"Chảy máu" nhân sự ngành du lịch, doanh nghiệp “bất lực”
Với tình trạng dịch chuyển lao động ra ngoài ngành như hiện nay, ngành du lịch đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực trầm trọng chưa từng có tiền lệ.
Chủ doanh nghiệp “gánh” việc, cắt giảm tối đa chi phí
Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng, lượng khách trong nước và quốc tế tăng trưởng không ngừng, năm sau cao hơn năm trước. Lực lượng lao động phục vụ trong ngành du lịch luôn ở tình trạng quá tải, thiếu nhân lực.
Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), cuối năm 2019, cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát, ngành du lịch đóng băng, lao động trong ngành lâm vảo cảnh thất nghiệp, buộc phải chuyển sang công việc khác để đảm bảo cuộc sống.
Số liệu thống kê cho thấy, có trên 95% doanh nghiệp du lịch trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, khoảng 20 - 30% doanh nghiệp du lịch có nguy cơ phá sản. Riêng tại Hà Nội nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 12.600 lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang thất nghiệp. Ở mảng lữ hành, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương trên 12.000 người.
TP.HCM vừa nối lại tour du lịch tới Cần Giờ, Củ Chi
Còn theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, hiện có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường trong nước đã tạm ngưng hoạt động. Tính cả năm 2020 và hết quý II năm 2021, tổng cộng có trên 170 doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Một số doanh nghiệp lớn chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, số còn lại cũng hoạt động cầm chừng hoặc chuyển hướng kinh doanh.
Bà Bùi Tuyết Nhung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Văn hóa và Du lịch Hà Nội, cho biết: “Đợt dịch thứ 4 đã đánh gục gần như tất cả các công ty lữ hành, khi dòng tiền đã cạn kiệt không đủ để duy trì, nhiều doanh nghiệp đã phải trả lại giấy phép kinh doanh lữ hành, đóng cửa doanh nghiệp để rút tiền ký quỹ, nhân viên rơi vào tình trạng thất nghiệp không còn chỗ để bấu víu".
Bà Nhung phân tích, trước khi chưa có đại dịch công ty bà luôn duy trì bộ máy nhân sự trên 30 người. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, bà buộc phải cắt giảm 80% nhân sự, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt đã gắn bó, cống hiến nhiều năm cho công ty. Nhưng trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh thì doanh nghiệp cũng không gắng gượng được bao lâu.
“Đối với mỗi doanh nghiệp dòng tiền đóng vai trò quyết định tới sự thành bại, việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng trong giai đoạn này là vô cùng khó khăn. Một phần vì các doanh nghiệp đã được vay vốn hoặc đã được cơ cấu nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phần nữa nhiều ngân hàng không còn mặn mà với “bạn hàng” lữ hành. Mặt khác nếu được vay, doanh nghiệp lữ hành cũng phải có tài sản đảm bảo thế chấp mà điều này thì gần như không doanh nghiệp nào có thể đáp ứng được. Các doanh nghiệp có xu thế co cụm lại, giám đốc vừa là lãnh đạo, đồng thời cũng trực tiếp tham chiến để giảm chi phí. Điều đó có nghĩa là nguồn nhân lực sẽ bị “chảy máu” gần hết”, bà Nhung nói.
Bài toán khó
Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của đại dịch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển sinh của khối các trường Đại học, Cao đẳng có ngành đào tạo du lịch. Các em học sinh cũng như phụ huy có tâm lý lo lắng, e ngại sợ thất nghiệp, không ổn định sau khi ra trường. PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, số lượng sinh viên theo học chuyên ngành Du lịch của trường trong 2 năm qua giảm so với trước.
“Khi ngành Du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, công tác tuyển sinh của chuyên ngành này cũng giảm đáng kể. Trong năm 2020 và năm 2021, các khóa sinh viên ra trường đều gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm”, ông Dương Văn Sáu thông tin.
Tour du lịch Củ Chi dành cho tuyến đầu chống dịch
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng nguồn nhân lực ngành du lịch vốn đã thiếu trước đại dịch và được dự đoán là sẽ thiếu hụt trầm trọng sau đại dịch.
"Cho đến thời điểm này, sau 4 đợt bùng phát dịch thì có thể nói việc chảy máu nhân sự ngành du lịch là rất cao và không thể tránh khỏi. Để giải bài toán này đòi hỏi cần có sự phối hợp, hợp tác của các bên liên quan trọng từ cấp độ Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động cũng như phía các trường đào tạo", ông Long nhấn mạnh.
Theo đó, các doanh nghiệp cần linh hoạt giữ chân các nhân lực chủ chốt để duy trì các hình thức bộ máy tổ chức và công việc. Đồng thời có chính sách và chế độ (ít nhất là bảo hiểm và phụ cấp) cho đội ngũ nhân lực này.
Về phía người lao động cần tích cực và chủ động chia sẻ với doanh nghiệp, đồng thời thích ứng trong tìm kiếm việc làm tạm thời và vẫn duy trì sự đam mê với ngành nghề du lịch.
Đổi với các trường đào tạo thì cần tiếp tục tuyên truyền về sự cần thiết của nhân lực du lịch sau đại dịch, đồng thời có những kế hoạch tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Mới đây, Nhà nước cũng đã có các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có lao động ngành du lịch. Điều này giúp người lao động trong ngành vượt qua khó khăn trước mắt, có thêm động lực ở lại với nghề khi dịch bệnh qua đi.
Những tác động nặng nề từ dịch Covid-19 không chỉ khiến toàn ngành du lịch Việt Nam rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn,...