Bao giờ TP.HCM có thể biến sông nước thành tiền?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sở hữu gần 1.000 km đường sông với hệ thống kênh rạch kết nối với nhiều tỉnh, thành cùng với nhiều hoạt động kinh tế địa phương nhưng TP.HCM loay hoay hàng thập niên vẫn chưa thể phát triển được hệ thống giao thông, du lịch đường thủy hấp dẫn.

Đó là vấn đề được các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) phân tích thẳng thắn tại Hội nghị chuyên đề "Phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy" do UBND TP.HCM tổ chức sáng qua (14/12).

Bao giờ TP.HCM có thể biến sông nước thành tiền? - 1

TP.HCM vẫn chưa khai thác được lợi thế sông nước.

Tàu cứ cập bờ là… bị phạt

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP.HCM sở hữu 913 km đường thủy, chia thành 101 tuyến. Giao thông thủy hiện phát triển trên 4 tuyến sông chính, hệ thống kênh rạch kết nối với nhiều tỉnh, thành cùng với nhiều hoạt động kinh tế địa phương tạo bức tranh sinh động, nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy.

Thời gian qua, TP cũng đã hình thành nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch. Tuy vậy, sản phẩm du lịch còn hạn chế, chưa phong phú so với các địa phương và quốc gia có cùng tiềm năng. Điều này được chứng minh qua con số cụ thể: Từ tháng 1-11/2022, TP.HCM đón 3,2 triệu lượt khách quốc tế, 27,9 triệu khách nội địa nhưng chỉ có 342.800 lượt khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy. Nếu tính tỷ lệ, con số này chỉ chiếm 1,14% trên tổng lượng khách du lịch đến TP.

"Kết quả không tương xứng với tiềm năng, lợi thế của TP.HCM", ông An khẳng định.

Bao giờ TP.HCM có thể biến sông nước thành tiền? - 2

Tour du thuyền ngắm sông Sài Gòn đi qua nhiều biểu tượng của TP.HCM.

Dẫn câu chuyện từ cách đây 10 năm khi bắt đầu mở tuyến du lịch đường sông từ trung tâm TP đi Cần Giờ, bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc kinh doanh tại Công ty TNHH Les Rives (có cung cấp các dịch vụ đường thủy), kể: Đặc thù của du lịch đường sông là không thể chỉ đi từ điểm A đến điểm B theo 1 chặng duy nhất mà phải ghé qua nhiều điểm cho khách tham quan.

Thời điểm đó, Les Rives đã kết hợp với người dân địa phương mở một nhà hàng trên bờ, trong đó có làm một cây cầu nhỏ và khu vực cho khách trải nghiệm câu cá. Tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, nhưng chưa hoạt động được bao lâu, chủ nhà hàng sau đó đã bị chính quyền địa phương phạt 15 triệu đồng và yêu cầu tháo dỡ không cho hoạt động với lý do phải xin chủ trương từ Sở GTVT TP.

Hai năm sau, trên tuyến Bạch Đằng - Củ Chi, Les Rives cũng đã khảo sát làng trái cây Trung An theo đề án phát triển tuyến du lịch đường sông của Sở Du lịch. Tuy nhiên, đến nay đã 8 năm trôi qua, cầu bến chưa có nên sản phẩm cũng chưa hình thành được. Gần đây nhất, DN này đưa khách đến trải nghiệm làng hoa rất đẹp ở H.Hóc Môn - được ví như Đà Lạt thu nhỏ giữa TP.HCM - nhưng cũng bị phạt tiền vì không có cầu bến, tàu cập là sai quy định.

"Muốn phát triển du lịch đường sông, không thể không nói tới bến bãi. DN sẵn sàng hợp tác để phát triển đưa khách đến nhưng đầu tiên, địa phương phải đưa chủ trương cụ thể để xây cầu bến sẵn, để DN thuê đất làm bến bãi được thuận lợi hơn", bà Hạnh nhấn mạnh.

Bến bãi cũng là nút thắt khiến con tàu quy mô 1.017 khách của Greenlines DP vẫn chưa thể chở khách từ TP.HCM - Côn Đảo theo đúng kế hoạch. Ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Greenlines DP, đánh giá TP.HCM nói riêng và VN nói chung được trời cho tiềm năng "sông là tiền". Phát triển được giao thông đường sông, kết nối được các phương tiện đường thủy là sẽ kích hoạt được rất nhiều loại hình kinh tế sinh ra tiền. Tuy nhiên, thời gian qua TP chưa phát triển được, không khai thác được lợi thế sông nước là bởi có quá ít bến bãi.

Dẫn chứng tuyến tàu từ trung tâm TP đi Củ Chi mà DN đang khai thác, ông Hải cho biết nếu chỉ đi thẳng tới Củ Chi thì sẽ rất khó thu hút khách. Đặc thù khách đi Củ Chi là sáng đi, chiều về, chỉ lưu lại 3 tiếng đồng hồ. Nếu muốn khách có nhiều trải nghiệm hơn, chi tiêu nhiều hơn thì phải tạo ra điểm đến và các sản phẩm du lịch dọc tuyến. Các cầu bến sẽ không chỉ đơn thuần là một điểm tham quan mà còn là nơi để khách vui chơi, mua sắm, tiêu tiền. Nếu kết hợp với đường bộ theo mô hình đi đường bộ - về đường thủy hoặc đi đường thủy - về đường bộ và có thêm các điểm tham quan, dừng chân ở giữa chặng thì mới thật sự hình thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Gỡ vướng quy hoạch

Theo ông Bùi Hòa An, về quy hoạch, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng tại Quyết định số 1829, cảng thủy nội địa hành khách khu vực TP.HCM chỉ quy hoạch ở phạm vi khu vực, chưa xác định rõ quy hoạch vị trí, tuyến sông, quy mô, cỡ tàu, công suất cụ thể của các cảng thủy nội địa hành khách. Muốn định hướng, xây dựng các sản phẩm du lịch thì đầu tiên phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm bến, bãi, luồng, tuyến. Song, bến thủy nội địa được yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch khác, trong khi hiện nay quy hoạch ngành không có.

Hiện nay, TP có 411 vị trí bến thủy nội địa, Sở GTVT đã nhiều lần đề nghị cập nhật vào quy hoạch từng quận, huyện nhưng đã 3 năm chưa nhận được văn bản phản hồi của các quận, huyện, TP Thủ Đức. Điều này dẫn đến tình trạng có những bến tồn tại từ rất lâu, hoạt động thực tế đáp ứng yêu cầu địa phương nhưng do chưa có trong quy hoạch nên tạm thời phải đóng cửa. Các bến đang có phép lại trở thành không phép.

Số lượng thiếu, các bến thủy nội địa hiện nay cũng mới chỉ có cầu bến, không có nhà chờ cho khách, không có chỗ vệ sinh và nhà để xe phục vụ nhu cầu kết nối, đổi phương tiện cho hành khách. Những công trình phụ trợ nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ kênh rạch và không được làm gì trên hành lang này. Do đó, hệ thống sản phẩm, dịch vụ trên bờ gần như hoàn toàn không có gì. Thậm chí, muốn làm đường xi măng đi từ bến sông lên đường bộ cũng không được. UBND TP đã giao các sở, ngành nghiên cứu tham mưu nhưng chưa có kết quả.

Đây cũng là những khó khăn được Trưởng phòng Phát triển sản phẩm du lịch (Sở Du lịch TP.HCM) Nguyễn Thị Thanh Thảo nhận định khi nói về điểm yếu khai thác du lịch đường sông của ngành du lịch TP.HCM. Cũng vì những hạn chế về quy hoạch, quy định nên TP chưa có các dịch vụ vui chơi giải trí trên mặt nước. Các dịch vụ chèo thuyền sup, chèo kayak trên sông rất được ưa chuộng nhưng vì vướng các quy chuẩn an toàn nên chưa phát triển được. Các sản phẩm trên bến dưới thuyền cũng chưa đủ sức khai thác do điều kiện môi trường trên các dòng kênh, rạch không đáp ứng được.

Tổng hợp ý kiến góp ý từ hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhận định liên quan quy hoạch bến bãi, do quy hoạch ngành không còn phù hợp nên vị trí các bến cần phải được địa phương rà soát, lồng ghép vào các quy hoạch phân khu. Tuy nhiên, do quy hoạch chung của TP cũng đang phải điều chỉnh nên rất khó để địa phương xử lý phần quy hoạch phân khu. Vì thế, ông Cường đề nghị Sở GTVT cùng Sở Du lịch rà soát vị trí các bến trong 411 bến thủy nội địa trên địa bàn TP hiện nay, điểm nào cần ưu tiên làm trước thì đề xuất trực tiếp với quận, huyện, TP Thủ Đức để xử lý sớm.

UBND TP sẽ tiếp tục rà soát, đẩy nhanh các dự án hạ tầng dang dở để khơi thông dòng chảy một số đoạn kênh, rạch và có cơ chế, chính sách để tháo gỡ việc giao đất, cho DN thuê đất làm bến bãi cùng các công trình phụ trợ. Ngoài ra, Sở Du lịch cần quảng bá, xây dựng thêm nhiều sản phẩm có chiều sâu văn hóa, có tính cạnh tranh cao, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Mai (Báo Thanh Niên)