TP.HCM tập trung xây dựng, phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dù số lượng sản phẩm OCOP TP.HCM là ít, khi so sánh với các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, TP.HCM chọn cách “chậm mà chắc”, tập trung xây dựng và phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP.

Chương trình OCOP TP.HCM “chậm mà chắc”

OCOP - còn được gọi là chương trình Mỗi xã một sản phẩm, được triển khai đầu tiên ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Hiện đã có hơn 40 nước học và triển khai thành công góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn.

TP.HCM bắt đầu triển khai Chương trình OCOP từ năm 2019. Đến nay, TP.HCM có 66 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 36 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao và 30 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao và 01 sản phẩm đang đề xuất Trung ương công nhận sản phẩm đạt chuẩn 05 sao.

TP.HCM tập trung xây dựng, phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP - 1

Bột rau má sấy lạnh được công nhận OCOP 4 sao

Theo ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố, phát triển sản phẩm OCOP phải dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa nhằm đảm bảo hiệu quả và bền vững. TP.HCM hiện đang tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản và làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch có lợi thế của địa phương, cộng đồng theo chuỗi giá trị. Từ đó, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, giúp nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn.

“Đặc biệt, ngày 22 tháng 02 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 263/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, xác định Chương trình OCOP là 01 trong 06 Chương trình chuyên đề trọng tâm, cần triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, càng cho thấy vai trò, tầm quan trọng của Chương trình này”, ông Hiệp nói.

Ông Hiệp cũng đánh giá số lượng sản phẩm OCOP TP.HCM là rất ít, khi so sánh với các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, điều này là không lạ, do TP.HCM là địa phương cuối cùng của cả nước có sản phẩm OCOP. Theo ông Hiệp, với việc đi sau, TP.HCM chọn cách “chậm mà chắc”, tập trung xây dựng và phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP.

Mở rộng phạm vi cho các sản phẩm OCOP

Là doanh nghiệp có hai sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao, anh Phan Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam, chia sẻ chỉ vài tháng sau khi được công nhận OCOP, năm 2022, sản phẩm bắt đầu lên kệ các siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op. Theo anh Tiến, mật dừa nước là sản phẩm khởi nghiệp, khai thác nguồn nguyên liệu địa phương Cần Giờ, do đó tính độc đáo, bản địa, đặc sản rất cao. Việc đưa mật dừa nước vào siêu thị giúp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Anh Tiến cũng cho rằng, các chủ thể sản xuất OCOP vẫn cần sự hỗ trợ từ các hệ thống bán lẻ để tăng nhận diện, tiếp cận và đến tay người tiêu dùng.

TP.HCM tập trung xây dựng, phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP - 2

Mật dừa nước được công nhận OCOP 4 sao

Trong khi đó, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (huyện Bình Chánh) – đơn vị có 6 sản phẩm đã được công nhận OCOP 4 sao, chia sẻ để đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm phải trải qua các bước đánh giá bài bản toàn diện từ đầu vào nguyên liệu, khu chế biến sản xuất và đầu ra thành phẩm bởi nhiều cấp đánh giá với hội đồng đánh giá chuyên nghiệp gồm nhiều ngành y tế, công thương, tài chính, môi trường…

“Riêng sản phẩm OCOP 4 sao trở lên phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO", ông Vũ nói.

TP.HCM tập trung xây dựng, phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP - 3

Mật ong rừng sữa Ong Chúa Xuân Nguyên là sản phẩm đạt OCOP 4 sao

Theo bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM), so với giai đoạn trước, Chương trình OCOP TP.HCM hiện mở rộng hơn về phạm vi, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, gồm hộ sản xuất, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp ở tất cả quận, huyện, TP.Thủ Đức tham gia (giai đoạn trước giới hạn phạm vi ở 5 huyện ngoại thành).

Ngoài ra, các đối tượng tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP cũng rộng hơn, tập trung vào 6 nhóm là thực phẩm, đồ uống, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điểm bán hàng.

Bà Mai cho rằng, sự mở rộng này nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được tham gia đánh giá OCOP, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến có thế mạnh của TP.HCM đang tập trung nhiều ở Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và TP.Thủ Đức.

Bà Mai cũng cho hay, việc tổ chức đánh giá xếp hạng OCOP năm nay cũng có đổi mới khi cấp huyện là nơi lập hội đồng tổ chức, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Trong khi đó, tại hai kỳ đánh giá năm 2021 và 2022, sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên sẽ do hội đồng cấp thành phố đánh giá, xếp hạng.

Theo bà Mai, với sự thay đổi này, trong năm đầu tiên, thành phố sẽ hỗ trợ các quận huyện khi tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao.

TP.HCM cũng khuyến khích các quận huyện tìm kiếm các sản phẩm có nguồn gốc địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương tham gia Chương trình OCOP, nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập cho người dân, phát triển bền vững kinh tế khu vực nông thôn, đóng góp hiệu quả vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng Linh

CLIP HOT