Chuyên gia đề xuất 4 điều cần mạnh dạn làm để thu hút khách quốc tế

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Quảng bá e-visa, có sản phẩm du lịch hiện đại, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng... là những điều cần làm nếu Việt Nam muốn phát triển du lịch.

Năm 2022 (tính từ tháng 3 đến hết tháng 11), lượng khách quốc tế đến VN khoảng 2,7 triệu lượt, trong đó khách Hàn Quốc chiếm 20%. Lượng khách Âu, Mỹ hiện đang ở mức 200.000 lượt cho mỗi thị trường. Nếu tính đến hết 2022, Việt Nam ước tính sẽ đón khoảng 3,2-3,5 triệu lượt khách - đây thực sự là con số khá thấp. Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19.
Là một người làm du lịch lâu năm, ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Chua Me Đất (Oxalis), đã đưa ra một số đề xuất trước thềm cuộc họp cấp quốc gia do Thủ tướng chủ trì nhằm thảo luận các giải pháp thu hút khách quốc tế vào Việt Nam.

Chuyên gia đề xuất 4 điều cần mạnh dạn làm để thu hút khách quốc tế - 1

Hang Va - nơi có hồ thạch nhũ tháp nón độc đáo nhất thế giới, được nhiều du khách quốc tế quan tâm. Ảnh: Ryan Deboodt.

Theo ông Nguyễn Châu Á, để phát triển du lịch, đặc biệt là thu hút du khách quốc tế, cần mạnh dạn thực hiện những điểm sau đây:

1. Visa

Tăng cường quảng bá kênh e-visa đến khách quốc tế, bảo dảm quy trình xin visa dễ dàng, nhanh gọn và không cần công ty bảo lãnh.

Nên có nhiều loại visa từ 1 tháng đến 1 năm, đặc biệt là cho phép khách du lịch được gia hạn visa trong nước mà không cần xuất cảnh; cho phép áp dụng visa cho digital nomad (dân du mục kỹ thuật số) có thời hạn 1-2 năm (những người này được phép sống ở Việt Nam, làm việc cho nước ngoài và tiêu tiền ở Việt Nam).

2. Sản phẩm du lịch cho khách Inbound

Những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch đại trà nhưng chủ yếu phục vụ cho đối tượng là khách trong nước và thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc mà chưa có sản phẩm du lịch mới nào được xây dựng để thu hút khách du lịch phương Tây.

Khách Tây thường có nhu cầu trải nghiệm khác khách phương Đông. Trong khi đó, sau dịch, nước ta vẫn sử dụng những sản phẩm du lịch truyền thống, đã có nhiều năm.

Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu hụt các sản phẩm du lịch đô thị, sản phẩm du lịch hiện đại để thu hút nhiều du khách thế hệ trẻ đến trải nghiệm. Do đó, cần hình thành ban chỉ đạo cấp Chính phủ về phát triển sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu từng thị trường, nghiên cứu các cơ chế chính sách để hỗ trợ các sản phẩm du lịch mới, hiện đại.

3. Marketing

Hiện nay, về cơ bản, Việt Nam vẫn làm marketing như những năm trước, chủ yếu thực hiện xúc tiến quảng bá thông qua các hội chợ du lịch - những nơi chúng ta gần như phụ thuộc vào các đối tác về việc quảng bá Việt Nam đến với khách du lịch.

Vì vậy, cần thành lập cơ quan phục trách quảng bá thương hiệu quốc gia về du lịch. Cơ quan này sẽ quảng bá nhận thức điểm đến cho từng thị trường mục tiêu.

Cần có nguồn ngân sách lớn và thường xuyên để tạo được ấn tượng Việt Nam đến với người dân ở các thị trường mục tiêu. Cơ quan này không cần làm xúc tiến kết nối doanh nghiệp, việc này để cho các hiệp hội và doanh nghiệp tự làm.

4. Nguồn nhân lực

Hiện nay, Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Do đó, Chính phủ cần có cơ chế cho phép sinh viên du lịch các cấp thay vì học toàn thời gian thì đi thực tập và làm việc (có lương) với khoảng thời gian 30-50% thời gian học. Việc này sẽ giúp cho sinh viên làm việc được ngay khi tốt nghiệp mà không cần quá nhiều thời gian doanh nghiệp phải đào tạo khi tuyển dụng sau tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, nên cho phép mở ra nhiều ngành đào tạo theo xu thế phát triển của thế giới, thay vì gò bó trong những lĩnh vực đào tạo truyền thống trong nhiều năm nay.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Châu Á - Tổng giám đốc Công ty lữ hành Chua Me Đất (Oxalis)