Việt Nam cần xây dựng một chiến lược rõ ràng để định vị thương hiệu quốc gia, tập trung vào các giá trị văn hóa. Trong đó, con người, nghệ thuật và ẩm thực là những yếu tố tiên quyết.
Thương hiệu quốc gia đóng vai trò quan trọng, kiến tạo giá trị hữu hình và vô hình vào sự tăng trưởng bền vững, đa lĩnh vực của đất nước. Chúng ta đang nói về kỷ nguyên mới, vận hội mới, nhưng theo tôi trước tiên phải định hình mình là ai? Phải thừa nhận rằng hình ảnh thương hiệu Việt Nam vẫn còn khá mờ nhạt, so với các đất nước châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Các thương hiệu quốc gia trên thế giới đều được hình thành từ những điểm riêng biệt, khó có thể thay thế. Việt Nam có thể xây dựng hình ảnh thân thiện, yêu hòa bình và kết nối với thế giới thông qua du lịch văn hóa với bản sắc đậm đà, cùng với cảnh quan thiên nhiên phong phú. Đây là "sức mạnh mềm" mà chúng ta hoàn toàn có thể phát huy.
Giá trị thật sự của du lịch là truyền tải văn hóa, đóng góp vào việc xây dựng thương hiệu của quốc gia và lợi ích thu lại của nó còn cao hơn cả giá trị kinh tế.
- Trần Sĩ Chương, Chuyên gia Kinh tế và Chiến lược phát triển
Du lịch, nhất là du lịch văn hóa góp phần rất quan trọng giúp cho du khách quốc tế đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư, kinh doanh... hiểu và yêu mến đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Chính họ sẽ là những đại sứ giúp Việt Nam nhanh chóng đưa hình ảnh quốc gia ra thế giới.
Trước nay, chúng ta nói về du lịch là chỉ nhắm vào chuyện làm kinh tế, nhưng theo tôi, chúng ta cần từ bỏ tư duy này. Thay vào đó, hãy thổi hồn, mang những cái duyên dáng của mình vào du lịch qua những giá trị thật để du khách cảm mến và muốn quay lại. Khi đó, giá trị vật chất tự khắc sẽ đến.
Thương hiệu là gì? Thương hiệu là cái "hiệu mà người ta thương". Là khi người ta nghĩ về mình, người ta thấy quý và mến. Quý là vì người ta cần mình cái gì đó, mến là để người ta có cảm tình với mình. Như vậy, du lịch là cơ hội để chúng ta tiếp cận, để thổi hồn văn hóa dân tộc mình vào người ta, để người ta gắn bó với mình. Nhưng bằng cách nào?
Theo tôi, có 3 yếu tố chính: Một là con người, hai là nghệ thuật, ba là ẩm thực. Đây là ba nhân tố dễ đi vào trái tim du khách một cách nhanh nhất!
- Trần Sĩ Chương, Chuyên gia Kinh tế và Chiến lược phát triển
Không đâu xa, chính tôi dù có cơ hội đi Thái nhiều lần nhưng tôi nhớ mãi một cái tiệm ăn nhỏ ở ngôi làng không có gì đặc sắc. Bởi vì, lúc tôi vào tiệm, bà chủ quán đã ra ngồi nói chuyện với tôi, bà rất dễ mến và tự nhiên tôi rất có cảm tình với ngôi làng đó và luôn muốn quay trở lại.
Sân bay cũng là ấn tượng đầu tiên của mỗi địa phương hay quốc gia. Bên cạnh việc hiện đại hóa công trình, ta cũng cần chú trọng đến nội thất, thiết kế thuần Việt. Như sân bay ở Singapore hay Thái Lan, tuy đậm tính Tây nhưng du khách vẫn cảm nhận được giá trị bản địa. Ở một số sân bay, người ta luôn để đàn piano, tại sao chúng ta không học hỏi, bày các nhạc cụ hay trình diễn nhạc dân gian tại đây, hoặc trên đường phố?
Còn ẩm thực thì không chỉ ngon mà còn phải chú ý vấn đề vệ sinh thực phẩm tuyệt đối và cả vệ sinh môi trường. Rõ ràng, không ai thích tới ăn, hay có cảm tình với địa điểm không sạch sẽ, gọn gàng cả! Việc làm sạch cảnh quan thật ra rất đơn giản, nó không nằm ở việc phải dọn dẹp, mà trước hết là không xả bừa bãi. Ở ngoài sạch, ở trong cũng phải sạch.
Tôi nhớ 30 năm trước, khi về thăm Đà Nẵng, thành phố bẩn và sông Hàn thì ngập rác. Nhưng bây giờ thì cảnh quan sạch đẹp rất đáng khâm phục. Tương tự như ở Huế. Điều cốt lõi ở đây là chính quyền và nhân dân đã cùng đồng thuận để nâng cao tinh thần trách nhiệm, giá trị văn minh một cách bài bản.
Bên cạnh đó, để thu hút khách trải nghiệm, chúng ta phải cải thiện an ninh và an toàn giao thông.
- Trần Sĩ Chương, Chuyên gia Kinh tế và Chiến lược phát triển
Du khách, nhất là khách nước ngoài thích đi bộ, đi lang thang để tìm hiểu văn hóa, con người. Mà giao thông nước mình vừa đông đúc, vừa nguy hiểm khi qua đường thì làm sao họ dám đi bộ? Rồi như khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, khách bước ra muốn tìm chiếc taxi cũng rất mệt mỏi, không rõ hướng đi, đến đâu cũng bị chèo kéo, không biết chọn hãng nào uy tín.
Hay việc tạo ấn tượng đầu tiên về người Việt thân thiện ở sân bay chính là từ nụ cười của những cán bộ hải quan. Những việc này tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng, những việc nhỏ sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng lớn cho hình ảnh thương hiệu quốc gia.
Mỗi năm có khoảng 17 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam, họ đến để tìm cơ hội kết bạn với mình mà mình không giữ được bạn thì mình đánh mất nhiều thứ. Phải làm sao để tất cả người dân thấy được lợi ích chung này để cùng đồng lòng thay đổi từ những việc nhỏ nhất.
Thương hiệu quốc gia trên cơ sở sức mạnh văn hóa chỉ có thể kích hoạt, lan tỏa nếu có sự đồng lòng trong quần chúng, trên nền tảng chỉ đạo của đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược.
- Trần Sĩ Chương, Chuyên gia Kinh tế và Chiến lược phát triển
Không cần bàn cãi về vai trò của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong công cuộc tạo dựng thương hiệu quốc gia bền vững, cạnh tranh. Nhiều giải pháp đa chiều cần thực thi, để văn hóa có tiếng nói thống nhất qua hình ảnh con người, ẩm thực, nghệ thuật.
Vai trò lãnh đạo, liên kết của các thành phần trong chuỗi kinh tế du lịch cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, với tinh thần học hỏi, cầu tiến và năng động, chúng ta có quyền kỳ vọng về hình ảnh thương hiệu Việt Nam - điểm đến tươi đẹp, thân thiện, hấp dẫn và an toàn trên bản đồ du lịch thế giới.