cần xem hướng dẫn viên du lịch là một nghề thực thụ trong xã hội, có chính sách giúp đỡ hướng dẫn viên khi gặp khó khăn, khen thưởng vinh danh hàng năm dành cho những HDVDL inbound xuất xắc qua đánh giá của du khách, các cuộc thi tay nghề... Đây là khích lệ lớn lao không chỉ cho đối tượng hướng dẫn viên đang tác nghiệp mà còn là động lực lớn cho sinh viên chuyên ngành HDVDL nói chung khi ngồi trên ghế nhà trường.
Tổng cục Du lịch cần phối hợp với các cơ quan ban ngành đưa ra các chiến lược quảng bá xúc tiến, phát triển du lịch theo từng thị trường du lịch có trọng điểm, nâng cao ý thức cộng đồng điểm đến về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, giữ gìn nếp sống văn minh lịch sự nơi công cộng... Đây là điều kiện thuận lợi cho nghề HDVDL inbound phát triển và cơ hội cho hướng dẫn viên du lịch nói chung hoàn thành tốt vai trò “đại sứ dân tộc”của mình. Nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Kết luận
Tóm lại HDVDL inbound phải được xem là “đại sứ văn hóa” thực sự chứ không chỉ trên danh nghĩa. Khi được xã hội công nhận, tôn vinh, ý thức trách nhiệm về nghề hướng dẫn viên sẽ tăng lên. Muốn có nguồn HDVDL inbound chất lượng cao, tài đức vẹn toàn, đủ sức hội nhập cạnh tranh thế giới. Hệ thống đào tạo phải chuyên nghiệp, áp dụng cân đối lý thuyết và thực hành, chủ động liên kết, tổ chức các buổi hội thảo, chương trình giao lưu, tham quan, học tập lẫn nhau giữa các trường đào tạo HDVDL, hãng lữ hành trong nước và quốc tế. Cần chú trọng đào tạo ngoại ngữ (đặc biệt là ngoại ngữ hiếm), văn hóa truyền thống dân tộc, các kỹ năng hướng dẫn đoàn cho từng nhóm đối tượng khách du lịch. Cần có các khóa huấn luyện bổ sung kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong hướng dẫn, tư tưởng chính trị, luật pháp, tâm lý du khách, sơ cấp cứu… định kỳ cho HDVDL inbound. Cơ quan quản lý du lịch cần đưa ra những qui định phù hợp cho đào tạo và phát triển nghề HDVDL inbound. Mục đích góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Nghiên cứu này sẽ tốt hơn nếu tác giả khảo sát được số mẫu sinh viên du lịch trên toàn quốc.
Tài liệu tham khảo
1. Best, K.J.M.M. and Curatorship, Making museum tours better: Understanding what a guided tour really is and what a tour guide really does. 2012. 27(1): p. 35-52.
2. Moore, B. and F. Ludowyk, The Australian Oxford paperback dictionary. 2001: Oxford University Press.
3. Cohen, E.J.A.o.t.r., The tourist guide: The origins, structure and dynamics of a role. 1985. 12(1): p. 5-29.
4. Hoan, N.C., Giáo trình nghiệp vụ Hướng Dẫn Viên Du Lịch. 2019.lịch, L.d., 2007.
5. Pond, K.L., The professional guide: Dynamics of tour guiding. 1993: Van Nostrand Reinhold Company.
6. Holloway, J.C.J.A.o.t.r., The guided tour a sociological approach. 1981. 8(3): p. 377-402.
7. Zhang, H.Q. and I.J.T.m. Chow, Application of importance-performance model in tour guides’ performance: evidence from mainland Chinese outbound visitors in Hong Kong. 2004. 25(1): p. 81-91.
8. Pastorelli, J., Enriching the experience: An interpretive approach to tour guiding. 2003: Pearson Education Australia.
9. Yu, X., B. Weiler, and S.J.J.o.V.M. Ham, Intercultural communication and mediation: A framework for analysing the intercultural competence of Chinese tour guides. 2002. 8(1): p. 75-87.
10. Jennings, G. and B.J.Q.t.e. Weiler, Mediating meaning: Perspectives on brokering quality tourist experiences. 2006: p. 57-78.
11. Christie, M. and P. Mason, The good guide: identifying and engendering generic skills in the training of tourist guides. 2008.
12. Lovrentjev, S.J.P.e. and finance, Education of tourist guides: case of Croatia. 2015. 23: p. 555-562.
13. Hjalager, A.-M.J.A.o.t.r., Stages in the economic globalization of tourism. 2007. 34(2): p. 437-457.
14. Yamamoto, D. and A.M.J.T.P.G. Gill, Issues of globalization and reflexivity in the Japanese tourism production system: the case of Whistler, British Columbia. 2002. 54(1): p. 83-93.
15. Weiler, B. and S.J.E.o.e. Ham, Tour guides and interpretation. 2001: p. 549-563.
16. Wu, N., K.M.J.T. Haywood, and N.F. Tourism Research Association, Canada, The Need for Cultural Brokerage: A Study of Canadians Visiting China and the Tour Operators Who Facilitate Trips. 2001.
17. Zillinger, M., et al., Guided tours and tourism. 2012. 12(1): p. 1-7.
18. McArthur, S.J.A.P. and Recreation, Interpretation in Australia-is it running on borrowed time? 1996. 32(2): p. 33-3
19. Tilden, F., Interpreting our heritage: Principles and practices for visitor services in parks, museums, and historic places. 1957: University of North Carolina Press.
20. Howard, J.J.A.p. and Recreation, Towards best practice in interpretive guided activities. 1998. 33: p. 28-31.
21. Ang, E. Upgrading the professionalism of tourist guides. in Proceedings from the Travel Educators Forum. 1990. PATA Singapore.
22. Knudson, D.M., T.T. Cable, and L. Beck, Interpretation of cultural and natural resources. 1995: ERIC.
23. Cherem, G.J.J.J.o.I., The professional interpreter: Agent for an awakening giant. 1977. 2(1): p. 3-16.
24. Coccossis, H.J.C.t. and s.l. development, Sustainable development and tourism: Opportunities and threats to cultural heritage from tourism. 2009: p. 47-56.
25. Sahin, Y.G., S.J.J.o.E.T. Balta, and Society, Distance education techniques to assist skills of tourist guides. 2007. 10(2): p. 213-224.
26. Vo, L.S.X., H.T.M.J.S. Doan, and T.D. Journal, Innovating university tourism curriculum to meet the challenge of free labour movement in ASEAN. 2016. 19(4): p. 127-135.