Di tích lịch sử Quốc gia đền Đồng Bằng có dấu hiệu bị xâm phạm
Một số hiện vật quý tại đền Đồng Bằng (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) như quả chuông và cỗ Khám Long Đình bị di rời ra khỏi khu vực thờ tự và ra khỏi đền gây bức xúc cho người dân và khách du lịch.
Thời gian gần đây, khách du lịch và người dân liên tục phản ánh về tình trạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đền Đồng Bằng thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có dấu hiệu bị xâm phạm nghiêm trọng.
Cụ Đinh Văn Thoại, 95 tuổi, người dân xã An Lễ, tỏ ra bức xúc khi được biết nhiều hiện vật của Đền Đồng Bằng như quả chuông cổ nặng 300 kg hay cỗ Khám Long Đình cùng nhiều hiện vật lịch sử khách bị di chuyển đi chỗ khác.
Theo cụ Thoại, trong số những hiện vật có cỗ Khám Long Đình là hiện vật cổ, rất quý và được đặt trong cung cấm để Ngài ngự đã bị đưa đi nơi khác khiến người dân xã An Lễ rất bức xúc.
Đối với cụ Thoại cũng như bà con nhân dân xã An Lễ, đền Đồng Bằng cũng như các hiện vật của Đền được bảo vệ bằng xương máu của nhiều thế hệ cha ông đi trước.
“Đây là những tài sản vô giá, có tiền cũng không mua ở đâu được và được các cụ giữ từ xưa đến nay. Nhưng mà đến nay đã mất”, ông Thoại chia sẻ.
Di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Đồng Bằng có dấu hiệu bị xâm phạm.
Anh Hoàng Anh Quân, trú TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cho biết vừa đến đền Đồng Bằng để chiêm bái. Khi biết những hiện vật quý của đền bị đưa đi nơi khác anh cảm thấy đây là hành động xâm phạm di tích vô cùng nghiêm trọng.
“Tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước của huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vào cuộc làm rõ để sớm trả lại các hiện vật quý về đền Đồng Bằng để người dân và khách du lịch có cơ hội được chiêm bái”, anh Quân chia sẻ.
Ông Nguyễn Như Vững, sinh sống ở gần đền Đồng Bằng, cho rằng mong muốn của người dân xã An Lễ những gì thuộc về đền phải hoàn trả lại cho đền.
“Quả chuông nặng 300 kg đã đem đi cho nơi khác, chúng tôi mong muốn được đem trở lại Đền Đồng Bằng để phụng sự Tiên Thánh”, ông Vững chia sẻ.
Chia sẻ với PV Tạp chí Du lịch TP.HCM, ông Vũ Xuân Hùng, Phó chủ tịch huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, cho rằng huyện đã nắm được thông tin, yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin huyện kiểm tra, có văn bản tham mưu với huyện để chỉ đạo chấn chỉnh lại công tác quản lý di tích.
Lý giải cho việc những hiện vật cổ của đền bị di chuyển đi nơi khác, ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ, Trưởng BQL khu di tích đền Đồng Bằng, cho rằng do số hiện vật tại đền lớn cùng với việc diện tích trưng bày và lưu giữ hạn chế nên có một số hiện vật của đền phải lưu kho hoặc phải gửi tạm đến hai ngôi đền khác nằm trong quần khu di tích đền Đồng Bằng.
“Chúng tôi đang trong giai đoạn trùng tu, tôn tạo và bảo dưỡng khu di tích đền Đồng Bằng nên một số hiện vật chúng tôi phải di rời đưa xuống nhà kho. Hiện tại chỉ có quả chuông đang phải gửi nhờ đền Đệ Tứ. Do quá trình sắp xếp lại đồ thờ, BQL đền nhất trí cho các cụ chuyển chuông về đình để thờ tự”, ông Thái chia sẻ.
Ở một diễn biến khác, khi PV liên hệ với bà Bùi Thị Nhẫn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳnh Phụ để hỏi về công tác kiểm tra, tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đối với việc một số hiện vật tại Khu di tích lịch sử quốc gia đền Đồng Bằng bị di rời đi nơi khác xảy ra thời gian gần đây gây bức xúc cho du khách và người dân, bà Nhẫn liên tục từ chối trả lời câu hỏi và yêu cầu PV đến làm việc trực tiếp.
Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, chia sẻ Sở sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải xuống di tích để xác minh thực địa về các hiện vật.
“Trên cơ sở xác minh, Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch sẽ báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh Thái Bình để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở này thông tin thêm đền Đồng Bằng là một trong những ngôi đền cổ xưa với 4000 năm tuổi, có từ thời vua Hùng Vương thứ 18.
Đền có sắc phong “Tam Kỳ Linh Ứng - Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần”, năm 1986, Đền Đồng Bằng được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích lịch sử Quốc gia, đến tháng 9/2016, Lễ hội truyền thống Đền Đồng Bằng được xếp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và cần được bảo vệ.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà làm chính sách và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường...