Những giấc mơ gác lại trong đêm rời TP.HCM
Từ chỗ nuôi giấc mơ ở lại TP.HCM, nhiều người dân miền Tây tìm đường về quê sau 3 tháng kiệt quệ vì dịch bệnh.
2h ngày 1/10 ở cửa ngõ quốc lộ 1 từ TP.HCM về miền Tây, những tiếng nẹt pô, rú còi inh ỏi của đám đông sốt ruột đã lắng xuống. Những đứa trẻ say ngủ trong lòng mẹ, hoặc trên tấm bạt mỏng bên lề đường.
Chiều tối hôm trước, hàng trăm người dân miền Tây từ TP.HCM đổ về quê bằng xe máy. Họ bị lực lượng chức năng chặn lại ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, cách địa phận tỉnh Long An hơn 3 km.
Hàng trăm chiếc xe máy ùn lại phía sau lớp hàng rào chắn ngang quốc lộ. Không khó để đoán được quê quán của chủ xe thông qua biển số.
"Sao anh phải rời thành phố?", phóng viên đặt câu hỏi khi thấy một chiếc xe máy biển số TP.HCM. Cặp vợ chồng trẻ chất đầy hành lý trên xe như thể muốn mang theo cả phòng trọ. Người chồng tên Hà đáp lời bằng chất giọng miền Tây đặc trưng: "Xe tôi mua của một người TP.HCM nên giữ biển số. Vợ chồng tôi từ Trà Vinh lên đây làm công nhân".
Vợ chồng anh Hà trên hành trình rời TP.HCM về quê. Ảnh: Ngọc Tân.
Đầu tháng 7, vợ chồng anh Hà gửi 3 triệu đồng về quê để bà nội chăm sóc cho 2 con nhỏ. Họ chỉ giữ lại 2 triệu đồng. Bốn ngày sau, công ty xây dựng nơi vợ chồng anh Hà làm việc dừng hoạt động vì dịch bệnh. Họ trải qua gần 3 tháng sống tằn tiện với 2 triệu đồng còn lại trong người.
Đặt chân đến một thành phố nơi hoạt động xây dựng luôn nhộn nhịp, vợ chồng người thợ hồ này mất 2 năm làm lụng để đủ tiền mua chiếc xe máy cũ. Chiếc xe giá 18 triệu, nhưng anh Hà bảo phải tìm bằng được xe biển số TP.HCM. Giấc mơ làm người Sài thành của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu với chiếc biển số xe.
Quê hương Trà Vinh lúc nào cũng chào đón anh Hà với 15 công ruộng (1,5 héc ta). Nhưng nghĩ đến việc về quê, lần nào anh cũng lắc đầu.
"Không biết bao giờ mới mua được nhà Sài Gòn, nhưng em vẫn mơ. Ráng biết đâu tới ngày sẽ được", người cha của 2 đứa con nhỏ tâm sự.
Trong cái đêm rời khỏi TP.HCM, anh Hà không chỉ mang theo nỗi cơ cực suốt 3 tháng túng thiếu. Trong lòng anh còn gợn cảm giác chua xót vì giấc mơ lỡ dở.
Đối với Hương, người mẹ sinh năm 1997 bế theo đứa con 1 tuổi, lần này mà về được Kiên Giang là vợ chồng cô về hẳn. Hương tuyên bố không trở lại TP.HCM.
"Về quê có gì ăn đó mà không mất tiền trọ. Rồi công ruộng vẫn còn, mình ở quê làm cũng đủ ăn", người phụ nữ trọ tại quận 7 chia sẻ.
Sau 3 tháng thất nghiệp, 2 vợ chồng chỉ còn 800.000 đồng trong ví. Chiều 30/9, họ đã bỏ ra 600.000 đồng cho 2 suất test nhanh. Nhưng ở chốt kiểm soát về miền Tây, không có ai kiểm tra giấy xét nghiệm.
Mặc những lời thuyết phục của công an rằng gần 300 km về nhà bằng xe máy vào nửa đêm là quá nguy hiểm, vợ chồng Hương và đứa con 1 tuổi vẫn thức trắng đêm tại chốt.
Trời hửng sáng, TP.HCM bước vào ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng thông tin tích cực ấy là chưa đủ để níu chân những lao động nhập cư như anh Hà, chị Hương. Khi được hỏi, họ trả lời đơn giản rằng tiền đã hết và công ty, doanh nghiệp của mình chưa có kế hoạch hoạt động lại.
Bên cạnh khó khăn tài chính, nhiều người về quê với mong muốn chăm lo cho con cái của mình. Ảnh: Ngọc Tân.
Trong khi nhiều người khẳng định "không còn sức để trụ lại", chị Kim Ngọc (quê Bạc Liêu) thừa nhận rằng mình vẫn còn khả năng ở lại TP.HCM. Khi lực lượng trực chốt phát phiếu để mọi người ghi nguyện vọng về quê, chị Ngọc viết "về lo cho con đi học", đồng thời chìa ra cho mọi người xem tấm ảnh 3 đứa trẻ tiểu học. Cả 3 đứa con của chị đều không có ai hướng dẫn học online. Chồng chị đi làm xa, còn bà nội không biết dùng công nghệ.
"Thực sự không muốn về đâu. Ở TP.HCM đang làm công trình cho Vinhomes. Nhưng mấy ngày qua con học online không được, phải về", người mẹ sốt ruột.
4h30 ngày 1/10, nhiều người dân miền Tây đã trở về nhà trọ, nhưng vẫn còn cả trăm người nán lại chốt. Những chiếc xe chở nông sản của Bách Hóa Xanh, chợ đầu mối Bình Điền chậm rãi tiến vào TP từ hướng Long An, trong khi chiều đường ngược lại vẫn bị chặn hoàn toàn.
Trên khuôn mặt của những chiến sĩ cảnh sát và quân đội, vẻ lo lắng hiện rõ khi chứng kiến những người dân tụ lại san sát nhau. "Rủi mà có 1 F0 trong đó...", một cảnh sát than thở.
Liên quan vấn đề người dân rời thành phố về các địa phương khác, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình lưu ý người dân phải di chuyển theo tổ chức và không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Thành phố cho phép những trường hợp cấp thiết đi lại liên tỉnh phải theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM. Đến sáng 1/10, Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết đã có chủ trương đưa đón những người dân có nhu cầu về miền Tây. Người dân sẽ được đưa về quê bằng xe khách. Xe máy cá nhân của họ sẽ được vận chuyển bằng xe tải. Lực lượng chức năng bắt đầu yêu cầu bà con tập hợp theo từng tỉnh, thành phố để được đưa về quê. |
Việc được đặt thực phẩm tươi sống, đồ ăn qua ứng dụng công nghệ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhưng giá ship cao gây...