Du lịch nông nghiệp tại TP.HCM: Cần xây dựng một quần thể tích hợp nhiều giá trị
Những năm gần đây, hoạt động du lịch nông nghiệp tại TP.HCM đã có nhiều bước phát triển mới, với nhiều tour tuyến và loại hình sản phẩm phục vụ du khách. Điều này đóng góp vào việc đa dạng hóa sản phẩm và tạo điểm đến hấp dẫn cho du lịch thành phố.
Du lịch nông nghiệp là thuật ngữ chỉ hoạt động tham quan trang trại hoặc các quá trình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp với mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế. Tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp gồm ba loại hình cơ bản: du lịch canh nông, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Là mô hình du lịch phát triển phổ biến ở các vùng lãnh thổ có lợi thế về nông nghiệp, nhưng khi triển khai tại TP.HCM, nơi có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ, du lịch nông nghiệp được định hình dưới hình thái mới khi gắn với công nghệ cao, trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của các vùng ngoại ô thành phố.
Đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp tại thành phố mang tên Bác
Đơn cử như huyện Củ Chi, cơ cấu kinh tế của huyện hiện nay là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Huyện nổi bật với các ngành nghề truyền thống luôn được bảo tồn như nghề làm bánh tráng Củ Chi tại làng Phú Hòa Đông, nghề đan lát thủ công tại các xưởng mây tre lá ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi... cùng với khung cảnh nhà vườn xanh đẹp và con người chất phác.
Đặc biệt, điểm đến "về nguồn" Địa đạo Củ Chi với bề dày lịch sử kháng chiến hào hùng đang là một trong những điểm nhấn du lịch của địa phương khi phối hợp xây dựng các tour đưa khách tham quan cả địa đạo và Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP). Nhờ vậy, trung bình mỗi năm, AHTP đều đặn thu hút khoảng 20.000 du khách và hơn 200 đoàn, hội nông dân đến từ các tỉnh thành khác. Bên cạnh đó, một vài hợp tác xã trên địa bàn huyện cũng "thức thời" khi kết hợp các hoạt động tham quan, giáo dục dành cho trẻ nhỏ vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại đơn vị.
HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) thường tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu loài thỏ dành cho học sinh mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn huyện.
HTX Nuôi trồng thủy sản Phát Đạt cũng dự tính xây dựng thêm các không gian đón khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu quy trình nuôi ếch sạch tại đơn vị.
Huyện Cần Giờ với tiềm năng phát triển du lịch sinh thái thông qua các khu rừng ngập mặn và các đảo nhỏ rải rác xung quanh. Bên cạnh đó, nhằm cải thiện sinh kế của người dân trên địa bàn cũng như phát triển sản phẩm du lịch mới cho thành phố, huyện đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) từ năm 2020, do Sở Du lịch Thành phố và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch tham mưu xây dựng.
Ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ là điểm đến du lịch cộng đồng đầu tiên của TP.HCM.
Sản phẩm du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng từng bước đạt được nhiều kết quả ấn tượng, như thu hút hơn 2.000 lượt khách trong và ngoài nước đến thăm, qua đó giúp kinh tế huyện thu về khoảng hơn 400 triệu đồng kể từ khi ra mắt đến nay. Bên cạnh câu chuyện cải thiện sinh kế, du lịch cộng đồng Thiềng Liềng còn bảo đảm giúp huyện phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Ngoài ra, tại các khu vực khác của thành phố như thành phố Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè... đều đã hình thành các điểm đến du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái dựa trên nguồn tài nguyên địa phương, như các khu vườn cây ăn trái, khu sinh cảnh vui chơi... mang đậm sắc thái vùng ngoại ô.
Làm thế nào để tiếp tục đẩy mạnh du lịch nông nghiệp tại thành phố?
Du lịch nông nghiệp tuy đang trên đà phát triển nhưng hiện vẫn chỉ dừng lại ở mức tiềm năng chứ chưa thực sự được khai thác sâu. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, các sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa có sự gắn kết giữa các khu, điểm du lịch với các doanh nghiệp lữ hành hay các đơn vị liên quan.
Từ thực tiễn cho thấy, du lịch nông nghiệp không bị gò bó theo chương trình khép kín hay đơn thuần là nghỉ dưỡng theo cách các tour truyền thống đang khai thác, lại không đòi hỏi sự mạo hiểm hay độ thử thách cao, nên du lịch nông nghiệp là loại hình phù hợp với đa dạng tệp khách, không bị giới hạn độ tuổi, giới tính hay nghề nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển bền vững cần phải có sản phẩm du lịch nông nghiệp mang tính đặc trưng riêng có. Bởi lẽ, sản phẩm du lịch nông nghiệp mang lại cho du khách nhiều giá trị vật chất, tinh thần như thưởng lãm cảnh quan thiên nhiên, giải trí, ẩm thực và kết hợp giáo dục.
Du lịch nông nghiệp cho phép du khách được hòa mình vào đời sống và văn hóa tại địa phương.
Theo đại diện Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, để du lịch nông nghiệp tại TP.HCM tiếp tục phát triển sâu rộng, cần xây dựng một quần thể du lịch nông nghiệp phong phú, đa dạng, hấp dẫn, có tính mới lạ, đặc thù, theo chủ đề và có chất lượng cao. Bên trong mỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp, du khách có thể tìm thấy tính trải nghiệm và tính ứng dụng cao, qua đó thu hút sự tham gia của họ, giúp họ có thêm những kiến thức hữu dụng, lại vừa được thư giãn trong không gian nông nghiệp bên các trò chơi dân gian hay ẩm thực địa phương.
Cũng cần có một môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách. Đó là sự thân thiện về cảnh quan, môi trường thiên nhiên, an toàn về thực phẩm; là sự thân thiện, cởi mở trong mối quan hệ giao tiếp giữa người dân địa phương với du khách; là sự thông thoáng, thuận lợi, dễ dàng của các chính sách quản lý nhà nước về du dịch; là môi trường xã hội an ninh và an toàn. Tất cả bảo đảm cho yếu tố chuyên nghiệp, chất lượng và tính cạnh tranh cao của sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đề xuất 6 giải pháp, bao gồm rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông nghiệp, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, và tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp.