Doanh nghiệp du lịch: Thay vì 'bán rẻ' hãy 'tăng thêm giá trị'
Điểm nhấn của VITM 2025 chính là mang đến cơ hội giao thương, kích cầu du lịch. Tuy vậy, đứng trước sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng du lịch, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần chú ý đến "giá trị" của sản phẩm thay vì chỉ tập trung khuyến mại.
Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM là sự kiện thường niên quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, mang tầm vóc quốc tế. Hội chợ là nơi hội tụ của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các tổ chức xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, tạo cơ hội giao thương, hợp tác và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nước nhà.
Theo Ban Tổ chức, VITM 2025 sẽ diễn ra từ ngày 10-13/4, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội.
VITM tiếp tục chọn Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội (số 91 Trần Hưng Đạo) làm điểm hẹn năm nay. Ảnh: VITM.
Hội chợ năm nay quy tụ sự tham gia của 60 cơ quan xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, 8 hãng hàng không, 16 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hơn 600 doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Bên cạnh 450 gian hàng hoạt động thương mại sôi nổi, điểm khác biệt lớn tại VITM 2025 chính là không gian giới thiệu các ứng dụng tiêu biểu của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn và dịch vụ du lịch.
Hội chợ sẽ diễn ra nhiều hoạt động gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Đồng thời, các cơ quan xúc tiến du lịch Việt Nam và quốc tế cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, điểm đến, các gói kích cầu du lịch, các công nghệ, xu hướng du lịch mới.
Cũng nhân dịp này, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến trong nước và quốc tế sẽ tăng cường quảng bá các chương trình, sự kiện du lịch trong năm nhằm thu hút sự quan tâm của bạn bè thế giới.
Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, tại VITM 2025, hãng cung cấp nhiều khuyến mại giảm giá vé từ 15-30% dành cho bay nội địa và bay quốc tế. Song song đó, hãng cũng tung ra gói quà tặng dành cho khách hàng có mức ưu đãi lên đến 70%.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị và các hoạt động sẽ được tổ chức tại VITM 2025, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, Hội chợ lần này là cơ hội để quảng bá, xúc tiến các điểm đến của Việt Nam, cũng là dịp để các doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, trao đổi, giao lưu về kinh nghiệm phát triển và xây dựng các sản phẩm, tour du lịch liên kết với nhau.
Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu tại họp báo VITM 2025. Ảnh: VGP.
"Với chính sách miễn thị thực của Chính phủ thời gian qua, cùng với các hoạt động quảng bá, kích cầu lớn, trong đó có VITM 2025, du lịch Việt Nam có thể kỳ vọng đạt được mục tiêu đón 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay", ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng cũng khẳng định, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành, chung tay với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, doanh nghiệp du lịch và các địa phương để cùng quảng bá, kích cầu du lịch, tổ chức thành công VITM 2025. Qua đó, góp phần thúc đẩy du lịch nước nhà phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, VITM 2025 sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam bắt tay cùng các đối tác quốc tế kích cầu thương mại ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, câu chuyện các doanh nghiệp du lịch sẽ bàn trong dịp này không phải là "giá rẻ" mà là "giá trị".
"Chúng ta cũng phải hiểu, giá cả toàn cầu đang leo thang, từ vé máy bay đến khách sạn, dịch vụ. Trong bối cảnh đó, câu chuyện cần bàn không phải là 'giá rẻ' mà là 'giá trị'. Nếu cứ chạy theo giảm giá, du lịch Việt Nam sẽ bị định vị là điểm đến giá rẻ, khó lòng cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, lưu trú dài ngày", ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Do vậy, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp tiếp cận VITM 2025 cần thay đổi chiến lược, thay vì "bán rẻ", hãy "tăng thêm giá trị". Nghĩa là bổ sung các tiện ích, dịch vụ gia tăng để khách cảm thấy xứng đáng với chi phí họ bỏ ra. Ví dụ như tặng thêm bữa ăn, tặng quà lưu niệm hay trải nghiệm miễn phí nào đó.
"Sau đại dịch, cả thế giới đều đang chuyển mình chứ không chỉ Việt Nam. Trong đó, hành vi tiêu dùng và thói quen chọn sản phẩm dịch vụ du lịch đã có sự thay đổi lớn. Khách du lịch ngày nay quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm chân thật, sự an toàn và tính bền vững của điểm đến. Họ muốn được thưởng thức, khám phá, sống trọn từng khoảnh khắc. Nhiều người sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, miễn là chất lượng dịch vụ tốt. Các loại hình du lịch cao cấp, nghỉ dưỡng dài ngày, du lịch gắn với khám phá, học tập, nghiên cứu ngày càng phát triển", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ảnh: Hồ Hạ.
Đặc biệt, trong khuôn khổ VITM 2025, Diễn đàn "Phát triển điểm đến Xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam" hứa hẹn mở ra cơ hội để các nhà làm du lịch thảo luận, trao đổi các sáng kiến liên quan đến việc mở rộng thị trường đối với mô hình kinh doanh du lịch xanh cũng như ứng dụng chuyển đổi số để thúc đẩy sự phát triển của du lịch xanh trong nước.
Diễn đàn sẽ được tổ chức vào sáng ngày 11/4, dự kiến có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu, gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành cùng các cơ quan quản lý điểm đến, cơ quan truyền thông...
"Chuyển đổi xanh là một trong những yếu tố nổi bật hiện nay. Nếu như trước đây, khái niệm 'du lịch xanh' chỉ là khẩu hiệu, thì nay phải trở thành hành động cụ thể từ sản phẩm, dịch vụ, đến hệ sinh thái vận hành.
Thực hiện định hướng đó, năm ngoái, khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động khẩu hiệu Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững, chúng tôi không ngờ lại nhận được sự hưởng ứng tích cực như vậy, trong đó có đánh giá rất cao từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Họ cho rằng đây là một khẩu hiệu đơn giản nhưng truyền cảm hứng, có khả năng lan tỏa mạnh mẽ và thôi thúc hành động thực chất từ các bên liên quan.
Tuy nhiên, nếu chỉ phát động một năm rồi bỏ ngỏ thì sẽ không đủ để tạo ra sự chuyển mình thật sự. Chuyển đổi xanh không phải là một chiến dịch ngắn hạn mà là một quá trình lâu dài, gian nan và đòi hỏi sự bền bỉ. Vì vậy, năm nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục lấy chủ đề phát triển du lịch xanh, cụ thể hơn là 'Phát triển điểm đến du lịch xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam' ngay tại VITM 2025 sắp tới", ông Vũ Thế Bình cho biết.
Dưới góc nhìn của ông, muốn tư duy xanh, hành động xanh thật sự thấm vào từng người lao động, từng doanh nghiệp du lịch thì cả nước cần "làm nhiều, làm sâu và làm thật" khi nhắc về việc "xanh hóa ngành du lịch".
Song song đó, một cuộc đua khác cũng quan trọng không kém - chuyển đổi số. Nếu chuyển đổi xanh liên quan đến lối sống, cách sản xuất và tiêu dùng bền vững, thì chuyển đổi số tập trung vào phương thức vận hành, tổ chức và quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Khi cả thế giới phát "sốt" với AI thì Việt Nam cũng không ngoại lệ. "Chúng tôi hiểu rằng, Việt Nam vẫn còn khoảng cách trong tiếp cận công nghệ. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm còn thấp, nên quá trình này không thể nóng vội. Tuy nhiên, du lịch vốn là một ngành kinh tế tiên phong, mang tính sáng tạo cao. Vì vậy, chúng ta cần bắt đầu từ bây giờ, dù chậm nhưng chắc, để đến năm 2026, VITM sẽ trở thành một hội chợ chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực du lịch Việt Nam", ông Vũ Thế Bình nhận định.