Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng: Doanh nghiệp gặp nhau càng nhiều càng tốt
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng rất muốn đại diện các doanh nghiệp tham gia dùng cà phê, điểm tâm sáng để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, giúp địa phương ngày càng phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng về chỉ số cạnh tranh thật tốt của địa phương
Sáng 6/4, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng Phó chủ tịch Vương Quốc Nam và lãnh đạo các sở, ngành đã dùng cà phê, điểm tâm sáng với đại diện hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là buổi cà phê, điểm tâm sáng lần thứ 7 được UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào sáng thứ 7 của tuần đầu tháng.
Trò chuyện cùng lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp, ông Trần Văn Lâu cho biết tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm của tỉnh này ước đạt 4,44%, tăng hơn 1% so với cùng kỳ quý 1/2023 (3,3%). Đây là dấu hiệu tốt để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được đánh giá sẽ thuận lợi hơn 2023. Đối với 3 khu vực, quý I năm nay tăng trưởng tương đối đồng đều và cùng trên 4%.
“Chỉ số PAPI của tỉnh Sóc Trăng rất phấn khởi, năm 2023 đứng thứ 4 cả nước và đứng thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 8 tiêu chí thành phần có 3 chỉ số thành phần chúng ta đạt cao nhất. Qua chỉ số PAPI cũng đánh giá được sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã đồng tâm hiệp lực, phối hợp để cùng nhau cho tỉnh nhà phát triển”, ông Trần Văn Lâu chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu trò chuyện cùng lãnh đạo các doanh nghiệp. Ảnh: Duy Khang.
Đối với chỉ số năng lực cạnh tranh, mặc dù đến cuối tháng 4 này mới được cơ quan chức năng công bố nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng chỉ số này sẽ tăng bậc. Theo ông Trần Văn Lâu, chỉ số PAPI tỉnh tăng 20 bậc thì chỉ số năng lực cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng.
“Chúng tôi mong muốn chỉ số này tăng để làm điều kiện để thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư. Điều này thể hiện sự uy tín, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và thể hiện chỉ số minh bạch để các doanh nghiệp yên tâm đến Sóc Trăng đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
FPT muốn xây trường học trong khu 5A Sóc Trăng
Trong phần trao đổi về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Dương Thế Nghiêm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đô thị dầu khí Cửu Long (PVCL), cho biết đơn vị này là chủ đầu tư Khu đô thị 5A tại phường 4, TP Sóc Trăng. Trong khu này có hơn 15.000 m2 đất được quy hoạch trường mầm non nhưng một doanh nghiệp đã xây dựng dỡ dang, đầu tư không hiệu quả.
Năm 2022, có một đơn vị ở TP.HCM đến khu 5A xin mở Trường Liên cấp Việt – Anh. PVCL đã xin điều chỉnh dự án từ trường mầm non lên liên cấp và được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, đơn vị muốn xây trường Việt – Anh sau đó không thực hiện dự án như kế hoạch.
Trường Mầm non Sơn Ca 5A hoạt động không hiệu quả. Theo chủ đầu tư Khu đô thị 5A, Công ty FPT muốn đầu tư trường THPT tại khu đất này với quy mô 5 tầng. Ảnh: Duy Khang.
Theo ông Dương Thế Nghiêm, đầu năm 2024, Công ty FPT khảo sát và chọn vị trí đất 15.600 m2 để xây trường THPT. Quy mô cũ của khu đất này là xây dựng 1-3 tầng, thu hút 1.300 học sinh, nhưng phía FPT muốn nâng quy mô lên 5 tầng mới đủ diện tích hoạt động. Vì vậy, PVCL rất mong muốn được UBND tỉnh Sóc Trăng cho điều chỉnh quy mô dự án lên 5 tầng.
Về lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Út, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) cho rằng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản đã bị gãy do “cò” mua bán lúa. Theo ông Út, giá lúa hiện nay đang được “cò” thao túng nên vị chủ nhiệm HTX mong muốn cơ quan chức năng gom lực lượng này lại hoặc cho họ giấy phép hành nghề để tạo ra sân chơi lành mạnh.
“Nông dân bán lúa qua cò, mà giá lúa thì cò quyết định. Ví dụ, lúa gần đến ngày thu hoạch, nông dân với doanh nghiệp thỏa thuận 8.000 đồng/kg nhưng anh cò nhảy vô mua 8.200 đồng”, ông Nguyễn Văn Út nói.
Trao đổi với vị chủ nhiệm HTX, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, khẳng định việc liên kết tiêu thụ nông sản là vấn đề rất được ngành nông nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, cầu nối này còn nhiều bất cập, khó khăn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ về chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Ảnh: Duy Khang.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, doanh nghiệp không thể mua lúa trực tiếp của nông dân mà phải thông qua HTX và các thương lái, những người trung gian. Vì vậy, địa phương đẩy mạnh phát triển các HTX nhằm phát huy hiệu quả của kinh tế tập thể. Tuy nhiên, các HTX hoạt động vẫn còn hạn chế, sự kết nối minh bạch giữa doanh nghiệp với hệ thống kết nối nông dân vẫn chưa trọn vẹn.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp Sóc Trăng không phủ nhận vai trò quan trọng của những người kết nối mà ông Nguyễn Văn Út gọi là “cò”. Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, nhờ có những người kết nên các chuỗi tiêu thụ nông sản hoạt động tốt. Tuy nhiên, để quản lý, minh bạch hóa giữa chuỗi này là rất quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm giữa các bên chứ không phải về phía quản lý Nhà nước hay phía nào mà phải từ doanh nghiệp đến Nhà nước và trực tiếp người nông dân, các tổ chức hợp tác để có sự thống nhất, minh bạch, rõ ràng.
Giá tôm có thể tăng thêm vào cuối năm
Một trong những vấn đề quan trọng được các doanh nghiệp đặt ra liên tiếp tại nhiều kỳ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng dùng cà phê, điểm tâm sáng là khó khăn của ngành nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi và chế biến, xuất khẩu tôm.
Là chủ doanh nghiệp và Chủ tịch Hiệp hội Tôm Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Tài khẳng định không riêng gì Sóc Trăng mà ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam thường xuyên gặp khó khăn. Theo ông, từ chi phí nuôi, sản xuất con tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn và các chi phí khác liên quan đến con tôm đều tăng cao. Vì vậy, lúc nào giá thành sản xuất tôm của Việt Nam đều tăng cao, gây khó cho các doanh nghiệp cả nước trong việc cạnh tranh với các nước, đặc biệt là Ecuador, Ân Độ.
Ông Đỗ Ngọc Tài, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Việt Nam nói về những khó khăn của ngành nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Duy Khang.
Tuy nhiên, dù khó khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng vượt qua. Lãnh đạo các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam luôn chủ động suy nghĩ để làm sao sản xuất nhiều, đa dạng mặt hàng để giữ được khách hàng, tăng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp cố gắng thế nào đi nữa cũng gặp khó về nguyên liệu vì giá thành cao trong khi tình hình kinh tế thế giới bất ổn, chiến tranh, lạm phát nên người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu do tôm là mặt hàng giá cao. Khi khách hàng tiêu thụ giảm sẽ ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Đỗ Ngọc Tài, quý 1/2024 nhu cầu tiêu thụ tôm của các nước tăng lên, trong đó Việt Nam tăng 15%. Dự báo đến cuối năm, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ tốt hơn vì tình hình kinh tế tương đối ổn định, người dân có nhu cầu chi tiêu, đặc biệt là vụ kiện chống trợ cấp từ Hiệp hội đánh bắt và Hiệp hội chế biến của Mỹ.
Trong vụ kiện này, hồ sơ của doanh nghiệp Việt Nam có tỷ lệ trợ cấp 2,84%, thấp hơn so với các nước khác là Ấn Độ (3,86%), Eucuador (10%) và Indonesira (trên 10%) nên Việt Nam thuận lợi trong việc cạnh tranh xuất khẩu với các nước khác vào cuối năm nay. Đặc biệt là tôm Việt Nam sẽ xuất khẩu sang thị trường Mỹ thuận lợi hơn. Khi đó, giá tôm sẽ ổn định dự kiến đến tháng 8 và cuối năm tăng nhẹ thêm.
Phát huy mô hình cà phê, điểm tâm sáng
Sau khi lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu xác định ngay việc đề xuất nâng quy mô xây trường học mà PVCL đề xuất tại Khu đô thị 5A là phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, muốn quy mô đề xuất nâng lên, ông đề nghị doanh nghiệp có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Khi nhận được văn bản đề xuất thì UBND tỉnh sẽ họp lấy ý kiến các sở, ngành để có trả lời chính thức cho PVCL.
Đối với một doanh nghiệp xin xây trụ sở tại vị trí quy hoạch đất ở đô thị phía trước khu dân cư Hưng Thịnh (đối diện Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Sóc Trăng), ông Trần Văn Lâu yêu cầu lãnh đạo Sở Xây dựng khảo sát, xem thực tế có thể điều chỉnh được thì điều chỉnh quy hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp phải có văn bản đề xuất xây dựng trụ sở gửi Sở Xây dựng và UBND tỉnh Sóc Trăng.
Với ý kiến của các HTX, người đứng đầu chính quyến tỉnh Sóc Trăng nói rằng vụ mùa sản xuất vừa qua nông dân được mùa trúng giá nhưng sản phẩm đầu ra chưa được bền vững. Vì vậy, ông Trần Văn Lâu đề nghị Sở Công Thương tăng cường phối hợp với các chợ, siêu thị để tìm đầu ra, giúp chuỗi cung ứng nông sản bền vững. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng được cấp trên yêu cầu hỗ trợ các HTX và người dân về giống, thuốc trừ sâu để bà con tiếp cận được giống tốt, thuốc tốt, tránh hàng nháy, hàng giả…
Chủ tịch Hiệp hội Tôm Việt Nam kỳ vọng về sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm 2024
Kết thúc buổi dùng cà phê, điểm tâm sáng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục mong muốn các doanh nghiệp tham gia đông đủ vì mỗi lần tổ chức là mỗi lần tốn nhiều thời gian, công sức của nhiều người. Tại buổi họp mặt doanh nghiệp trước đây, 50 doanh nghiệp có ý kiến thì lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng và các ngành đã giải quyết được 49 ý kiến, còn một ý kiến đã được giải quyết cơ bản tại buổi dùng cà phê, điểm tâm sáng nay.
“Chúng ta duy trì cà phê, ăn sáng, đối thoại doanh nghiệp nên hầu như những khó khăn của doanh nghiệp đều được tháo gỡ. Chúng ta không chỉ để gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc mà còn giao lưu, chia sẻ thông tin giữa chính quyền với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Có khi những doanh nghiệp lớn phát biểu, các doanh nghiệp nhỏ lắng nghe để chia sẻ tình hình chung, chứ không phải muốn nêu ý kiến mới tham dự cà phê, điểm tâm sáng. Trong thời buổi hiện nay, chúng ta được gặp nhau là vui rồi, cho nên cố gắng càng gặp nhau càng nhiều càng tốt”, ông Trần Văn Lâu chia sẻ.