Du lịch linh hoạt thích ứng với bình thường mới

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau thời gian dài “ngủ đông” do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, BR-VT đã khởi động kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch. Kế hoạch linh hoạt, thích ứng diễn biến thực tế của dịch bệnh bằng những lịch trình khép kín đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn trong bối cảnh sống chung với COVID-19.

Du lịch linh hoạt thích ứng với bình thường mới - 1

Nhân viên khách sạn Kiều Anh cập nhật thông tin phòng, chống dịch vào phần mềm Du lịch Việt Nam an toàn

Du lịch an toàn

Việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng DN trên địa bàn nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới. Song yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng, chống dịch và hoạt động du lịch, lữ hành.

Tập trung vào 2 mục tiêu chính trên, BR-VT đã xây dựng kế hoạch mở cửa lại du lịch. Cụ thể, từ ngày 15/10, 4 khách sạn được UBND tỉnh cho phép thí điểm đón khách gồm: Melia Hồ Tràm Resort, Bình Châu Hot Springs, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino (huyện Xuyên Mộc) và Six Senses Côn Đảo Resort (huyện Côn Đảo) sẽ chính thức mở cửa đón khách. Giới du lịch nhận định, trong lúc dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, giãn cách xã hội mỗi tỉnh mỗi khác, quan điểm về khôi phục và phát triển du lịch giữa các địa phương cũng khác nhau, việc thu hút khách du lịch sẽ không dễ dàng, song BR-VT vẫn tiên phong mở cửa ngành du lịch thể hiện quyết tâm từng bước vực dậy ngành kinh tế “xanh” của tỉnh.

Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch, sau thí điểm đón khách, BR-VT dự kiến sẽ thúc đẩy chương trình kích cầu, quảng bá, sản phẩm, dịch vụ rộng rãi hơn qua sàn thương mại điện tử và hội chợ du lịch trực tuyến về du lịch; bán đồng giá hạng cơ sở lưu trú và sử dụng dịch vụ nơi này nhận phiếu ưu đãi nơi khác trong chuỗi liên kết trao đổi lẫn nhau giữa dịch vụ lưu trú - ăn uống - vui chơi, giúp du khách sử dụng dịch vụ chất lượng, uy tín, chi phí tiết kiệm; tổ chức Festival “Ẩm thực và Du lịch” nhằm quảng bá du lịch và văn hóa ẩm thực đặc trưng của BR-VT.

Kế hoạch phục hồi ngành du lịch sẽ căn cứ vào diễn biến dịch bệnh trong khu vực, trong tỉnh và tiến độ phủ vắc xin trên toàn tỉnh. Quan điểm của ngành là, tiếp tục nêu cao cảnh giác và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng dịch từ cơ quan y tế. Do vậy, khi triển khai các hoạt động phục hồi du lịch, các DN du lịch, dịch vụ buộc phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Sở Du lịch đã xây dựng bộ tiêu chí bảo đảm an toàn phòng, chống dịch áp dụng cho 3 đối tượng gồm: cơ sở lưu trú, DN lữ hành và khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác.

Sau khi UBND tỉnh thông qua, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn DN ký cam kết thực hiện bộ tiêu chí thông qua đại diện UBND các phường, xã trên địa bàn. “Quá trình triển khai, Sở Du lịch sẽ phối hợp với chính quyền từng địa phương kiểm tra nhằm đảm bảo các cơ sở cung ứng dịch vụ phục vụ du lịch phải quan tâm đầu tư cho công tác phòng dịch, góp phần giữ gìn sự an toàn, an tâm cho du khách”, bà Trần Thị Thu Hiền cho biết thêm.

Du lịch linh hoạt thích ứng với bình thường mới - 2

Từ ngày 15/10, 4 cơ sở lưu trú thí điểm sẽ đón khách. Trong ảnh: Khách câu cá sấu tại Bình Châu Hot Springs. Đây là 1 trong 4 cơ sở thí điểm đón khách. (Ảnh chụp đầu năm 2021).

Vắc xin là “chìa khóa” cho du lịch hoạt động trở lại

Với tốc độ lây lan của chủng Delta hiện nay, diễn biến dịch trên thế giới và trong nước sẽ rất khó lường. Việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tiến độ tiêm vắc xin đủ liều cho người dân. Các chuyên gia du lịch cho rằng nhanh nhất đến đầu năm 2022 du lịch cả nước mới có thể khởi động trở lại. Do vậy, dù có mở cửa lúc này, du lịch BR-VT cũng như các tỉnh, thành cả nước chủ yếu khai thác thị trường nội địa, tập trung khai thác kết nối những vùng xanh về vắc xin và độ an toàn.

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19” nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi sức sống cho du lịch Việt Nam.

Chương trình sẽ áp dụng các nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát COVID-19 của Chính phủ, trong đó tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, chương trình cũng kết nối khách du lịch, tour tuyến đi từ vùng xanh (an toàn) với các điểm du lịch xanh (an toàn) trên cơ sở xác định vùng xanh của cơ quan quản lý y tế, cơ quan quản lý có thẩm quyền ở địa phương và ranh giới vùng xanh ở phạm vi chia càng nhỏ càng có tính thích ứng cao trong bối cảnh bình thường mới.

Theo ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, để đáp ứng tiêu chí “xanh”, người lao động ngành du lịch phải an toàn trước hết. Thế nhưng, hiện nay tiến độ tiêm vắc xin trong ngành du lịch rất chậm, khó đáp ứng được yêu cầu mở cửa chung sống với dịch bệnh. Hiệp hội Du lịch kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên nguồn vắc xin để phủ cho lao động du lịch càng sớm càng tốt.  

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dự kiến trong tháng 10 lượng vắc xin được Trung ương phân bổ cho tỉnh sẽ nhiều hơn. Tỉnh đã giao Sở Y tế khi xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vắc xin về cho các địa phương cần lưu ý cân đối, trong đó tập trung nhiều hơn cho những địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương khi tiếp nhận vắc xin được phân bổ cũng phải đưa lao động ngành du lịch, dịch vụ vào nhóm ưu tiên tiêm ngừa nhằm chuẩn bị sẵn điều kiện cho hoạt động mở cửa khôi phục ngành du lịch, dịch vụ trong tình hình mới.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

ĐĂNG KHOA (Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!